Những quy tắc “bất di bất dịch” khi làm việc với môi giới bất động sản

Thứ tư, 28/09/2022-13:09
Nghề môi giới hay bất kể ngành nghề nào cũng đều tồn tại người xấu, người tốt. Môi giới cũng sẽ có người đặc biệt có tâm nhưng không có nghĩa người mưu cầu chuộc lợi không tồn tại...

Năm lần bảy lượt bị môi giới lừa

Chị Phương Thanh (Hà Nội) đã từng có nhiều trải nghiệm không tốt khi làm việc với môi giới bất động sản trong quá trình tìm mua ngôi nhà đầu tiên của mình. Chị Thanh kể lại: “Mình không có người quen bên bất động sản nên cũng mày mò các nhóm Facebook (mạng xã hội) đăng tin chia sẻ nhu cầu, điều kiện để các anh chị em gần xa giới thiệu cho một căn nhà vừa ý: Tài chính mình chỉ khoảng x.xxx thôi và nêu ra các điều kiện mong muốn về căn nhà gồm diện tích, khoảng cách từ chỗ làm đến chỗ ở, v.v…

Và ngay sau đó, mấy chục anh chị môi giới tiếp cận nhắn tin, gọi điện nhưng đa phần trải nghiệm đều không vui vẻ gì.

Mình nghe lời từ một số người đã mua trước, xin sổ trước khi đi xem để cho bạn bè kiểm tra nhưng môi giới từ chối rồi nói nặng lời, ý bảo mình “luồn cò” (định qua mặt môi giới để liên hệ trực tiếp với chủ nhà). Nghe vậy mình cũng không xin sổ nữa và chọn cách tin tưởng với những lời hứa: “Chị hãy tin ở em”, “em hãy tin anh”, “yên tâm nhà đẹp như mơ xem xong về anh gửi sổ”. Và phần lớn các căn đẹp như mơ đều là sổ quy hoạch, lộ giới, đường lưới điện, diện tích không công nhận…

Các bạn môi giới mình gặp giải thích rằng: “Chị có bao nhiêu tiền đó mà chị đòi hỏi này kia, do nhà bị như vậy mới có giá đó” hay “quy hoạch là chuyện bình thường mà chị, người ta vẫn ở được đấy thôi”… Quy hoạch hay lộ giới đúng là việc rất bình thường nhưng giá cả hoàn toàn không phù hợp và có những căn phần quy hoạch chiếm đến 3/4 căn nhà, mà trước khi đi xem mình không hề biết, đều là tự phát hiện ra sau khi xin chủ nhà cho xem sổ.

Một lần có căn nhà kia mình rất hài lòng, và tỏ thiện chí muốn mua, chủ nhà thấy vậy liền tăng giá lên 200 triệu đồng với lý do “Bà xã anh không đồng ý bán giá này, sau khi cân nhắc thì…”. Sau đó, mình nhận được sổ thì phát hiện căn nhà bị quy hoạch hết 9/10.

Các bạn môi giới dẫn mình đi từ nhà này tới nhà khác, không cần phân biệt lộ giới quy hoạch và cũng không đúng mình vị trí mong muốn, miễn có nhà là các bạn dẫn đi hết”.

Chị Phương Thanh cho rằng môi giới là trung gian hỗ trợ người mua và người bán, nếu người đó làm việc chuyên nghiệp, hoàn toàn có thể được khách hàng cũ giới thiệu thêm khách hàng mới là bạn bè của họ. Sau nhiều lần lựa chọn tin tưởng để thất vọng, tuy có khá nhiều bức xúc nhưng chị vẫn tin sẽ gặp được môi giới chuyên nghiệp trong thời gian tới.


Năm lần bảy lượt bị môi giới "lừa bán" nhà dính quy hoạch
Năm lần bảy lượt bị môi giới "lừa bán" nhà dính quy hoạch

Kinh nghiệm “sống còn” khi làm việc với môi giới bất động sản

Không phân biệt người mua nhà để ở hay mua với mục đích đầu tư, với hơn một thập kỷ bắt đầu từ nghề môi giới bất động sản đến vừa môi giới vừa thành công trong lĩnh vực đầu tư, anh Trần Kim Đông cho rằng dù là môi giới có tiếng hay được người quen giới thiệu thì người mua nhà cũng cần biết cách tự kiểm chứng trình độ của môi giới. Hãy tìm một môi giới có tâm.

“Để chọn được một người môi giới có tâm và có trình độ thật không đơn giản. Đầu tiên, người mua cần tiếp xúc và trao đổi nhiều lần với môi giới để nhìn nhận, đánh giá, đôi khi phải thử môi giới bằng những hiểu biết của mình. Ví dụ về pháp lý, vị trí, các công trình giao thông…, hỏi dò kinh nghiệm môi giới đã bao lâu hay đã có bao nhiêu giao dịch mua bán…

Thứ hai, quan sát cách làm việc của môi giới. Khi làm việc với môi giới, thông thường môi giới sẽ muốn bán được bất động sản nên sẽ nói những mặt ưu điểm của bất động sản. Hãy xoáy vào các khuyết điểm của nó và đặc biệt, hãy xem cách môi giới làm việc với chủ bất động sản. Những người môi giới thật sự có tâm sẽ biết cách bảo vệ khách hàng của họ trước đòi hỏi quá đáng của chủ bất động sản.

