Doanh nhân Trần Thị Hồng Thắm - CEO kiêm nhà sáng lập muối NanoSalt: Đưa tinh hoa biển cả vươn tầm thế giới

Thứ ba, 30/05/2023-18:05
Từ tháng 3/2022 đến nay, khi dự án NanoSalt của vợ chồng chị Trần Thị Hồng Thắm xuất hiện, thu nhập của nhiều hộ diêm dân trong vùng đã tăng tới 50%. Đáng chú ý, phần mật muối trước kia người dân chỉ đổ bỏ giờ đã được thu mua lại với giá bằng một nửa của giá muối thô.

Quyết tâm nâng cao giá trị hạt muối quê hương

Huyện Quỳnh Lưu sở hữu vựa muối lớn nhất của tỉnh Nghệ An với diện tích lên đến hơn 600 ha, 12 hợp tác xã cùng với hàng nghìn diêm dân chuyên về làm muối. Chị Trần Thị Hồng Thắm từng nhiều lần đi qua những cánh đồng muối giữa cái nắng như đổ lửa, tận mắt chứng kiến người dân quê mình một nắng hai sương, cần mẫn và vất vả tạo nên từng mẻ muỗi trắng phau. Thế nhưng, người dân thường xuyên chịu cảnh được mùa mất giá bởi giá muối thấp và hay bấp bênh.

Trong những năm gần đây, những lao động trong nghề làm muối ngày càng già hóa, chỉ còn những người lớn tuổi còn cố gắng bám trụ trong khi những người trẻ lại chẳng mấy mặn mà. Chính vì thế, làng nghề làm muối truyền thống của huyện Quỳnh Lưu có nguy cơ bị mai một. Thấu hiểu được điều này, chị Thắm luôn trăn trở, phải làm thế nào để nâng cao giá trị hạt muối quê hương. Điều này đã thôi thúc hai người con xứ nghệ là chị Thắm cùng chồng - anh Hồ Xuân Vinh - nung nấu ý định “lập nghiệp”, mong cuộc sống diêm dân bớt đi vị mặn chát mỗi khi mùa muối mất giá.



Chứng kiến những vất vả của bà con diêm dân và tiềm năng ngành muối đang bỏ ngỏ, trong đầu chị Thắm đã nảy ra ý tưởng tạo nên những sản phẩm muối giảm mặn và đa khoáng. Ảnh: Báo Đầu Tư
Chứng kiến những vất vả của bà con diêm dân và tiềm năng ngành muối đang bỏ ngỏ, trong đầu chị Thắm đã nảy ra ý tưởng tạo nên những sản phẩm muối giảm mặn và đa khoáng. Ảnh: Báo Đầu Tư

Sinh năm 1992, chị Thắm tốt nghiệp khoa Kinh tế đối ngoại của Trường Đại học Ngoại thương. Gia đình chị có một công ty khá lớn chuyên về sản xuất và chế tạo các thiết bị và máy móc, vật liệu xây dựng, máy nông nghiệp. Chị quán xuyến công việc kinh doanh của gia đình và không phải chịu áp lực về kinh tế. Tuy nhiên, khi chứng kiến những vất vả của bà con diêm dân và tiềm năng ngành muối đang bỏ ngỏ trong khi xu hướng người tiêu dùng đang hướng đến những sản phẩm tốt cho sức khỏe, trong đầu người phụ nữ 9x đã nảy ra ý tưởng tạo nên những sản phẩm muối giảm mặn và đa khoáng. 

Tuy nhiên, họ phát hiện ra một thực tế trong quá trình nghiên cứu về muối cũng như công nghệ sản xuất muối, đó là: Sau khi thu hoạch muối xong, phần chất lỏng rỉ màu nâu vẫn còn nằm lại trên cánh đồng muối. Phần phụ phẩm bỏ đi này thực tế chính là tinh hoa của biển, được gọi là mật muối. Với những muối ăn thông thường, thành phần chủ yếu chính là Natri, trong mật muối lại là những loại khoáng chất như Natri, Kali, Magie cùng với khoảng 60 vi khoáng khác.

Anh Hồ Xuân Vĩnh có xuất thân là dân kỹ thuật, từng sở hữu nhiều sáng kiến trong lĩnh vực nông nghiệp. Do đó, anh đã mày mò và nghĩ cách phát huy tối đa giá trị của mật muối. Trời không phụ lòng người, sau 5 năm nghiên cứu anh đã chế tạo thành công các loại máy móc đặc biệt để phục vụ cho công nghệ phân tách đa tầng, tách riêng được từng loại vi khoáng ở trong mật muối. Công nghệ này đã được nhận 3 bằng sáng chế từ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Đồng thời, đây cũng là nền tảng quan trọng giúp sản phẩm muối NanoSalt trở nên khác biệt so với phần còn lại của thị trường.

