Dự báo mới nhất về thị trường bất động sản Công Nghiệp trong năm 2022
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2022, nhìn chung nhiều khu công nghiệp đang chào giá cho thuê trong khoảng 100.000 đồng/ m2. Trong đó, Khu Công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội) sở hữu khu nhà xưởng đa dạng diện tích từ 850-1.200m2 đang cho thuê khá nhộn nhịp.
Theo khảo sát mới đây, nhà xưởng tiêu chuẩn công nghiệp với tổng diện tích 1ha bao gồm nền đổ bê tông, tôn chống nóng, lắp đặt được vai cầu trục 5 tấn; Hệ thống PCCC tiêu chuẩn công nghiệp; Trạm biến áp riêng với công suất lớn;... đang có giấy tờ pháp lý đầy đủ, có văn phòng riêng trong xưởng và ký hợp đồng cho thuê dài hạn, bảo vệ 24/7. Nhà xưởng này đang cho thuê với mức dao động từ 75 - 89.000 đồng/m2 tùy từng vị trí. Theo đó, nhà xưởng nhỏ nhất với diện tích 850m2 sẽ có giá thuê thấp nhất là 75.000 đồng/ m2, tương đương mỗi tháng thu về 63 triệu đồng.
Một nhà xưởng khác tại Phú Xuyên đang được chào giá cho thuê theo gói từ 50 - 120 triệu đồng/ tháng cho các diện tích từ 1.800m2 đến 3.000m2. Số lượng nhà xưởng có hạn, sau Tết chỉ còn một đến hai kho còn trống, như vậy khách thuê có rất ít sự lựa chọn.
Chuyên gia của Collier - Khu công nghiệp Collier Việt Nam đánh giá về các khu công nghiệp tại Hà Nội cũng đang rất thu hút khách thuê. Tiêu biểu tại các khu công nghiệp Thăng Long, Nam Thăng Long, Quang Minh, Nội Bài, Thạch Thất, Đông Anh, Sài Đồng B đều đã được lấp đầy với tỉ lệ 100%. Thị trường bất động sản công nghiệp phía Bắc đã và đang phát triển mạnh mẽ, mở rộng phạm vi ra các tỉnh như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng,...
Theo thông tin từ Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam rất thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong năm 2022, thị trường này sẽ có mức độ cạnh tranh khá cao. Đơn vị này cũng cho biết, hiện tại khu vực miền Bắc đang có khoang 63.5 nghìn ha đất công nghiệp được đầu tư và xây dựng 238 khu, cụm công nghiệp. Các nhà xưởng này đã và sắp được đưa vào hoạt động.
Trong năm 2021, vượt qua sự tác động từ đại dịch Covid - 19, bất động sản công nghiệp phía Bắc vẫn hoạt động thuê và cho thuê sôi nổi. Thu hút nhiều doanh nghiệp với tỷ lệ lấp đầy đạt mức cao. Các chuyên gia đánh giá đây là sự tăng trưởng tất yếu, bởi khu vực này đều tập trung tại những tỉnh thành thu hút lượng vốn FDI hàng đầu cả nước như: Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang,...
Bất động sản công nghiệp cũng được nhiều đơn vị tư vấn đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội bùng nổ trong năm 2022. Tiêu biểu như CBRE Việt Nam, đơn vị này cho rằng thị trường bất động sản công nghiệp trong năm 2022 sẽ diễn biến tích cực hơn so với thời gian trước, thậm chí kéo dài mức tăng trưởng đến năm 2023. Dự kiến, mức giá thuê đất công nghiệp sẽ tăng trưởng ổn định khoảng 4% mỗi năm.
Ngược lại, có nhiều ý kiến lo ngại đối với thị trường này. Cụ thể là cơ sở hạ tầng tại các địa phương còn chưa hoàn thiện; Chi phí logistics chưa thật sự cạnh tranh; Thiếu một số quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Theo chia sẻ từ Ông Ngô Văn Khanh - Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bắc Giang, bất động sản công nghiệp của Việt Nam vẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước với giá công nhân rẻ, hạ tầng kỹ thuật quy hoạch khá tốt, giao thương thuận lợi, tình hình chính trị trong nước ổn định,...
Ngoài ra, việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid - 19 vừa qua cũng là một điểm cộng trước các nhà đầu tư quốc tế. Tuy nhiên, việc phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế. Theo phân tích của ông Khanh, các khu công nghiệp hiện nay chủ yếu tập chung ở những thành phố, địa phương sở hữu cơ sở hạ tầng và giao thông phát triển, giao thương thuận lợi. Tuy nhiên, ở những khu vực này lại thiếu hụt nguồn lao động. Doanh nghiệp phải tuyển dụng lao động ở xa, tiêu tốn thêm các chi phí ăn ở, tiêu dùng cho nhân viên, dẫn tới giá lao công tăng cao.
Ông Khanh cho biết, việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các khu công nghiệp còn nhiều vấn đề khó khăn. Người dân thường có tâm lý lo lắng mất đất để canh tác hoặc việc bồi thường chưa hợp lý nên chưa hoàn toàn đồng thuận việc nhà nước thu hồi đất phát triển công nghiệp. Cùng với đó, nhà nước chưa có nhiều chính sách để tuyên truyền, phổ biến vai trò phát triển công nghiệp đối với đời sống nhân dân như: Gia tăng việc làm, thu nhập cho lao động, nguồn tiêu thụ thực phẩm,...
Do đó, yêu cầu trước tiên cần đồng bộ về hạ tầng và giao thông để có thể phát triển bất động sản công nghiệp bền vững. Các khu công nghiệp cần được quy hoạch và phân bổ hợp lý có tính đặc thù. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư, xây dựng nhà ở tập trung cho công nhân. Nhà nước nên có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp phát triển phân khúc bất động sản công nghiệp nhằm ổn định sản phẩm.
Theo ý kiến của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, bất động sản công nghiệp được xây dựng trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được nhà nước cấp phép thành lập. Hiện nay, thị trường này có tính cạnh tranh không hoàn hảo, thiếu tính hiệu quả. Như vậy, Nhà nước cần can thiệp nhằm giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng bất lợi đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Nhà nước có thể đảm bảo tính pháp lý cho các bất động sản để loại tài sản này có thể giao dịch, mua bán công khai. Ngoài ra, cần quản lý và kiểm soát mọi giao dịch trên thị trường bất động sản để đảm bảo thị trường hoạt động một cách minh bạch. Từ đó, bảo vệ lợi ích của các bên, giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy nền kinh tế chung cùng phát triển.