Quy định 15m2 mới được đăng ký thường trú tăng gánh nặng cho người nghèo

Nguyễn Văn Chương
Một cặp vợ chồng và 1 con nhỏ phải đảm bảo căn nhà trọ tối thiểu 45m2 mới được đăng ký thường trú. Quy định này lại bắt đầu “nóng” khi Hà Nội tổ chức lấy ý kiến về dự thảo nghị quyết diện tích nhà ở tối thiểu.

Tăng gấp 2-3 lần chi phí thuê trọ

Hiện nay, UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến để hoàn thiện dự thảo nghị quyết quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ. Theo đó, Hà Nội dự kiến diện tích nhà ở tối thiểu khi giải quyết đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp đối với khu vực nội thành là 15m2 (gồm 12 quận); đối với khu vực ngoại thành là 8m2 (gồm 18 huyện, thị xã). Thông tin này tiếp tục lại khiến nhiều người dân cảm thấy lo lắng, đặc biệt là những người đang đi thuê trọ.

Anh Nguyễn Thành Quân, quê Nam Định, hiện đang làm nhân viên kỹ thuật của một công ty điện lạnh tại quận Đống Đa. Vợ chồng anh cưới nhau đầu năm 2020 và đang có một câu con trai gần 3 tuổi. Khó khăn lắm mới tìm được một căn nhà tập thể rộng khoảng hơn 35 m2 tại quận Cầu Giấy có giá thuê 7,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước.

c1b2993d4802895cd013-1679644204.jpg
Nhiều người rất lo lắng về quy định diện tích thuê trọ tối thiểu 15m2/người mới được đăng ký thường trúi tại Hà Nội.

Anh Quân kể: “Nghề của tôi thì chỉ kiếm được trong 3 tháng hè, khi nhu cầu người ta lắp, sửa điều hòa tăng cao. Chứ mua đông và mùa thu thì cũng chỉ duy trì. Thu nhập của 2 vợ chồng cũng khoảng trên 16-17 triệu đồng/tháng thì mất gần một nửa đập vào tiền nhà. Số tiền còn lại thì mất gần 3 triệu đồng gửi con đi nhà trẻ và đủ sinh hoạt hàng ngày. Chúng tôi rất muốn đăng ký thường trú ở Hà Nội để có thể cho con đi học và thuận tiện cho nhiều công việc khác. Nếu quy định mỗi người phải đảm bảo tối thiểu 15m2 thì gia đình tôi sẽ phải chuyển chỗ ở lên căn hộ khoảng 45m2. Như thế chắc tiền nhà sẽ tăng lên gấp rưỡi. Đây là một áp lực khá lớn”.

Ở nơi rộng rãi hơn thì ai cũng mong muốn nhưng thực sự điều đó lại trở thành gánh nặng của vợ chồng anh Quân. Vẫn biết là có thể lựa chọn ra ngoại thành ở vì chỉ cần đảm bảo 8m2/người nhưng như thế rất bất tiện. Bởi vợ anh Quân làm ở gần nhà. Đó còn chưa kể việc gia đình anh chị có thể sinh thêm một cháu nữa.  

 Giống như anh Quân, gia đình chị Yến gồm 3 người cũng đang trọ ở một căn phòng hơn 15m2. Nếu áp quy định mới, thì chị Yến phải tăng gấp 3 lần căn phòng của mình đang ở mới được đăng ký thường trú tại Hà Nội. Điều này đồng nghĩa, môt tháng anh chị sẽ phải chi tiền thuế 3 lần nữa nếu muốn sống ở một địa điểm tương tự như chỗ đang thuê.

“Kinh tế khó khăn, việc làm thì ít đi, thu nhập giảm xuống. Tôi rất mong UBND TP.Hà Nội sẽ làm một cuộc khảo sát lấy ý kiến người dân. Quy định này mà áp dụng thì chắc chắn sẽ gây khó khăn chồng chất cho những người lao động muốn sinh sống, gắn bó với thủ đô. Đặc biệt là những người nghèo”, chị Yến kiến nghị.

