Biệt thự là gì? Các tiêu chuẩn thiết kế biệt thự cần biết
Biệt thự là gì? Phân biệt các loại biệt thự
Biệt thự là dạng nhà ở đã có lịch sử từ thời cổ đại. Cho đến nay, định nghĩa biệt thự đã có nhiều sự thay đổi để phù hợp với tình hình và điều kiện hiện tại.
Khái niệm biệt thự
Khái niệm biệt thự đã được hình thành từ thời kỳ La Mã cổ đại. Theo đó, biệt thự là nơi ở của các tầng lớp thượng lưu. Sau khi Cộng hòa La Mã sụp đổ, chuyển giao đế chế cho Giáo hội thì biệt thự được sử dụng lại như một tu viện.
Theo định nghĩa tiếng Việt, "biệt thự" là nhà rộng và có vườn riêng. Hiện nay, theo thông tư số 38/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng, biệt thự được quy định là:
“Biệt thự là nhà ở riêng biệt (hoặc có nguồn gốc là nhà ở đang được dung vào mục đích khác) có sân vườn, có hàng rào và lối ra vào riêng biệt, có số tầng chính không quá 3 tầng (không kể tầng mái che cầu thang, tầng mái và tầng hầm), có ít nhất 3 mặt trông ra sân hoặc vườn, có diện tích không vượt quá 50% diện tích khuôn viên đất, được xác định là khu chức năng trong quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Như vậy, biệt thự vẫn được hiểu là căn nhà có thiết kế đẹp, nhiều công năng và có sân vườn riêng. So với những biệt thự cổ trước 1975 thường rộng từ 500m2 đến vài nghìn m2 và có phần đất cho hồ bơi hay sân tennis, biệt thự hiện đại đã có sự thay đổi nhất định.
Các loại biệt thự
Biệt thự được phân thành nhiều loại. Theo thông tư từ Bộ Xây dựng, có 3 nhóm biệt thự như sau:
1. Nhóm 1: Biệt thự là di tích văn hóa - lịch sử và đã được xếp hạng theo quy định của pháp luật. Biệt thự có giá trị về kiến trúc, do cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và kiến trúc thẩm định, phối hợp văn hóa cấp tỉnh để xác lập danh sách và trình lên Ủy ban nhân dân của tỉnh, thành phố trực trung ương để phê duyệt.
2. Nhóm 2: Là những biệt thự không nằm trong nhóm 1, nhưng mang giá trị về kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền về xây dựng và kiến trúc thẩm định, phối hợp văn hóa cấp tỉnh để xác lập danh sách và trình lên Ủy ban nhân dân của tỉnh.
3. Nhóm 3: Là những biệt thự không nằm trong nhóm 1 và nhóm 2.
Bên cạnh cách phân loại trên, biệt thự thường được phân biệt theo kiểu dáng và chức năng, gồm các loại biệt thự sau:
1. Biệt thự đơn lập: Biệt thự đơn lập là gì? Biệt thự đơn lập là dạng nhà đứng độc lập trên một mảnh đất, bốn mặt căn nhà đều có không gian thoáng. Diện tích trung bình từ 288-497m2.
2. Biệt thự song lập: Biệt thự song lập là gì? Là dạng biệt thự được ghép từ 2 nhà tách biệt, đối xứng và liền kề nhau; một ngôi nhà sẽ nằm trên nửa khu đất trước, sau đó thiết kế đối xứng sang căn thứ hai. Diện tích nhà song lập thường nhỏ hơn nhà đơn lập, giá bán cũng thấp hơn.
3. Biệt thự tứ lập: Biệt thự tứ lập là gì? Là dạng kiến trúc được xây nên từ 4 căn nhà, nằm trên cùng một cụm. Công năng và kiến trúc của 4 căn thường giống nhau. Các căn đều có không gian riêng, có thể tách rời ra hoặc gắn liền tùy vào mục đích sử dụng.
4. Biệt thự liền kề: Biệt thực liền kề là gì? Là các căn biệt thự nằm liền kề nhau, có thiết kế và cảnh quan tương đồng nhau. Các nhà biệt thự liền kề thường có 2 mặt thoáng, 2 mặt còn lại giáp căn kế bên. Với trường hợp diện tích đất hẹp, biệt thự sẽ chỉ có 1 mặt thoáng.
