“Lương tăng 1 đồng, giá tăng 10 đồng”
Cách đây không lâu, Báo cáo toàn diện thị trường bất động sản (BĐS) năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 của Bộ Xây dựng khiến nhiều người có ước muốn sở hữu bất động sản tại Hà Nội, TP.HCM và các thành phố lớn phải nản lòng. Theo Bộ Xây dựng, giá nhà ở, đất ở liên tục tăng và cao hơn rất nhiều lần so với thu nhập của người dân. Điều này dẫn đến việc người thu nhập thấp tại các đô thị, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp gặp nhiều khó khăn và khó với tới ước mơ sở hữu nhà ở.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, thị trường bất động sản đã xuất hiện tình trạng tăng giá 5 năm liên tiếp. Giá nhà bình dân cũng cao hơn khoảng 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Trong khi đó, giá nhà tại các nước công nghiệp phát triển chỉ cao hơn khoảng 6-7 lần mức thu nhập của người dân. HoREA đánh giá, việc phát triển bất động sản tại Việt Nam chưa cân đối, thiếu an toàn, lành mạnh và bền vững. Thị trường chưa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở cho đông đảo người dân có thu nhập trung bình, đặc biệt là giới công nhân.
Lâu nay, người Việt vẫn đang duy trì 2 ý kiến trong việc mua nhà. Có nhiều người theo quan điểm “truyền thống” phải ăn chắc mặc bền, an cư lạc nghiệp. Tức là, có tiền gom lại để mua nhà, thậm chí là vay mượn rồi tích cóp trả dần theo hàng năm. Điều này cũng diễn ra khá phổ biến hiện nay khi hầu hết người dân mua nhà đều dùng đến đòn bẩy tài chính. Rất ít người khi mua nhà mà “cốp” đủ tiền mặt. Tuy nhiên, cũng có một quan điểm ngược lại. Họ chấp nhận đi ở thuê, để dòng tiền “quay tít” bằng việc đầu tư. Họ chỉ muốn sở hữu căn hộ của mình khi đã có nhiều kênh đầu tư khác và tiệm cận việc tự do tài chính. Quan điểm này được cho là khá “Tây” bởi việc này được áp dụng khá nhiều ở nước ngoài.
Trao đổi với phóng viên về vấn đề này, CEO Vũ Trường Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Winhousing Việt Nam cho biết: “Khi đưa lại vấn đề này, tôi bỗng nhiên nghĩ lại chuyện cách đây vài năm, khi giá nhà chung cư ở Hà Nội tầm dưới 1 tỷ đồng vẫn có thể mua được. Khi đó, tôi động viên nhiều anh em bạn bè của mình mua đi, có bao nhiêu thì cố gắng vay thêm bố mẹ, anh chị em, bạn bè… Nếu chưa đủ thì vay ngân hàng.
Cuối cùng, những người nghe lời tôi mua nhà rồi cũng trả hết nợ và căn nhà đó là của họ. Mà đúng thật, cũng chỉ tầm 3-5 năm là mọi người đều trả hết nợ. Chúng ta cứ quan sát xem ở một toà chung cư nào đó sau khoảng 3 năm từ lúc bàn giao thì lượng xe ô tô sẽ tăng lên chóng mặt”.
CEO này nhấn mạnh, có một thực tế rằng đồng lương đi làm của chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp được sự tăng giá của bất động sản. Có người cứ chờ khi đủ tiền mới mua nhà hoặc đầu tư bất động sản thì rất khó. Bởi lương tăng 1 đồng thì vật giá leo thang 10 đồng, giá BĐS thì còn tăng thêm nhiều lần nữa.
“Đến thời điểm hiện tại, nếu bạn mua sớm vừa được ở nhà mới, vừa có sự lựa chọn. Hiện nay, nguồn cung ít, giá lên cao, nếu bạn không mua thì sau càng khó mua. Mà mua thì lại tiếc vì giá đã lên. Rất nhiều người bị rơi vào vòng luẩn quẩn tâm lý đó. Thực tế cho thấy, cánh đàn ông lại thường hay đắn đo, còn các chị em thường lại hay quyết “máu liều” hơn”, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Winhousing Việt Nam tâm sự.
