Nhiều chủ đầu tư “ngao ngán” rao bán khách sạn

Nguyễn Khắc Tiến
Sở hữu khách sạn ở những vị trí đắc địa, trên “đất kim cương” Hà Nội nhưng cực chẳng đã, gần đây nhiều chủ khách sạn liên tục rao bán bởi lượng khách không bù nổi các chi phí vận hành.

Hàng tỷ đồng/m2

Anh Thành Trung - môi giới bất động sản thương mại khu vực nội thành Hà Nội cho biết, do ngành du lịch kinh doanh kém nên hai tháng nay, tháng nào cũng có thêm danh sách mới các khách sạn được đưa vào rổ hàng rao bán. Tuy nhiên, người bán thì tấp nập, người mua vắng bóng. Lý do theo anh Trung cho biết, các khách sạn tại các khu vực phố cổ, đắc địa phần lớn cho khách nước ngoài thuê. Thế nhưng lượng khách nhỏ giọt, chủ khách sạn gặp áp lực tài chính do vay ngân hàng nên phải nhanh chóng "cắt lỗ". "Rất khó để tìm được chủ mới cho các khách sạn bởi thời điểm hiện tại, bỏ ra cả trăm tỷ đầu tư phải là dân trong ngành", anh Trung nói. 

rao-ban-khach-san-2-1687859690.jpg
Do ngành du lịch kinh doanh kém nên hai tháng nay, tháng nào cũng có thêm danh sách mới các khách sạn được đưa vào rổ hàng rao bán.

Khảo sát trên một số trang rao bán bất động sản, nhiều khách sạn trung tâm phố cổ rao bán có giá từ 100-500 tỷ đồng. Các khách sạn hầu hết thuộc phân khúc từ 4 sao trở xuống và do chủ khách sạn tự quản lý vận hành. Các khách sạn được rao bán chủ yếu trên các tuyến phố trung tâm, tuyến phố lớn như Cầu Gỗ, Lương Ngọc Quyến, Hàng Trống, Hàng Chiếu, Hàng Thùng, ...

Có thể kể đến, vừa qua một khách sạn 4 sao, diện tích 323 m2, cao 13 tầng ngay mặt phố Hàng Bông đã được rao bán với giá 500 tỷ đồng, tương đương 1,55 tỷ đồng/m2.

Một khách sạn khác cũng nằm tại mặt phố Hàng Bông cao 14 tầng, diện tích 350 m2 cũng được rao bán với giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,49 tỷ đồng/m2.

Trên phố Mã Mây, khách sạn 4 sao với diện tích 327,9m2, mặt tiền 8m, cao 10 tầng cũng được rao bán với giá 520 tỷ đồng, tương đương 1,59 tỷ đồng/m2.

Trên trang đăng tin rao bán khách sạn trên phố Cầu Gỗ, anh Phạm Đình Tráng (số điện thoại 0981118***) thông tin, diện tích khách sạn 436m2, cao 15 tầng, mặt tiền 10m, bao gồm 91 phòng với giá là 380 tỷ đồng. 

Anh Nguyễn Hùng (chủ một khách sạn trên phố Lương Ngọc Quyến) cho hay, khách sạn của anh thời điểm trước dịch COVID doanh thu hàng tháng trên dưới 500 triệu đồng. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh việc kinh doanh khó khăn, khách sạn phải để không do không có khách trong khi chi phí hàng tháng để duy trì vô cùng lớn. Khó khăn kéo dài nên đến hiện tại, dù có khách du lịch trở lại nhưng không thể bù đắp những chi phí đã bỏ ra. Áp lực tài chính đè nằng nên anh quyết bán khách sạn đi để trả nợ.

Anh Dương Hoàng, nhân viên một khách sạn 4 sao tại phố cổ Hà Nội cho hay, công suất phòng tại khách sạn nằm giữa phố anh đang làm chỉ đạt dưới 50%, cuối tuần cao điểm mới chỉ đạt 60% công suất phòng. Lý giải về con số này, anh Hoàng cho biết, do khách du lịch vẫn ít, chưa thể phục hồi như trước dịch. Đồng thời, kinh tế khó khăn nên khách du lịch cũng thắt chặt chi tiêu, thay vì ở khách sạn trung tâm, họ chuyển sang ở những khách sạn vùng ven hoặc những khách sạn có chi phí vừa phải.