Chị Trần Thị Hồng Thắm - CEO Công ty TNHH ABACA Việt Nam, đơn vị sở hữu thương hiệu NanoSalt tự tin khẳng định rằng: “Chúng tôi là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam có thể sản xuất dòng muối giảm mặn, hàm lượng Natri thấp cùng với dòng muối dược liệu chuyên sâu tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng”.


Dự án của vợ chồng chị Thắm còn “ẵm” nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp, bao gồm: Giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh (Techfest 2022). Ảnh: Vnexpress
Dự án của vợ chồng chị Thắm còn “ẵm” nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp, bao gồm: Giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh (Techfest 2022). Ảnh: Vnexpress

ABACA Việt Nam độc quyền sáng chế công nghệ sản xuất đặc biệt giúp mật muối sau khi thu mua từ diêm dân sẽ được tiến hành phân tách thành từng nhóm vi khoáng khác nhau, tiếp tục điều phối tỷ lệ khoáng chất Magie, Kali và Natri trong muối nhằm tạo ra các dòng sản phẩm tốt cho sức khỏe người dùng. Đó là những dòng sản phẩm giảm mặn đa khoáng, không chỉ giảm lượng NaCl xuống chỉ còn 50% mà còn bổ sung thêm các khoáng chất có lợi phân tách đến từ 100% khoáng biển tự nhiên.

Theo nữ CEO 9x, công nghệ chế biến muối dinh dưỡng giảm mặn đã giúp thu hoạch được tối đa 80-90% mật muối. Chỉ còn lại khoảng 10% là phần muối thô. Tức là, từng giọt nước biển trên ruộng muối đều được tận dụng và sử dụng một cách hiệu quả. Sau khi dự án NanoSalt của chị Thắm và anh Vinh xuất hiện, chỉ từ tháng 3/2022 cho đến nay, thu nhập của nhiều hộ diêm dân trong vùng đã tăng đến 50%. Phần mật muối vốn trước kia chỉ đổ bỏ, giờ đã được thu mua lại với mức giá bằng một nửa của giá muối thô.

Cũng trong năm 2022, công ty đã cung cấp ra thị trường 200 tấn muối NanoSalt. Dự án của vợ chồng chị Thắm còn “ẵm” nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi khởi nghiệp, bao gồm: Giải nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh (Techfest 2022), Giải nhì Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Nghệ An 2022,  Giải nhì Cuộc thi Chắp cánh khởi nghiệp xanh, Giải ba Cuộc thi Khởi nghiệp nông nghiệp đổi mới sáng tạo 2022 và Top 10 phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2022.

Đưa hạt muối quê hương vươn tầm thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) từng thống kê và cho biết, người Việt Nam gần như ăn mặn gấp đôi lượng muối cần thiết, đồng thời là một trong những quốc gia ăn mặn nhất trên thế giới. Mỗi ngày, một người Việt trưởng thành tiêu thụ trung bình 9,4g muối, trong khi khuyến nghị của WHO chỉ là 5g muối/ngày. Do đó, nguy cơ về tăng huyết áp, tim mạch cũng tăng theo.  

Chính phủ Việt Nam trong giai đoạn 2021-2030 đã có đề án phát triển ngành muối, đồng thời ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất và chất lượng, đa dạng hóa các sản phẩm về muối. Chị Thắm cho biết: “Nhờ đó, giải pháp của chúng tôi đã phát triển công nghệ muối giảm mặn nhằm phục vụ người dân, bắt nhịp đúng theo tiêu chí và chính sách của Chính phủ, tạo giá trị cho cộng đồng diêm dân Quỳnh Lưu”.


Chị Trần Thị Hồng Thắm (đứng giữa, hàng thứ nhất) xuất sắc nhận giải nhất Cuộc thi "Tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Nghệ An" năm 2022 cùng với Dự án muối NanoSalt. Ảnh: QDND
Chị Trần Thị Hồng Thắm (đứng giữa, hàng thứ nhất) xuất sắc nhận giải nhất Cuộc thi "Tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Nghệ An" năm 2022 cùng với Dự án muối NanoSalt. Ảnh: QDND

Thời điểm hiện tại, dự án của chị Thắm đã sở hữu nhà máy sản xuất muối riêng, diện tích lên đến 800m2 nằm cạnh Quốc lộ 1A, rất thuận lợi cho giao thương hàng hóa. Mỗi tháng, dự án này cung cấp ra thị trường khoảng 15-20 tấn muối NanoSalt. Sản phẩm muối giảm mặn NanoSalt đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nghệ An; hiện đã có mặt tại 8 tỉnh, thành phố trên phạm vi cả nước với 28 đại lý và cửa hàng phân phối.

