ChatGPT liệu có thể giúp Microsoft vượt mặt Google?
BÀI LIÊN QUAN
ChatGPT sắp đối đầu với Bard, cuộc chiến giữa Microsoft và Google chuẩn bị lên cao tràoMicrosoft muốn dùng ChatGPT để vượt mặt Google trong cuộc chiến công cụ tìm kiếmTỷ phú Bill Gates: ChatGPT có thể thay đổi thế giới, AI trở thành tâm điểm của năm 2023Theo thông tin từ Business Insider, mới đây Microsoft thông báo về việc tích hợp ChatGPT với công cụ tìm kiếm Bing. Điều đáng nói, bước đi này có thể mang đến một mối đe dọa trực tiếp với gã khổng lồ tìm kiếm Google. Suốt nhiều năm liền, Microsoft đã đầu tư vào OpenAI - công ty đứng sau công cụ ChatGPT gây bão thời gian gần đây. Nguồn tin từ Bloomberg cho thấy, giá trị của khoản đầu tư này ước tính lên đến 10 tỷ USD.
Trước khi Microsoft chính thức ra mắt Bing được tích hợp với ChatGPT, nhiều người trong ngành đã cảm nhận được mối đe dọa đến từ cái bắt tay giữa Microsoft và OpenAI. Lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, gã khổng lồ công nghệ Google đứng trước áp lực buộc phải chuyển mình.
Để hiểu rõ hơn lý do vì sao ChatGPT có thể giúp Microsoft vượt mặt Google, mời bạn đọc tham khảo thêm thông tin tại bài viết ChatGPT là gì và OpenAI là gì.
Google bị rơi vào thế bị đe dọa
Liên quan đến vấn đề này, Wedbush Securities nhận định, việc tích hợp ChatGPT vào Bing cũng sẽ trở thành một “thách thức của thị trường tìm kiếm trực tuyến thông qua việc nhanh chóng giành giật thị phần đúng thời điểm người dùng hào hứng với những trải nghiệm cùng với lợi ích mới”.
Trong khi đó, ông Daniel Newman - nhà phân tích tại Futurum Research cho rằng, thông báo mới của Microsoft nhiều khả năng chính là “thách thức đầu tiên đối với vị trí số 1 bị độc chiếm bởi Google suốt nhiều năm nay”.
Điều đáng nói, Microsoft được hỗ trợ bởi ChatGPT nhưng Google cũng muốn nhắc nhở mọi người rằng, họ cũng đã và đang nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Chưa kể, những người sáng lập ra ChatGPT đều là cựu nhân viên của Google. Đồng thời, chữ “T” trong GPT chính là viết tắt của “Transformers” - một kỹ thuật AI được phát minh bởi Google.
Trước đó, ông Sundar Pichai - CEO Alphabet, công ty mẹ của Google chia sẻ trong cuộc họp cổ đông quý 4/2022 của Google rằng, nhiều tính năng được hỗ trợ bởi AI cũng sẽ có trong các sản phẩm phổ biến của gã khổng lồ tìm kiếm này. Đồng thời, vị CEO này cũng đã kêu gọi mọi người cùng tham gia thử nghiệm Bard - chatbot cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT. Được biết, thông báo nội bộ này đã được gửi đi ngay sau khi Google công bố dịch vụ.
Tuy nhiên, động thái quá mức gấp gáp cho thấy, Google đang chịu nhiều áp lực từ độ phủ sóng mạnh mẽ của ChatGPT. Tuy nhiên, không riêng gì Google mà Baidu - gã tìm kiếm khổng lồ của Trung Quốc cũng sẽ ra mắt dự án Ernie Bot - một chatbot tương tự như ChatGPT vào tháng 3 năm nay. Trong thông báo mới nhất của mình, Baidu dự định sẽ tích hợp Ernie vào dịch vụ tìm kiếm của mình.
Liên quan đến vấn đề này, Bloomberg cho biết, gã khổng lồ tìm kiếm của Trung Quốc trong nhiều năm qua đã đổ hàng tỷ USD vào việc nghiên cứu AI.
Microsoft đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt
Có thể nói, Microsoft đang chiếm thế thượng phong trong cuộc đua tìm kiếm AI. Tuy nhiên, ông lớn này cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh vô cùng gay gắt. Đáng chú ý, các nhà phân tích tại Guggenheim Research đã đặt ra câu hỏi rằng: “Chúng tôi cho rằng, tất cả các hãng tìm kiếm sẽ tận dụng công nghệ này. Câu hỏi được đưa ra đó là, liệu Microsoft có thể nắm giữ được lợi thế vượt trội so với những đối thủ hay không?”
Để có thể giữ được vị thế dẫn đầu, chắc chắn Microsoft sẽ phải gấp rút hơn nữa. Nhiều thập kỷ qua, Bing thường xuyên xếp sau Google Search cùng khoảng cách rất xa. Nhiều ước tính chỉ ra rằng, Bing chỉ chiếm 9% thị phần, trong khi Google là 80%. Như Microsoft hứa hẹn, sau khi tích hợp với ChatGPT, người dùng Bing sẽ được trải nghiệm hàng loạt tính năng mới với nhiều gợi ý về thương hiệu, địa điểm du lịch nhờ những câu hỏi đơn giản. Dù nhập ít từ khóa hơn, người dùng vẫn có thể tìm kiếm thông tin một cách nhanh nhạy hơn.
