"Kẻ hủy diệt bảng rổ" Shad và cách nhân đôi tài sản nhờ khả năng biến hóa đa tài

Lê Thanh Hải
Với các ngôi sao thể thao, việc chi tiêu hầu như đều rất phóng tay. Tuy nhiên, cũng vì vậy không ít người trong số họ sau đã rơi vào cảnh phá sản, nợ nần. Nhưng với Shaquille O'Neal, một người vô cùng thạo kiếm tiền, thì khác hẳn. Anh luôn cho rằng chi tiêu nhiều sẽ tạo ra động lực để kiếm tiền.

Ai cũng biết rằng kiếm được 1 triệu đô trong cả cuộc đời cũng là khủng, chứ đừng nghĩ đến tiêu nó chỉ trong nửa giờ. Thế nhưng Shaquille O'Neal đã làm như vậy. Năm 20 tuổi, ngay khi ký hợp đồng đầu tiên ở NBA với Orlando Magic, siêu sao bóng rổ tương lai đã tiêu hết 1 triệu đô. Quan niệm của anh là chi tiêu hào phóng sẽ tạo động lực kiếm tiền. Điều quan trọng là  khoản 1 triệu đô kia anh không chi cho bản thân mà dùng nó cho bố mẹ, đảm bảo họ sẽ được ở trong một căn nhà rộng rãi và ngừng làm việc.  

Điều đặc biệt ở đây, người mà Shaq gọi là bố thực tế lại là cha dượng. Bố đẻ của anh phải ngồi tù vì tàng trữ ma túy và bà mẹ Lucille O'Neal đã đi bước nữa với trung sỹ Phillip Harrison. Shaq luôn dành cho cha dượng sự kính trọng, bởi ông chính là người có ảnh hưởng rất lớn đến anh.  

Khi còn nhỏ, Shaq không phải cậu nhóc bình thường. Cậu là "anh đại" ở trường. Vì cha dượng Harrison là một quân nhân, nên gia đình Shaq di chuyển thường xuyên, nay đây mai đó. Mỗi khi gia nhập ngôi trường mới, việc đầu tiên Shaq làm là tìm đầu gấu của trường, nghiên cứu các điểm mạnh yếu để sau đó đánh bại hắn. Với thân hình bồ tượng, Shaq luôn là người chiến thắng. Và "phần thưởng" sau đó là anh thế chỗ luôn tên đầu gấu kia, trở thành anh đại.

16685051523263-1679051148.jpg
Shaq được các bạn gọi là "kẻ hủy diệt bảng rổ" 

Trong một thời gian dài, Shaq tự hào vì điều đó. Anh nói: “Tôi không phải thủ khoa, càng không phải đứa trẻ thông minh nhất. Tôi mặc chiếc quần jean ba lần trong một tuần và đi đôi giày thể thao rách rưới. Tôi luôn là trung tâm của những vụ gây gổ”.

Cuộc sống của Shaq cứ thế tiếp diễn, cho đến một ngày, "anh đại" Shaq đánh nhau hăng máu đến nỗi suýt làm đối thủ mất mạng. Nó có thể dẫn Shaq vào nhà tù dành cho trẻ vị thành niên. Và Shaq bắt đầu suy nghĩ về những sai lầm và quyết định thay đổi. Anh biến mình thành một đứa trẻ đáng yêu, một cây hài trong lớp và khiến mọi người yêu quý mình. Shaq không còn sử dụng bạo lực và sức mạnh để tạo ra quyền lực. Anh cố gắng tìm ra những cách hữu hiệu để gây chú ý, thậm chí nhận lấy sự ngưỡng mộ từ chúng bạn. Và một trong những điều đó  là bóng rổ.

Điều tuyệt vời hơn, thông qua bóng rổ, Shaq có thể phát huy được năng lượng cùng sức mạnh vô song của thân hình bồ tượng, đồng thời giải phóng sự hung hãn. Không ngạc nhiên khi tất cả gọi anh là kẻ hủy diệt bảng rổ, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

for-mot-spo-f1-grand-prix-of-usa-1679051148.jpg
Shaq trên chiếc Cadilac được thiết kế riêng.

