Nhiều nghịch lý ở nền kinh tế Việt Nam
Tại Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 diễn ra ngày 19.9, PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, sau 3 năm trải qua đại dịch COVID-19 và vượt qua nó theo một logic “nghiệt ngã”, kinh tế Việt Nam vẫn đứng vững, tạo được đà và thế tăng trưởng. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt quá trình vẫn có nhiều nghịch lý.
Theo ông Thiên, trong gần 40 năm đổi mới, dù mức tăng trưởng bình quân không thấp, song cứ sau mỗi giai đoạn 10 năm, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam lại bị giảm gần 1,0% tốc độ bình quân. Điều này cho thấy xu hướng suy giảm kéo dài của động lực tăng trưởng kinh tế, nhưng đến nay, vẫn chưa có một nghiên cứu nào giải thích thuyết phục.
Vị chuyên gia nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt Nam giỏi chống chịu, sống dai nhưng chậm lớn, khó trưởng thành.

Theo ông Trần Đình Thiên, hiếm có nơi nào trên thế giới mà các doanh nghiệp phải trả giá vốn (lãi suất) cao như ở Việt Nam – thường là cao gấp 2-3 lần các nền kinh tế thị trường “bình thường” trên thế giới, chưa kể các khoản “chi phí giao dịch” khác, cũng thường là cao vượt trội. Kỳ diệu hơn nữa là việc trả giá vốn cao ở Việt Nam không diễn ra trong một thời gian ngắn, mang tính nhất thời và đơn lẻ. mà thực tế nó kéo dài trường kỳ hàng chục năm.
“Theo logic cạnh tranh thị trường, với gánh nặng chi phí như vậy, doanh nghiệp Việt khó có thể tồn tại trong môi trường kinh tế “mở”, nhất là với trình độ thấp và thực lực yếu. Thế nhưng, một cách thực tế, các doanh nghiệp Việt vẫn tồn tại – một cách bền bỉ”, ông Thiên nói.
Nhưng mặt khác, ông Thiên đặt câu hỏi là tại sao với năng lực “chống chịu” và “trụ hạng” hiếm có như vậy mà đa số doanh nghiệp Việt mãi cứ là những thực thể nhỏ bé và yếu kém, cứ “chậm lớn”, “khó lớn”, “ngại lớn”, khi “li ti hóa”?
Theo ông Thiên, trong những năm gần đây (2021-2023), khác với nhiều nền kinh tế trên thế giới chịu lạm phát cao chưa từng thấy trong nhiều thập niên, Việt Nam lại thành công trong việc duy trì mức lạm phát thấp. Dù vậy, doanh nghiệp Việt vẫn phải chịu mức lãi suất ngân hàng 12-15%/năm.
“Cách diễn đạt “nền kinh tế Việt Nam có mức lạm phát thấp nhất, lãi suất cao nhất thế giới” có thể không chính xác tuyệt đối, song phản ánh đúng thực trạng nghịch lý phát triển mà nền kinh tế đang nỗ lực tháo gỡ “, ông Thiên chia sẻ.
Từ góc nhìn này, nếu đo sự phát triển doanh nghiệp theo logic “chạy tiếp sức”, ông Thiên cho hay, vấn đề tuổi thọ của doanh nghiệp Việt là đáng lo ngại.

Theo thống kê chính thức, hàng năm, số doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường” tương đương 70-75% số doanh nghiệp “đăng ký thành lập”. Đây là một tỷ lệ không bình thường. Nó hàm ý số doanh nghiệp Việt “sống thọ” không nhiều. Một bộ phận lớn trong số chúng “chưa kịp lớn” đã “ra đi”.
“Xu hướng này ngược lại khả năng sinh tồn cao của doanh nghiệp. Nó báo động chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế thế giới. Tình thế “nghịch lý” này được bộc lộ rõ rệt hơn bao giờ hết trong những năm gần đây, đặc biệt là năm 2023”, ông Thiên nêu và dẫn chứng số doanh nghiệp thành lập mới liên tục giảm trong khi số rút khỏi thị trường tăng mạnh.
Nền kinh tế “khát vốn” nhưng lại khó hấp thụ vốn
Theo PGS-TS Trần Đình Thiên, đến hết tháng 8.2023, giải ngân đầu tư công – trọng tâm của nỗ lực “bơm vốn cho nền kinh tế” của Chính phủ - được cải thiện rõ rệt so với các năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu, mức độ tiến triển vẫn được coi là chậm. Giải ngân mới đạt 39,6% kế hoạch, cho dù Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã nỗ lực cao độ. Trong khi đó, ở kênh tín dụng, mức tăng trưởng chỉ đạt 5,5% trong khi mục tiêu cả năm là tăng 14%.
“Mức tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư công thấp thật sự là điều gây bất ngờ trong bối cảnh đa số doanh nghiệp “đói vốn, khát vốn” đang là một thực tế gay gắt. Nó càng khó ngờ khi trong mấy tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã nỗ lực đưa ra nhiều chính sách và giải pháp mạnh để hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp thoát khỏi tình thế khó khăn”, ông Thiên nêu.
Theo đó, cộng lực với Chính phủ, hệ thống ngân hàng cũng làm điều “chưa từng thấy” là 4 lần hạ lãi suất, áp dụng nhiều giải pháp nới lỏng điều kiện tiếp cận vốn, cho dù áp lực nợ xấu, lạm phát, tỷ giá hối đoái và cả áp lực “phải đẩy mạnh cho vay” tiếp tục tăng.

Ông Thiên cho rằng, nền kinh tế khát vốn nhưng không hấp thụ được vốn; nhiều doanh nghiệp “đói vốn” nhưng lâm vào tình thế “không thể, không dám và không cần” vay vốn, tùy theo hoàn cảnh mỗi doanh nghiệp. Đây thực sự là một nghịch cảnh phát triển.
“Tình trạng ách tắc lưu thông các nguồn lực là căn nguyên “bất động hóa” các nguồn lực, làm cho chúng không thể chuyển hóa thành “động lực phát triển”, dẫn tới chỗ cơ thể kinh tế bị suy yếu, bị tổn thương và bất ổn”, ông Thiên nói.
Vị chuyên gia cũng nêu quan điểm rằng, cho đến nay, sự phát triển thiên lệch các thị trường tài chính – ngân hàng là nguyên nhân cơ bản gây ra những bất ổn và rủi ro trong nền kinh tế; là một trong những căn nguyên chính của tình trạng tắc nghẽn cung – cầu về vốn, dễ tạo sóng đầu cơ và gây nhiều rủi ro hệ thống.
“Một thực tế điển hình là cách phản ứng chính sách giật cục (điển hình là cách “ứng xử” với thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2023) đã gây tổn thương cho thị trường, cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Thiên dẫn chứng.