Người mua trả góp điêu đứng trong cơn bão lãi suất (Bài 3): Bán nhà cũng không dễ

24/03/2023
Lãi suất tăng cao là “ác mộng” của thị trường tài sản, trong đó có bất động sản. Áp lực lãi suất không chỉ khiến người có khoản vay ngân hàng “ngồi trên đống lửa” mà còn ảnh hưởng đến khả năng mua nhà của người có nhu cầu.

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ Cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Kiệt quệ vì lãi suất

Chị Hoàng Thanh Lương (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm) Hà Nội cho biết đang rất áp lực với khoản vay 1,7 tỉ đồng mua nhà trong bối cảnh lãi suất ngày càng tăng cao.

Chị kể, tháng 7 năm ngoái, sốt ruột vì thị trường nhà đất tăng mạnh, vợ chồng chị quyết định mua nhà vì sợ giá ngày một tăng. Với số tiền tiết kiệm được cùng với gia đình nội ngoại giúp đỡ, chị có trong tay gần 1,5 tỉ đồng và quyết định mua căn nhà xây sẵn 30m2 trong ngõ với giá 3 tỉ đồng. Để có được nơi “an cư lạc nghiệp”, vợ chồng chị vay ngân hàng 1,5 tỉ đồng với lãi suất 9%/năm, sau 1 năm ân hạn sẽ chịu lãi suất thả nổi. 

“Dù biết lãi suất cao, mỗi tháng chi trả tiền gốc và lãi khoảng 20 triệu đồng (chiếm một nửa thu nhập của 2 vợ chồng) nhưng ước mơ có một ngôi nhà thôi thúc chúng tôi quyết tâm. Bởi vì năm 2021, 2 vợ chồng cũng tính vay mượn thêm để mua nhà nhưng lo ngại số tiền phải trả hàng tháng cao nên dừng quyết định mua nhà lại. Không ngờ sau đó, giá nhà mọi phân khúc đã tăng rất mạnh”, chị Lương nói. 

Không thể gồng lãi suất, nhiều người rao bán nhà
Không thể gồng lãi suất, nhiều người rao bán nhà

Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang. Vài tháng sau khi mua nhà, chồng chị đang ổn định với công việc tại một công ty xây dựng thì doanh nghiệp gặp khó khăn, bị cắt giảm khoảng 20% lương, thu nhập không còn đủ để trang trải cuộc sống của 2 vợ chồng và một con gái 4 tuổi.

“Với chi phí sinh hoạt, học hành của con cái ở Hà Nội, chi tiêu tối thiểu một gia đình cũng vào khoảng 15-20 triệu đồng, chưa kể ốm đau, bệnh tật, hiếu hỉ…, thì mức thu nhập chưa đến 40 triệu đồng mỗi tháng không thể đủ xoay sở. Nhất là trong bối cảnh ân hạn lãi suất sắp hết và phải chịu lãi suất thả nổi, chúng tôi đang chuẩn bị kêu bán nhà. Tuy nhiên, hiện nay lãi suất tăng cao, người dân thay vì mua nhà thì họ gửi tiền vào ngân hàng lấy lãi cao, chờ lãi suất hạ xuống mới bắt đầu mua”, chị Lương nói.

Trong thời gian này, gia đình chị Lương buộc phải tiết giảm chi tiêu cho cả gia đình, chuyển con về trường học với mức học phí thấp hơn và hạn chế các bữa nhậu, cà phê và gần như chấm dứt những chuyến du lịch. 

“Có nỗi sợ lớn hơn đối với chúng tôi thời điểm này, đó là nỗi lo sức khỏe. Nếu chẳng may trong gia đình có người bị ốm, phải đi bệnh viện chẳng hạn, thì thực sự không biết xoay sở thế nào”, chị Lương bày tỏ. 

Làm thêm việc tay trái vào buổi tối

Cũng như chị Lương, chị Hoàng Ngọc Lệ, một nhân viên kiểm thử phần mềm tại Cầu Giấy, Hà Nội cũng cho biết đang rất áp lực với 2 tỉ đồng vay ngân hàng và đang rao bán căn nhà vay ngân hàng mua từ năm ngoái, nhưng không dễ. 

“Với số tiền trả lãi và gốc trên 30 triệu mỗi tháng thì thu nhập chỉ vừa đủ trả ngân hàng. Trong khi lương văn phòng của chồng không đủ đảm bảo cho sinh hoạt cuộc sống và học phí của con cái. Do đó, chúng tôi buộc phải bán căn nhà đang ở, tránh việc bị ngân hàng phát mãi”, chị Lệ nói. 

Vì áp lực lãi suất, nhiều người phải nhận làm thêm công việc online vào buổi tối để có thêm thu nhập
Vì áp lực lãi suất, nhiều người phải nhận làm thêm công việc online vào buổi tối để có thêm thu nhập

Chị Lệ cho hay, trước kia công việc tại công ty phần mềm của chị cũng khá áp lực, nhưng chủ yếu làm giờ hành chính, còn buổi tối được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất tăng cao, hết ân hạn lãi suất và giá cả mọi mặt hàng cũng tăng vì lạm phát nên thu nhập hiện tại không thể kham nổi. Do vậy, chị phải nhận thêm một công việc freelancer vào buổi tối, cụ thể là làm tester online cho các doanh nghiệp công nghệ có nhu cầu. 

