meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô: Cần xem xét chủ trương bố trí vốn

Thứ bảy, 21/05/2022-08:05
Sáng 20/5, tại kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 vùng Thủ đô.

Ngày 20/5, HĐND TP Hà Nội khóa XVI tổ chức Kỳ họp thứ 5 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, quyết định chủ trương bố trí, cân đối vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô theo kết luận tại Phiên họp thứ 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, Dự án đã được HĐND TP biểu quyết tại kỳ họp thứ 2 (tháng 9/2021) nhất trí về chủ trương đầu tư và bổ sung dự án vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Đồng thời tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 12/2021), HĐND TP tiếp tục đưa dự án vào danh mục các công trình trọng điểm của TP để tập trung chỉ đạo, điều hành.

Sẽ trình Quốc hội vào ngày 23/5

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô có vai trò quan trọng trong liên kết vùng, bảo đảm kết nối giữa các địa phương lân cận với TP Hà Nội.

Tăng cường kết nối giao thông đô thị của TP. Với năng lực thông hành lớn, tốc độ cao và an toàn, tuyến đường sẽ góp phần làm giảm áp lực đối với khu vực nội đô, tạo một trục giao thông hữu hiệu để phân luồng giao thông liên tỉnh khi đi qua TP Hà Nội, hạn chế tình trạng ách tắc giao thông, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường TP và khu vực.

Mở rộng không gian, tạo động lực phát triển mới: khai thác hiệu quả quỹ đất phía Tây đường Vành đai 4 địa phận TP Hà Nội; phát triển đô thị trung tâm, đô thị vệ sinh (Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoà Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên), các khu đô thị Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức đã được quy hoạch; các khu đô thị, công nghiệp 02 bên tuyến trên địa phận tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh...

Góp phần thúc đẩy phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ khu vực làm phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế đô thị, tạo nguồn lực đầu tư phát triển cho tương lai; cải thiện năng lực cạnh tranh của TP Hà Nội, các tỉnh, thành liên quan trong vùng Thủ đô và của cả nước nói chung


Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc Kỳ họp
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu khai mạc Kỳ họp

Phát biểu Khai mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương; trên cơ sở đề xuất của UBND TP, Thường trực HĐND TP quyết định triệu tập Kỳ họp thứ 5, kỳ họp chuyên đề để xem xét về chủ trương cân đối, bố trí nguồn vốn cho Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch HĐND TP cũng chỉ rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết XVIII Đảng bộ TP và các chương trình công tác của Thành ủy; với mục tiêu xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối đô thị trung tâm với các khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường liên kết vùng, mở rộng không gian phát triển, TP đã nghiên cứu và triển khai nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó đặc biệt là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Tại kỳ họp thứ 2 - tháng 9/2021, HĐND TP đã biểu quyết nhất trí về chủ trương và bổ sung dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của TP. Tại kỳ họp thứ 3 - tháng 12/2021, HĐND TP tiếp tục đưa dự án vào danh mục các công trình trọng điểm để tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện.

Theo Chủ tịch HĐND TP, trên cơ sở đó, UBND TP đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh để hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ngày 12/5/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên thứ 11 đã cho ý kiến về dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 3 sẽ diễn ra từ ngày 23/5 tới. Đồng thời Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị TP Hà Nội khẩn trương bổ sung hồ sơ dự án Nghị quyết của HĐND TP về các nội dung tổng số vốn bố trí, tiến độ giải ngân, phân kỳ theo từng năm và cam kết bố trí tăng thêm trong trường hợp phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư của dự án.

"Ngay sau phiên họp, căn cứ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực HĐND TP đã tập trung, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ với UBND TP để chuẩn bị hồ sơ trình HĐND TP"- Chủ tịch HĐND TP cho biết.

Theo đó, tại kỳ họp này, HĐND TP sẽ xem xét, quyết nghị về chủ trương bố trí, cân đối vốn cho dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể gồm các nội dung như: Một là, cam kết nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án từ ngân sách TP giai đoạn 2021 - 2025 là 19.477 tỷ đồng, Giai đoạn 2026 - 2030 là 4.047 tỷ đồng.
Hai là, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần tăng theo quyết định của cấp có thẩm quyền dẫn đến tăng phần nguồn vốn ngân sách địa phương, HĐND TP sẽ cân đối bố trí đủ nguồn vốn để triển khai, hoàn thành Dự án.

