FPT hé lộ kế hoạch lợi nhuận năm 2024, chia cổ tức ngay sau ĐHĐCĐ
Theo thông báo, CTCP FPT (mã chứng khoán: FPT) dự kiến tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 vào ngày 10/4 tới. Được biết, công ty sẽ tổ chức đại hội tại Hà Nội theo cả 2 hình thức là trực tuyến và trực tiếp. Mới đây, FPT cũng đã công bố tài liệu họp đại hội lần này.
Cụ thể, trong năm nay, ‘ông lớn’ FPT đặt kế hoạch doanh thu 61.850 tỷ đồng (tương đương khoảng 2,5 tỷ USD) cùng 10.875 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 18% so với kết quả đạt được của năm 2023.
Trong cơ cấu doanh thu, dự kiến khối Công nghệ sẽ mang về doanh thu nhiều nhất với 31.449 tỷ đồng, tăng hơn 21% so với cùng kỳ và chiếm đến gần 51% tổng doanh thu. Khối Viễn thông và Giáo dục dự kiến đạt 17.600 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 11%. Trong khi đó, khối đầu tư khác có mục tiêu doanh thu tăng 14% và đạt 6.100 tỷ đồng.
Xét về lợi nhuận, khối Công nghệ của FPT trong năm nay dự kiến sẽ đóng góp 5.195 tỷ đồng, tăng trưởng 25%. Ngoài ra, lợi nhuận của khối Viễn thông ước đạt 3.508 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế của khối Giáo dục, đầu tư và khác dự kiến tăng 9% và đạt 2.172 tỷ đồng.
Chia sẻ về kế hoạch đầu tư trong năm nay, FPT cho biết, công ty lên kế hoạch chi ngân sách 2.200 tỷ đồng với mục đích đầu tư cho khối công nghệ, trong đó có cả việc ‘rót tiền’ cho các khu tổ hợp văn phòng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Quy Nhơn, TP.HCM… và đầu tư cho hạ tầng công nghệ.
Riêng đối với khối Viễn thông, tập đoàn dự định chi 2.300 tỷ đồng đầu tư cho các trục cáp chính và cáp biển, đồng thời nâng cấp chất lượng hạ tầng viễn thông nội địa cùng hệ thống trung tâm dữ liệu.
Còn với khối Giáo dục, FPT dự định chi 2.000 tỷ đồng mở rộng các khuôn viên đại học ở khu vực Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM; ngoài ra còn tiến hành mở rộng thêm nhiều cơ sở đào tạo mới tại các tỉnh thành.
Doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng qua từng năm
Năm 2018, FPT bắt đầu tái cơ cấu mô hình hoạt động của tập đoàn. Cũng kể từ đây, doanh thu và lợi nhuận của FPT không ngừng tăng trưởng mạnh qua từng năm. Đồng thời, đà tăng trưởng bền vững cũng liên tục được củng cố, đặc biệt khi kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 của FPT đã thiết lập đỉnh mới.
Cụ thể, doanh thu của FPT năm 2023 được ghi nhận ở mức 52.618 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 9.203 tỷ đồng, so với năm liền trước đã tăng lần lượt 19,6% và 20,1%. Điều đáng nói, đây là năm thứ 6 liên tiếp ‘ông lớn’ này có kết quả kinh doanh tăng trưởng dương.
Với kết quả kinh doanh ấn tượng của năm 2023, Hội đồng quản trị của công ty đã trình các cổ đông thông qua phương án chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương ứng 2.000 đồng cho mỗi cổ phiếu. Trong năm 2023, công ty đã tạm ứng cổ tức với tỷ lệ 10%, phần cổ tức còn lại dự kiến sẽ được chi trả trong quý 2 năm nay nếu như được thông qua.
Năm 2024, FPT còn dự định phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 15%. Điều này đồng nghĩa với việc, mỗi cổ đông sở hữu 20 cổ phiếu FPT sẽ được nhận về 3 cổ phiếu mới. Theo dự kiến, công ty sẽ phát hành thêm hơn 190 triệu cổ phiếu mới với vốn điều lệ vượt 14.600 tỷ đồng. Thời gian thực hiện sẽ không muộn hơn quý 3/2024, sau khi được ĐHĐCĐ thông qua.
Năm 2022, FPT cũng áp dụng phương pháp phân phối lợi nhuận tương tự là 20% bằng tiền mặt và 15% cổ phiếu thưởng.
Năm nay, FPT dự kiến chia cổ tức cho các cổ đông với tỷ lệ 20% bằng tiền mặt, căn cứ theo số lượng cổ phiếu mới sau khi đã xong việc chia cổ tức bằng cổ phiếu.
Doanh nghiệp này cho biết, giai đoạn 2024-2026 sẽ hướng đến việc tăng tốc chuyển đổi số và đẩy mạnh chuyển đổi xanh, bắt đầu hành trình chuyển đổi thông minh. Khối Công nghệ của FPT sẽ mở rộng nhanh chóng các dịch vụ, lĩnh vực và thị trường trên quy mô toàn thế giới bằng việc nâng cao năng lực chuyên sâu trong lĩnh vực Automotive, mục tiêu tăng trưởng 50%/năm cùng doanh thu 1 tỷ USD vào 2030.
Bên cạnh đó, tập đoàn cũng chú trọng mở rộng loạt dịch vụ trong ngành chip bán dẫn và mở rộng các model chip thiết kế; đồng thời tham gia dịch vụ kiểm thử chip, mục tiêu đào tạo 10.000 kỹ sư và chuyên viên ngành bán dẫn đến năm 2030. FPT cũng tiết lộ, hiện tập đoàn đã có đơn đặt hàng cho 70 triệu chíp cho đến năm 2025.
Doanh nghiệp trong thời gian tới cũng tích cực đầu tư cho các dịch vụ AI, Cloud, Cybersecurity, mở rộng dịch vụ Tích hợp hệ thống cũng như dịch vụ quản lý hạ tầng, duy trì tốc độ tăng trưởng ở mọi thị trường. Mục tiêu của khối Viễn thông là trở thành nhà cung cấp dịch vụ Internet và Online với trải nghiệm tốt nhất.
Chốt phiên 13/3 vừa qua, cổ phiếu FPT đang được giao dịch ở mức 117.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ đầu năm, mã này đã tăng 22%, đồng thời chạm đỉnh giá lịch sử. Thời điểm hiện tại, vốn hóa của FPT đang xấp xỉ ở mức 149.000 tỷ đồng./.