Thị trường chứng khoán hôm nay 8/6: Áp lực chốt lời mạnh, VN-Index quay đầu giảm hơn 8 điểm về vùng 1.100 điểm

Thứ năm, 08/06/2023-18:06
Thanh khoản thị trường hôm nay tăng đột biến, ghi nhận hơn 27.000 tỷ đồng, mức cao nhất trong vòng 6 tháng qua. Tuy nhiên, thị trường lại nghiêng về bên bán trong cuối phiên chiều khiến VN-Index giảm sâu về vùng 1.100 điểm.

VN-Index quay đầu giảm 8 điểm

Theo Tin nhanh chứng khoán, sau phiên sáng nhích nhẹ về điểm số với giao dịch sôi động khi vượt 10.000 tỷ đồng, nhà đầu tư tiếp tục mạnh tay mua - bán, qua đó giúp thanh khoản thị trường toàn phiên hôm nay trên sàn HoSE lên gần 23.700 tỷ đồng, mức cao nhất ghi nhận từ cuối tháng 4/2022.

Về diễn biến thị trường, áp lực chốt lời gia tăng trong nửa cuối phiên khiến bảng điện tử đổi sắc với số mã giảm chiếm áp đảo, dù vậy cổ phiếu lớn VCB đóng vai trò trụ đỡ giúp chỉ số không giảm mạnh và vẫn giằng co nhẹ quanh tham chiếu. Tuy nhiên, trong phiên ATC, lực bán bất ngờ gia tăng mạnh và lan rộng hơn khiến nhà đầu tư không kịp trở tay khiến chỉ số chính rơi thẳng về gần mốc 1.100 điểm khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HoSE ghi nhận 139 mã tăng và 269 mã giảm, chỉ số  VN-Index giảm 8,22 điểm (-0,74%), xuống 1.101,32 điểm. Dù mốc 1.100 vẫn được bảo toàn, nhưng VN-Index đã đánh mất gần hết thành quả của 2 phiên trước đó. Tổng khối lượng giao dịch phiên hôm nay đạt hơn 1,32 tỷ đơn vị, giá trị 23.689 tỷ đồng, tương đương tăng hơn 30% cả về khối lượng và giá trị so với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 113 triệu đơn vị, giá trị 2.677 tỷ đồng.


VN-Index quay đầu giảm hơn 8 điểm. Nguồn FireAnt
VN-Index quay đầu giảm hơn 8 điểm. Nguồn FireAnt

Trên sàn HNX, áp lực bán chốt lời khiến sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, theo đó, chỉ số HNX-Index lùi về các mức thấp hơn và đóng cửa ở mức thấp nhất ngày. Chốt phiên, sàn HNX ghi nhận 83 mã tăng và 115 mã giảm, chỉ số HNX-Index giảm 3,55 điểm (-1,54%), xuống 226,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 150,1 triệu đơn vị, giá trị 2.496,2 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 4,86 triệu đơn vị, giá trị 153,5 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng dần tìm về các mức giá thấp hơn, trước khi có được nhịp nảy nhẹ, thu hẹp đà giảm đôi chút ở những phút cuối. Đóng cửa, chỉ số UpCoM-Index giảm 0,55 điểm (-0,65%), xuống 84,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh phiên hôm nay đạt hơn 83,2 triệu đơn vị, giá trị 937,4 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận có thêm 2,64 triệu đơn vị, giá trị 36,6 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn rơi vào trạng thái tiêu cực khi chỉ có 6 mã tăng, 1 mã tham chiếu, còn lại có tới 23 mã giảm giá. Trong đó, 3 mã ngân hàng là BID, TCB và VPB nằm trong Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực nhất lên thị trường và lấy đi của chỉ số chính hơn 2 điểm.


Thanh khoản “khổng lồ” đến từ bên bán khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Nguồn Vietstock
Thanh khoản “khổng lồ” đến từ bên bán khiến thị trường chìm trong sắc đỏ. Nguồn Vietstock

Xét theo từng nhóm ngành, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt điều chỉnh. Cụ thể, BID, TCB, VPB, MBB, CTG, VIB là các mã giao dịch tiêu cực nhất. Ngoại trừ VCB, toàn bộ cổ phiếu ngân hàng đều giảm giá. Trong đó, VIC, EIB giảm trên 3%, các mã khác “bốc hơi” từ 1-2%. Cổ phiếu VCB trở thành hiện tượng lạ trong nhóm ngân hàng khi ngược chiều tăng giá 3,1% lên 100.000 đồng/cổ phiếu. Theo đó, đà tăng của VCB đóng góp tới 3,5 điểm cho chỉ số chính, dù vậy vẫn không đủ để cân lại áp lực từ chiều giảm.

Bên cạnh nhóm ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán từng tăng tốt trong thời gian qua cũng bị bán mạnh. Trong đó, SSI -3,19%, VND -5,97%, VCI -3,55%, HCM -3,51%, FTS -4,05%, BSI -3,03%, AGR -5,28%,… Nhóm sản xuất cũng tiêu cực không kém khi VNM -1,06%, MSN -1,46%, GVR -2,96%, DGC -2,32%, DCM -2,54%, HSG -2,39%, ở chiều ngược lại HPG +0,88%, DHG +5,17%, VHC +0,49%, POM tăng kịch trần,…

Áp lực chốt lời càn quét hầu hết các nhóm ngành, cổ phiếu bất động sản chìm trong sắc đỏ với 47 mã giảm giá. Các mã giảm mạnh có thể kể đến như: NVL -2,41% giá trị, KBC -2,83%, DIG -5,45%, NLG -3,28%, VCG -4,23%, DXG -4,61%, ITA -3,91%, CII -3,57%, HHV -3,85%,… Ở chiều ngược lại, VHM và VPI lại tăng rất nhẹ chưa đến 1%. Tuy nhiên, vẫn có một số mã ngược dòng tăng kịch trần như QCG, TDH, TIP, LDG,… 

Khối ngoại tiếp tục bán ròng hàng trăm tỷ đồng

Trước bối cảnh thị trường trở nên ảm đạm, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng hơn 277 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trên HoSE, khối ngoại bán ròng giá trị xấp xỉ 313 tỷ đồng. Tại chiều bán, cổ phiếu VNM chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị 211 tỷ đồng, xếp ở vị trí tiếp theo là GEX, HCM, LPB và POW cũng bị bán từ 40 - 70 tỷ đồng mỗi cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, VHM được mua ròng mạnh nhất với giá trị 67 tỷ đồng. Ngoài ra, các mã VCB, VIX, HPG và VND xếp ở vị trí tiếp theo trong danh sách bán ròng mạnh trên HoSE với giá trị mua trên 24 tỷ đồng.


Giao dịch khối ngoại phiên 8/6
Giao dịch khối ngoại phiên 8/6

Trên sàn HNX, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 47 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu IDC được mua mạnh 21 tỷ đồng, tương tự, PVS, CEO và SHS cũng được mua ròng đồng loạt với giá trị vài tỷ đồng đến hơn chục tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, SD5, PVI, NVB, BVS.... bị bán ròng mạnh nhất với giá trị mỗi cổ phiếu từ 1-2 tỷ đồng.

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư ngoại bán ròng khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu QSN hôm nay bị bán ròng mạnh nhất UPCoM với giá trị 7 tỷ đồng, ngoài ra BVB và VEA cũng bị bán khoảng 2 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu BSR, PHP,... cũng nằm trong danh sách mua ròng mạnh trên sàn này nhưng với giá trị không đáng kể.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai của chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2306 giảm 9 điểm, tương đương -0,82% xuống 1.089 điểm, khớp lệnh đạt hơn 146.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.400 đơn vị.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025