Hà Nội "chốt" chi hơn 23.500 tỷ đồng 


Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội.

.Trình bày Tờ trình của UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn cho biết: Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô là dự án quan trọng Quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư theo hình thức đầu tư công kết hợp đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng BOT.

Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km, qua địa phận 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội (dài khoảng 58,2km), Hưng Yên (dài khoảng 19,3km), Bắc Ninh (dài khoảng 25,6km) và tuyến nối khoảng 9,7km.

Điểm đầu: Khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Điểm cuối: khoảng Km40+500 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh).

Dự án được chia thành 3 nhóm dự án với 7 dự án thành phần, bao gồm: (1) Nhóm dự án 01: với 3 dự án thành phần thực hiện giải phóng mặt bằng trên địa bàn các tỉnh thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên; (2) Nhóm dự án 02: với 3 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường song hành triển khai trên địa bàn của các tỉnh thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh; (3) Nhóm dự án 03: với 1 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng BOT.


 
 

Dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô dự kiến có tổng mức đầu tư là 85.813 tỷ đồng, hoàn thành vào năm 2027. Dự kiến, nguồn vốn từ ngân sách TP Hà Nội triển khai dự án là 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 là 19.477 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.

UBND TP cam kết đảm bảo nguồn vốn thực hiện theo tiến độ. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm sẽ được UBND TP trình HĐND TP quyết nghị cụ thể trên cơ sở thủ tục, tiến độ triển khai thực hiện Dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo luật định.

Trình bày báo cáo thẩm tra của HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban KT-NS HĐND TP Hồ Vân Nga cho rằng, nguồn vốn để thực hiện Dự án được sử dụng từ nguồn vốn bố trí cho các dự án lớn, cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và bố trí vốn hàng năm theo tiến độ thực hiện dự án (36.000 tỷ đồng) và từ nguồn dự phòng (15.000 tỷ đồng) đã được HĐND TP thống nhất tại Nghị quyết số 21/NQ-HĐND ngày 23/9/2021 là phù hợp. Dự kiến tổng nhu cầu vốn bố trí cho Dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 là trong phạm vi tổng mức vốn đã được cân đối huy động của TP.

Ban KT-NS HĐND TP đề nghị UBND TP có kế hoạch, phương án, lộ trình cụ thể trong cân đối và huy động các nguồn lực tài chính hàng năm để đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ của Dự án này cũng như các dự án khác của TP.

Cũng theo Trưởng ban KT-NS HĐND TP, việc TP tiếp tục ưu tiên cân đối bố trí vốn để thi công hoàn thành Dự án trong kỳ kế hoạch trung hạn 2026-2030 là cần thiết và có tính khả thi.

Trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án tăng, việc đảm bảo nguồn vốn tăng đáp ứng nhu cầu và tiến độ thực hiện của Dự án là cần thiết. Ban KT-NS cho rằng trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, nhu cầu vốn bổ sung cho Dự án sẽ chủ yếu được cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn kỳ sau 2026-2030 và không vượt quá khả năng huy động của ngân sách TP.

Sau khi thảo luận, các đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã biểu quyết, nhất trí thông qua Nghị quyết thống nhất chủ trương dự kiến nguồn vốn triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô được bố trí từ ngân sách TP là khoảng 23.524 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 là 19.400 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 là 4.047 tỷ đồng.


Phối cảnh một đoạn dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TN/Báo Tin tức
Phối cảnh một đoạn dự án đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Ảnh: TN/Báo Tin tức

Dự kiến bố trí vốn và giải ngân các năm trong giai đoạn 2021- 2025 theo kế hoạch tiến độ triển khai của Dự án như sau: Năm 2020 khoảng 100 tỷ đồng; năm 2023 khoảng 8.397 tỷ đồng; năm 2024 khoảng 5.955 tỷ đồng; năm 2025 khoảng 5.025 tỷ đồng.

HĐND TP Hà Nội thống nhất chủ trương, trong trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án thành phần do TP Hà Nội là cấp quyết định đầu tư và tổ chức thực hiện theo cơ chế được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư của dự án phải điều chỉnh tăng, thì phần vốn tăng thêm sẽ được xem xét bố trí từ nguồn vốn Ngân sách TP.