Có thể thấy, sau hơn 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhiều chủ khách sạn đã gặp khó khăn về dòng tiền. Năm 2023, dù hoạt động kinh doanh, nghỉ dưỡng khôi phục nhưng tốc độ rất chậm, du khách có xu hướng tiết kiệm hơn trong chi tiêu đã làm gia tăng áp lực cho các chủ khách sạn trong việc duy trì hoạt động vận hành, đặc biệt với các chủ đầu tư nhỏ và vừa.

rao-ban-khach-san-3-1687859833.jpg
Hàng ngày, có rất nhiều tin rao bán khách sạn được đăng tải trên các trang tin bất động sản

Khó khăn để bám trụ

Theo thống kê của UBND thành phố Hà Nội, tính riêng tháng 5/2023, Thủ đô Hà Nội đã đón hơn 2 triệu lượt khách, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên lượng khách trong tháng lại giảm 8% so với tháng trước, doanh thu ước đạt 7.260 tỉ đồng.

Hiện nay, Hà Nội có 3.756 cơ sở lưu trú với 70.218 phòng. Trong số đó có 603 khách sạn đã được xếp hạng từ 1 - 5 sao. Tuy nhiên, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn này ước chỉ đạt khoảng 60%, dù đã tăng mạnh 32,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhiều chuyên gia cho biết, chủ khách sạn đang rao bán thường ở trường hợp vướng các khoản vay nên quá trình hoàn tất thương vụ mua bán sẽ không dễ “xuôi chèo mát mái”, sẽ có những thương vụ để hoàn tất pháp lý có thể phải kéo dài vài tháng thậm chí cả năm mới xong. Nhiều khả năng, thời gian tới, làn sóng rao bán khách sạn sẽ tiếp tục tăng do các tín hiệu phục hồi kinh tế trên toàn cầu nói chung và trong nước nói riêng còn yếu. Lý do bởi, các chủ khách sạn đang rao bán hầu hết thuộc về tư nhân. Đây là những đối tượng rơi vào khủng hoảng đầu tiên trong giai đoạn trong và sau dịch COVID-19 do du lịch bị hạn chế cùng với sức ép lãi vay đè nặng. Rất có thể năm 2023-2024 là giai đoạn thị trường khách sạn thay máu mạnh mẽ.

uyen-nguyen-savills-1687859915.png
Bà Uyên Nguyễn, trưởng bộ phận tư vấn, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương

Còn theo bà Uyên Nguyễn, trưởng bộ phận tư vấn, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương, các nhà đầu tư có ý định mua lại khách sạn rao bán thời điểm này cần lưu ý tới khả năng vận hành, kinh doanh khách sạn. Lý do bởi đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập trương lai và cả khả năng sinh lời. Vì vậy, người mua cần biết đơn vị vận hành, cấu trúc hợp tác cho thuê, thương hiệu của dự án, các tiện ích,... Đây đều là những yếu tố cần tìm hiểu thật kĩ trước khi quyết định “xuống tiền”.

Thị trường khách sạn Hà Nội đang vật lộn với bài toán tồn tại. Giai đoạn thay máu, bán mình hàng loạt là kịch bản khó tránh khỏi và cần được xem như là mootjq uy luật sàng lọc của nền kinh tế. Quá trình ấy cũng có mặt tích cực là giúp các sản phẩm khách sạn sẽ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hơn , tập chung vào phần chất thay vì bùng nổ về số lượng như thời gian qua.

Để vượt qua khó khăn, theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao Bộ phận nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội, các chủ khách sạn cần có chiến lược vận hành hợp lý để nâng công suất, cải tạo khách sạn theo từng giai đoạn để tối ưu vận hành.