Bitcoin và vàng cũng phải “nản chí” vì lạm phát cực đoan năm nay
Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh, con người sở hữu vàng trong cả nghìn năm. Trên thực tế, vàng được dùng như trang sức hoặc đồ điện tử. Trữ lượng vàng cũng có giới hạn và điều này không giống với tiền pháp định. Bitcoin cũng có đặc tính tương tự như vậy, nên được nhiều người biết đến với tên gọi “vàng điện tử”.
Nhiều người theo đó đã cho rằng vàng và bitcoin hay tiền mã hóa nói chung đều có thể là rào chắn tốt trước lạm phát. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng có chống lạm phát hiệu quả không ở giai đoạn hiện nay.
Bitcoin biến động quá mạnh
Trong năm nay, bitcoin liên tục trượt giá, điều này cho thấy bitcoin có thể là một biện pháp phòng vệ trước lạm phát trong tình trạng kinh tế đi xuống không còn là một lập luận được ủng hộ bởi nhiều người, theo thông tin từ CNBC.
Những người ủng hộ bitcoin từ lâu đã cho rằng ngay cả khi lạm phát tăng, tính khan hiếm của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới sẽ bảo vệ giá trị của đồng tiền này. Không giống với các ngân hàng trung ương với khả năng tăng nguồn cung tiền, bitcoin có sự khan hiếm vì chỉ có một số lượng đồng tiền cố định.
Thực tế cho thấy, nhiều tranh luận về việc liệu bitcoin có thể giữ nguyên được giá trị hay không đã xảy ra ngay cả trước khi thị trường tiền điện tử đi xuống. Theo nhà đầu tư tỷ phú Paul Tudor Jones, bitcoin có thể là một giải pháp phòng vệ trước lạm phát, trong khi, theo Mark Cuban, điều đó giống với một slogan marketing.
Một số người lại cho rằng bitcoin dần có giá trị nội tại trong việc lưu giữ giá trị khi nó được chấp nhận bởi nhiều người hơn, giống như vàng. Những người này cho rằng bitcoin là một tài sản sẽ không bị mất giá, giá của nó trường tồn qua thời gian.
Dẫu vậy, chưa có bằng chứng chứng minh điều này là đúng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại. Google Finance cho biết giá bitcoin ở thời điểm thực hiện bài viết đã giảm tới trên 59% so với thời điểm hồi đầu năm.
Chia sẻ với hãng tin CNBC, Anjali Jariwala, người sáng lập Fit Advisors nói rằng tôi khó có thể xem tiền mã hóa giống như một tài sản có thể lưu giữ giá trị trong thời gian dài vì mức độ biến động giá của nó quá lớn.
Theo Anjali Jariwala, về cơ bản, tiền điện tử là một loại tài sản mới chưa thể có được chức năng giống như tiền mặt hay vàng bởi chúng vẫn gặp khó trong việc đổi lấy dịch vụ hoặc hàng hóa. Giá của một đồng tiền mã hóa như bitcoin chủ yếu phụ thuộc vào tâm lý người dùng mặc dù nó khan hiếm.
Ngoài ra, bà cũng cho biết tiền điện tử như bitcoin mới chỉ tồn tại hơn 1 thập kỷ, và bởi vậy vẫn chưa thể đủ bằng chứng và dữ liệu để hiểu được mục đích của chúng dưới dạng đầu tư.
Theo giáo sư thuộc Đại học Kinh doanh Columbia chuyên trách cho mảng công nghệ mã hoá và blockchain, Omid Malekan, dù tiền điện tử chưa được chứng minh về khả năng lưu trữ giá trị đáng tin cậy trong thời gian dài nhưng nhiều khả năng sẽ được chấp nhận và có tính dao động thấp hơn.
Ông nói thêm rằng chúng ta sẽ có sự hình dung tốt hơn về cách tiền mã hóa phản ứng với những cải tiến về vĩ mô như động thái của Fed hay tỷ lệ lạm phát khi tính biến động giảm dần. Dẫu vậy, ông cũng khẳng định rằng giá của đồng tiền mã hóa còn chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác ngoài lạm phát như vấn đề quản lý và điều hành.
Theo CNBC, dẫu sao thì tiền điện tử vẫn được xem là một dạng đầu tư. Theo khuyến nghị của Jariwala, bạn chỉ nên đầu tư tiền điện tử với số tiền mà bạn có thể chấp nhận sẽ mất đi tất cả. Theo bà, đầu tư vào tiền ảo không phải là một chiến lược ngắn hạn và hãy áp dụng chiến lược đó cho dù bạn đang ở trong tình trạng bây giờ.
Bà nói: “Tiền mã hóa có thể sẽ là một loại tài sản có mức độ trưởng thành cao hơn và có thể là rào chắn phòng vệ trước lạm phát, tuy nhiên chúng ta chưa hiểu được điều này cho đến nó xảy đến”.
Vàng có thể trở thành rào chắn lạm phát, tuy nhiên cần thời gian
Forbes cho biết vàng không giống với bitcoin, từng được xem là một cách để phòng vệ lạm phát trong quá khứ.
Nước Mỹ trải qua lạm phát không thể kiểm soát lần gần nhất là vào những năm 1970 và đầu những năm 1980. Có thể thấy tại sao nhiều nhà đầu tư vẫn lựa chọn vàng để phòng vệ lạm phát nếu nhìn về giai đoạn này.
Tỷ lệ lạm phát trung bình năng của Mỹ chạm mốc 8,8% từ năm 1973 tới 1979 khi giá dầu tăng và tình trạng năng lượng khan hiếm. Vàng trong 6 năm này lại được các nhà đầu tư yêu thích khi có được lợi nhuận năm đạt mức 35%.
Dẫu vậy, khi lạm phát ổn định ở mức trung bình 6,5% từ năm 1980 đến năm 1984, giá vàng lại giảm trung bình 10% một năm. Vàng dường như không hiệu quả bằng các kênh như hàng hóa, bất động sản và cổ phiếu của nhóm công ty S&P 500 dù con số trên không phải là quá tệ so với mức độ lạm phát.
Trung bình lạm phát từ năm 1988 đến năm 1991 là 4,6%, tuy nhiên, giá vàng giảm khoảng 7,6% một năm.
Jason Porter, giám đốc đầu tư cao cấp tại Scottish Heritage SG, nói: “Một tài sản phòng vệ lạm phát tốt thông thường sẽ tăng giá cùng với tỷ lệ lạm phát gia tăng. Dẫu vậy, vàng có thể mang tới lợi nhuận âm cho các nhà đầu tư trong một số thời kỳ lạm phát cực đoan tại Mỹ trong thời gian gần đây”.
Dẫn một số nghiên cứu, Forbes đề cập đến thông tin rằng vàng có thể là rào chắn lạm phát, tuy nhiên, cần tới khung thời gian lên tới một thế kỷ mới có thể thấy được hiệu quả của nó.
Giá vàng năm nay cũng giảm mạnh xuống mức 1.645 USD tại thời điểm hôm 23/9, lao dốc từ mức đỉnh 2.069 USD vào tháng 3.