Đồng thời, Microsoft còn mong muốn có thể đưa ChatGPT vào nhiều phần mềm khác, điển hình như Microsoft Excel và PowerPoint. Tuy nhiên, theo nhận định của Business Insider, với “kho vũ khí khổng lồ cùng với kinh nghiệm phát triển AI nội bộ” Google đã sẵn sàng cho cuộc đua này. Gã khổng lồ tìm kiếm Mỹ cũng đã lên kế hoạch đưa siêu AI vào Gmail cùng với Google Docs.
Liên quan đến vấn đề này, ông Erik Hamilton - Trưởng bộ phận tìm kiếm của công ty tiếp thị Good Apple cho biết, các công cụ của Google trong đó có Google Chrome có rất nhiều người dùng trung thành. Do đó, những công cụ AI sẽ tiếp tục giữ chân họ thay vì mạo hiểm chuyển sang Microsoft. Vì thế, Microsoft nếu muốn thu hút người dùng một cách nhanh chóng thì cần phải tận dụng được sử mới mẻ cũng như độ phủ sóng của ChatGPT.
Công ty mẹ Google mất 100 tỷ vốn hóa sau 1 đêm
Mới ngày 6/2 vừa qua, CEO Sundar Pichai đã giới thiệu chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) và cho biết, chatbot này đang trong quá trình thử nghiệm mang tên là Bard. Dự kiến, chatbot này sẽ được ra mắt trong những tuần tới. Đây được cho là động thái của Google nhằm cạnh tranh với ChatGPT của OpenAI.
Điều đáng nói, ngay trong lần đầu tiên xuất hiện, Bard đã được phát hiện là đưa ra câu trả lời không chính xác. Cụ thể, trong một bài viết giới thiệu về Bard trên blog của Google, CEO Pichai đã lấy ví dụ về việc chatbot này có thể giải thích về kính viễn vọng không gian James Webb (JWST) của NASA bằng câu hỏi: “Tôi có thể kể cho đứa con 9 tuổi của mình nghe được những khám phá mới nào từ JWST?”.
Theo đó, Bard đã đưa ra 3 gạch đầu dòng, đáng chú ý trong đó có một câu nói rằng JWST “đã chụp những bức ảnh đầu tiên về một hành tinh ở bên ngoài hệ Mặt trời”. Theo một số nhà thiên văn học, điều này không hề chính xác. Hình ảnh đầu tiên về một hành tinh bên ngoài hệ mặt trời được chụp bởi hệ thống kính viễn vọng Very Large Telescope ở Chile vào năm 2004 chứ không phải JWST. Được biết, thông tin này cũng đã được đăng trên trang web của NASA.
Viết trên Twitter, Bruce Macintosh - giám đốc Đài thiên văn của Đại học California tại UC Santa Cruz cho biết: “Câu trả lời đó không hề đúng. Có lẽ, Bard nên đưa ra một ví dụ khác chuẩn xác hơn”. Đồng quan điểm, một nhà thiên văn học khác cho rằng, vấn đề lớn nhất với các chatbot AI như ChatGPT cùng với Bard là có xu hướng đưa ra những thông tin không chính xác. Đương nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến trải nghiệm cũng như kiến thức của người dùng.
Sau câu trả lời “nhầm lẫn” của Bard, cổ phiếu của Alphabet (công ty mẹ Google) đã lao dốc 8% ngày 8/2, con số này tương đương 100 tỷ USD vốn hóa của tập đoàn. Theo nhận xét của nhà phân tích phần mềm cao cấp tại D.A. Davidson là Gil Luria: “Trong những tuần qua, có vẻ như Google đã cố gắng để không bị chậm lại trong cuộc đua chatbot AI. Thế nhưng dường như họ đã hơi vội vàng, dẫn đến sự lộn xộn đáng xấu hổ khi Bard đã trả lời sai câu hỏi ngay từ lần đầu tiên”.
Tất nhiên, Internet vẫn có rất nhiều thông tin sai lệch, gây hiểu lầm. Tuy nhiên, vấn đề ở đây vẫn phức tạp hơn nhiều bởi Google và Microsoft đều muốn sử dụng những công cụ như Bard và ChatGPT để làm công cụ tìm kiếm. Cụ thể, vào ngày 7/2 vừa qua, Microsoft đã lên tiếng công bố những kết quả đầu tiên về việc bắt tay hợp tác lâu dài với OpenAI. Cả đôi bên đã đưa AI được cải tiến dựa trên ChatGPT vào trong công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft.
Đồng thời, Microsoft cũng đang cố gắng giảm thiểu trách nhiệm về thông tin sai lệch thông qua một thông báo: “Bing được hỗ trợ bởi AI nên có thể sẽ xảy ra một số sai sót. Hãy đảm bảo rằng, bạn luôn kiểm tra lại thông tin và chia sẻ phản hồi để chúng tôi có thể cải thiện một cách sớm nhất”.