Điều kiện cần để bất động sản Việt Nam hồi phục: Tháo gỡ pháp lý
Theo VTV, Thủ tướng Chính phủ vừa qua đã ký ban hành công điện về việc tiếp tục triển khai kịp thời, quyết liệt và hiệu quả các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, an toàn và bền vững.
Trong công điện này chỉ rõ, Chính phủ, Thủ tướng chính phủ từ cuối năm 2022 tới nay đã có nhiều chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, đặc biệt là các khó khăn vướng mắc về nguồn vốn, pháp lý. Qua đó, thị trường bất động sản Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Thế nhưng, thị trường và doanh nghiệp vẫn còn nhiều vướng mắc và khó khăn.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổ công tác tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường địa ốc mạnh mẽ và toàn diện hơn, kịp thời chỉ dẫn tháo gỡ về bất cập trong thủ tục pháp lý, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án bất động sản nhằm tiếp tục thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, bền vững và lành mạnh, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Các doanh nghiệp địa ốc đánh giá cao Chính phủ và Thủ tướng chỉ đạo cho Tổ công tác tháo gỡ khó khăn kịp thời cho các dự án. Đó là nhiều dự án các địa phương đã giải quyết được nút thắt liên quan tới pháp lý. Qua đó, chủ đầu tư triển khai dự án trở lại một cách mạnh dạn hơn, đưa nguồn cung nhà ở ra thị trường, nhất là nhà ở xã hội.
Theo ông Trần Xuân Ngọc, Tổng Giám đốc Nam Long Group, đã có nhiều công tác về quản lý, triển khai pháp lý, xin được giấy phép về thực hiện dự án, nõ cũng thúc đẩy nhanh và mạnh hơn so với trước kia. Đó là điểm tích cực.
Ngoài sự hỗ trợ từ Chính phủ, các doanh nghiệp hiện đang chủ động tái cấu trúc sản phẩm và hạ giá thành nhằm đáp ứng đúng nhu cầu ở thực, kích thích giao dịch trở lại. Thực tế cho thấy, các dự án căn hộ mở bán cuối năm ở TP HCM đa phần là phân khúc bình dân và trung cấp.
Theo ông Hoàng Liên Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Môi giới Bất động sản Alpha, có nhiều chủ đầu tư đã triển khai chỉ đạo của Chính phủ khi hạ giá từ 20-30% giá sơ cấp bán ra thị trường. Tuy nhiên, đó là cách giảm giá nguồn cung sơ cấp dành cho người mua mới.
Dẫu vậy, không ít doanh nghiệp nhận định rằng việc thực hiện dự án vẫn còn nhiều bất cập, trong đó chủ yếu tập trung vào những nhóm vấn đề, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư, điều kiện kinh doanh bất động sản, khó khăn trong giao đất cho doanh nghiệp hay khó khăn triển khai nhiệm vụ xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Bởi vậy, ngoài việc giảm lãi suất cho vay thì tháo gỡ pháp lý cũng là một yếu tố thúc đẩy sự hồi phục của thị trường bất động sản Việt Nam.
Theo ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng tại BIDV, lãi suất cho vay để mua, sửa nhà hiện nay ở mức 9-10% so với mức 12-13% của năm ngoái. Thế nhưng, cầu của người dân còn yếu. Tiếp đó là vấn đề liên quan tới pháp lý, và rõ ràng cả người mua và bán không thể triển khai được. Bởi vậy, ông mong rằng phải tháo gỡ được nút thắt quan trọng hiện nay là pháp lý trên thị trường địa ốc.
Công điện mới đây cho thấy Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương khẩn trương đẩy mạnh việc lập, phê duyệt các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng làm cơ sở để triển khai các dự án, đặc biệt là các dự án nhà ở thương mại có giá phù hợp. Điều đó được các doanh nghiệp ủng hộ để tháo gỡ những vướng mắc hiện tại.
Theo dõi thêm các bài viết trên trang Meeyland để cập nhật tin tức mới nhất về thị trường bất động sản!