Chủ nhà đẩy giá, thanh khoản căn hộ gặp khó

Thứ năm, 23/09/2022-08:09
Giá căn hộ tăng cao tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM là một thực tế không thể phủ nhận. Thế nhưng việc giá tăng không chỉ xuất phát từ các quy luật cung – cầu của thị trường mà còn đang tăng từ tâm lý “tát nước theo mưa” của các chủ nhà.

Giá bán liên tục nhảy múa

Trên hội nhóm “Cư dân Anland Dương Nội”, một thành viên là cư dân dự án đăng một thông tin đáng chú ý: “Xin thông báo Anland đã xác lập mức giá mới 40-41 triệu/m2 mà vẫn không có hàng bán”. Thông tin này khiến cư dân đã mua nhà tại dự án “nức lòng” khi vào năm 2018, giá bán tòa đầu tiên ở dự án chỉ dao động 25-27 triệu đồng/m2. Dưới phần bình luận, nhiều cư dân tỏ ra bất ngờ vì mức tăng này, nhiều cư dân cho rằng dự án có thể sẽ còn tăng lên 50 triệu đồng/m2.


Một status thông báo căn hộ tăng giá trên hội nhóm cư dân
Một status thông báo căn hộ tăng giá trên hội nhóm cư dân

Không chỉ dự án Anland, tháng 11/2021, chị Phạm Hải My (nhân viên ngân hàng VP Bank Hà Nội) bắt đầu hành trình tìm nhà. Thời điểm đó, căn hộ 85m2 tại Golden Palcae (Nam Từ Liêm) chỉ có giá 2,6-2,7 tỷ đồng/căn. Không đủ tài chính, chị My tính toán việc tích cóp thêm và đến tháng 3/2022, quay lại tìm mua căn hộ tại dự án này, chị bất ngờ khi các căn hộ có diện tích tương tự được chào bán 3,1 tỷ đồng. Chưa đầy 4 ngày sau, sale gọi điện thông báo lại, chủ nhà đang chào bán giá mới là 3,5 tỷ đồng với lý do giá đó vẫn còn rẻ so với dự án The Matrix One ngay gần đang được bán với giá 70 triệu đồng/m2. “Một sự so sánh khập khiễng giữa hai dự án có tính chất hoàn toàn khác nhau. Chủ nhà đang “ngáo giá” khi liên tục đẩy giá căn hộ ở một dự án có tuổi đời trên 5 năm và không có tiện ích, dịch vụ nội khu nào đặc biệt đi kèm”, chị Hải My đưa ra nhận xét.


Giá căn hộ bị đẩy cao không chỉ do cung cầu mà còn do cả sự kì vọng của người bán
Giá căn hộ bị đẩy cao không chỉ do cung cầu mà còn do cả sự kì vọng của người bán

Anh Dương Anh Tuấn, một môi giới chuyên làm hàng chuyển nhượng căn hộ chung cư khu vực phía Tây Hà Nội cho biết, cách đây 2 tuần, khách của anh đã quyết định xuống tiền với 1 căn hộ 70 m2 có giá 2,4 tỷ đồng, tương đương khoảng 35 triệu đồng/m2 thuộc 1 dự án chung cu cữ được xây cách đây 15 năm tại Thanh Xuân. Đây cũng là giá bán chủ nhà thống nhất với môi giới trước đó. Khi anh Tuấn thông báo ngày khách cọc thì chủ nhà bỗng đổi ý, tăng giá lên 2,7 tỷ đồng với lý do có căn hộ trong dự án đã bán được với giá 39 triệu đồng/m2. “Tôi là người theo sát dự án, không có nguồn hàng chuyển nhượng nào ở dự án đó mà tôi và anh em trong nghề lại không nắm được nên câu chuyện chủ nhà nó là không có cơ sở. Giá 39 triệu đồng/m2 ở một dự án cũ đã xuống cấp nhiều, xây được hơn 15 năm tại một vị trí đường nhánh là không hợp lý. Chủ nhà hoặc tự đưa ra câu chuyện đó hoặc chỉ nghe ai đó nói khơi khơi không xác thực và tin luôn thế”, anh Tuấn Anh chia sẻ. Cú đội giá vào phút chót đã khiến khách mua nhà không mua căn hộ và cho rằng môi giới đang chiêu trò, tự kê chênh giá dù anh Tuấn Anh đã giải thích thế nào vẫn không tin.

Thị trường mất thanh khoản

Bất chấp đà leo thang của giá căn hộ, thanh khoản của thị trường lại không tỉ lệ thuận với mức tăng giá này. Báo cáo thị trường bất động sản của Savils cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường nhà ở Hà Nội ghi nhận số lượng giao dịch ít hơn so với thời điểm cuối năm 2021. Thị trường căn hộ đã bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Lượng giao dịch và nguồn cung sơ cấp đều có xu hướng giảm. Đáng chú ý, trong khi nguồn cung chỉ giảm 12% theo quý thì lượng giao dịch tụt sâu hơn, lên tới 44%.


