Đề xuất dùng TPDN làm tài sản bảo đảm để vay ngân hàng: Không thể dùng nợ để vay nợ!
Đề xuất thế chấp bằng trái phiếu để vay ngân hàng
Có thể thấy, dù Ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5-2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng cộng với khoảng 200.000 tỉ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế, nhưng đến nay, các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay được tín dụng.
Thực tế, điều này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia khi việc nới room tín dụng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế dịp cuối năm, tín dụng hướng vào khu vực sản xuất, kinh doanh thay vì bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ “chuẩn” tín dụng. Do vậy, các ngân hàng thương mại “không dám” cho vay đối với nhiều trường hợp.
Ông Châu cho biết doanh nghiệp xin vay khoản tín dụng mới mặc dù có tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận do doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (dù chỉ thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
“Nếu có được khoản vay mới thì doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh, tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và thanh toán khoản vay đáo hạn, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn”, ông Châu nêu.
Ngoài ra, ông Châu cũng cho biết doanh nghiệp xin vay tín dụng mới và đề nghị được thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp đã hết tài sản bảo đảm, nhưng không được ngân hàng thương mại chấp thuận. Lý do là ngân hàng không chấp thuận tài sản bảo đảm là trái phiếu nên không đạt “chuẩn” tín dụng.
“Nếu có được khoản vay mới và được phép thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp thì đây là nguồn vốn vay quý giá, có tính chất là “vốn mồi” để doanh nghiệp có thể triển khai hoạt động đầu tư kinh doanh. Như vậy sẽ tạo được dòng tiền và thanh khoản thì hoàn toàn có thể hoàn trả khoản vay mới và các khoản vay cũ, có lợi cho cả doanh nghiệp và tổ chức tín dụng cùng “dìu” nhau vượt qua khó khăn”, ông Châu nói.
Ông Châu cũng nêu thực tế, hiện nay hầu như không có căn hộ nhà ở xã hội trên thị trường, trong khi nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang thực hiện chính sách giảm giá bán nhà, chiết khấu sâu trên dưới 50% dẫn đến giá bán căn hộ tại một số dự án khoảng 2 tỉ đồng/căn, nhưng người mua nhà ở thương mại chưa vay được tín dụng với lãi suất hợp lý.
Bên cạnh đó, do gói tín dụng 40.000 tỉ đồng hỗ trợ giảm 2%/năm lãi suất vay theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, nhưng đến hết tháng 10.2022 mới chỉ giải ngân được khoảng 21.000 tỉ đồng chỉ đạt 52,5%. Như vậy gói này có khả năng “bị ế” mà nếu không sử dụng hết thì lãng phí nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Do vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cho phép “tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2, nhóm 3) chưa thanh toán với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay”.
Đồng thời cho phép “tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp được trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay”.
Không thể dùng nợ để vay nợ
Trước đề xuất dùng trái phiếu doanh nghiệp làm tài sản đảm bảo, nhiều chuyên gia cho rằng khó thực hiện bởi trái phiếu do doanh nghiệp phát hành là nợ của doanh nghiệp, không phải là tài sản nên không thể đem đi thế chấp vay vốn được. Chỉ có trái phiếu doanh nghiệp đầu tư mới là tài sản của doanh nghiệp.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng không thể lấy một khoản vay này làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay khác.
“Doanh nghiệp phát hành trái phiếu để lấy tiền, tức là một khoản vay nợ, nhưng hiện nay họ lại muốn dùng khoản vay nợ này để làm tài sản bảo đảm để vay vốn ngân hàng thì rất khó được chấp nhận. Ngân hàng họ sẽ không đồng ý cho vay như vậy”, ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cũng chia sẻ: Ví dụ các quốc gia khác, ở Mỹ chẳng hạn, ở giai đoạn khủng khoảng 2008, ngân hàng họ khi bán khoản vay mua nhà thì có ngôi nhà bảo lãnh, họ lấy nhà đó để phát hành trái phiếu. Còn đề xuất lấy khoản vay của mình để làm tài sản bảo đảm vay tiếp khoản khác thì khá là khó hiểu!
Theo chuyên gia này, việc cho vay của ngân hàng phải tuân thủ nhiều quy định như doanh nghiệp vay không có nợ xấu, dự án khả thi và các quy định về tài sản bảo đảm, để trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì tài sản đó được ngân hàng phát mãi để thu hồi vốn cho vay. Do đó, tài sản bảo đảm phải có cơ sở, còn nếu không đáp ứng quy định thì ngân hàng sẽ gánh rủi ro lớn. Thậm chí, nếu ngân hàng chấp nhận những tài sản thế chấp không nằm trong danh mục còn vi phạm pháp luật.
Ông Thịnh chia sẻ rằng ngân hàng có thể lấy cổ phiếu doanh nghiệp làm tài sản thế chấp, nhưng lấy trái phiếu để làm tài sản bảo đảm cho một khoản vay khác là rất rủi ro.
Thậm chí, ông Thịnh cho rằng thời gian qua, các loại trái phiếu phát hành tại Việt Nam đều chưa được xếp hạng tín nhiệm, nhiều loại trái phiếu không có tài sản bảo đảm, một số doanh nghiệp công bố huy động vốn trái phiếu với lãi suất cao nhưng không có phương án kinh doanh khả thi. Điều này tiềm ẩn rủi ro trong việc trả nợ trái phiếu sau này.
“Thậm chí có hiện tượng ngân hàng thương mại bắt tay doanh nghiệp “sân sau” phát hành trái phiếu vô tội vạ, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế”, ông Thịnh nói.