Hàng loạt dự án BĐS lớn bị thu hồi: Hết thời…“ngâm” dự án?

Nguyễn Văn Chương
Thời gian qua, hàng loạt các dự án tại Hà Nội và nhiều tỉnh khác bị chính quyền địa phương thu hồi. Các chuyên gia đánh giá, đây là điều vô cùng cần thiết để tránh lãng phí đất. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư yếu năng lực cũng cần nhường chỗ cho những doanh nghiệp có “tầm” vào thực hiện các dự án.

Khi chính quyền địa phương “mạnh tay”

Mới đây, UBND tỉnh Phú Thọ đã quyết định chấm dứt dự án KĐT sinh thái và thể thao Việt Trì. Đây là quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Phú Thọ của chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tập đoàn FLC. Lý do thu hồi là chủ đầu tư gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Dự án này có tổng vốn các giai đoạn ước tính 10.000 tỉ đồng, quy hoạch gần 250 ha. Giai đoạn 1 của dự án có quy mô trên 110 ha, vốn đầu tư là 4.400 tỷ đồng. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án sẽ kiến tạo một quần thể đồng bộ với những tiện ích lưu trú - nghỉ dưỡng - thể thao cao cấp lần đầu tiên xuất hiện tại Phú Thọ như: khách sạn 5 sao 15 tầng, sân golf 18 hố tiêu chuẩn quốc tế, khu đô thị phức hợp thương mại nghỉ dưỡng cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế…

du-an-treo-1665044390.jpg

Một dự án của Tâp đoàn FLC nhiều năm chưa triển khai. 

Trước đó, vào giữa tháng 4, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án khu công nghiệp FLC Hoàng Long do Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư. Dự án này có tổng số vốn hơn 2.300 tỷ đồng nằm trên một phần huyện Hoằng Hóa và TP.Thanh Hóa quy mô trên 230 ha. Cũng trong tháng 4, tỉnh Bình Phước cũng đã ký văn bản hủy chủ trương lập quy hoạch dự án KĐT mới kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Cam của Tập đoàn FLC. Dự án này có quy mô gần 1.800 ha.

Không chỉ Phú Thọ, Thanh Hóa, Bình Phước mà hàng loạt các tỉnh khác như Lâm Đồng, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Hậu Giang, Sóc Trăng… cũng đã có quyết định dừng các dự án đều liên quan đến chủ đầu tư là FLC.

Vào đầu tháng 9, một dự án khá lớn tại tỉnh Thái Nguyên cũng bị thu hồi. Theo đó, UBND tỉnh Thái Nguyên quyết định thu hồi, chấm dứt hiệu lực chủ trương đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc. Chủ đầu tư của dự án này Công ty cổ phần Flamingo Holding Group. Theo tìm hiểu của Phóng viên, dự án này rộng gần 45 ha, trong đó có 22ha là mặt nước hồ núi cốc. Dự án tọa trên vị trí tại xóm Gốc Mít, xã Tân Thái.

 Sau này, trong một thông báo phát đi từ chủ đầu tư, chính Công ty cổ phần Flamingo Holding Group đã chủ động xin chấm dứt hoạt động đầu tư dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao Hồ Núi Cốc và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên chấp thuận. Tuy nhiên, dù doanh nghiệp hay chính quyền chủ động chấm dứt dự án đều là điều đáng tiếc. Bởi nếu được thực hiện đây sẽ là một trong những dự án lớn và có vị trí đẹp nhất. Bởi ai cũng biết về vẻ đẹp và tính nguyên sơ của Hồ Núi Cốc như thế nào. Nhiều người từng hi vọng, dự án này hoàn thành sẽ hút du lịch và quảng bá hình ảnh của Thái Nguyên đến với khách du lịch quốc tế.

Tại Hà Nội, hàng loạt dự án bất động sản lớn bị thu hồi vì chậm tiến độ. Theo đó, vào giữa tháng 9 vừa qua, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã phát đi thông tin về việc UBND TP.Hà Nội thống nhất chấm dứt, dừng thực hiện đối với hàng loại dự án như Dự án tòa nhà hỗn hợp dành một phần để bán cho cán bộ chiến sĩ Văn phòng Interpol Việt Nam tại phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm; dự án khu đô thị sinh thái Đại Thịnh tại các xã: Mê Linh, Văn Khê và Đại Thịnh, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị mới Việt Á tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị BMC Thăng Long tại xã Đại Thịnh, huyện Mê Linh; dự án khu nhà ở cao cấp Phương Viên tại các xã: Thạch Đà, Đại Thịnh, Văn Khê, Tam Đồng, huyện Mê Linh; dự án khu đô thị Quang Minh Bắc và dự án khu đô thị Quang Minh Nam tại huyện Thường Tín.

Triệt tiêu căn bệnh trầm kha?

Từng phát biểu về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) trao đổi rằng, vấn nạn “quy hoạch treo” đang gây rất nhiều hệ lụy tại cá địa phương. Quy hoạch treo còn gây thiệt hại, khó khăn cho người dân. Bởi thực tế cho thấy, có những dự án quy hoạch nhưng đến 10, 20 năm vẫn chưa triển khai được. Điều này gây hạ chế quyền khai thác, sử dngj đất, kìm hãm phát triển kinh tế.

ĐBQH Nguyễn Tạo đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ cá dự án. Đối với các dự án chậm tiến độ quá 5 năm thì kiên quyết thu hồi. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt, quy hoach dự án. Chỉ khi làm tốt được điều này mới phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai.

gddanghungvo-oypj-1665044391.png

GS Đặng Hùng Võ.

Cùng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh, đối với các dự án treo, chính quyền địa phương cần có chế tài phù hợp và kiên quyết. Trước đây, Bộ TN&MT đã đôn đốc thu hồi lại các dự án treo, dự án chậm triển khai. Tuy nhiên, số các dự án treo lại ngày một nhiều. Việc thu hồi dự án chậm tiến độ là hoàn toàn đúng đắn. Bởi chúng ta cần phải bảo đảm lợi ích quốc gia trong việc sử dụng tài nguyên phát triển các dự án, đặc biệt là bất động sản.

Dưới góc nhìn doanh nghiệp, ông Mai Tùng Linh, Giám đốc Công ty BĐS Linh Tường Phát ủng hộ việc thu các dự án bị “ngâm” tiến độ quá nhiều năm. Bởi rõ ràng, việc này gây lãng phí tài nguyên đất và làm mất cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, trước khi thu hồi, các cơ quan chức năng cần phải xác minh rõ xem việc dự án chậm tiến độ do đâu.

Trong trường hợp do năng lực, tiềm lực của doanh nghiệp không đủ để thực hiện thì việc thu hồi là điều cần thiêt. Tuy nhiên, nếu việc chậm trễ không phải xuất phát từ năng lực doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng cần hỗ trợ để doanh nghiệp thực hiện dự án. Bởi có nhiều dự án chậm tiến đô nguyên nhân do công tác giải phóng mặt bằng không thực hiện đúng dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Trong khi đó, chủ đầu tư chỉ đóng vai trò phối hợp giải phóng mặt bằng, còn chuyên môn chính là của chính quyền địa phương.

“Tuy nhiên, việc các tỉnh ồ ạt dừng, thu hồi dự án chậm tiến độ cho thấy quyết tâm của địa phương đối với việc xử lý chủ đầu tư ngâm dự án. Điều này sẽ khiến các chủ đầu tư phải tính toán lại các dự án của mình, tránh bị thu hồi. Bởi họ đã đổ không ít tiền của vào đó rồi”, ông Linh chia sẻ.