Vào cuối năm 2022, UBND TP.Hà Nội cũng đã có văn bản đề nghị Thường trực HĐND TP xem xét lùi thời gian trình ban hành nghị quyết quy định về diện tích nhà ở bình quân để đăng ký thường trú. Lý do Hà Nội đưa ra là để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản. Tuy nhiên, một phần là do nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Khi đó, nhiều chuyên gia kinh tế, luật sư cho rằng, quy định này sẽ tác động rất nhiều đến người dân, đặc biệt là những người dân nghèo. Vì thế, Hà Nội cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, cần đánh giá tác động xã hội khi đưa ra quy định này.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng đề nghị Hà Nội làm rõ vì sao lại lấy mốc diện tích 15m2/người ra để làm quy chuẩn mà không phải là con số khác.

Cần đánh giá tác động xã hội

Về vấn đề này, ĐBQH Lê Thanh Vân cho biết, việc Hà Nội đưa ra quy định trên nhằm đến mục đích đảm bảo không gian tối thiểu cho người dân. Việc này hướng đến bảo vệ sức khỏe cho những người đang sinh sống, làm việc và học tập tại Thủ đô. Bên cạnh đó, quy định này sẽ giãn được không ít số lượng dân ở nội đô ra ngoại thành để giải quyết vấn đề chật chội, kẹt xe, quá tải về hạ tầng. Bên cạnh đó, khi áp dụng quy định này thì các căn nhà trọ quá nhỏ, dột nát sẽ không có người thuê, phải cải tạo, sửa chữa.

dai-bieu-quoc-hoi-le-thanh-van-166695053129410991776-1679644303.jpg
ĐBQH Lê Thanh Vân.

Tuy nhiên, điều cần quy định ban hành cũng cần phải xem xét đến đời sống kinh tế của người dân. Mức chi trả của một người dân khi thuê một căn phòng 15m2 ra sao. Một gia đình có 4 người phải thuê căn hộ 60m2 mới được đăng ký thường trú. Đây là điều không phải gia đình nào cũng đáp ứng được.

Cùng quan điểm, CEO Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch BĐS SENLAND cho rằng, việc xây dựng dự thảo trên nhằm cụ thể hóa quy định của Luật Cư trú 2020 và căn cứ trên Luật Thủ đô. UBND TP. Hà Nội kỳ vọng rằng quy định này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống dân sinh của người dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, quy định áp diện tích tối thiểu sẽ khiến nhiều gia đình từ nội thành phải chuyển ra ngoại thành để chịu diện tích nhỏ hơn gần 1 nửa. Hà Nội hiện nay cũng đang dần dịch chuyển trụ sở các bộ, ngành, nhà máy ra khỏi nội đô.

“Vẫn biết mục tiêu của UBND TP.Hà Nội là mong muốn cho người dân sống thoải mái hơn, dễ chịu hơn nhưng tôi cho rằng cần có một cuộc nghiên cứu, đánh giá tác động xã hội khi quy định này đi vào cuộc sống. Những đối tượng nào sẽ bị ảnh hưởng, ảnh hưởng ở mức độ ra sao. Vừa thực hiện, chúng ta nên vừa lắng nghe, hỗ trợ và tháo gỡ cho người dân. Đừng nên áp dụng mệnh lệnh hành chính để xử lý việc vì như thế sẽ gây ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân”, ông Vinh nói.

Việc không được đăng ký thường trú sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy cho người dân. Họ sẽ không được khai sinh cho con tại nơi đang ở, đăng ký kết hôn, nhập học cho con… Và từ đây sẽ tạo ra sự bức xúc trong xã hội. Vì thế, cần có sự vào cuộc đánh giá lại một cách tổng quan nhất. Và chắc chắn, khi đưa lấy ý kiến sẽ rất nhiều người không ủng hộ quy định này.