Trung bình mỗi tháng, công ty của vợ chồng chị Thắm thu mua khoảng 50 tấn muối biển cùng 40m3 mật muối của các diêm dân để sản xuất 22 sản phẩm thuộc các dòng muối khác nhau như: Muối ăn, muối y tế, muối dược liệu và làm đẹp, muối quà tặng… Không chỉ mang đến giá trị sức khỏe và kinh tế, dự án NanoSalt còn giúp hơn 10.000 bà con diêm dân, 12 hợp tác xã muối tại Quỳnh Lưu có được đầu ra ổn định, nguồn thu nhập ngày càng tăng lên và tạo thêm nhiều kinh tế cho nghề muối truyền thống của địa phương. 

Ngoài ra, dự án còn tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động cùng với 5 lao động thời vụ, thu nhập hàng tháng vào khoảng 5-7 triệu đồng/người. Mật muối chảy ra từ muối, vốn là chất dư thừa bị người dân đổ bỏ sau quá trình làm muối, được công ty của chị Thắm thu mua với giá 1.000-1.500 đồng/lít. Chỉ thông qua công đoạn này, công ty của chị Thắm đã giúp thu nhập của diêm dân địa phương tăng lên 50% so với trước đây.

Trong năm nay, Công ty ABACA Việt Nam của vợ chồng chị Thắm đặt ra mục tiêu đồng bộ hóa quy trình sản phẩm và nâng cấp quy chuẩn đang áp dụng, từ ISO 9000:2008 lên ISO 22000, mục đích đưa sản phẩm quê hương vươn tới các thị trường xuất khẩu. Theo đánh giá của nữ CEO 9x, nhu cầu sử dụng thực phẩm chăm sóc sức khỏe an toàn và sạch hiện đang là xu hướng tiêu dùng chung trên toàn thế giới. Do đó, chị Thắm muốn đưa những dòng muối giảm mặn cũng như muối dược liệu Việt Nam đến nhiều quốc gia hơn nữa, giúp bà con diêm dân tăng được thu nhập và giữ gìn được làng nghề muối truyền thống, hướng đến phát triển bền vững.


Trung bình mỗi tháng, công ty của vợ chồng chị Thắm thu mua khoảng 50 tấn muối biển cùng 40m3 mật muối của các diêm dân để sản xuất 22 sản phẩm thuộc các dòng muối khác nhau như: Muối ăn, muối y tế, muối dược liệu và làm đẹp, muối quà tặng…
Trung bình mỗi tháng, công ty của vợ chồng chị Thắm thu mua khoảng 50 tấn muối biển cùng 40m3 mật muối của các diêm dân để sản xuất 22 sản phẩm thuộc các dòng muối khác nhau như: Muối ăn, muối y tế, muối dược liệu và làm đẹp, muối quà tặng…

CEO Trần Thị Hồng Thắm chia sẻ: “Chúng tôi hy vọng năm 2023 có thể tiếp cận được thị trường Nhật Bản đầu tiên. Chỉ cần xuất khẩu được vào thị trường khó tính này, việc đi vào các thị trường khác sau này sẽ dễ dàng hơn”.

Không chỉ khởi nghiệp thành công, chị Thắm còn là Đảng viên ưu tú, nhiều năm liền đạt danh hiệu Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng bộ xã Quỳnh Văn. Khi chia sẻ về định hướng phát triển sản phẩm NanoSalt trong tương lai, chị Thắm bộc bạch: “Là đảng viên, tôi luôn ý thức được bản thân cần phải sống mẫu mực và đóng góp nhiều giá trị hơn cho quê hương. Thời gian tới, công ty chúng tôi sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm muối vì sức khỏe cộng đồng, đồng thời hướng đến xuất khẩu những sản phẩm muối cao cấp, đưa thương hiệu muối Việt từng bước định vị trên bản đồ thế giới, giúp bà con diêm dân tăng thu nhập và giữ gìn được làng nghề muối truyền thống phát triển bền vững”.
 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Phó tổng giám đốc Sacombank đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch của Bamboo Airways

Sau 4 tháng rời Bamboo Airways, ông Nguyễn Minh Hải trở thành CEO của Vietravel Airlines

Ông Phan Đình Điền trở thành Chủ tịch Hội đồng quản trị SCB

Thaiholdings có Tổng giám đốc mới

Nhân sự cấp cao của Chứng khoán VNDirect lại có sự thay đổi chéo, bà Phạm Minh Hương trở lại ghế chủ tịch

Lãnh đạo Petrocons trở thành Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn PVN

LDG bổ nhiệm ba tân Phó Tổng Giám đốc

Bloomberg: Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng thêm gần 40 tỷ USD sau khi VinFast niêm yết, lọt Top 30 người giàu nhất thế giới?

Tin mới cập nhật

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

13 giờ trước

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

13 giờ trước

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Mục tiêu tổng doanh thu năm 2024 tăng 11%, đạt 11.653 tỷ đồng

14 giờ trước

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 26%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

16 giờ trước

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng công nghệ mới

18 giờ trước