Đổ xô làm "cò đất" mong "đời sang trang"

Thứ hai, 05/04/2022-07:04
Cứ sau mỗi cơn sốt đất, một số lượng lớn lao động sẵn sàng bỏ nghề chính, đổ xô đi làm môi giới bất động sản. Tuy nhiên, khi cơn sốt đất qua đi, giàu đâu chưa thấy nhưng nhiều người đã rơi vào cảnh thất nghiệp và kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho xã hội.

Người người, nhà nhà đổ xô làm “cò đất”

Từ trước đến nay, buôn bán bất động sản vẫn được cho là lĩnh vực "hái ra tiền", đặc biệt vào những thời điểm thị trường nóng sốt. Một đồn mười, mười đồn trăm, người này rủ rê người kia khiến nhiều nơi xảy ra cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi làm “cò đất, cò nhà”. Nhân sự nhiều ngành khác nhau cũng sẵn sàng bỏ nghề, bỏ “cần câu cơm” lâu dài để đi làm cò đất với mong muốn đổi đời.





Người người, nhà nhà đổ xô đi làm “cò đất, cò nhà” mong đổi đời. Ảnh: minh họa
Người người, nhà nhà đổ xô đi làm “cò đất, cò nhà” mong đổi đời. Ảnh: minh họa

Anh Minh Long (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, anh học đại học 4 năm, sau đó ra trường làm nghề IT đến nay cũng khoảng 8 năm và anh vừa chuyển sang làm môi giới bất động sản. Lý do anh Long bỏ nghề là vì làm IT rất nhức đầu và quá nhiều áp lực, trong khi đó mức thu nhập 25 triệu/tháng có vẻ cao nhưng tính ra cũng chẳng bằng buôn bán bất động sản. Bởi chỉ cần bán được 1 mảnh đất, tiền lời có khi còn gấp mấy lần tiền lương. 

Còn chưa tính đến việc anh Long ôm đất kiếm lời thêm. “Có khi vừa ôm miếng đất chiều nay, chỉ 2 ngày hôm sau sang tay mình đã lãi cả trăm triệu. Làm IT thì đào đâu ra cả trăm triệu trong vòng vài ngày như thế? Hơn nữa, làm môi giới bất động sản còn được giao tiếp với nhiều người, mở rộng mối quan hệ, sung sướng hơn nhiều so với việc suốt ngày ôm cái máy tính”, anh Long cho biết.

Một trường hợp khác là chị Thanh Mai (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã nghỉ công việc nhân viên ngân hàng nửa năm nay để chuyển sang làm môi giới bất động sản. Chị cũng cho rằng, làm ngân hàng mặc dù công việc ổn định nhưng mong giàu thì hơi khó, nếu muốn làm giàu mà không biết đầu tư chứng khoán hay tìm các lĩnh vực đầu tư khác thì chỉ có làm môi giới bất động sản. Nửa năm qua mới tập tọe đi làm nhưng chị cũng đã chốt được 1 số vụ, tuy chưa được lời lãi bao nhiêu nhưng làm dần sẽ có kỹ năng.

Không chỉ kỹ sư, nhân viên ngân hàng, nhân viên văn phòng... mà vào thời kỳ “nóng sốt” của thị trường bất động sản còn chứng kiến hàng loạt các môi giới là nông dân, xe ôm, người bán trà đá... và nhiều ngành nghề khác.

Đúng là có những người đã giàu lên trông thấy khi chuyển sang làm cò đất, số tiền họ kiếm được giúp “đời sang trang” mới. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều người khác nhìn thấy “hoa mắt”, bỏ công việc ổn định để chạy sang làm môi giới, hy vọng rằng mình cũng nằm trong số đó.

Đừng “thấy đỏ, tưởng chín”

Tuy nhiên, thực tế làm “cò đất, cò nhà” không phải ai cũng giàu. Nhiều trường hợp không có kiến thức, kinh nghiệm nhưng chạy theo đám đông để rồi nhận lại kết quả thất bại ê chề. 

Anh Thanh Long (trú tại Quốc Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có mấy người bạn làm môi giới bất động sản. Lên facebook tôi cũng phát hoảng khi thấy các bạn đăng ảnh khách chốt cọc, chuyển tiền mua nhà... Thế nhưng, đến khi xem kỹ lại trang cá nhân của mấy người bạn làm “cò đất”, tôi thấy họ toàn dùng cách tự gửi tiền cho nhau để đăng facebook câu khách chứ khách thật chẳng thấy đâu. Có khi 3, 4 tháng mới bán được một lô đất. Mỗi lần như vậy, tất cả lại chụp ảnh rồi đăng như thể vừa mới chốt được khách của mình để làm màu”.





