meeyland app
Meey Land
Cổng thông tin bất động sản xác thực 4.0
Tải ứng dụng

Doanh nghiệp bất động sản như “người sắp chết đuối”, cầm cự chờ cơ hội

Thứ năm, 08/06/2023-14:06
Theo nhận định của các chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản như “người sắp chết đuối”, cầm cự chờ cơ hội- các chính sách, chỉ đạo mới của Chính phủ sẽ như “liều thuốc” tháo gỡ và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh.

Hàng loạt doanh nghiệp phải bán tài sản để cầm cự

Số liệu Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố cho thấy, bức tranh khó khăn của doanh nghiệp ngành bất động sản. Số liệu khảo sát của VARS cho thấy, trong 5 tháng đầu năm, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới giảm 61,4% so với cùng kỳ năm trước khi chỉ có 1.744 doanh nghiệp thành lập mới.


Hàng loạt doanh nghiệp phải bán tài sản để cầm cự (Ảnh minh họa).
Hàng loạt doanh nghiệp phải bán tài sản để cầm cự (Ảnh minh họa).

Theo VARS, các doanh nghiệp bất động sản hiện nay đang như “người sắp chết đuối”, mặc dù đã cố gắng loại bỏ dần các yếu tố làm giảm sức nặng nhưng vẫn không đủ sức để “ngoi lên”.

Về doanh thu, tính riêng trong quý I, doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% so với cùng kỳ, còn lợi nhuận sau thuế giảm 38,6%. Lượng hàng tồn kho lớn, chủ yếu đến từ các dự án xây dựng dở dang, buộc phải tạm dừng do doanh nghiệp không còn đủ nguồn lực để tiếp tục triển khai dự án. Khó khăn trên cũng buộc nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Dữ liệu từ 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất (tính tại thời điểm ngày 31-12-2022) cho thấy, có tới 6 doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm 2022.

Chia sẻ về thực trạng khó khăn hiện nay, đại diện một công ty bất động sản có trụ sở tại TP.HCM cho biết, doanh nghiệp vừa bán thành công một vài lô đất ở TP.HCM. Bên cạnh việc cắt giảm khoảng 60% quy mô nhân sự và tiết giảm các chi phí vận hành khác, nguồn tiền từ những giao dịch này đã giúp công ty thanh toán được các khoản nợ vay và mua lại một số lô trái phiếu trước hạn từ đầu năm đến nay.

Chia sẻ với báo chí tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 9/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xác nhận nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Theo Bộ trưởng KH&ĐT, vấn đề khó khăn của doanh nghiệp trước tiên là dòng tiền. Trong đó, chính sách điều hành tiền tệ hiện có vấn đề "lúc thả nhanh, lúc phanh gấp" khiến doanh nghiệp rất khó khăn. "Nhiều doanh nghiệp lớn đã phải bán gần hết tài sản. Những gì có thể bán được đã bán, chỉ bằng 50% giá thực và người mua là doanh nghiệp nước ngoài. Đây là câu chuyện thâu tóm, chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần", vị này nói.

Như vậy, theo VARS, tính chung, cả nước có trên 95% doanh nghiệp bất động sản phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp phải giảm quy mô lao động hơn 20% so với quý II/2022. VARS dự báo, nếu tình hình thị trường bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp không thể duy trì hoạt động được tới hết quý III và chỉ khoảng 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm nay.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa chia sẻ: “Hiện nay tâm trạng chung của doanh nghiệp là cố gắng cầm cự giữ đơn hàng và trông chờ vào tìm kiếm khách hàng mới. Có những doanh nghiệp không cầm cự được, phải bán bớt một phần tài sản để trả nợ bởi họ không muốn bị xếp vào nhóm nợ xấu hoặc đơn vị bị mất uy tín trong vấn đề thanh toán".

Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường phục hồi, phát triển

Mặc dù thị trường bất động sản khá ảm đạm nhưng theo các chuyên gia, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ, đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường bất động sản, góp phần tháo gỡ và thúc đẩy để phục hồi, phát triển lành mạnh. Theo ghi nhận, thị trường hiện tại cũng chứng kiến một số điểm tích cực hơn so với quý I/2023.