HĐND TP Hà Nội đề nghị UBND TP triển khai cân đối đủ vốn ngân sách TP để tham gia thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đảm bảo tiến độ được Quốc hội thông qua tại chủ trương đầu tư; đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước, quản lý nợ công và các quy định khác liên quan. Trường hợp huy động nguồn vốn hợp pháp khác ngoài vốn ngân sách TP cần được lập đề án cụ thể, trình cấp thẩm quyền và HĐND TP quyết nghị theo đúng quy định.

Xem xét giãn tiến độ hoàn thành Vành đai 4 Vùng thủ đô

Ngày 19/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông báo kết luận về dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô và Vành đai 3 TP HCM sau phiên họp một tuần trước. Thường vụ Quốc hội tán thành sự cần thiết đầu tư và thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư các dự án này tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, để bảo đảm đạt được sự đồng thuận cao, Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu, giải trình các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án.

Nhận định đây là hai dự án rất quan trọng, đã được Quốc hội xem xét, quyết định, cơ quan trình cần chuẩn bị kỹ lưỡng, tính toán vốn bảo đảm tuân thủ khung của chính sách đã đề ra trong 5 năm. Thường vụ Quốc hội thống nhất triển khai dự án Vành đai 3 TP HCM với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành năm 2026, quyết toán năm 2027.

Đối với dự án Vành đai 4 vùng Thủ đô, Thường Vụ Quốc hội đề nghị nghiên cứu giãn tiến độ một năm, cơ bản hoàn thành năm 2026 và hoàn thành toàn bộ năm 2027 (Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành giai đoạn 2021-2025). Việc này để bảo đảm tính khả thi và cân đối, bố trí phần vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách khác. "Tránh trường hợp tập trung bố trí vốn quá nhiều vào một dự án nhưng không bảo đảm tiến độ triển khai, giải ngân, trong khi những dự án khác có thể thực hiện lại không có vốn", thông báo kết luận nêu.

Thường vụ Quốc hội cũng nhận định việc thực hiện đồng thời nhiều dự án cao tốc trong giai đoạn 2022-2025 sẽ cần nguồn lực rất lớn về nguyên vật liệu, nhà thầu, máy móc thiết bị..., khó bảo đảm chất lượng, tiến độ. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá đầy đủ về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, khả năng gây ra tình trạng khan hiếm và tăng giá nguyên vật liệu... và làm rõ giải pháp bảo đảm tính khả thi cho các dự án, cam kết trước Quốc hội về tiến độ, chất lượng các dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô và dự án Vành đai 3 TP HCM. Riêng dự án Vành đai 4 có thêm nguồn vốn PPP tham gia, Thường Vụ Quốc hội đề nghị giao cho các địa phương tổ chức thực hiện và làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương liên quan, trong đó cần cụ thể hóa vai trò "đầu mối" của Hà Nội và TP HCM.

Thường vụ Quốc hội cũng tán thành cần có một số cơ chế, chính sách đặc biệt cho các dự án này, tuy nhiên Chính phủ căn cứ ý kiến của cơ quan thẩm tra rà soát các cơ chế đặc thù một cách hợp lý.

Đối với đề xuất chỉ định thầu, Chính phủ thực hiện theo quy định pháp luật. Trường hợp cần thiết chỉ áp dụng chỉ định thầu đối với một số gói thầu tư vấn, phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và áp dụng trong 2 năm (2022-2023).

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

Doanh nghiệp bất động sản chủ động "hút" vốn qua phát hành trái phiếu khi kênh truyền thống bị siết

Lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội giảm từ năm 2025

Bảng giá đất mới của Hà Nội: Cần kiểm soát hiệu quả, ngăn chặn tình trạng đầu cơ

Thủ tục pháp lý “cản bước” M&A bất động sản

Chuyên gia: Một lượng vốn khổng lồ vẫn đang “luẩn quẩn” ở thị trường bất động sản miền Bắc

Cuộc sống người dân đảo lộn vì cứ cuối năm lại đào xới vỉa hè

Tin mới cập nhật

Amazon gây sức ép cho các đối tác bán hàng trên Temu

21 giờ trước

Nga bắt đầu sử dụng bitcoin trong giao dịch quốc tế

21 giờ trước

“Độc lạ” TP.HCM: Căn hộ giá mềm bị khách hàng "ngó lơ"

21 giờ trước

PGS.TS. Nguyễn Quang Tuyến: "Nói bảng giá đất mới làm tăng giá bất động sản là hơi oan"

21 giờ trước

TS. Nguyễn Văn Đính: Thị trường bất động sản sắp bước vào chu kỳ “thật” hơn

21 giờ trước