“Mỗi tháng thu nhập từ công việc này có thể dao động thêm từ 8-10 triệu đồng. Tuy nhiên, điều phải đánh đổi là sức khỏe và thời gian dành cho con cái, gia đình. Tôi cảm thấy sức khỏe mình đi xuống khi tái phát bệnh đau dạ dày và thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, đau đầu. Do vậy, vợ chồng chúng tôi quyết định bán nhà để tạm thời thoát khỏi cảnh lãi suất bủa vây hiện nay”, chị nói.

Cũng như chị Lệ, sau công việc tại cơ quan, chị Lương kiếm thêm thu nhập buổi tối bằng việc bán đồ ăn đêm online như cơm ràng, xúc xích, khoai tây chiên… Buổi sáng chị đi chợ sớm để mua nguyên liệu, chiều đi làm về bắt đầu sơ chế và khi có khách gọi đặt đồ ăn thì chị chế biến và chồng chị là người giao cho khách. Công việc nấu đồ ăn đêm chị mới làm vài tháng nay và có thêm khoảng 10 triệu đồng cho mỗi tháng. Dù vậy, mức thu nhập này cũng không khiến áp lực lãi suất của gia đình chị dễ chịu hơn.

Bán nhà, nhưng không dễ

Chị Lương hay chị Lệ là 2 trong rất nhiều trường hợp gặp áp lực lớn khi lãi suất tăng cao và buộc phải bán đi ngôi nhà – từng là ước mơ an cư lạc nghiệp của mình. Tuy nhiên, khi lãi suất tăng lên, người mua nhà sẽ phải trả nhiều hơn cho khoản vay của mình. Điều này có thể làm tăng chi phí tổng thể của khoản vay và làm cho việc mua nhà trở nên khó khăn hơn. Cũng vì vậy, người có nhu cầu mua nhà cũng không mặn mà vay mua nhà trong bối cảnh hiện nay. 

Ngoài ra, trong bối cảnh lãi suất tăng, các tổ chức tài chính cũng có thể “khắt khe” hơn trong việc cấp vay cho người mua nhà. Điều này có thể làm giảm khả năng của người mua nhà vay được số tiền mong muốn hoặc thậm chí không thể vay được khoản vay. 

Những yếu tố trên càng khiến việc bán nhà không dễ dàng. Các số liệu của các đơn vị khảo sát cũng chỉ ra lượng giao dịch bất động sản giảm mạnh trong nhiều tháng gần đây. Khi đó, muốn bán được nhà, người bán buộc phải giảm giá nhà để thu hút khách hàng.

Anh Nguyễn Hoàng – môi giới bất động sản tại Kẻ Vẽ, Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm cho biết hiện nay phân khúc đất nền gần như đóng băng, dù giá giảm khá nhiều; còn chung cư, nhà mặt đất dù nhiều chủ nhà tăng chiết khấu cho môi giới, hạ thêm giá bán nhưng không dễ bán bởi giá trị căn nhà ở mức cao, khoản vay ngân hàng lớn và bối cảnh lãi suất cao như hiện nay (và dự báo còn tiếp tục neo ở mức cao) nên người mua đang tiếp tục chờ đợi thay vì xuống tiền. 

“Đối với những khu nhà đất có vị trí đẹp, được người mua ưa chuộng thì chủ nhà nên hạ giá bán để thanh khoản nhanh chóng, tránh tình trạng “tiếc nuối” không bán, dẫn đến không thể gồng được lãi suất”, anh Hoàng nêu.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Trao đổi với phóng viên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng khi vay ngân hàng, người mua nhà thường được hưởng ưu đãi lãi suất trong khoảng 1-2 năm, sau đó sẽ chịu lãi suất thả nổi. Do đó, trước khi mua nhà, người mua cần tính toán về thu nhập, tương lai công việc, sức khỏe của bản thân và gia đình để tính toán kỹ lưỡng về mức trả hàng tháng. Con số lý tưởng là không nên chi quá 30% thu nhập để trả nợ khoản vay.

“Trong bối cảnh hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần có giải pháp nhanh chóng hạ nhiệt lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Lãi suất cao doanh nghiệp lẫn người mua nhà sẽ gặp vô vàn khó khăn, thậm chí phá sản”, ông Thịnh nói. 

Thanh Long
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Khám phá 30+ mẫu nhà cấp 4 chữ L mái bằng đẹp mê - xu hướng mới 2024

Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản nhưng cho vay nhà ở xã hội còn thấp

PNJ đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2024

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng: Có phải giải pháp tốt ở thời điểm hiện tại?

Thị trường chứng khoán chứng kiến “cú rơi mạnh”, nhà đầu tư nên hành động ra sao?

Chiêm ngưỡng những mẫu nhà sàn đẹp, ấn tượng vạn người mê

Đất nền tăng ấm trở lại, dòng tiền nhà đầu tư đang chuyển hướng?

Nhiều người trẻ “mạnh dạn” mua nhà trả góp để đầu tư cho thuê

Tin mới cập nhật

Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản nhưng cho vay nhà ở xã hội còn thấp

1 giờ trước

Khám phá 30+ mẫu nhà cấp 4 chữ L mái bằng đẹp mê - xu hướng mới 2024

1 giờ trước

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng: Có phải giải pháp tốt ở thời điểm hiện tại?

1 giờ trước

PNJ đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2024

1 giờ trước

Thị trường chứng khoán chứng kiến “cú rơi mạnh”, nhà đầu tư nên hành động ra sao?

4 giờ trước