Cần đánh giá lại tiêu chuẩn “thu nhập thấp” để người dân dễ dàng tiếp cận vốn vay ưu đãi
BÀI LIÊN QUAN
Lãi suất huy động từ nay đến cuối năm đã "hết cửa” giảm?Giá vàng biến động mạnh sau khi Fed giảm lãi suất: Lo ngại hoạt động "chốt lời" của giới đầu cơLãi suất giảm không phải là phương án lâu dài để hút vốn vào lĩnh vực bất động sảnGiữa tháng 7, anh Nguyễn Trọng Đạt, công nhân Công ty TNHH Nidec Việt Nam (TP Thủ Đức) đã nộp hồ sơ vay 30 triệu đồng từ Tổ chức Tài chính vi mô CEP (quỹ CEP) thuộc Liên đoàn Lao động TP. HCM để đóng học phí cho con. Tuy nhiên, sau gần một tháng chờ giải ngân, hồ sơ của anh bị từ chối vì thu nhập hàng tháng vượt quá 9 triệu đồng.
Nhiều người bất ngờ vì không tiếp cận được vốn
Anh Đạt chia sẻ sự bất ngờ vì năm trước cũng vay số tiền này và được giải ngân, trả trong 12 tháng với tổng tiền lãi 2,34 triệu đồng. Do mức lương hạn chế nhưng chi tiêu nhiều, anh cho biết việc tiết kiệm 2-3 triệu đồng mỗi tháng là rất khó khăn.
Vì vậy, khi cần số tiền lớn, anh thường chọn vay trước và trả sau, đồng thời điều chỉnh chi tiêu hàng tháng. Không chỉ anh Đạt, hơn 20 hồ sơ vay nộp cùng thời điểm cũng bị từ chối do thu nhập hàng tháng vượt ngưỡng 9 triệu đồng.
Tương tự, anh Tuấn (TP Thủ Đức) cho biết, hai vợ chồng anh đều làm công ăn lương với mức thu nhập khoảng 12-13 triệu đồng/tháng. Vợ chồng anh có hai con nhỏ, chi phí sinh hoạt hàng tháng không hề nhỏ nênphải tính toán rất kỹ để đủ trang trải các chi phí. Hàng năm, anh đều làm hồ sơ vay quỹ CEP để chi trả các khoản phí đầu năm học cho con.
“Năm ngoái tôi vay 50 triệu đồng, trả trong 12 tháng, mỗi tháng công ty trừ 4,9 triệu đồng từ lương. Tuy nhiên, đầu tháng 8 vừa qua, sau khi nộp hồ sơ, tôi chờ đợi nhưng hồ sơ lại bị từ chối do thu nhập hàng tháng trên 9 triệu đồng”, anh Tuấn chia sẻ.
Chị Tuyết Lan, kế toán tại một đơn vị sự nghiệp công lập ở quận Tân Bình (TP. HCM) cho biết, trong nhiều năm qua, quỹ CEP đã cho vay với lãi suất rất thấp, giúp nhiều đoàn viên và người lao động tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để đáp ứng nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, hiện nay đa phần người lao động tại công ty đều có thu nhập từ 9 triệu trở lên nên sẽ không được vay vốn ưu đãi. Điều này, khiến nhiều gia đình không biết xoay sở ra sao khi cần một số tiền nhất định.
Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Nidec Việt Nam cho biết, hơn mười năm qua, nhà máy Nidec Việt Nam mỗi tháng thường có khoảng 30 công nhân vay 20-50 triệu đồng từ CEP để đóng học phí cho con, góp vốn gia đình nuôi bò, sửa nhà, mua đất ở quê hoặc mua xe đi làm. Việc trả góp gốc và lãi được trừ trực tiếp từ lương hàng tháng giúp công nhân dễ dàng quản lý tài chính.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hầu hết các hồ sơ đều bị từ chối do không đạt tiêu chuẩn về thu nhập, tạo ra khó khăn cho nhiều công nhân vì không biết tìm nguồn vay lãi suất ở đấu khi không có tài sản thế chấp.
Đánh giá lại tiêu chuẩn “thu nhập thấp”
Đại diện Quỹ CEP chia sẻ rằng, theo thống kê hiện tại, gần 50% số khách hàng đang vay vốn từ quỹ CEP có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng. Vì vậy, với quy định mới của Ngân hàng Nhà nước hàng chục nghìn người lao động sẽ không đủ điều kiện vay vốn tại các tổ chức tài chính vi mô. Ngoài ra, quy định này còn gây khó khăn cho việc thực hiện chương trình cho vay 1,41 triệu lượt khách hàng nhằm ngăn chặn tín dụng đen trong giai đoạn 2023 – 2028.
Ông Hoàng Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên CEP cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc xác định thu nhập để phân loại người có thu nhập thấp. Trong khi Nghị định 100 quy định người độc thân có thu nhập dưới 15 triệu đồng/tháng và cặp vợ chồng có thu nhập dưới 30 triệu đồng/tháng được xem là có thu nhập thấp và có quyền mua nhà ở xã hội, Thông tư 33 lại giới hạn ở mức 7 và 9 triệu đồng.
Vì vậy, ông Thành đề xuất cần có sự đồng bộ trong các quy định và mức thu nhập theo Nghị định 100 là hợp lý. Ngoài ra, ông cũng kiến nghị nâng hạn mức vay tối đa từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng để phù hợp với điều kiện kinh tế của các đô thị lớn như TP. HCM.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận định, quy định mới về việc chỉ những người có thu nhập tối đa 9 triệu đồng mới được vay từ quỹ CEP không còn phù hợp với điều kiện sống hiện nay.
Nếu một gia đình chỉ có một người lao động với thu nhập 9 triệu đồng/tháng là không đủ để trang trải cuộc sống. Ngay cả những công nhân có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng cũng đang gặp khó khăn với mức sống ngày càng tăng cao.
Nhu cầu vay vốn với lãi suất thấp từ Quỹ CEP luôn lớn, và nếu người lao động không thể tiếp cận nguồn vốn giá rẻ này, họ có nguy cơ phải tìm đến các hình thức "tín dụng đen" khi cần tiền gấp để trang trải cuộc sống. Điều này là do họ không có tiền tiết kiệm dự phòng và cũng không đủ điều kiện vay từ các ngân hàng thương mại.
Vì vậy, theo TS Huân, để bảo vệ quyền lợi và hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, NHNN cần xem xét loại bỏ quy định về mức thu nhập tối đa 9 triệu đồng, hoặc điều chỉnh quy định này theo hướng lấy thu nhập bình quân đầu người trong gia đình làm cơ sở.