Bốn kịch bản mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành 

Chủ nhật, 21/11/2022-19:11
Trong bối cảnh sân bay Long Thành chuẩn bị hoàn thiện, việc mở rộng tuyến đường huyết mạch kết nối sân bay này với sân bay Tân Sơn Nhất là cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành trở nên cấp thiết.

Quy hoạch 10 làn xe

Theo baodautu.vn, sau khi nhận được nghiên cứu đề xuất mở rộng đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Bộ Giao thông Vận tải đã có Công văn số 11916/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án mở rộng tuyến đường này.

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được quy hoạch 10 làn xe. Trong đó ở giai đoạn 1 (4 làn xe) được VEC đầu tư và đưa vào khai thác năm 2016, tổng mức đầu tư trong giai đoạn này là hơn 20.630 tỷ đồng. Trong đó vốn đối ứng là 1.644 tỷ đồng, còn lại là vốn vay các tổ chức nước ngoài. 

Kể từ khi đưa vào khai thác đến nay, lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng cao liên tục, trung bình trên 10%/năm. 

Hiện nay, đoạn tuyến từ nút giao An Phú - TP Hồ Chí Minh (Km0+000) đến nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km25+920) đã quá tải, vượt 25% so với năng lực thông hành của tuyến. Dự kiến sau khi sân bay Long Thành giai đoạn 1 đưa vào khai thác vấn đề này sẽ còn trầm trọng hơn. 


Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ở giai đoạn 1 (4 làn xe) đã đưa vào khai thác năm 2016.
Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây ở giai đoạn 1 (4 làn xe) đã đưa vào khai thác năm 2016.

Đoạn từ nút giao cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đến nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có thể khai thác ổn định với quy mô 4 làn xe như hiện nay đến năm 2030. Đoạn từ nút giao cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đến nút giao Dầu Giây có thể khai thác ổn định với quy mô 4 làn xe đến năm 2040.

“Do đó, việc nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc thành TP Hồ Chí Minh - Long Thành là rất cần thiết và cấp bách…”, Bộ Giao thông Vận tải nhận định.

Đoạn từ nút giao An Phú đến nút giao Vành đai 2 (Km0+000 - Km4+000) đã bàn giao cho UBND TP Hồ Chí Minh quản lý, vận hành khai thác và bảo trì. Do đó VEC chỉ tập trung nghiên cứu mở rộng đoạn từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km4+000 - Km25+920) lên quy mô 10 làn xe, tổng chiều dài nghiên cứu là 21,92 km, dự kiến tổng vốn đầu tư là 14.786,938 tỷ đồng. 

Đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 2 đến nút giao Vành đai 3 (Km4+000 - Km8+770) nằm ngoài phạm vi quy hoạch cao tốc. Do đó, đề xuất mở rộng từ 4 làn xe lên 8 làn xe theo quy mô quy hoạch cũ. 

Đoạn tuyến từ nút giao Vành đai 3 đến nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (Km8+770 - Km25+920) đề xuất đầu tư từ 4 làn xe lên 10 làn xe theo quy hoạch mới được Thủ tướng phê duyệt năm 2021. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 14.786 tỷ đồng. 


Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng cao liên tục, trung bình trên 10%/năm. 
Lưu lượng phương tiện tham gia lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tăng cao liên tục, trung bình trên 10%/năm. 

4 kịch bản mở rộng cao tốc 

Các phương án đầu tư được VEC nghiên cứu. 

Phương án 1, đề xuất sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước hoặc vay nước ngoài. Nếu sử dụng vốn trong nước thì ưu điểm là tiến độ đầu tư dự án thuận lợi, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026. Tuy nhiên, nhược điểm là gây áp lực lên ngân sách Nhà nước. 

Nếu sử dụng vốn vay nước ngoài, ưu điểm về lãi suất và thời gian trả nợ. Nhược điểm là tiến độ triển khai chậm do phải thực hiện các thủ tục liên quan đến sử dụng vốn vay nước ngoài, dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào cuối năm 2027. 

