Giải pháp hợp tình hợp lý cho việc thu thuế bất động sản thứ hai

Thứ hai, 12/12/2022-10:12
Mới đây, một thông tin của UBND TP.HCM khiến giới bất động sản xôn xao, đó là việc cơ quan này có tờ trình gửi Chính phủ về việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, trong đó, địa phương đề xuất thuế thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân. Ngay lập tức, chủ trương này nhận được sự quan tâm và bàn luận. Người đồng tình, người thì phản đối, ai cũng có lý do riêng, nhưng ở tầm nhìn tổng thể, các chuyên gia đưa ra những kiến giải thế nào?

Trống đánh xuôi kèn thổi ngược 

TP.HCM đề xuất các cơ chế về tài chính ngân sách, trong đó, địa phương được quyết định chính sách thuế. Theo đó, trừ bất động sản duy nhất thì địa phương này sẽ thu bổ sung đối với quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất của bất động sản thứ hai trở lên của người dân. Một trong các lý do khiến đề xuất này được đông đảo dư luận quan tâm vì đây được coi là một thí điểm làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách về bất động sản chung cho cả nước về sau.

Ngoài ra, lãnh đạo TP cũng hy vọng đề xuất này góp phần vào việc tăng nguồn thu bền vững và ổn định cho ngân sách địa phương. Đồng thời, lãnh đạo TP.HCM cũng cho rằng việc thu thuế bất động sản thứ hai sẽ khiến cho tình trạng đầu cơ bất động sản sẽ được hạn chế tối đa và tình trạng bỏ hoang nhà ở, đất ở sẽ theo đó mà bị triệt tiêu. 


Một trong các lý do khiến đề xuất này được đông đảo dư luận quan tâm vì đây được coi là một thí điểm làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách về bất động sản chung cho cả nước về sau. Ảnh: thanhnien
Một trong các lý do khiến đề xuất này được đông đảo dư luận quan tâm vì đây được coi là một thí điểm làm cơ sở thực tiễn để xây dựng chính sách về bất động sản chung cho cả nước về sau. Ảnh: thanhnien

Chưa từng sở hữu một nơi chốn đi về, chị Nguyễn Ngọc Hương (TP. Thủ Đức, TP.HCM) ủng hộ chủ trương này với hy vọng việc thu thuế sẽ giúp giá nhà giảm xuống. “Với thu nhập hiện nay, việc sở hữu một căn nhà là bất khả thi. Hai vợ chồng trẻ, nhà bố mẹ cũng không mấy dư dả. Cũng như rất nhiều người, gia đình trẻ chúng tôi mong muốn “an cư lạc nghiệp” để yên tâm sinh con. Nếu giá nhà giảm xuống qua việc đánh thuế cao đối với những người có nhiều nhà, biết đâu chúng tôi lại có thể mua được một căn chung cư nho nhỏ. Thực tế xã hội có nhiều người quá giàu, họ có nhiều nhà “găm” lại làm cho nguồn cung khan hiếm, đẩy giá nhà vượt quá khả năng của những người có nhu cầu thực như chúng tôi. Đó quả là một sự lãng phí tài nguyên. Quỹ đất thì không nhiều lên được nên phải có biện pháp để chấm dứt tình trạng người ăn không hết kẻ lần không ra”, chị Hương chia sẻ. 

Bàn về chủ trương này, anh Hoàng Văn Hùng (Cần Thơ) lại bày tỏ một góc nhìn khác. Anh cho rằng nếu chỉ có duy nhất TP.HCM áp dụng “chế tài” đánh thuế bất động sản thứ 2 thì những nhà đầu tư sẽ chuyển dịch dòng vốn của mình sang địa phương khác. Hoặc nếu vẫn chọn đầu tư ở TP.HCM thì họ sẽ tìm cách để “lách”. “Chủ trương chưa quyết mà tôi đã thấy vài người bạn bàn nhau về việc làm thế nào để tránh bị đánh thuế. Có người bảo cho người nhà đứng tên, người lại bảo cho tặng… Tôi nghĩ mọi cơ chế chính sách mà làm chặt chẽ, minh bạch, hợp tình hợp lý thì người dân sẽ chấp hành, nhưng nếu có kẽ hở thì người này lách được thì người khác cũng sẽ lách theo”, anh Hùng cho biết. 

Ở một góc nhìn khác, chị Nguyễn Thu Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: “Gia đình chúng tôi không mua thêm nhà để đầu cơ mà chủ yếu là muốn có tài sản để dành cho con cái. Có hai đứa thì chúng tôi cũng cố gắng lo cho mỗi đứa có một căn nhà. Tôi cho rằng nhiều người cũng coi đó là nhu cầu chính đáng. Nếu đánh thuế bất động sản thứ hai với chúng tôi thì tôi thấy không hợp lý, vì bản chất chúng tôi không hề đầu cơ”. 

