Áp thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất: Động lực ‘triệt tiêu’ bất động sản bỏ hoang

Thứ sáu, 02/07/2022-08:07
Trong 10 năm trở lại đây, diện tích nhà ở toàn quốc tăng 1,6 lần. Tuy nhiên có một nghịch lý đang diễn ra, đó là diện tích nhà ở toàn quốc đang dần tăng lên nhưng người lao động có thu nhập thấp vẫn khó “an cư”.

Đưa tài sản trở về giá trị thực

Mới đây nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 18 quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang. Giới chuyên gia đánh giá, loại thuế này sẽ khuyến khích người sở hữu nhà đất đưa tài sản về đúng giá trị thực, không để tình trạng bỏ hoang đất đai gây lãng phí. Đồng thời việc này sẽ giúp những người có thu nhập thấp sở hữu nhà với mức giá hợp lý hơn.

Cụ thể, theo thống kê, trong vòng 10 năm qua, tổng diện tích nhà ở toàn quốc tăng 1,6 lần, từ 1,4 tỷ m2 lên khoảng 2,3 tỷ m2, nghĩa là bình quân mỗi năm tăng khoảng 60 triệu m2. Như vậy, một nghịch lý đang diễn ra, đó là: Diện tích nhà ở toàn quốc đang tăng lên nhưng nhiều người lao động, người có thu nhập thấp đang ngày càng khó mua được nhà ở.


Đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất giúp đưa tài sản về đúng giá trị thực. Ảnh minh họa.
Đánh thuế cao người sở hữu nhiều nhà đất giúp đưa tài sản về đúng giá trị thực. Ảnh minh họa.

Vài năm trở lại đây, giá nhà ở tại các đô thị lớn như TP. HCM và Hà Nội đã tăng 2 đến 4 lần. Ước tính, với mức tài chính khoảng dưới 2 tỷ đồng, người mua nhà rất khó có thể sở hữu một căn hộ trung tâm mà phải đi rất xa khu vực này hoặc chuyển ra vùng ven đô. Thậm chí, thời gian qua, giá những căn hộ cũ cũng đã tăng gấp hơn 2 lần so với thời điểm mua.

Chia sẻ về vấn đề trên, chị Thanh Mai (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi sinh sống và làm việc tại Hà Nội khoảng 7 năm nay. Với khoản tích góp gần 2 tỷ, chúng tôi cũng muốn mua một căn chung cư để có cuộc sống ổn định nhưng tìm mãi mà vẫn chưa được căn hộ bình dân hợp túi tiền vì giá nhà khá cao. Hơn nữa, giá xăng tăng kéo theo hàng loạt các chi phí sinh hoạt cơ bản đều tăng, nhiều gánh nặng đè xuống trong khi lương không tăng. Chúng tôi thực sự lo lắng không biết khi nào mới có thể mua được nhà”.

Còn theo Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Trong khi đây lại là hai loại nhà ở đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị.

Mặt khác, trong trong văn bản "Đề xuất một số giải pháp cấp bách nhằm giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung nhà ở và kéo giảm giá nhà để bình ổn thị trường bất động sản", HoREA cũng chỉ ra chỉ số giá nhà ở của nước ta cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội làm cho nhiều hộ gia đình và cá nhân khó mua được nhà ở. Trong khi so với các nước công nghiệp phát triển thì chỉ số giá nhà chỉ cao gấp 6 - 7 lần thu nhập của người lao động.

Ngăn chặn bất động sản bỏ hoang

Vì vậy, để giải quyết tình trạng nêu trên, giới chuyên gia cho rằng với người sở hữu nhiều nhà đất mà không dùng để ở hoặc không sử dụng để sản xuất kinh doanh thì phải chịu mức thuế suất lũy tiến tùy theo số lượng nhà đất sở hữu. Với người chậm đưa đất vào sử dụng cũng bị đánh thuế cao nhằm triệt tiêu ý chí găm, giữ đất, chống đầu cơ. Trong trường hợp thị trường bất động sản bị đầu cơ thì có thể áp dụng mức thuế suất rất cao để triệt tiêu ý chí đầu cơ.

Nhiều ý kiến nhận định, thuế tài sản sẽ tạo nguồn thu ngân sách ổn định từ thị trường bất động sản, sau đó sử dụng nguồn vốn này để đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở nhằm gia tăng nguồn cung cho thị trường. Xét về lâu dài, loại thuế này sẽ khuyến khích sử dụng có hiệu quả đất đai, đưa bất động sản về đúng giá trị thực.