Giá bị đẩy cao khiến nhiều căn hộ rất khó bán
Giá bị đẩy cao khiến nhiều căn hộ rất khó bán

Trái ngược với thông tin về mức giá 40-41 triệu đồng/m2 của dự án Anland trong nhóm “Cư dân Anland Dương Nội”, ngay trong phần bình luận, có căn hộ tại chính dự án được môi giới rao bán không hề “ngất ngưởng” như chủ tus đưa ra. Một môi giới bất động sản vào bình luận: “Mức giá 40-41 triệu đồng/m2 đạt được tùy thuộc vào căn, tầng, vị trí và nội thất đi kèm. Các chủ nhà đưa ra mức giá quá cao khiến khách của em rất khó vào việc”. Một khảo sát của phóng viên với nhiều môi giới đang bán căn hộ tại dự án này cho thấy mức giá giao dịch ngoài 40 triệu đồng/m2 với các căn hộ ở đây khá hiếm, chỉ đạt được với những căn đẹp là căn góc, tầng đẹp, tòa đẹp và có full nội thất chất lượng cao. Một số môi giới không phủ nhận luồng thông tin về giá bán ngoài 40 triệu đồng/m2 khiến nhiều chủ nhà ban đầu chỉ chào bán 36-38 triệu đồng/m2 thì nay cũng tự ý tăng lên mức giá 40-42 triệu đồng/m2 khiến việc tìm khách và giao dịch chậm lại. Chị Bùi Thanh Phương, môi giới căn hộ tại dự án này cho biết: “Nhiều khách hàng khi nghe mức giá mới đều lắc đầu. Bởi ngay cùng khu vực và có vị trí tương tự, các tiện ích không thua kém, các tòa như HPC Land Mark, The Terra An Hưng, BID Residences… đang có mức giá rẻ hơn hẳn”.

Chia sẻ về vấn đề này, anh Lê Trung Đức, nhân viên kinh doanh sàn Đất Xanh Miền Bắc cho biết, trên thị trường thứ cấp, rất nhiều chủ nhà đang chào bán giá rất cao, không tương xứng với chất lượng dự án và mức giá chung trên thị trường. Việc tăng giá này nặng tính hiệu ứng tâm lý khi giá chung cư tăng mạnh thời gian qua. Với những chủ nhà đưa ra mức giá không hợp lý, anh Đức cho biết khá nhiều bạn bè anh đã tư vấn lại khách hàng về mức giá phù hợp nhưng nhiều khách hàng nhất định vẫn giữ nguyên giá cũ. “Việc chủ nhà đưa ra mức giá quá cao so với giá thị trường khiến việc bán hàng của môi giới chúng tôi gặp khó khăn. Chi phí chạy quảng cáo tăng lên, thời gian chăm sóc kéo dài nhưng chưa chắc đã chốt được khách”, anh Đức chia sẻ.

Cũng theo anh Đức, môi giới có thể từ chối bán những căn hộ giá bất hợp lý, thế nhưng, trên thực tế, với thị trường thứ cấp, nguồn hàng không đến từ chủ đầu tư mà đến từ chủ nhà, môi giới không có nhiều lựa chọn nên vẫn chấp nhận bán. Anh Đức cũng cho biết thêm, việc chủ nhà đẩy giá cao khiến thanh khoản của thị trường kém. Nhiều khách hàng tiếp tục chọn đi thuê hoặc chuyển sang tìm mua các dự án khác có giá phù hợp hơn.

Nhìn nhận về hiện tượng này, Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho biết: “Trái ngược với sự chậm lại của nguồn cung và lượng giao dịch, giá nhà ở tại Hà Nội vẫn tiếp tục đà tăng từ những năm trước. Đà tăng giá đến từ những nguyên nhân khó có thể giải quyết trong ngắn hạn. Một khi nguồn cung có giá bán hợp lý hơn trở lại thị trường, thanh khoản cùng tình hình hoạt động sẽ được cải thiện.

Kiến Linh
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Chuyên gia Dragon Capital chỉ ra 3 yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng

Đất nền mới chỉ “rục rịch” có giao dịch, chưa thực sự “nóng” như lời đồn

Sở hữu 3 căn hộ cho thuê mang lại thu nhập ổn định, 9X khuyên Gen Z: “Nên mua nhà sớm!”

Tìm hiểu về mẫu nhà tiền chế 2 tầng 5x20 qua những hình ảnh đẹp mê

LPBank dự định đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, không trả cổ tức trong 3 năm

Ứng dụng AI vào công việc: Muốn đạt được kết quả tốt cần tìm cách để AI hiểu mình cần gì?

Mở rộng không gian với mẫu nhà cấp 4 3 phòng ngủ đơn giản

Gia đình GenZ mỗi tháng tiết kiệm 50 triệu đồng cùng 2 chỉ vàng: Luôn đề cao việc chi tiêu hợp lý

Tin mới cập nhật

Chuyên gia Dragon Capital chỉ ra 3 yếu tố giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng

2 giờ trước

Đất nền mới chỉ “rục rịch” có giao dịch, chưa thực sự “nóng” như lời đồn

4 giờ trước

Sở hữu 3 căn hộ cho thuê mang lại thu nhập ổn định, 9X khuyên Gen Z: “Nên mua nhà sớm!”

4 giờ trước

Làm thế nào để kiểm soát rủi ro khi vay tiền mua nhà?

6 giờ trước

LPBank dự định đổi tên thành Ngân hàng Lộc Phát Việt Nam, không trả cổ tức trong 3 năm

6 giờ trước