Theo CEO Vũ Trường Thắng, hiện nay, nhiều người ngồi phỏng đoán giá bất động sản sẽ xuống lúc đó mới đi mua. Điều này rất khó. Bởi giá có thể đi ngang một thời gian để chuẩn bị cho những cú tăng trong thời gian tới. Hơn nữa, theo thống kê, hiện nay giá bất động sản đang gấp 20 lần mức thu nhập trung bình của xã hội. Với xu hướng hiện nay, mức chênh lệch này sẽ càng gia tăng.
"Không bỏ trứng vào một giỏ"
CEO này nói rằng, thời điểm hiện tại có rất nhiều kênh khác nhau để. Bản thân anh không bài trừ lĩnh vực nào bởi kênh đầu tư nào cũng sẽ có những ưu điểm và hạn chế riêng của nó. Tuy nhiên, chúng ta phải phân tích và lựa chọn kỹ càng trước khi quyết định xuống tiền đầu tư. Tức là, đầu tư lĩnh vực nào thì cũng phải có kiến thức. Đã hết thời đầu tư bằng cảm tính, đầu tư theo đám đông. Bởi đã có rất nhiều bài học nhãn tiền về các hình thức đầu tư dựa vào “may-rủi” đơn thuần.
CEO Vũ Trường Thắng.
Cách đây chỉ 2-3 tháng, tình hình kinh tế nhiều biến động. Khi đó, giá xăng tăng cao ở mức xấp xỉ 33.000 đồng/lít. Giá xăng đã trực tiếp ảnh hưởng đến CPI (chỉ số giá tiêu dùng). Giá thành của nhiều mặt hàng tăng theo giá xăng. Điều này làm cho chỉ số lạm phát sẽ tăng cao (CPI tháng 5/2022 đã tăng 0,38% so với tháng 4 và tăng 2,86% so với cùng kỳ). Vì thế mục tiêu kìm hãm lạm phát dưới 4% sẽ khó có thể đạt được.
Cùng với diễn biến đó, dòng tiền năm nay sẽ được bơm ra rất mạnh để hỗ trợ phát triển kinh tế bằng những gói như: 350.000 tỷ đồng hoặc là gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, điều này sẽ tác động rất lớn tới lãi suất ngân hàng và lạm phát.
“Trong tình hình như thế, nếu chúng ta càng để tiền trong ngân hàng phải đối diện với nguy cơ mất giá. Và việc của những người có tiền lúc này là phải bảo toàn tài sản của mình và gia tăng nó trong tương lai. Quan điểm không bỏ trứng vào cùng một giỏ sẽ luôn đúng trong việc đầu tư hiện nay. Tức là chúng ta phải chia ra thành nhiều kênh với tỷ lệ đầu tư khác nhau”, CEO Vũ Trường Thắng nói.
Theo ông Thắng, việc cơ cấu dưới đây sẽ luôn giúp chúng ta trong trạng thái an toàn:
Ví dụ: Tỷ lệ 80% cho đầu tư an toàn và 20% cho đầu tư rủi ro. Trong 80% an toàn có thể bao gồm: Để trong ngân hàng 20% đề phòng rủi ro; 10% đầu tư cho vàng và 70% đầu tư cho bất động sản. Còn 20% đầu tư rủi ro có thể đầu tư chứng khoán, đầu tư coin, hoặc một kênh đầu tư nào đó bạn thích.
“Nói chung, khi đầu tư chúng ta tránh tình trạng “say máu”, đầu tư phải biết dự phòng rủi ro. Việc phân tích thị trường là rất cần thiết. Bởi, tất cả các kênh hiện nay, việc đầu tư là sân chơi của những người có kiến thức, biết phân tích tổng quan”, CEO Vũ Trường Thắng nói.