Cần bổ sung các quy định dưới luật để kiểm soát việc mua nhà ở của người nước ngoài
BÀI LIÊN QUAN
Bất động sản cao cấp chiếm tỷ lệ áp đảo sẽ “đe dọa” chất lượng tín dụngTiên phong chuyển đổi số bất động sản, Meey Group ghi danh ấn tượng tại Dot Property Vietnam Awards 2024Nhiều doanh nghiệp bất động sản "lạm dụng" đòn bẩy dẫn đến rủi ro thanh toán nợ“Mở cửa” cho người nước ngoài
Mới đây, Sở Xây dựng Hà Nội vừa công bố danh sách các dự án được phép bán cho người nước ngoài (tính tới tháng 10). Cụ thể, 5 dự án này nằm tại quận Nam Từ Liêm và Thanh Xuân, đa phần là chung cư cao cấp. Giá thị trường quanh 70-100 triệu đồng/m2. Trong đó, có 3 dự án nằm trong khu đô thị Vinhomes Smart City (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm) gồm tổ hợp Imperia Smart City và Masteri West Heights; dự án The Matrix One (phường Mễ Trì, quận Nam từ Liêm); Viha Complex (khu nhà ở hỗn hợp 107 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân).
Theo số liệu của Bộ Xây dựng, từ năm 2015 đến hết quý III/2023 đã có hơn 3.000 người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Hà Nội chiếm hơn 50% với khoảng 1.765 căn, TP.HCM 850 căn, còn lại là Bắc Ninh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu…Đáng chú ý, chỉ tính riêng trong nửa đầu năm 2024, đã có trên 1.000 căn hộ tại Hà Nội bán cho người nước ngoài.
Cũng theo Bộ xây dựng, con số này vẫn ở mức thấp so với nhu cầu. Hiện có khoảng 4 triệu người muốn mua nhà tại Việt Nam trong tương lai, bao gồm cả người nước ngoài và Việt Kiều. Mới đây, Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ 1/8 đã có những quy định mới được cho là cởi mở hơn với việc người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Cụ thể, tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu tối đa 30% tổng số căn hộ có mục đích để ở của một tòa nhà và không quá 250 căn trên một khu vực có dân số tương đương một phường. Đặc biệt, người mua nhà được gia hạn sở hữu một lần với thời hạn không quá 50 năm khi có nhu cầu, tương đương thời hạn sở hữu tối đa là 100 năm, tăng gấp đôi so với trước đây.
Nêu quan điểm về những thay đổi trong quy định người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam, TS.Nguyên Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, luật sửa đổi đã làm rõ hơn nội dung liên quan đến hoạt động mua bán của người nước ngoài, do các quy định cũ còn tồn tại một số vướng mắc liên quan đến việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng), khiến khách hàng là người nước ngoài e ngại.
Theo đó, với khung pháp lý mới sẽ giúp việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài dễ dàng hơn, từ đó, nâng cao niềm tin, duy trì lượng quan tâm của nhóm khách hàng này, mở rộng đầu ra cho các dự án.
Vẫn cần những quy định dưới luật để kiểm soát
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Đính, “khẩu vị” mua nhà của người nước ngoài hiện nay chủ yếu tập trung ở phân khúc cao cấp, nên giao dịch của họ khó ảnh hưởng đến thị trường vì tỷ trọng sản phẩm được tham gia rất nhỏ. Theo tính toán của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), số lượng nhà ở được người nước ngoài mua kể từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực chỉ chiếm 0,53% tổng lượng nhà ở của cả nước giai đoạn 2018-2022.
Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý, các hoạt động đầu tư của người nước ngoài để kiếm lời đã xuất hiện nhưng lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Trước đó tại báo cáo "Hai thập kỷ phát triển đô thị" của CBRE Việt Nam công bố hồi đầu năm cho thấy, có 60% người nước ngoài mua chung cư tại Việt Nam để chờ tăng giá, 75% số nhà đầu tư này đến từ các nước châu Á phát triển.
"Số ít người mua nhà cho thuê như một giải pháp tạm thời khi chờ mức giá bán tăng. Số người nước ngoài có kế hoạch sinh sống lâu dài ở Việt Nam, mua nhà với mục đích sử dụng cho bản thân không thật sự nhiều”,các chuyên gia tại CBRE nhận định.
CBRE cho biết, 90% khách hàng nước ngoài của đơn vị này chọn mua căn hộ chung cư, đặc biệt là phân khúc cao cấp tại Hà Nội và TP.HCM, các dự án có vị trí đẹp và mức giá phù hợp, có tiềm năng tăng giá trong tương lai.
Từ những thực tế này, ông Đính cho biết, cần bổ sung các quy định dưới luật để kiểm soát hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản của người nước ngoài, như phải đăng ký doanh nghiệp hay đăng ký thuế, nhằm hạn chế tối đa những rủi ro từ chính sách mở cửa.
Đồng tình và ví von việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam như người Việt Nam mua nhà đất tại Mỹ, châu Âu, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia lĩnh vực bất động sản thương mại tại TP.HCM nhìn nhận, việc nới lỏng quy định để kích thích nhà đầu tư nước ngoài “đổ tiền” vào Việt Nam là cần thiết.
Nhóm khách hàng này chủ yếu mua căn hộ cao cấp, nếu đầu tư chủ yếu là vào khách sạn, nhà hàng, văn phòng. Đây được xem là cách xuất khẩu tại chỗ, Nhà nước gia tăng kiểm soát sẽ không có gì đáng ngại.