Chuyên gia Dragon Capital: Kinh tế 2024 cơ hội nhiều hơn khó khăn
Đồng pha giảm lãi suất
Tại Diễn đàn “Kịch bản Kinh tế Việt Nam 2024” sáng 11.1.2024, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhìn nhận rằng: “Bối cảnh bất ổn năm qua càng cho thấy ý nghĩa của những kết quả Việt Nam đã đạt được. Đó là kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an sinh xã hội và các cân đối lớn của nền kinh tế; tăng trưởng phục hồi tích cực, phản ứng chính sách linh hoạt, thu hút các nguồn lực bên ngoài hiệu quả…”.
Tuy vậy, theo bà Hằng, kinh tế thế giới năm tới vẫn bất định, bất ổn, đồng thời định hình các “luật chơi mới” tạo ra sức ép bắt buộc phải thực thi, tác động đến khả năng cạnh tranh, thích ứng của các nước đang phát triển. Điều này có tác động không nhỏ đến Việt Nam.
Chung quan điểm, TS Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV cho hay, năm qua Việt Nam tăng trưởng 5,5%, dù không đạt mục tiêu nhưng mức tăng này ở mức khá cao so với khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Tín hiệu phục hồi đã thể hiện rõ từ quý 2 cho đến nay, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, nghĩa vụ nợ vẫn khá ổn…
Ngoài ra, theo ông Lực, đỉnh lạm phát thế giới đã qua lâu, từ quý 3/2022. Cuối năm 2023, lạm phát thế giới đã về mức 5% và dự báo năm nay sẽ tiếp tục giảm, dù chậm, có thể ở khoảng 4%. Để lạm phát về được mức 2% như kỳ vọng thì còn khá lâu dài, có thể phải 2025-2026. Tuy nhiên, quan điểm về lạm phát tối ưu của nhiều quốc gia có thể thay đổi khi không nhất thiết phải là 2%, mà có thể cao hơn.
Tuy vậy, ông Lực cho rằng, những khó khăn hiện hữu có thể kể đến như xuất khẩu giảm chưa từng có, kéo theo sản xuất công nghiệp bị suy giảm suốt từ đầu năm; tiêu dùng cuối tăng rất thấp, chỉ 3,52%, cho thấy người dân tiết kiệm hơn, thận trọng hơn…
Ở góc nhìn lạc quan hơn, bà Minh Đặng, Giám đốc khối nghiên cứu, Dragon Capital cho rằng kinh tế Việt Nam 2024 có nhiều cơ hội hơn khó khăn.
Bà đề cập đến việc chỉ số hàng tồn kho đã trở về mức bền vững, kỳ vọng đáy của nền sản xuất đã qua và năm 2024 sẽ phục hồi.
Quan trọng hơn, bà Minh Đặng nhìn nhận, tín hiệu tích cực là sự đồng pha của việc giảm lãi suất. “Tháng 11 vừa rồi, lần đầu tiên số lượng các ngân hàng trung ương trên thế giới giảm lãi suất nhiều hơn số ngân hàng trung ương tăng. Việt Nam đã đi trước việc giảm lãi suất so với các nước, nhưng sự đồng pha giữa các quốc gia còn quan trọng hơn”, bà Minh Đặng nói.
Ngoài ra, chuyên gia này cho biết, dòng tiền đầu tư trực tiếp lẫn đầu tư trên thị trường chứng khoán sẽ mạnh mẽ hơn. Đối với xuất khẩu, mức đáy hiện cũng đã qua và có nhiều hứa hẹn trong thời gian tới. Chưa kể, đầu tư công cũng đang tạo niềm tin để các doanh nghiệp có niềm tin đầu tư trở lại và Chính phủ đang rất quyết liệt thúc đẩy vấn đề này.
Củng cố, phát huy các động lực tăng trưởng cũ lẫn mới
Trước bối cảnh đó, TS Cấn Văn Lực đề nghị cần tập trung củng cố và thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống lẫn động lực mới của Việt Nam.
Đối các động lực tăng trưởng truyền thống, ông Lực cho rằng lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp khá thấp, nên phải kích cầu lĩnh vực này. Còn về phía cầu, lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng cần phải thúc đẩy mạnh hơn khi mức tăng rất thấp như hiện nay.
“Chúng ta phải kích cầu đầu tư tư nhân, không thể để mức thấp “chưa từng có” như vừa qua, thấp hơn cả thời COVID-19”, ông Lực nói và cho rằng giải pháp là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, lấy lại niềm tin của người dân, doanh nghiệp. Chỗ ngứa chính là đầu tư tư nhân và tiêu dùng, phải gãi đúng chỗ.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia, chuyển đổi số tốt cũng giúp GDP tăng thêm hàng năm từ 0,65-1,25 điểm phần trăm. “Tuy vậy, năng suất lao động vừa rồi tăng rất thấp, chỉ 3,65%. Vấn đề này cần làm rõ là vì sao chuyển đổi số tốt mà năng suất lao động lại thấp như vậy, phải chăng là tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm?”.
“Chúng ta cần phát huy, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế, bởi hiện nay chúng ta chậm quá. Việc xử lý doanh nghiệp, tổ chức tín dụng yếu kém… của chúng ta khá chậm, ảnh hưởng đến nguồn lực”, ông Lực nói.
Theo vị chuyên gia, cần đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế (nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng…); quan tâm xây dựng thể chế cho phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo (bao gồm cả cơ chế thử nghiệm – sandbox).
Ngoài ra, cần sớm xây dựng đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo; thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia; thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh…
“Thực thi hiệu quả liên kết vùng, phát huy hiệu quả các đầu tàu kinh tế/trục tăng trưởng; xây dựng chiến lược, giải pháp cụ thể nhằm tăng tính độc lập, tự chủ, tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế; trong đó bao gồm các giải pháp nâng cao vị thế và vai trò của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, chú trọng hơn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, tận dụng tốt hơn các FTA”, ông Lực nói.
Theo ông Lực, các doanh nghiệp cũng cần kiến nghị đúng, trúng, kiên trì; cơ cấu lại hoạt động; kiểm soát rủi ro dòng tiền, rủi ro lãi suất, tỷ giá...; chủ động tìm hiểu, tiếp cận các Chương trình, gói hỗ trợ (nhất là các gói hỗ trợ tài khóa, thuế - phí, tín dụng, cơ cấu lại nợ...); đa dạng hóa nguồn vốn, thị trường, đối tác, nguồn cung; chủ động sản xuất xanh và kinh doanh tuần hoàn; thực thi chiến lược chuyển đổi số…