Gấp rút đầu tư hai dự án thành phần thuộc cao tốc Dầu Giây - Liên Khương trong quý II/2023

Thứ hai, 28/06/2022-09:06
Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương sẽ mở ra không gian phát triển cho khu vực Tây Nguyên và các tỉnh Đông Nam bộ. Trong đó, hai dự án thành phần là Dầu Giây – Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc là hai hợp phần quan trọng. Dự kiến, đến giữa quý II/2023 sẽ khởi công hai tuyến này.

Hơn 1 tỷ USD đầu tư cao tốc Dầu Giây - Liên Khương 

Theo VnEconomy, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành về việc rà soát tiến độ thực hiện các dự án cao tốc: Bảo Lộc – Liên Khương; Tân Phú – Bảo Lộc và dự án nâng cấp, mở rộng Đèo Prenn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, thông báo nêu rõ, với tổng chiều dài là 220 km, tuyến đường bộ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương được đưa vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường này có vai trò, ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Cao tốc Dầu Giây – Liên Khương là dự án lớn, với tổng mức đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD, được thực hiện theo phương thức PPP. Đây được kỳ vọng là dự án góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Các dự án thành phần của dự án cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có vai trò rất quan trọng.


Sơ đồ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.
Sơ đồ cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Do đó, sớm triển khai các dự án thành phần của tuyến cao tốc này sẽ góp phần mở ra không gian phát triển của Lâm Đồng và Tây Nguyên, hình thành hệ thống giao thông kết nối giữa các vùng. Qua đó, sẽ thúc đẩy khai thác tối đa thế mạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, giao thương…

Trong thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đánh giá cao việc Lâm Đồng chủ động đề xuất và đã được Thủ tướng giao triển khai hai dự án thành phần: Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương. Hai dự án thành phần này có tổng chiều dài là 140 km. Thủ tướng cũng đã giao tỉnh Lâm Đồng thực hiện ngay sau khi Luật PPP có hiệu lực. Phó Thủ tướng cũng cho rằng tuy nguồn ngân sách hạn hẹp nhưng tỉnh Lâm Đồng đã rất cố gắng để cân đối, triển khai đầu tư các dự án nêu trên.

Về vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng của các dự án, Phó Thủ tướng nêu rõ trách nhiệm thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy nhiên việc thực hiện là rất chậm.

Do đó, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rút kinh nghiệm, đồng thời nâng cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực và cố gắng hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng, trong đó có giao thông vận tải.

Sớm triển khai thực hiện

Phó Thủ tướng giao: Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, là cơ quan có thẩm quyền triển khai hai dự án thành phần nêu trên phối hợp với các cơ quan chức năng và hội đồng thẩm định liên ngành rà soát, giải trình, hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án theo quy định pháp luật, đảm bảo đủ điều kiện để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật và sớm triển khai đầu tư xây dựng các dự án thành phần của tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương.

Thông báo cũng nêu rõ, Hội đồng thẩm định liên ngành được giao khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây - Tân Phú (giai đoạn 1) theo hình thức PPP đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại văn bản số 3637/VPCP-CN ngày 10/6/2022 của Văn phòng Chính phủ.


Hai dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương thuộc dự án Dầu Giây - Liên Khương.
Hai dự án Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Liên Khương thuộc dự án Dầu Giây - Liên Khương.

Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc có tổng chiều dài tuyến khoảng 66 km. Trong đó đoạn đi qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11 km. Đoạn đi qua tỉnh Lâm Đồng có chiều dài khoảng 55 km, qua các huyện Đạ Huai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc.

Dự án được thiết kế dành cho 2 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp với quy mô nền đường tối thiểu là 13,5 m (2 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp). Đối với các đoạn tuyến đào sâu, đắp cao được nghiên cứu theo quy mô nền đường 22 m, tạo thuận lợi cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh; các đoạn vượt xa bố trí mặt cắt ngang với quy mô 4 làn xe cơ giới. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư đạt quy mô nền đường rộng 22 m với 4 làn xe ô tô và 2 làn dừng khẩn cấp. Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng dự kiến chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022 đến năm 2025 (giai đoạn phân kỳ); giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư sau năm 2035.

Ở giai đoạn phân kỳ, tổng mức đầu tư là 16.220 tỷ đồng. Trong đó ngân sách nhà nước là 6.500 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 1.460 tỷ đồng; vốn huy động khác là 8.260 tỷ đồng.


Đây là hai dự án thành phần sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng.
Đây là hai dự án thành phần sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng.

Đối với đoạn cao tốc Dầu Giây - Tân Phú do Bộ Giao thông vận tải phụ trách, Bộ này đã có kiến nghị gửi Thủ tướng xem xét, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1 theo phương thức đầu tư PPP. Tuyến đường này đi qua các huyện Thống Nhất, Định Quán, Xuân Lộc và Tân Phú thuộc tỉnh Đồng Nai.

Theo tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây – Tân Phú (giai đoạn 1) là 8.365 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí xây dựng là 4.962 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng là 1.287 tỷ đồng.

Nếu được phê duyệt, dự án sẽ thực hiện chuẩn bị đầu tư từ năm 2021 – 2022; lựa chọn nhà đầu tư từ năm 2022 đến 2023; giải phóng mặt bằng, tái định cư từ năm 2022 đến 2023; thi công xây dựng công trình từ năm 2023 đến 2025.

Việc đầu tư Dự án đường cao tốc Dầu Giây - Tân Phú và Tân Phú – Bảo Lộc được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông đang ngày càng tăng cao, đồng thời rút ngắn thời gian đi lại và giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên Quốc lộ 20. Đây là hai dự án thành phần sẽ góp phần phát triển kinh tế xã hội các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung, phù hợp với quy hoạch phát triển đường cao tốc đã được Thủ tướng phê duyệt.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

7 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

7 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

7 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

8 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

8 giờ trước