Dòng tiền FDI Hàn Quốc chảy vào bất động sản Việt Nam tăng cao
Hiện nay các hoạt động giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc vẫn được tăng cường đẩy mạnh. Hồi đầu năm nay, Bộ Tài chính Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc và Phòng Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc tổ chức “Hội nghị đối thoại giữa Bộ Tài chính Việt Nam với các doanh nghiệp Hàn Quốc về chính sách, thủ tục hành chính Thuế - Hải quan năm 2022”. Trong chương trình này, cả hai quốc gia sẽ tiếp tục nỗ lực sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế hai lần để cải thiện môi trường hành chính thuế.
Việt Nam mới đây đã tham dự quá trình thảo luận về sáng kiến kinh tế mới tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo đó, với sự tham gia của nhiều nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản trong khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) nơi mở ra nhiều cơ hội giao thương giữa Việt Nam và các quốc gia phát triển khác trong khu vực.
Những năm qua, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam. Cụ thể, theo số liệu năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong những năm gần đây, Hàn Quốc luôn nằm trong top những quốc gia có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam cao nhất. Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, tổng số vốn đầu tư vào Việt Nam từ quốc gia này cao thứ hai, với tổng vốn đăng ký khoảng hơn 2,06 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác lớn nhất với 112 dự án mới, đạt 19,4% tỷ trọng. Hơn thế nữa, đây cũng là quốc gia có nhiều sự điều chỉnh nhất, chiểm 36,7% tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần.
Tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến chế tạo từ Hàn Quốc luôn đạt tỷ lệ cao
Hồi đầu năm nay, tỉnh Thái Nguyên đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mở rộng dự án thêm 920 triệu USD cho Công ty TNHH Samsung Electro-Mechanics Việt Nam.
Theo đó, với lần điều chỉnh lần này, vốn đầu tư nhà máy Samsung Electro - Mechanics tại Thái Nguyên đã tăng từ 1,35 tỷ USD lên 2,27 tỷ USD đây là một con số không hề nhỏ. Nhà máy này sản xuất và lắp ráp các linh kiện, phụ tùng cho các loại thiết bị viễn thông, thiết bị di động công nghệ cao, các loại sản phẩm điện và điện tử khác.
Kể từ năm 2017 trở về trước, tỷ trọng vốn FDI đầu tư vào ngành chế biến chế tạo từ Hàn Quốc luôn đạt tỷ lệ trên 70%. Tính đến tháng 11 năm 2021, tỷ trọng của lĩnh vực này đã ghi nhận sự tăng trưởng khá cao, đạt mức 74%.
Ông Andrew Lee, Quản lý Cấp cao, Bộ phận Phát triển Kinh doanh thị trường Hàn Quốc, Savills Việt Nam bình luận về xu hướng dòng tiền đến từ Hàn Quốc như sau: “Với xu hướng đầu tư theo chuỗi giá trị, đặc biệt là mặt hàng có giá trị gia tăng cao đang ngày càng rõ nét trong những năm qua. Trong đó nhờ vào những ưu thế của khu vực, các dự án tiêu biểu đang tập trung phần lớn tại vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc. Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp truyền thống như dệt may xuất khẩu, năng lượng tiếp tục được ưu tiên tại các khu công nghiệp, kinh tế khu vực phía Nam.”
Vốn FDI đổ vào bất động sản đang tăng lên đáng kể
Ngoài các lĩnh vực sản xuất khác, ngành bất động sản cũng đang thu hút nguồn vốn FDI tăng lên đáng kể từ Hàn Quốc trong thời gian qua. Cụ thể, tỷ trọng đầu tư vào bất động sản tăng gấp đôi vào năm 2018 so với năm trước đó. Con số này đang trên đà tiếp tục tăng lên cao hơn từ năm 2020, đạt 13% tính đến cuối tháng 11 năm 2021.
Liên quan đến nguồn vốn FDI từ Hàn Quốc đổ vào thị trường bất động sản Việt Nam, ông Andrew Lee cho biết, đại dịch Covid-19 đã hạn chế hoạt động thương mại của các nhà đầu tư Hàn Quốc do họ không thể trực tiếp tiếp cận các dự án bất động sản tại Việt Nam.
“Tuy nhiên, quyết định mở cửa đường bay quốc tế vào Quý 1 đã tạo điều kiện để các đơn vị có thể tự do di chuyển và làm việc. Họ đang tích cực tìm kiếm các cơ hội đầu tư để gia nhập và mở rộng tại thị trường. Bởi vậy, chúng tôi cho rằng thời gian tới sẽ ghi nhận nhiều dự án bất động sản được rót vốn từ quốc gia này”, vị chuyên gia này nói.
Từ những ngày đầu năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam đã chào đón nhiều dự án mới. Trong đó, nổi bật là khoản đầu tư 900 triệu USD của Lotte E&C để phát triển khu đô thị thông minh mang tên “Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm”. Ngoài ra, tập đoàn YSL cũng đang tiến hành triển khai dự án đất công nghiệp có diện tích gần 300 ha tại Nam Bình Xuyên, (tỉnh Vĩnh Phúc), một địa phương được xem là thủ phủ của ngành công nghiệp phía Bắc. Với dự án này được định hướng phát triển xanh và công nghệ cao, sở hữu yêu cầu khắt khe về trang thiết bị, khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại. Trong tương lai, khu công nghiệp Nam Bình Xuyên sẽ thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm đến, đặc biệt là doah nghiệp Hàn Quốc, đang tham gia đầu tư tại Vĩnh Phúc.
Bên cạnh đó, lĩnh vực hậu cần, kho vận là một trong những phân khúc bất động sản công nghiệp nhận được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc. Trong đó, xu hướng nổi bật là phát triển kho lạnh hay kho xưởng thông minh.
Ông Andrew khẳng định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng của những doanh nghiệp muốn đa dạng hóa hồ sơ và tránh phụ thuộc vào một nước trong chuỗi cung ứng. Những địa phương sở hữu lợi thế về vị trí địa lý gần biên giới, cảng biến cùng hệ thống hạ tầng giao thông phát triển là điểm đến hấp dẫn cho vốn đầu tư.
Ông này cho rằng, cùng với đó, những cải thiện trong môi trường đầu tư tại Việt Nam đang là động lực quan trọng để nhà đầu tư người Hàn đẩy mạnh dòng vốn vào bất động sản trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục coi Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn có nguyên nhân quan trọng từ những giải pháp rất hiệu quả của cả Chính phủ, doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát linh hoạt, hiệu quả dịch COVID-19 để thúc đẩy sản xuất - kinh doanh và phục hồi phát triển kinh tế. Điều này thể hiện ở các dự án đầu tư FDI chất lượng cao, nguồn vốn lớn đang được rót vào Việt Nam trong thời gian gần đây và tỉ lệ giải ngân đang được đẩy mạnh.
Cụ thể, trong quý I/2022, vốn FDI vào thị trường Việt Nam là 3,2 tỉ USD, giải ngân lên đến 4,42 tỉ USD; trong đó, lĩnh vực hút vốn lớn nhất là công nghiệp chế biến chế tạo và bất động sản.
Để đón sóng đầu tư FDI với quy mô lớn hơn, bền vững hơn, giá trị cao hơn, Việt Nam đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết để trở thành cứ điểm sản xuất quan trọng của thế giới bằng cách tiếp tục hoàn thiện thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.