5. Biệt thự du lịch: Biệt thự du lịch là gì? Là căn hộ dùng để lưu trú du lịch, cũng sở hữu những đặc điểm riêng của biệt thự như biệt lập, có sân vườn, cơ sở vật chất hiện đại…
6. Biệt thự mini: Là dạng biệt thự có diện tích nhỏ hơn bình thường, từ 80-100m2. Thiết kế được cân nhắc kỹ lưỡng và khoa học để đảm bảo diện tích sử dụng nhưng vẫn đủ tiện ích.
7. Biệt thự vườn: Là biệt thự nằm trên mảnh đất rộng, bốn mặt nhà đều thoáng và có tiểu cảnh, vườn cây, đài phun nước...
8. Biệt thự nghỉ dưỡng: Có thiết kế hiện đại, sang trọng và tinh tế; tọa lạc tại các khu nghỉ dưỡng, vùng núi, ven biển, tích hợp với các khu resort cao cấp.
Tiêu chuẩn thiết kế biệt thự
Biệt thự khi thiết kế cần tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt, bao gồm cả quy mô, mật độ, cảnh quan, thiết kế, không gian...
Tiêu chuẩn về quy mô
Loại hình biệt thự khi xây dựng đều phải tuân theo những tiêu chuẩn về quy mô như sau:
Có sân vườn, có lối ra vào và hàng rào riêng biệt
Diện tích nhà tối thiểu không quá 50% diện tích mảnh đất, có ít nhất 3 mặt nhìn ra sân vườn
Số tầng chính không quá 3 tầng (không bao gồm tầng mái, tầng hầm và tầng có mái che)
Diện tích khoảng 120m2 trở lên, mặt tiền không nhỏ hơn 10m; với biệt thự đơn lập hoặc song lập, diện tích đất không được nhỏ hơn 350m2 và không được lớn hơn 500m2
Phải nằm trong quyết định quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt
Tiêu chuẩn về không gian
Mỗi không gian trong biệt thự đều có tiêu chuẩn riêng, nhằm phục vụ tốt nhu cầu của chủ sở hữu. Bên cạnh những không gian cố định, tùy vào điều kiện thực tế, biệt thự có thể thêm nhiều không gian khác.
Tiêu chuẩn không gian phòng khách
Phòng khách là không gian đầu tiên khi bước vào biệt thự, có chức năng như sinh hoạt chung và đón khách. Do vậy thiết kế cần trang trọng và lịch sự, thể hiện được phong cách của gia chủ.
Diện tích tiêu chuẩn với biệt thự thường là 20-30m2, biệt thự mini là 25-30m2, trên 40m2 với những biệt thự quy mô lớn. Thiết kế nội thất phải đồng bộ với phong cách tổng thể.
Tiêu chuẩn không gian phòng bếp
Phòng bếp thường là một khu riêng, thông với phòng ăn và phòng khách để tiện lợi cho sinh hoạt. Khu bếp sẽ được thiết kế theo một trong 3 kiểu: Chữ U, chữ L hoặc chữ I và tuân theo quy tắc tam giác hình học (ba vị trí bếp, chậu rửa và tủ lạnh nằm ở ba góc của một tam giác).
Tiêu chuẩn không gian phòng ăn
Phòng ăn có thể được quy hoạch chung hoặc riêng với phòng bếp. Không gian cần rộng rãi và thoáng, tầm nhìn ưu tiên hướng ra sân vườn để tạo cảm giác thoải mái và sang trọng.
Tiêu chuẩn không gian phòng ngủ master
Phòng ngủ master là phòng ngủ chính, có diện tích rộng nhất, nằm ở vị trí đẹp, dành cho chủ căn nhà. Diện tích tiêu chuẩn thường là 25-36m2, có thể linh hoạt theo quy mô biệt thự. Phòng có đủ tiện ích như khu làm việc, tivi, ghế ngồi..., bao gồm cả nhà vệ sinh khép kín và phòng thay đồ.