Mặc dù thị trường bất động sản khá ảm đạm nhưng theo các chuyên gia, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ.
Mặc dù thị trường bất động sản khá ảm đạm nhưng theo các chuyên gia, đã có sự chuyển biến tích cực trong chỉ đạo, chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Chỉ trong vòng một tháng, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 4 quyết sách quan trọng hỗ trợ thị trường bất động sản, bao gồm Nghị định 08 về tháo gỡ trái phiếu doanh nghiệp; Nghị quyết 33 về thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Đề án 338 về đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030. Nghị định số 10 hướng dẫn thi hành Luật đất đai, bổ sung quy định về cấp quyền sở hữu cho bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Và tất cả những điều này sẽ giúp cho thị trường hồi sinh nhưng cần có thời gian.

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh đã nhận định, có thể nói sau chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng cũng như của Tổ công tác, đến nay bước đầu đã cơ bản tháo gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý cho các dự án bất động sản. Đã có một loạt các “chuyển động” liên quan đến thị trường này như một số chủ đầu tư công bố sẽ khởi động trở lại các dự án đã bị đình trệ trong giai đoạn khó khăn.

Liên quan tới việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trong thời gian vừa qua, Tổ Công tác đã đi các địa phương để đôn đốc, lắng nghe, rà soát các dự án bất động sản khó khăn như tại TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và các tỉnh thành khác như Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận… Kết quả sau khi xác định được những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở đó, cũng đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp tháo gỡ. Trong đó xác định các khó khăn chủ yếu là vướng mắc về thể chế, vướng mắc về thực thi tại các dự án.

Về thể thế, ông Sinh cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều các Nghị định, các Bộ ngành đã ban hành nhiều Thông tư để giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện các dự án bất động sản. Cụ thể, Bộ Tài chính đã có giải pháp liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp và được tháo gỡ tại Nghị định số 08 của Chính phủ. Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất tháo gỡ liên quan đến pháp luật về đất đai. Ngân hàng Nhà nước cũng có nhiều giải pháp liên quan đến tháo gỡ về nguồn vốn, đặc biệt là nguồn vốn liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

“Bộ Xây dựng có nhiều đề xuất, tháo gỡ nhất là Nghị định sửa đổi các Nghị định trong lĩnh vực xây dựng, trong đó có nhiều điểm tháo gỡ cho các dự án kinh doanh bất động sản thời gian qua. Cùng với đó là, nhóm chính sách về nhà ở xã hội đã được đề xuất sửa đổi trong Luật Nhà ở. Có thể nói các tháo gỡ về mặt thể chế đến nay cơ bản đã được giải quyết", ông Sinh thông tin thêm.

Theo ông Sinh, vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã có Công điện gửi đến các bộ ngành, đặc biệt là các địa phương cần tiếp tục, rà soát tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các dự án bất động sản. Đặc biệt, các dự án đang đầu tư dở dang phải có giải pháp kịp thời như TPHCM, Đà Nẵng, Đồng Nai và một số địa phương phía Nam…. Ngoài ra, một trong những việc rất quan trọng là thúc đẩy các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo đúng Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ tạo nguồn cung nhà ở, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Nhìn nhận về xu hướng của thị trường bất động sản, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết: “Nhu cầu thực đối với bất động sản vẫn có và những chính sách tốt hỗ trợ thị trường đã tạo ra cú hích tương đối, do đó, tôi đánh giá thời điểm khó khăn nhất của thị trường bất động sản đã qua. Theo dữ liệu mà chúng tôi có được, trong tháng 5/2023, nguồn cung và lượng quan tâm tìm kiếm một số loại hình bất động sản đã có dấu hiệu khả quan hơn”, ông Nguyễn Quốc Anh cho biết.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

Tận dụng triệt để quỹ đất để gia tăng nguồn cung nhà ở

Chủ đầu tư “đua” tung ưu đãi nhưng vẫn không dễ bán hàng

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

Người bán nhà cần cẩn trọng với chiêu trò “có khách cọc ngay” của môi giới

Tin mới cập nhật

Bảng giá đất làm chi phí chuyển đổi một nền đất từ 200-300 triệu lên 1-2 tỷ đồng

2 ngày trước

ĐBQH lo ngại “cơn sóng sốt đất” nếu thí điểm mở rộng đất cho nhà ở thương mại

2 ngày trước

Chung cư hạng sang, siêu sang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng nguồn cung

2 ngày trước

Thống đốc NHNN: Chưa tăng giải ngân cho vay nhà ở xã hội trong ngắn hạn

3 ngày trước

Đất nền Thanh Oai trước thềm đấu giá: Người bán người mua đều dè dặt, giao dịch nhỏ giọt

3 ngày trước