Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 5): Hối hận vì cắm đất ở quê mua nhà thành phố

Thứ bảy, 25/03/2023-14:03
Đặt cọc mua chung cư ở Hà Nội xong mới phát hiện bản thân không thể vay ngân hàng vì vướng nợ xấu, vợ chồng chị Thanh (Thanh Hóa) phải nhờ bố mẹ thế chấp mảnh đất vay ngân hàng để hoàn tất mua bán. Tuy nhiên, trước việc lãi suất tăng cao, cả gia đình chị như “ngồi trên đống lửa” với áp lực trả lãi hàng tháng. 

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.
Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Thế chấp đất ở quê để mua nhà

Sinh ra trong một gia đình nghèo tại tỉnh Thanh Hóa, lại sớm mồ côi cha, suốt những năm tháng vất vả học đại học cho đến khi lấy chồng, sinh con, chị Hoàng Thị Thanh “ám ảnh” bởi những căn phòng trọ chật chội, ồn ào, không đảm bảo an toàn. Trong 10 năm ở trọ với nhiều lần chuyển phòng ngược xuôi, ước mơ có nhà là mục tiêu phấn đấu gần như lớn nhất của vợ chồng chị. 

Dù công việc trái ngành học, nhưng mức thu nhập 35 triệu đồng của vợ chồng chị khá ổn cho cuộc sống sinh hoạt của 2 vợ chồng và một con gái 3 tuổi. Khi có tích lũy, chị quyết định tìm mua trả góp một căn hộ để cuộc sống của gia đình mình được thoải mái hơn. 

Ngược xuôi tìm kiếm, cuối cùng chị được giới thiệu mua lại một căn chung cư gần 100m2 tại Hà Đông (Hà Nội) với giá thấp hơn thị trường bởi chủ nhà đang cần tiền gấp. Bị cuốn theo lời tư vấn của môi giới, chị tin rằng nếu không đặt cọc ngày thì sẽ tuột mất cơ hội mua nhà với giá tốt. Ngay hôm sau, vợ chồng chị cầm 300 triệu đồng tích lũy của mình tiến hành đặt cọc và dự tính sẽ vay thêm ngân hàng, người quen, cộng với số tiền mình có để mua trả góp căn nhà này.

Tuy nhiên, mọi việc không thuận lợi như chị hình dung. Khi đặt cọc xong, tiến hành thủ tục vay ngân hàng thì chị giật mình bởi bản thân từng có một khoản nợ xấu 5 triệu đồng vay từ thời sinh viên. Có nợ xấu, nghĩa là cánh cửa vay vốn ngân hàng đã đóng chặt lại trước mặt chị, trong khi tiền đã đặt cọc, vợ chồng chị “phát khóc” khi số tiền cọc 300 triệu đồng có thể mất trắng. 


Chị Hoàng Thị Thanh (Thanh Hóa) "khủng hoảng" vì lãi suất tăng cao
Chị Hoàng Thị Thanh (Thanh Hóa) "khủng hoảng" vì lãi suất tăng cao

Trước tình cảnh này, vợ chồng chị đành xin bố mẹ chồng ở quê thế chấp khu đất của gia đình để vay 1,8 tỉ đồng giúp chị mua được căn chung cư ở Hà Nội. Hàng tháng, vợ chồng chị sẽ gửi tiền trả lãi và gốc. 

“Chúng tôi vay ngân hàng thời hạn 15 năm với lãi suất hơn 10%, kèm theo một gói bảo hiểm nhân thọ 30 triệu đồng và nhiều chi phí khác. Mỗi tháng chúng tôi đang phải trả khoảng 27 triệu đồng tiền lãi – một gánh nặng khá lớn. Thời gian ân hạn sẽ kết thúc trong vòng 6 tháng và chúng tôi sẽ phải chịu lãi suất thả nổi và số tiền sẽ tiếp tục tăng thêm, dự kiến trên 30 triệu đồng. Khi đó, dù biết áp lực trả lãi rất lớn nhưng tiền cọc đã đóng trước, chúng tôi không còn cách nào khác”, chị Thanh nói.

Chị Thanh chia sẻ, vì vướng nợ xấu nên bố mẹ chồng là người đứng tên thế chấp ngân hàng, nếu chị không trả lãi đầy đủ, điểm tín dụng của bố mẹ sẽ ảnh hưởng. Do vậy, có những tháng chị phải đi “vay nóng” với lãi suất cao hoặc tìm đến dịch vụ rút tiền thẻ tín dụng để đóng lãi ngân hàng. Dù vậy, với lãi suất thả nổi tới đây có thể rơi vào 13%, chị cho biết chắc chắn không thể gồng được. 