Tiêu chuẩn không gian phòng ngủ thường
Phòng ngủ thường (phòng ngủ phụ) có diện tích hơn phòng master, thiết kế đơn giản hơn. Loại giường phù hợp cho không gian phòng ngủ phụ là 1.6mx2m.
Tiêu chuẩn không gian phòng ngủ cho trẻ
Diện tích phòng ngủ cho trẻ không cần quá rộng, đủ để đặt một giường đơn hoặc đôi, tùy theo nhu cầu. Ngoài ra, phòng có đủ đồ dùng cần thiết như tủ quần áo, bàn học, tivi, kệ sách...
Tiêu chuẩn không gian thư giãn chung
Là không gian sinh hoạt, giải trí chung cho gia đình, có thể là phòng nghe nhạc, phòng hát, phòng chơi trò chơi, phòng xem phim... Không gian nên được trang bị tấm cách âm để không làm ảnh hưởng không gian bên ngoài và đảm bảo chất lượng giải trí bên trong.
Tiêu chuẩn không gian gara
Diện tích của gara để xe sẽ phụ thuộc vào diện tích tổng của biệt thự, nhưng phải đảm bảo giữa xe và tường là 1.2m, đầu xe cách tường 0.5m. Nếu gara đặt ở tầng hầm thì độ dốc dưới 20%, đường xe không dốc hơn 6% so với đường xe chạy và có rãnh thoát nước bên dưới.
Các phong cách thiết kế biệt thự phổ biến
Phong cách thiết kế biệt thự là yếu tố nâng tầm đẳng cấp, thể hiện cá tính cũng như gu thẩm mỹ của gia chủ. Hiện nay, các biệt thự tại Việt Nam thường theo 3 xu hướng: Tân cổ điển, cổ điển, Indochine và hiện đại. Ngoài ra, có một số kiểu thiết kế biệt thự xuất phát từ các nước Châu Á hoặc Châu Âu cũng được ưa chuộng.
Phong cách hiện đại
Phong cách hiện đại có đặc điểm là tối giản, sang trọng và tinh tế, tập trung nhiều vào sự tiện nghi. Gam màu chủ đạo là trung tính. Chất liệu thường là thép, kính trong, xi măng, gỗ...
Phong cách cổ điển
Phong cách cổ điển bắt nguồn từ phương Tây, sở hữu họa tiết tỉ mỉ và cầu kỳ của văn hóa Châu Âu cổ điển. Thiết kế đề cao sự cân xứng trong bố cục, sử dụng gam màu đậm để trang trí và nổi bật sự quý phái, sang trọng.
Phong cách tân cổ điển
Tân cổ điển là phong cách biến đổi từ cổ điển, lược bỏ bớt hoa văn rườm rà, nhấn nhá bằng các đường phào chỉ trong toàn bộ kiến trúc của biệt thự. Chất liệu thường thấy là gỗ, vải; màu sắc trung tính, nhấn nhá bằng một số màu nổi như xanh, tím, đỏ...
Phong cách Indochine
Phong cách thiết kế Indochine hướng đến sự truyền thống, nhẹ nhàng và tinh tế. Nhóm màu sắc chủ đạo là trung tính (màu kem, màu trắng, màu vàng nhạt...) kết hợp với nhóm màu nóng (cam, đỏ, hồng...) để làm hài hòa không gian. Chất liệu kết hợp giữa vật liệu phương Tây và truyền thống Á Đông (tre, nứa, gỗ...).
Phong cách Địa Trung Hải
Phong cách Địa Trung Hải bắt nguồn từ Hy Lạp. Các đường nét uốn cong được tận dụng triệt để, đặc biệt tại các lối ra vào. Màu sắc gắn liền với địa hình biển đặc trưng là màu xanh dương, xanh lá cây, màu trắng vàng, màu tím. Không gian cũng ưu tiên sự thoải mái, phóng khoáng. Do vậy, ở Việt Nam, phong cách Địa Trung Hải thường xuất hiện ở các biệt thự ven biển.
Nhìn chung, bài viết đã giải đáp biệt thự là gì, cùng các thông tin liên quan như tiêu chuẩn thiết kế và phong cách thiết kế phổ biến. Với phân khúc nhà cao cấp như biệt thự, gia chủ cần nắm chắc thông tin về công trình để đảm bảo chất lượng về sau./.