Chuyên gia “mách nước” giải cứu các doanh nghiệp xây dựng trên bờ… phá sản
“Thập diện” khó khăn
Dịch bệnh Covid-19, khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới được xem là nỗi ám ảnh đối với các doanh nghiệp. Trên thế giới, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã ngậm ngùi tuyên phố phá sản hoặc phải thu hẹp phạm vi hoạt động vì thua lỗ. Không ít doanh nhân trước đó là tỉ phú nhưng cũng phải trắng tay sau khi những làn sóng dịch bệnh đi qua.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Thống kê, năm 2020 có đến hơn 100.000 doanh nghiệp phá sản hoặc phải tạm dừng kinh doanh. Trong 9 tháng năm 2021, cả nước có đến hơn 90.000 doanh nghiệp bị khai tử. Và trong 2 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 33.000 doanh nghiệp và có gần 9.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Dẫn các số liệu này để cho thấy sự “hủy diệt” của dịch bệnh đối với các doanh nghiệp lớn khủng khiếp như thế nào. Hiện tại, một trong số ngành đang chịu “thập diện” khó khăn chính là các doanh nghiệp xây dựng.
Mới đây, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có một bản báo cáo về một “bức tranh u ám” đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng. Theo đó, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp xây dựng của Việt Nam từng bị đánh giá là yếu kém, lạc hậu đã nằm trong top tại Đông Nam Á. Các kỹ sư, doanh nghiệp người Việt đã xây dựng được nhiều công trình có kỹ thuật hết sức phức tạp mang tính biểu tượng như tòa nhà 81 tầng tại TP.HCM, cầu Bạch Đằng… Bên cạnh đó, tiến độ, chất lượng không hề thua kém các doanh nghiệp lớn đa quốc gia. Các doanh nghiệp xây dựng cũng đã góp khoảng 12% GDP hàng năm.
Sau dịch Covid-19, đa số các doanh nghiệp xây dựng đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, họ đang phải đúng trước rất nhiều những khó khăn bao trùm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhỏ không thể trụ vững phải tuyến bố phá sản.
Khó khăn thứ nhất chính là việc bão giá vật liệu xây dựng tăng đến 40% từ năm 2021 đến nay. Tiếp đó là khó khăn về nguồn nhân lực. Khi nhiều doanh nghiệp chưa thể phục hồi được số nhân lực như thời điểm trước dịch. Thứ ba là các vướng mắc về thủ tục pháp lý.
Theo ông Hiệp, một trong những khó khăn lớn nhất đối với các doanh nghiệp ngành xây dựng đó là vấn đề nợ đọng. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam có đến 90% là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quy mô chỉ dưới 100 tỷ đồng. Các doanh nghiệp lớn có vốn từ 100 tỷ cho đến dưới 1.000 tỷ đồng đã là doanh nghiệp lớn. Còn lại, các doanh nghiệp có vốn trên 1.000 tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tuy nhiên, nợ đọng không thanh toán được hầu như xảy ra ở khắp các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn. Có doanh nghiệp nợ đồng chục tỷ, trăm tỷ thậm chí là vài ngàn tỷ đồng.
“Các doanh nghiệp xây dựng vốn nhỏ, phải đi vay vốn ngân hàng chịu lãi suất để có tiền thi công. Chính những khoản nợ đọng này đã khiến các doanh nghiệp xây dựng đứng trước nguy cơ phá sản nếu không thu hồi được nợ”, ông Hiệp chia sẻ.
Nhiều chủ doanh nghiệp từng tâm sự rằng, liên tiếp những khó khăn dồn dập ập đến khiến các doanh nghiệp xây dựng vốn đã khốn đốn nay lại thêm phần khó. Nhiều doanh nghiệp nhỏ có thể tạm dừng hoạt động nhưng đối với các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các doanh nghiệp đã niêm yết thì không thể dừng hoạt động được. Bởi với cả ngàn nhân công, nếu họ dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô thì sau này tuyển lao động lành nghề rất khó. Bên cạnh đó, đối với những doanh nghiệp lớn, liên quan đến niêm yết, nếu dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sẽ ảnh hưởng đến cổ phiếu và các nhà đầu tư.
“Cấp cứu” bằng các giải pháp đồng bộ
Đó chính là câu hỏi mà nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng đang hoay hoay tìm câu trả lời. Về vấn đề này, Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm cho rằng, những năm qua, các doanh nghiệp ngành xây dựng đã góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam đối với quốc tế thông qua nhiều công trình lớn. Trước đây, các công trình lớn, tầm cỡ, chủ đầu tư phải liên hệ các nhà thầu nước ngoài để thi công.
“Khó khăn hiện nay xuất hiện ở hầu hết các ngành không chỉ riêng ngành xây dựng. Chính vì thế, việc tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng cũng nên tìm được giải pháp căn cơ”, Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói.
Theo vị này, khó khăn lớn nhất của ngành xây dựng hiện nay là nợ đọng và không có khối lượng công việc đủ lớn. Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có rất nhiều như ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến các công việc bị thu hẹp. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp bất động sản bị siết tín dụng cũng tác động đến ngành xây dựng. Bởi họ không có tiền làm dự án mới cũng như không có nguồn vốn để thanh toán nợ đọng.
Tiến sĩ Trần Khắc Tâm nói rằng, để hỗ trợ ngành xây dựng cần phải có nhiều biện pháp đồng bộ.
Thứ nhất, các tổ chức tín dụng cần ưu tiên hợp lý tín dụng cho các doanh nghiệp ngành xây dựng tại các dự án trọng điểm, dự án lớn, dự án tác động đến nhiều lĩnh vực khác. Tiếp theo đó là giảm lãi suất ngân hàng, giãn nợ đối với các khoản vay trước đó. Bởi hiện nay, nhiều doanh nghiệp xây dựng đang chật vật trả lãi hàng tháng khi mà nợ đọng chưa thể thu được. Việc siết room tín dụng đối với ngành bất động sản cũng tác động đến ngành xây dựng tương đương với ngành bất động sản.
Thứ hai, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam đề xuất Thủ tướng giao các Bộ, ngành nghiên cứu chế tài yêu cầu chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng cho 20% vốn thanh toán cuối dự án, khi dự án kết thúc. Đây cũng là đề xuất hợp lý để đảm bảo sự bình đẳng đối với các nhà thầu và chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đối với các khoản chậm thanh toán mà nguyên nhân xuất phát từ các chủ đầu tư thì phải phạt theo lãi suất ngân hàng thương mại.
Thứ 3, theo phản ánh của các nhà thầu xây dựng, do nguyên vật liệu khan hiếm, tăng giá dẫn đến việc đơn giá, định mức xây dựng dự án lại thấp, không sát với giá trên thị trường. Nhiều địa phương công bố các chỉ số giá vật liệu không cập nhật với thị trường. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên chăng nghiên cứu bổ sung, thay đổi hệ thống định mức đơn giá theo lộ trình để giá sát hơn với thị trường và gỡ khó cho doanh nghiệp xây dựng.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam từng chia sẻ rằng, về việc cơ chế thanh toán, Hiệp hội Nhà thầu đã nhiều lần kiến nghị để bảo vệ nhà thầu khỏi bị thua thiệt với các chủ đầu tư cả bằng văn bản và các đề xuất trực tiếp nhưng cho đến nay chưa có cơ quan chức năng nào lên tiếng. Hiện nay, các nhà thầu hầu hết là phải chịu thua thiệt trong các cuộc tranh chấp giữa các chủ đầu tư và nhà thầu.