Vụ việc dựng rạp “diễn trò” bán đất nền mới đây xảy ra tại Bình Phước gây bức xúc dư luận. Ảnh: minh họa
Vụ việc dựng rạp “diễn trò” bán đất nền mới đây xảy ra tại Bình Phước gây bức xúc dư luận. Ảnh: minh họa

Giới chuyên gia phân tích, nghề môi giới bất động sản nhìn bên ngoài có vẻ rất hấp dẫn, dễ dàng nhưng bên trong lại vô cùng khắc nghiệt. Nhiều môi giới “đầu hàng” chỉ sau 1, 2 năm vào nghề. Đặc biệt khi các cơn sốt đất qua đi, thị trường bước vào giai đoạn trầm lắng, không nảy sinh giao dịch thì đó cũng là lúc các môi giới tự động giã từ nghề. Trong khi đó nghề cũ đã bỏ, nghề mới cũng chỉ làm được một thời gian ngắn, lực lượng lao động này sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, gây lãng phí nguồn lao động và nhiều hệ lụy khác cho xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ cho biết, môi giới nhà đất là nghề mà gần như ai cũng có thể tham gia, từ ông bà già về hưu, sinh viên hay công chức, viên chức nhà nước.

Khi thị trường bất động sản càng nóng thì nhân sự các ngành khác chuyển sang làm môi giới càng đông. Thu nhập cao, chủ động thời gian, cơ hội kiếm được một số tiền lớn trong một khoảng thời gian ngắn là sức hấp dẫn chính của nghề này. Ngoài ra còn có cơ hội tiếp xúc với những người có tiền, có địa vị cao trong xã hội. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng thì việc nhảy vào bất động sản cũng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông Toản cũng nói rằng, hiện tượng này cũng chỉ xảy ra trong ngắn hạn và thường thì 80% lượng nhân sự làm nghề môi giới sẽ bị đào thải trong một năm. Trong trường hợp thị trường gặp khó thì ai lại về nhà nấy, nhân sự lại quay về với những công việc cũ trước đó. Còn nếu trụ lại được với nghề từ hai năm trở lên thì đại đa số sẽ gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, vấn đề đáng tiếc là hiện tượng này gây lãng phí nguồn khi nhân lực, kỹ sư làm môi giới, thạc sỹ làm môi giới, giáo viên cũng làm môi giới...

Đồng thời, do rào cản gia nhập ngành môi giới bất động sản hầu như không có nên khi thị trường tăng trưởng, nóng sốt thì một lực lượng lớn lao động từ ngành nghề khác bỏ việc, gia nhập vào đội ngũ môi giới hoặc xem môi giới như nghề tay trái, gây nên tình trạng bất cân xứng về lao động trong xã hội, dẫn đến nhiều ngành nghề khó tuyển dụng được lao động hoặc chi phí lao động tăng cao. Từ đó kéo theo hệ lụy là năng suất lao động của toàn xã hội giảm sút do sự thiếu tập trung phát triển chuyên môn ở các ngành nghề chính.

Ngoài ra, cũng không ít người sẵn sàng dùng các chiêu trò, ví như tung tin đồn thổi, tự mua đi bán lại bất động sản với nhau gây nhiễu loạn thông tin, đẩy giá bất động sản lên cao nhằm trục lợi. Sự việc dựng rạp “diễn trò” bán đất nền mới đây xảy ra tại Bình Phước là một ví dụ điển hình gây nhiễu loạn thị trường, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc xác minh.

Hơn nữa, phần lớn các nhà môi giới hiện nay vẫn chưa thực hiện việc kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân theo đúng quy định của pháp luật. Điều này cũng gây nên bất bình đẳng trong xã hội, thất thoát nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước.

Thanh Tùng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

70% nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm 2024

Nâng hạng thị trường chứng khoán, hàng chục tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam

Cách các ngân hàng số thu hút khách hàng mà không cần mở chi nhánh

Bí quyết kê giường ngủ đúng hướng tài lộc, tốt cho sức khỏe

“Mở kho” đấu thầu vàng để giữ vững kho ngoại tệ

Chuyên gia Dragon Capital chỉ ra 3 yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng

Đất nền mới chỉ “rục rịch” có giao dịch, chưa thực sự “nóng” như lời đồn

Sở hữu 3 căn hộ cho thuê mang lại thu nhập ổn định, 9X khuyên Gen Z: “Nên mua nhà sớm!”

Tin mới cập nhật

Bí quyết kê giường ngủ đúng hướng tài lộc, tốt cho sức khỏe

39 phút trước

Cách các ngân hàng số thu hút khách hàng mà không cần mở chi nhánh

45 phút trước

Nâng hạng thị trường chứng khoán, hàng chục tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam

45 phút trước

70% nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm 2024

49 phút trước

“Mở kho” đấu thầu vàng để giữ vững kho ngoại tệ

14 giờ trước