Phải mua nhà trả góp giá rẻ, nhưng nhiều người đã không giữ nổi vì lãi suất tăng cao (ảnh minh họa)
Phải mua nhà trả góp giá rẻ, nhưng nhiều người đã không giữ nổi vì lãi suất tăng cao (ảnh minh họa)

“Lãi suất vay mua nhà tăng cao và dự đoán sẽ tiếp tục tăng khi FED tăng đã trở thành một gánh nặng lớn đối với những người đang có ý định mua nhà hoặc đang có khoản vay mua nhà đang còn nợ như chúng tôi. Khi lãi suất tăng, khoản tiền lãi hàng tháng sẽ tăng theo, làm vỡ các kế hoạch tài chính và khiến cho việc trả nợ trở nên khó khăn hơn. Khoản nợ chiếm gần hết ngân sách hàng tháng của gia đình khiến chúng tôi đang rất lo lắng việc không thể trả lãi đúng hạn, tài sản có thể sẽ bị ngân hàng phát mại”, chị Thanh nói.

Chỉ mong bán được nhà cho nhẹ nhõm

Lãi suất vay mua nhà tăng cao không chỉ gây ra những khoản nợ chồng chất mà còn khiến vợ chồng chị phải lao vào các công việc làm thêm, không có ngày nghỉ.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, chồng chị Thanh cho biết, trước đây vợ chồng anh chị làm giờ hành chính, thời gian còn lại dành cho thể thao, giao lưu bạn bè hoặc chơi với con cái. Tuy nhiên, với việc lãi suất tăng cao, vật giá leo thang, thu nhập không còn đủ để vừa sinh hoạt, vừa trả nợ nên vợ chồng đều phải làm thêm công việc tay trái để có thêm nguồn thu nhập.

“Vợ chồng tôi còn trẻ nên làm thêm cũng vẫn xoay sở được, nhưng sức khỏe đi xuống thấy rõ và không còn nhiều thời gian dành cho việc giải trí, học tập để nâng cao bản thân. Chưa kể, nếu con cái hoặc vợ chồng ốm, phải nghỉ làm thì tháng đó rất có thể phải “giật gấu vá vai”, vay mượn khắp nơi để đóng lãi. Tuy vậy, hiện tại chúng tôi không còn lựa chọn nào khác”, anh Tuấn nói.


Nhiều người mong mỏi mua nhà, rồi lại mong mỏi... bán nhà cho bớt nợ
Nhiều người mong mỏi mua nhà, rồi lại mong mỏi... bán nhà cho bớt nợ

Cũng bởi phải làm thêm công việc, vợ chồng anh chị cũng không có nhiều thời gian dành cho con cái. “Trước kia khoảng 5 giờ chiều chúng tôi đón con, nhưng hiện nay phải nhờ cô giáo trông thêm giờ, tới khoảng 7 giờ mới có thể đón con về và đương nhiên sẽ chịu thêm chi phí. Về nhà, vợ chồng lại tất bật người nấu cơm, người tắm rửa cho con và bữa cơm thường rơi vào hơn 8 giờ tối. Ăn cơm xong thì vợ chồng lại tiếp tục phải làm thêm công việc tay trái của mình”, anh Tuấn nói. 

Trước tình cảnh này và dự báo lãi suất còn tiếp tục tăng, vợ chồng anh quyết định rao bán căn hộ mới mua chưa lâu để bớt gánh nặng lãi suất, tuy nhiên, việc bán nhà trong thời điểm này không hề dễ dàng.

“Việc bán nhà ở thời điểm hiện tại không dễ bởi lãi suất tăng cao, kinh tế nhiều biến động, không nhiều người sẵn sàng vay tiền tỉ để mua nhà. Với số tiền sẵn có, họ có thể dành để gửi ngân hàng hoặc đầu tư vào đất đai, cổ phiếu vốn đang hạ giá so với thời gian sốt nóng trước kia”, anh Tuấn nói và bày tỏ lo lắng nếu lãi suất tiếp tục tăng cao, trong khi nhà không thể bán thì gia đình anh không biết xoay sở thế nào. Do vậy, anh mong mỏi Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước có chính sách để hạ nhiệt lãi suất, giảm bớt gánh nặng cho những người mua nhà ở như gia đình anh. 

(Còn tiếp)

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tuổi Tỵ hợp hướng nào? Xây nhà, chọn phòng làm việc ra sao để ăn nên làm ra, sự nghiệp tấn tới?

Thế hệ tỷ phú mới trên sàn chứng khoán ra đời nhờ các chuỗi trà sữa “nô nức” IPO

Vinhomes tiếp tục không chia cổ tức để bổ sung nguồn vốn

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất OMO

Môi giới bất động sản “chốt” căn nhà gần 7 tỷ đồng trong vài tiếng đăng tin

Môi giới dùng chiêu trò làm “nóng ảo” đất nền dù giao dịch hạn chế: Nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền!

Biến đổi trong hoạt động kinh doanh của ngành chứng khoán

Chuyên gia chứng khoán tiết lộ thời điểm đầu tư lớn nhất năm 2024

Tin mới cập nhật