Những điểm mới trong quy hoạch ba đô thị động lực khu vực Bắc Trung Bộ đến năm 2025

Thứ ba, 13/12/2022-16:12
Thành phố Thanh Hóa, Vinh, Huế là 3 đô thị lớn nhất của khu vực Bắc Trung Bộ, theo quy hoạch đến năm 2025, các thành phố này sẽ được mở rộng và thí điểm nhiều cơ chế đặc thù. 

Mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương

Theo vneconomy.vn, Thành phố Huế là đô thị du lịch trọng điểm Quốc gia, có dân số hơn 650.000 người. Thành phố này có diện tích và quy mô lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. 

Sở Nội vụ tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có báo cáo để chuẩn bị đề án trình các cấp trong lộ trình xây dựng mô hình tỉnh trở thành thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Huế sẽ tách thành 2 quận gồm 1 quận ở phía bắc và 1 quận ở phía nam. Phát triển thành 2 quận nội thành hạt nhân của thành phố Thừa Thiên - Huế trực thuộc trung ương. 

Ngày 19/10/2022, Thủ tướng ban hành Quyết định 1261/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Theo đó, phạm vi ranh giới lập quy hoạch là toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm 6 huyện, 2 thị xã và 1 thành phố. Quy mô lập quy hoạch là toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Thừa Thiên Huế, khoảng 4.947 km2.  

Quyết định nêu rõ, mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương, dựa trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 


Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương.
Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương.

Mục tiêu đến năm 2030, Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu. Trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao. Mục tiêu đến năm 2045, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. 

Định hướng phát triển không gian, các định các mối liên kết tương hỗ về không gian giữa đô thị Thừa Thiên Huế với các đô thị lớn trong vùng, đặc biệt là với thành phố Đà Nẵng. Đề xuất phạm vi khu vực được xác định là đô thị trung tâm, hướng phát triển mở rộng đô thị Huế hiện tại. Các khu vực đô thị hóa liền kề tại Hương Thủy, Hương Trà. Các khu vực đô thị vệ tinh về phía Bắc tại Phong Điền, Quảng Điền, về phía Nam tại Phú Lộc (bao gồm cả khu vực Chân Mây - Lăng Cô), về phía Tây tại Nam Đông, A Lưới để bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận.

Về quy hoạch sử dụng đất, tính toán phân bổ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn ngắn hạn đến năm 2030 phù hợp với quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế. Xác định các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất giai đoạn dài hạn đến năm 2045 và định hướng đến năm 2065, trong đó nghiên cứu đối với việc bảo vệ rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó biến đổi khí hậu. 

Về định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, xác định nhu cầu phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp. Đồng thời, bố trí không gian cho tái định cư, di dời dân cư khỏi các di tích trong khu vực Kinh thành cũng như di tích khác được xếp hạng. 

Vinh trở thành đô thị biển với diện tích tăng gấp đôi 

Hiện nay, thành phố Vinh có diện tích 105 km2, quy mô dân số hơn 348.000 người, với 16 phường và 9 xã. Tỷ lệ đô thị đạt 64% tiêu chí. Vinh là đô thị trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ, có vị trí chiến lược trong hành lang kinh tế Đông - Tây. Thành phố dẫn đầu khu vực về giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 7 vào ngày 26/7, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án mở rộng không gian TP Vinh. Có 5 phương án mở rộng địa giới hành chính được trình bày tại phiên họp, trong đó phương án thứ 3 có nhiều điểm đột phá. 

Theo đó, toàn bộ thị xã Cửa Lò có diện tích hơn 29 km2, dân số hơn 57.000 người với 7 đơn vị hành chính trực thuộc sẽ sáp nhập về TP Vinh. Cùng với đó, toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số 9 xã, phường gồm Khánh Hợp, Nghi Trường, Nghi Thịnh, Nghi Thạch, Nghi Phong, Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Vạn, Nghi Thái của huyện Nghi Lộc, với khoảng 71 km2, dân số 76.000 cũng sáp nhập về TP Vinh.


UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án mở rộng không gian TP Vinh, trở thành đô thị biển lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. 
UBND tỉnh Nghệ An đề xuất phương án mở rộng không gian TP Vinh, trở thành đô thị biển lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. 

Như vậy, sau khi tiến hành mở rộng địa giới hành chính, thành phố Vinh sẽ có diện tích tự nhiên hơn 205 km2, dân số khoảng hơn 461.000 người với 38 đơn vị hành chính xã, phường. Sau khi sáp nhập, thành phố Vinh sẽ trở thành đô thị biển lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ. 

TP Vinh sau mở rộng sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội và đầu mối giao lưu của tỉnh. Đồng thời trở thành đầu tàu tăng trưởng, giải quyết các nhiệm vụ trọng yếu, phát triển kinh tế tỉnh Nghệ An cũng như khu vực Bắc Trung Bộ. 

Thành phố Vinh kỳ vọng có thêm không gian phát triển các khu cụm công nghiệp góp phần tác động tích cực đến việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo việc làm; thu hút lực lượng lao động chất lượng cao; từng bước phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ. 

Thanh Hóa phấn đấu lọt top 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước 

Hiện thành phố Thanh Hóa có tổng dân số xấp xỉ 500.000 người, là đô thị có quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Bắc Trung Bộ. Đây cũng là thành phố có GRDP bình quân đầu người cao nhất trong khu vực. 

Việc sáp nhập huyện Đông Sơn vào Thành phố Thanh Hóa nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng, phát triển thành phố xứng tầm đô thị loại I, có vai trò, vị thế là trung tâm chính trị, hành chính, kinh thế, văn hóa, xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Thanh Hóa. 

Thời gian sáp nhập dự kiến vào năm 2023. Đề án đề xuất 2 phương án tên gọi mới sau sáp nhập là TP Thanh Hóa và TP Đông Sơn. Quy trình sẽ phải lấy ý kiến nhân dân, trình HĐND các cấp và Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua.

Hiện nay, Thành phố Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 147 km2, sau khi sáp nhập diện tích tự nhiên tăng lên hơn 228 km2, dân số gần 594.000 người. Dự kiến có 7 phường được lập mới gồm Hoằng Quang, Hoằng Đại, Rừng Thông, Đông Văn, Đông Tiến, Đông Thịnh, Đông Khê. 


Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố Thanh Hóa là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước.
Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố Thanh Hóa là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước.

Cụ thể, thành lập phường Hoằng Quang trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,30 km2 diện tích tự nhiên, 8.237 người của xã Hoằng Quang. Thành lập phường Hoằng Đại trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,67 km2 diện tích tự nhiên, 7.122 người của xã Hoằng Đại. Thành lập phường Rừng Thông trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,96 km2 diện tích tự nhiên, 10.478 người của thị trấn Rừng Thông. 

Thành lập phường Đông Văn trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,58 km2 diện tích tự nhiên, 7.081 người của xã Đông Văn. Thành lập phường Đông Tiến trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 5,18 km2 diện tích tự nhiên, 7.504 người của xã Đông Tiến.

Thành lập phường Đông Thịnh trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 4,38 km2 diện tích tự nhiên, 7.030 người của xã Đông Thịnh. Thành lập phường Đông Khê trên cơ sở nguyên trạng toàn bộ 6,51 km2 diện tích tự nhiên, 8.684 người của xã Đông Khê.

Đề án “Xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hoá đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” xác định mục tiêu chung là xây dựng, phát triển thành phố Thanh Hóa toàn diện, nhanh và bền vững. Thành phố trở thành một trong những trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, khoa học - công nghệ, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục - đào tạo của vùng Bắc Trung Bộ và Nam Bắc Bộ. 

Phấn đấu đến năm 2030, Thành phố Thanh Hóa là một trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước. Đến năm 2045, Thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, thu nhập cao. 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước