Thị trường chứng khoán Mỹ 16/3: Đồng loạt lao dốc vì cổ phiếu Credit Suisse bị bán tháo

Thứ năm, 16/03/2023-10:03
Nỗi sợ hãi đã phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch ngày 15/3, nhà đầu tư ồ ạt bán tháo cổ phiếu Credit Suisse nói riêng và ngành ngân hàng nói chung.

Theo VnEconomy, nỗi sợ hãi đã quay trở lại phủ bóng lên thị trường tài chính toàn cầu trong phiên giao dịch thứ Tư (ngày 15/3), khi giá cổ phiếu của Credit Suisse lao dốc chóng mặt bởi thông tin rằng cổ đông lớn nhất tuyên bố không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho ngân hàng Thụy Sỹ này. Các nhà đầu tư lại bán tháo cổ phiếu cũng như nhiều hàng hóa có độ rủi ro cao khác như dầu thô.

Trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng tại thị trường Mỹ và châu Âu có dấu hiệu ổn định trở lại, sau khi chứng kiến đà bán tháo ồ ạt vào cuối tuần trước và đầu tuần này do ảnh hưởng của vụ sụp đổ ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB). Và vào thứ Tư, câu chuyện về Credit Suisse một lần nữa lại khiến mối lo về hệ thống ngân hàng bị đẩy lên cao.

Cụ thể, cổ phiếu Credit Suisse, nhà băng hàng đầu của Thụy Sỹ đã ghi nhận đà giảm 24,2%, xuống dưới mức 2 Franc Thuỵ Sỹ (2,18 USD)/cổ phiếu. Quỹ đầu tư quốc gia của Saudi Arabia, cổ đông lớn nhất của nhà băng này cho biết, không thể nâng cổ phần quá 10% do các quy định luật pháp. Giá cổ phiếu Credit Suisse niêm yết tại Mỹ rơi xuống mức thấp kỷ lục.

Mối lo về sự bất ổn trong hệ thống ngân hàng gia tăng, không chỉ ở Mỹ và cả khu vực châu Âu, cùng các số liệu thống kê tiếp tục cho thấy lạm phát suy yếu ở Mỹ đã củng cố thêm kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tạm dừng việc tăng lãi suất hoặc tăng lãi suất với bước nhảy nhỏ hơn trong cuộc họp tuần tới.


Nasdaq là chỉ số diễn biến tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay
Nasdaq là chỉ số diễn biến tích cực nhất kể từ đầu năm đến nay

Báo cáo từ Bộ Lao động Mỹ vào hôm thứ tư cho thấy, giá bán buôn tháng 2 yếu hơn so với dự báo, phản ánh tăng trưởng và lạm phát cùng đang suy yếu. Trước đó, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) công bố hôm thứ ba cũng đưa ra những con số phù hợp với dự báo cho thấy sự giảm tốc của lạm phát.

Nhu cầu "hầm trú ẩn" tăng cao khiến giới đầu tư mua mạnh trái phiếu chính phủ, kéo lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cùng với các loại trái phiếu chính phủ trong khu vực Eurozone đồng loạt giảm sâu. Cùng với đó, kỳ vọng lãi suất yếu đi cũng là nguyên nhân khiến lợi suất trái phiếu sụt giảm mạnh trong phiên này.

Đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 280,83 điểm, tương đương giảm 0,87%, xuống mức 31.874,57 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,7%, còn 3.891,93 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq tăng 0,05%, còn 11.434,05 điểm.


Phiên 15/3, Dow Jones có lúc rớt 742 điểm, kết phiên giảm hơn 280 điểm
Phiên 15/3, Dow Jones có lúc rớt 742 điểm, kết phiên giảm hơn 280 điểm

Trong phiên này, phố Wall đã chứng kiến đà bán tháo trở lại của cổ phiếu ngân hàng. Loạt cổ phiếu ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Bank of America đều giảm lần lượt hơn 4,7%; 5,4%; và 0,94%, qua đó kéo theo nhóm ngân hàng trong S&P 500 giảm 3,62%. Chỉ số KBW đo lường giá cổ phiếu của các ngân hàng trong khu vực cũng giảm 1,57%.

Tại thị trường châu Âu, chỉ số Stoxx 600 chốt phiên với mức giảm 3%, chỉ một ngày sau phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu năm. Các thị trường chủ chốt đều chìm trong sắc đỏ, đơn cử như Đức giảm gần 3,3%; Anh giảm hơn 3,8%, và Pháp giảm gần 3,6%.

Chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (không gồm Nhật Bản) tăng 0,6% trong phiên ngày thứ Tư sau khi giảm 1,7 % trong phiên giao dịch ngày thứ Ba. Trong khi đó, chỉ số Nikkei của Nhật Bản gần như đi ngang nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng hơn 3%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu tuần, cổ phiếu ngân hàng Nhật Bản đã giảm 8%.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi về mức 3,4623% từ mức đóng cửa của phiên trước là 3,636%. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm xuống còn 3,8916% từ mức đóng cửa của phiên trước đó là 4,225%.


Cổ phiếu năng lượng, vật liệu và tài chính là những nhóm giảm sâu nhất S&P 500 phiên 15/3
Cổ phiếu năng lượng, vật liệu và tài chính là những nhóm giảm sâu nhất S&P 500 phiên 15/3

Chia sẻ với Reuters, chiến lược gia Antoine Bouvet của ING cho biết, giá cổ phiếu Credit Suisse đang giảm mạnh và giá trái phiếu chính phủ tăng mạnh vì lý do đó. Thị trường đang bị dẫn cắt bởi các đánh giá về sức khỏe của hệ thống ngân hàng, và lần này là hệ thống ngân hàng ở châu Âu.

Dù vậy, có thông tin cho biết Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vẫn nghiêng về khả năng tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm vào ngày thứ Năm để chống lạm phát.

Về phần Fed, giới phân tích dự báo rằng bước nhảy lãi suất trong cuộc họp ngày 21 và 22/3 sắp tới sẽ là 0,25 điểm phần trăm. Khả năng bước nhảy lãi suất này được áp dụng cũng ngang bằng với khả năng Fed tạm dừng tăng lãi suất.

Bộ Lao động Mỹ cho biết, PPI - một thước đo lạm phát đã bất ngờ giảm 0,2% trong tháng 2, sau khi tăng 0,3% trong tháng 1. Trong kỳ 12 tháng, PPI đã tăng 4,6% trong tháng 2 sau khi tăng 5,7% vào tháng 1. Trước đó, giới phân tích dự báo PPI tháng tăng 0,3% và tăng 5,4% cả năm.

Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ, doanh thu bán lẻ trong tháng 2 của nước này giảm 0,4%, phù hợp với dự báo.

Ông McMillan cho rằng, vấn đề chủ chốt trong cuộc họp sắp tới của Fed là dù lạm phát chưa được giải quyết, Fed có những nhiệm vụ cấp bách hơn. "Họ có thể chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, nhưng tôi cũng không ngạc nhiên nếu họ tạm dừng việc tăng lãi suất”, ông McMillan nói.

Ở diễn biến khác, mối lo suy thoái kinh tế gia tăng cũng đã khiến giá dầu giảm phiên thứ 3 liên tiếp, rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 1 năm.

Theo đó, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London mất 3,76 USD/thùng, tương đương giảm 4,9%, còn 73,69 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 3,72 USD/thùng, tương đương giảm 5,2%, còn 67,61 USD/thùng.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất OMO

1 giờ trước

Môi giới bất động sản “chốt” căn nhà gần 7 tỷ đồng trong vài tiếng đăng tin

2 giờ trước

Môi giới dùng chiêu trò làm “nóng ảo” đất nền dù giao dịch hạn chế: Nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền!

3 giờ trước

Biến đổi trong hoạt động kinh doanh của ngành chứng khoán

3 giờ trước

Tuổi Dần hợp hướng nào để cuộc sống thuận buồm xuôi gió, tài lộc đầy nhà?

4 giờ trước