Để “triệt tiêu” được bất động sản bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất.
Để “triệt tiêu” được bất động sản bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VNREA), sắc thuế sẽ điều tiết, dừng việc găm giữ, đầu cơ và thổi giá đất. Nếu như đánh thuế cao thì hiện tượng lướt sóng, đầu cơ đất sẽ không còn và sẽ không ai dám đầu tư vì mua xong bán luôn sẽ bị tính thuế nặng hơn. Hơn nữa, đánh thuế sẽ triệt tiêu, ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực của xã hội và sẽ trở thành công cụ điều tiết các hành vi sử dụng tài sản có lợi hay không có lợi cho xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đính nhấn mạnh, nhiều nhóm nhà đầu tư chỉ mang tiền vào bất động sản để tìm cách sinh lời chứ không có nhu cầu sử dụng, các nhu cầu đó là nhu cầu bong bóng. Mà thị trường muốn ổn định, bền vững phải là nhu cầu thật, gạt bỏ những người đầu cơ đất sẽ thanh lọc thị trường. Do đó, việc đánh thuế cao đối với những trường hợp đầu cơ, găm đất sau đó bỏ hoang sẽ giúp thị trường bất động sản bình ổn. Điều này nhất định sẽ giúp người có nhu cầu thực có cơ hội để sở hữu nhà.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để “triệt tiêu” được bất động sản bỏ hoang, việc tăng thuế nhà đất là giải pháp hữu hiệu nhất. Ở nước ngoài đánh thuế nhà đất rất cao, nhà đất càng không được sử dụng càng bị đánh thuế cao hơn. Đồng nghĩa với việc không ai dám đầu cơ, người có nhà buộc phải đến ở hay cho thuê. Nước ta cũng nên tăng thuế nhà đất vì với nền kinh tế thị trường không thể dùng các biện pháp hành chính đơn thuần. Cần đánh thuế nhà đất ở mức 1%/năm. Hiện nay, thuế nhà đất chỉ ở mức 0,15% giá trị nhà đất không thể chống được đầu cơ.

Ngoài ra, một số chuyên gia cũng cho rằng, pháp luật không thể cấm người dân sử dụng nhiều tài sản là nhà đất vì quyền sở hữu tư nhân là quyền cơ bản của con người. Thế nhưng, pháp luật có thể can thiệp bằng cách đánh thuế cao đối với những tài sản mà một người không nên sở hữu quá nhiều. Cách làm này đã được nhiều nước như Mỹ, Nhật Bản hay các nước châu Âu áp dụng từ lâu. 

Tại Việt Nam, để thực hiện chủ trương này cần hoàn thiện hơn về quy định pháp luật, như việc cần trả lời cho câu hỏi là làm sao để phân biệt giữa người sở hữu nhiều bất động sản để sử dụng vào mục đích chính đáng và người sở hữu bất động sản để đầu cơ? Bởi vì không thể đánh thuế người sở hữu nhiều bất động sản vì nhu cầu sử dụng của họ là chính đáng. Tiếp đó, cần phải giải quyết trường hợp một người muốn sở hữu nhiều bất động sản nhưng vì không muốn đóng thuế nên đã nhờ người thân trong gia đình, người quen đứng tên người sở hữu người sử dụng. Đồng thời, cũng cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai đầy đủ thống nhất để có thông tin về từng người đang sở hữu những bất động sản nào...

Thanh Tùng
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận thêm thương vụ IPO tỷ USD

Cuộc chạy đua của thế hệ trẻ với AI

Chuyên gia: Nhà đầu tư nên tranh thủ lựa hàng khi thị trường ở đầu “chân sóng”

Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp nhằm giảm nguy cơ nợ xấu

Phong cách nhà 2 tầng đơn giản toát lên sự sang trọng

Cô gái lương 9 triệu đồng/tháng tiết lộ bí quyết mua được chung cư và gửi thêm 1 tỷ đồng cho bố mẹ xây nhà

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng nhưng vẫn duy trì quanh vùng đáy

Biến động từ dòng vốn ngoại ảnh hưởng tới việc nâng hạng thị trường chứng khoán

Tin mới cập nhật

Cuộc chạy đua của thế hệ trẻ với AI

42 phút trước

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận thêm thương vụ IPO tỷ USD

50 phút trước

Chuyên gia: Nhà đầu tư nên tranh thủ lựa hàng khi thị trường ở đầu “chân sóng”

1 giờ trước

Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp nhằm giảm nguy cơ nợ xấu

6 giờ trước

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng nhưng vẫn duy trì quanh vùng đáy

6 giờ trước