Thứ ba, đánh giá các chi tiết nhỏ khi có giao dịch đặt cọc hay mua bán công chứng. Người mua cần quan sát cách môi giới làm việc có tận tình hay không, từng chi tiết nhỏ có được môi giới chú ý hay không. Anh còn nhớ lần mua bất động sản gần đây, khi đặt cọc, môi giới là người kiểm tra các thông tin của chủ bất động sản còn kỹ hơn anh. Thậm chí, khi anh chọn địa điểm đặt cọc là quán cafe cho thoải mái thì người môi giới đó còn yêu cầu đến thẳng trực tiếp nhà chủ để biết chính xác địa chỉ chủ nhà cho chắc ăn. Và thông qua cách viết hợp đồng cọc, những chú ý, điều khoản bảo vệ khách hàng.... những chi tiết nhỏ như vậy đã giúp anh có thêm đánh giá về người môi giới anh đang làm việc cùng và sẽ còn hợp tác sau này.

Thứ tư, điều này quan trọng với các nhà đầu tư, hãy chọn một môi giới có thể bán ra hàng cho bạn. Đó là những người có nhiều mối liên kết với các môi giới khác, có kỹ năng bán hàng đủ giỏi để bán lại hàng cho bạn”, anh Đông chia sẻ kinh nghiệm.

Bên cạnh đó. theo môi giới - nhà đầu tư nhiều năm, người mua cần làm việc rõ ràng với môi giới ngay từ đầu về nhu cầu như mong muốn mua bất động sản như thế nào, tài chính bao nhiêu, khu vực, diện tích, vị trí, hướng.... Việc xác định rõ ràng sẽ giúp quá trình làm việc thuận lợi hơn và tiết kiệm thời gian của cả hai bên. Song, cũng cần rõ ràng về tiền bạc với môi giới khi cần mua - bán. Ví dụ nếu mua - bán thành công thì hoa hồng là bao nhiêu % hay bao nhiêu tiền, số tiền đó có bao gồm chi phí làm giấy tờ sang tên hay không....


"Người môi giới sẵn sàng bỏ qua lợi ích cá nhân, thậm chí chủ động huỷ giao dịch để bảo vệ khách hàng là môi giới rất đáng trân trọng", anh Đông nói.
"Người môi giới sẵn sàng bỏ qua lợi ích cá nhân, thậm chí chủ động huỷ giao dịch để bảo vệ khách hàng là môi giới rất đáng trân trọng", anh Đông nói.

Nguyên tắc quan trọng tiếp theo là không được nhượng bộ. Người mua hoàn toàn có thể đưa ra lời từ chối nếu môi giới đã giới thiệu quá nhiều bất động sản mà chưa có cái nào thật sự vừa ý. Đừng cố chọn một cái đẹp nhất trong các bất động sản đã đi xem để phải hối hận về sau.

Ngoài ra, người mua nên tiến hành kiểm tra chéo, bởi cùng một bất động sản đôi khi môi giới khác nhau sẽ đưa ra các mức giá khác nhau, đặc biệt là đất, khi người mau không biết chủ đất là ai. Vậy nên hãy cố gắng kiểm tra lại xem miếng đất đó đã bị môi giới nâng giá lên hay chưa.

Cuối cùng, hãy giữ quan hệ tốt đẹp và lâu dài với các môi giới chất lượng cao.

“Đôi khi có những người môi giới rất giỏi và có tâm, nhưng vì lý do nào đó mà chúng ta chưa chốt được giao dịch. Hãy giữ mối quan hệ đó để có thể hợp tác sau này, khi cần mua hoặc cần bán thì có người để liên hệ.

Đặc biệt về phía nhà đầu tư, đối với các môi giới đã từng có giao dịch thì nên tiếp tục giữ mối quan hệ. Và nếu thành công nhiều thương vụ tiếp theo thì giống như nhà đầu tư đã có một người đồng hành chất lượng trong lĩnh vực bất động sản vậy đó. Anh đã có vài anh em môi giới thân quen như vậy, thậm chí anh dám chuyển tiền cho họ đi đặt cọc giúp luôn khi còn chưa tận mắt xem đất và chưa gặp mặt chủ nhà, chủ đất. Đó là vì đã có nhiều giao dịch thành công, chứ ai chưa quen thì không nên làm theo kiểu này”, anh Kim Đông đưa ra lời khuyên.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thế hệ tỷ phú mới trên sàn chứng khoán ra đời nhờ các chuỗi trà sữa “nô nức” IPO

Nhà mặt tiền là gì và những yếu tố quan trọng cần nhớ

Vinhomes tiếp tục không chia cổ tức để bổ sung nguồn vốn

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất OMO

Môi giới bất động sản “chốt” căn nhà gần 7 tỷ đồng trong vài tiếng đăng tin

Môi giới dùng chiêu trò làm “nóng ảo” đất nền dù giao dịch hạn chế: Nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền!

Tuổi Dần hợp hướng nào để cuộc sống thuận buồm xuôi gió, tài lộc đầy nhà?

Biến đổi trong hoạt động kinh doanh của ngành chứng khoán