Phương án 2, đầu tư dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ưu điểm là thu hút được nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông tuy nhiên Bộ Giao thông Vận tải phải bố trí vốn ngân sách để tham gia. Trong khi Bộ không cân đối được vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài ra, rất khó tách bạch doanh thu giữa nhà đầu tư và VEC dẫn đến xung đột lợi ích. 

Phương án 3, nhượng quyền đầu tư, khai thác theo quy định của Luật Quản lý tài sản công (hay đầu tư theo phương thức PPP loại hợp đồng BOT có sự tham gia góp vốn của Nhà nước bằng tài sản theo Luật PPP).

Nhược điểm của phương án này là tiến độ triển khai chậm do thực hiện các thủ tục liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư, dự kiến đầu năm 2028 mới có thể hoàn thành. Đồng thời, pháp luật hiện chưa có quy định rõ Bộ Giao thông Vận tải hay VEC có thẩm quyền tổ chức nhượng quyền. 


4 phương án đề xuất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.
4 phương án đề xuất mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Phương án 4, VEC thực hiện đầu tư mở rộng tuyến đường. Ưu điểm của phương án này là tiến độ triển khai thuận lợi và dự kiến đầu năm 2026 hoàn thành, không xảy ra xung đột lợi ích giữa nhà đầu tư mới và VEC…

Nhược điểm của phương án này là vốn điều lệ của VEC rất thấp, hiện là 978,7 tỷ đồng.  Do đó, để có thể huy động vốn vay đầu tư mở rộng các đường cao tốc, VEC đã xây dựng và đang trình các cấp có thẩm quyền duyệt Đề án Tái cơ cấu VEC. Trong đó có đề xuất tăng vốn điều lệ của VEC, sau khi được tăng vốn điều lệ thì VEC mới đủ điều kiện để huy động vốn vay. 

“Theo nội dung Đề án Tái cơ cấu, VEC đề xuất tăng vốn điều lệ trên cơ sở phần vốn được Quốc hội quyết định chuyển từ vốn vay về cho vay lại thành cấp phát ngân sách nhà nước. Khi được tăng vốn điều lệ, VEC đủ điều kiện để huy động vốn vay để triển khai các dự án mới, trong đó có việc mở rộng cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành”, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết.

Với những ưu nhược điểm của 4 phương án đầu tư trên, VEC kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước doanh nghiệp và Bộ Giao thông Vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận theo phương án 4. 

Ngày 14/10, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có văn bản thống nhất phương án 4 của VEC vì có tính khả thi và ưu điểm nhất.  

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Quy định chi tiết 27 hành vi vi phạm theo Luật Đất đai mới

Đề xuất 6 nhóm chính sách đặc thù, ưu việt thu hút doanh nghiệp

Loạt chính sách kinh tế nổi bật hiệu lực từ tháng 4/2024

Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng khu dân cư hơn 136 tỷ đồng

Những ai cần đổi thẻ căn cước? Thu thập mống mắt, ADN như thế nào?

Quy định mới nhất về căn cứ tính tiền sử dụng đất theo Luật đất đai 2024

Trung ương đồng ý cho ông Võ Văn Thưởng thôi chức Chủ tịch nước

Hải Phòng: Phân lô bán nền 500 nghìn m2, hơn 3.000 lô đất bung hàng

Tin mới cập nhật

Bí quyết kê giường ngủ đúng hướng tài lộc, tốt cho sức khỏe

1 giờ trước

Cách các ngân hàng số thu hút khách hàng mà không cần mở chi nhánh

1 giờ trước

Nâng hạng thị trường chứng khoán, hàng chục tỷ USD sẽ chảy vào Việt Nam

1 giờ trước

70% nhà đầu tư sẵn sàng xuống tiền mua bất động sản trong năm 2024

1 giờ trước

“Mở kho” đấu thầu vàng để giữ vững kho ngoại tệ

15 giờ trước