Năm 2000, khi Los Angeles Lakers của Shaq gặp Clippers đúng vào dịp sinh nhật thứ 28, anh đã xin ban quản lý của đội chủ nhà Clippers 12 chiếc vé miễn phí để mời bạn bè tới sân đấu nhưng bị từ chối. Trong sự tức giận, Shaq đã hủy diệt đối thủ không thương tiếc với 61 điểm ghi được. Kể từ đó tới nay, chưa một cầu thủ nào ở NBA vượt mốc 60 điểm mà không có một cú ném 3 điểm giống như anh đã làm ở trận đấu đó. Hôm ấy trước khi rời sân, Shaq đã tiến về phía Ban lãnh đạo Clippers và ra hiệu cho họ biết, khiến anh bực mình sẽ phải nhận hậu quả thảm khốc thế nào.

Shaq là một gã khổng lồ cao 2m16 và nặng 147kg, đi đôi giày cỡ 22 ( cỡ lớn nhất lịch sử NBA), bởi chiều dài gấp đôi cỡ chân trung bình của nam giới Mỹ. Với sức vóc, thân hình ấy, Shaq hai lần phá hủy bảng rổ. Ở trận đấu với Phoenix Suns, cú úp rổ đầy sức mạnh của anh khiến bảng rổ đổ rạp. Lần khác gặp New Jersey, cũng với cú úp rổ, Shaq làm cả bảng rổ lẫn đồng hồ tính giây rơi xuống đất.

Sức mạnh đáng kinh ngạc của Shaq dẫn đến cuộc cách mạng ở NBA. Họ đã phải thuê một công ty kiểm tra các bu-lông và ốc vít của bảng rổ, nâng cao tiêu chuẩn kỹ thuật để tất cả chúng có thể trụ vững. Hành động treo người trên vòng rổ để thể hiện sức mạnh bản thân cũng bị cấm tiệt.

image-1679051148.jpg
Một trong những điền trang rộng lớn của Shaq.

Tuy nhiên, Shaq không ỷ lại vào sức vóc. Anh hiểu núi cao còn có núi cao hơn để liên tục phải nỗ lực. Điều này anh học được từ cha dượng Harrison. “Ông ấy thường lấy những chiếc Cúp của tôi và cất vào hộp. Ban đầu tôi không hiểu, vậy nên đã hỏi tại sao bố làm điều đó? Ông đáp, bố không muốn con hài lòng với bản thân. Bây giờ tôi cũng làm điều tương tự với các con mình, dạy chúng không bao giờ được tự mãn”, Shaq nói.

Chính vì lẽ đó, sự nổi tiếng trên sân bóng rổ không đủ thỏa mãn Shaq. Anh tạo nên hình mẫu về một cầu thủ bóng rổ hiện đại. Đó không chỉ là người chơi bóng trên sân, mà còn là trung tâm của thế giới giải trí.

shaquille-oneal-3-scaled-e160322-1679051141.jpg
 
shaquille-o-neal-at-big-chicken-1679051144.jpg
Shaq luôn mở rộng danh mục đầu tư và liên tiếp gặt hái thành công.

Shaq biến mình thành nhà sáng tác nhạc, phát hành năm album phòng thu và một album tổng hợp. Anh sở hữu một hãng thu âm, xuất hiện thường xuyên ở các chương trình truyền hình. Anh làm phim, tạo nên xu hướng thời trang và thậm chí còn là người thực thi pháp luật khi từng tuyên thệ nhậm chức Phó Cảnh sát trưởng ở Jonesboro bang Georgia. Chưa hết, anh còn tốt nghiệp Đại học chuyên ngành kinh tế trước khi trở thành thạc sĩ quản trị kinh doanh.

Khi nghỉ thi đấu, Shaq tích lũy được khối tài sản lên đến 400 triệu đô. Hiện tài, nhờ đầu óc kinh doanh nhạy bén, nó đã nhân đôi. Hãy nghe anh nói về quan niệm đầu tư: “Jeff Bezos nói tiêu chí hàng đầu để quyết định đầu tư là liệu nó có thay đổi cuộc sống mọi người không. Từ lúc làm theo chiến lược đó, tài sản của tôi tăng gấp bội. Tôi cũng không xem xét các dự án nếu không tin tưởng nó, đồng thời cũng không tiếp cận theo hướng nếu đầu tư sẽ thu lời bao nhiêu”.

Càng ngày các danh mục đầu tư của Shaq càng nhiều lần, từ đồ ăn nhanh, dịch vụ rửa xe, hộp đêm đến công nghệ. Anh cũng tiêu pha rất phóng tay, khoảng 1 triệu đô mỗi tháng. Dĩ nhiên sự hào phóng này đến từ việc Shaq kiếm được nhiều hơn thế. Như anh nói, “đã tiết kiệm được 75 phần trăm thu nhập của mình và sống bằng 25 phần trăm còn lại”.