Giải pháp hợp tình hợp lý

Ở góc nhìn chuyên gia, Phó giám đốc nghiên cứu & phát triển DKRA Võ Hồng Thắng cho rằng muốn áp dụng việc thu thuế bất động sản thứ hai thì phải có lộ trình cụ thể và đảm bảo cơ sở dữ liệu minh bạch, khoa học. Quản lý đối tượng đánh thuế thế nào, xác định danh sách những ai sở hữu bất động sản thứ hai. Muốn làm được điều đó thì dữ liệu quản lý đất đai phải được đồng bộ. Rồi việc đánh thuế bao nhiêu, có áp dụng biểu thuế lũy tiến không, diện tích lớn - nhỏ thì có đánh thuế khác nhau không… “Việc này phải cần tham khảo kỹ mô hình ở các nước khác để hạn chế được đầu cơ mà lại không bóp nghẹt thị trường”, ông Thắng nhận định. 

Đồng quan điểm, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM) Huỳnh Phước Nghĩa khẳng định, nếu muốn thực hiện chính sách này, trước hết, thành phố cần phải xây dựng hạ tầng để đánh thuế. Tiếp đến, phải định giá được bất động sản và liệt kê ra các căn cứ để đánh thuế (ví dụ như phân loại bất động sản). “Chính sách thuế phải có căn cứ pháp luật và phương pháp đúng ngay từ ban đầu”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.


Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ.

Chính sách thuế này sẽ khiến nhà đầu tư thay đổi tư duy và hành vi đầu tư. Họ sẽ tính toán lại dựa trên chi phí và hiệu quả khai thác. Nếu trước đây đất sở hữu lâu dài là sự lựa chọn tối ưu thì có thể nếu thuế cao họ sẽ chuyển sang đầu tư căn hộ, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo nhận định. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Đặng Hùng Võ là người ủng hộ việc thu thuế bất động sản thứ hai trở lên. Ông cho rằng việc này sẽ hạn chế đầu cơ, giúp giảm giá nhà đất. Ông Võ lập luận rằng nhiều nước đã áp dụng việc thu thuế này và mang lại hiệu quả cao. TP.HCM là nơi có mặt bằng giá bất động sản quá cao so với thu nhập người dân thì càng cần áp dụng. 

Về cách áp dụng, GS Võ cho rằng cần nghiên cứu cơ chế phân định rõ ràng thu nhập của nhà đầu tư (thu nhập từ bao nhiêu trở xuống sẽ không hoặc chỉ phải chịu mức thuế BĐS thấp). Để tránh việc sang tên thì GS Võ đưa ra giải pháp yêu cầu giải trình nguồn gốc bất động sản để xác định ai là người sở hữu thực sự. Đồng thời, ông cũng cho rằng phải làm thấu đáo về khái niệm, tiêu chí xác định bất động sản thứ hai, thứ ba… “Và cần phải có chế tài mạnh mẽ để thực thi hiệu quả chính sách, như vậy giá nhà, đất mới không vượt quá tầm tay của đại đa số người dân”, GS Đặng Hùng Võ nói. 

Hoàng Anh
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Quý I/2024, Techcombank ghi nhận lãi kỷ lục, tăng 38,3% so với cùng kỳ

ĐHĐCĐ TPBank: Mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 34%, chia cổ tức tỷ lệ 25% cả tiền mặt và cổ phiếu

Tuổi Sửu hợp hướng nào? Bí quyết chọn hướng nhà “thu hút” tài vận cho người tuổi Sửu

Sự bùng nổ của Fintech và bài toán pháp lý, bảo mật dữ liệu

Nhà máy điện hạt nhân là gì? Ưu, nhược điểm và xu hướng phát triển trong tương lai

Giới trẻ cần làm gì trước nỗi lo mất việc khi xu hướng công nghệ lên ngôi?

Môi giới cần “nâng cấp” mình trong chu kỳ tăng trưởng mới của thị trường bất động sản

P2P lending và cơ hội cho những doanh nghiệp chân chính

Tin mới cập nhật

Quý I/2024, Techcombank ghi nhận lãi kỷ lục, tăng 38,3% so với cùng kỳ

3 giờ trước

Tuổi Sửu hợp hướng nào? Bí quyết chọn hướng nhà “thu hút” tài vận cho người tuổi Sửu

5 giờ trước

Giới trẻ cần làm gì trước nỗi lo mất việc khi xu hướng công nghệ lên ngôi?

5 giờ trước

Nhà máy điện hạt nhân là gì? Ưu, nhược điểm và xu hướng phát triển trong tương lai

6 giờ trước

Sự bùng nổ của Fintech và bài toán pháp lý, bảo mật dữ liệu

6 giờ trước