Thị trường chứng khoán hôm nay 7/2: Nhà đầu tư xả hàng, VN-Index lao dốc hơn 23 điểm

Thứ ba, 07/02/2023-17:02
Sau phiên đảo chiều tăng điểm mạnh mẽ hôm qua, thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận áp lực bán dâng cao trong phiên chiều khiến VN-Index mất hơn 23 điểm để lùi về mốc 1.065 điểm.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, VN-Index "bay" hơn 23 điểm

Theo Tin nhanh chứng khoán, mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 7/2, thị trường giao dịch trong tâm lý cầm chừng khiến chỉ số VN-Index chủ yếu đi ngang trong biên độ hẹp với thanh khoản ở mức thấp, trước khi nới rộng đà giảm vào cuối phiên do sức ép lớn dần ở nhóm cổ phiếu lớn.

Bước sang phiên chiều, áp lực bán bắt đầu tăng và tập trung tạo nhóm cổ phiếu bluechips đã khiến VN-Index bị đẩy xuống sâu hơn. Tuy nhiên, trong khoảng 1 giờ giao dịch đầu của phiên chiều, ngưỡng MA20 đã trở thành ngưỡng hỗ trợ tốt khi VN-Index nhiều lần bật trở lại khi chạm ngưỡng này.

Tuy nhiên, từ thời điểm 14h trở đi, lực bán xả hàng ồ ạt từ nhóm bluechip đã lan rộng ra khắp bảng điện tử, chỉ số chính bị đẩy mạnh xuống phía dưới, kết phiên ở mức thấp nhất ngày với mức giảm hơn 23 điểm. 

Chốt phiên, với 342 mã giảm và chỉ 77 mã tăng, VN-Index giảm 23,45 điểm (-2,15%) về 1.065,84 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 673,2 triệu đơn vị, giá trị 12.167,53 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 70 triệu đơn vị, giá trị 1.935 tỷ đồng.


VN-Index lao dốc hơn 23 điểm. Nguồn FireAnt
VN-Index lao dốc hơn 23 điểm. Nguồn FireAnt

Với 127 mã giảm và 44 mã tăng, HNX-Index giảm 4,47 điểm (-2,09%) về 210 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 70,08 triệu đơn vị, giá trị 1.075,07 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,6 triệu đơn vị, giá trị 190,4 tỷ đồng.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,42 điểm (-0,55%) về 75,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh hơn 29,08 triệu đơn vị, giá trị 361,76 tỷ đồng. tăng 61% về khối lượng và 51% về giá trị so với phiên 6/2.

Phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn gây tác động tiêu cực lên xu hướng, nhất là nhóm VN30 với mức giảm là 24,85 điểm (-2,27%) với 24/30 mã giảm giá. Trong khi đó, chỉ số đại diện nhóm vốn hóa vừa VNMID mất 2,13% giá trị và nhóm vốn hóa nhỏ VNSML giảm 1,54%.

Xét theo từng cổ phiếu, VCB của Vietcombank từ là trụ đỡ trong các phiên trước, phiên hôm nay đã quay sang trở thành "gánh nặng" nhất khi rơi 4,2% về 92.000 đồng. Có thể thấy, việc điều chỉnh là dễ hiểu khi cổ phiếu này mới lập đỉnh lịch sử vào phiên hôm qua. Ngoài ra, nhóm ngân hàng còn ghi nhận BID giảm 2,67%, CTG giảm 2,34%, VPB giảm 2,97%, VIB giảm 2,54%, HDB giảm 2,7%, SHB giảm 2,87%, OCB giảm 4,12%, LPB giảm 2,52%, EIB giảm 3,1%. Ngược lại, vẫn có số ít mã ngược dòng, như STB tăng 0,19%, TPB tăng 1,24%, SSB tăng 0,31%.

Xếp ở vị trí tiếp theo là cổ phiếu Hòa Phát (HPG) khi có thời điểm mã này bị bán tháo về giá sàn trước khi kịp phục hồi nhẹ, kết phiên còn giảm 6,6% xuống 19.750 đồng.

Bộ ba cổ phiếu Vinhomes (VHM), Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) lần lượt giảm 2,4%, 1,8% và 3,2%.

Cổ phiếu bất động sản, xây dựng và đầu tư công bị bán tháo khốc liệt hơn với nhiều mã mất trên 5% giá trị, thậm chí không ít mã đã lộ giá sàn như PDR của Phát Đạt, DXG của Đất Xanh, FCN của Fecon, HTN của Hưng Thịnh Incons, hay KSB của Khoáng sản Bình Dương.

Cổ phiếu chứng khoán cũng không thể tránh khỏi vòng xoáy chung khi SSI giảm 4,75%, VND giảm 5,28%, VCI giảm 0,18%, HCM giảm 2,1%, VIX giảm 3,55%, FTS giảm 3,86%, BSI giảm 2,41%...


Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường với 611 mã giảm điểm, áp đảo hoàn toàn so với mã tăng. Nguồn Vietstock
Sắc đỏ bao phủ toàn thị trường với 611 mã giảm điểm, áp đảo hoàn toàn so với mã tăng. Nguồn Vietstock

Ở chiều tích cực không có quá nhiều cái tên tác động tốt. Trong đó, kéo mạnh nhất cho thị trường phải kể đến HVN của Vietnam Airlines khi bất ngờ ngược chiều tăng giá 4,1% đạt 12.650 đồng mặc dù đang có nguy cơ bị hủy niêm yết cổ phiếu.

Toàn thị trường bị nhuộm đỏ bởi áp lực bán tháo trên diện rộng. Các sàn giao dịch ghi nhận tổng 611 mã giảm điểm và ngược lại chỉ có 212 mã tăng giá.

Việc nhà đầu tư tranh thủ bán cổ phiếu cũng đẩy thanh khoản thị trưởng tăng trở lại khoảng 13.618 tỷ đồng. Riêng giá trị giao dịch trên sàn HoSE chiếm 12.168 tỷ đồng, tăng 27% so với hôm qua.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên thị trường giảm mạnh

Giao dịch khối ngoại có phần ảm đạm hơn so với những phiên trước khi nhà đầu tư nước ngoài mua ròng với tổng giá trị là 42 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trên HoSE, nhà đầu tư ngoại mua ròng với giá trị xấp xỉ 37 tỷ đồng. Tại chiều mua, mã STB được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với giá trị 176 tỷ đồng. Xếp tiếp theo trong danh sách mua ròng mạnh trên HoSE là CTG với 35 tỷ đồng. Ngoài ra, khối ngoại cũng mua ròng chứng chỉ quỹ E1VFVN30 và VNM với giá trị lần lượt 35 tỷ và 24 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, HPG là mã chịu áp lực bán ròng mạnh nhất của khối ngoại với giá trị 60 tỷ đồng, theo sau là VCB, VHM bị bán mỗi mã khoảng 48 và 32 tỷ đồng.


Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên thị trường giảm mạnh, tập trung gom mạnh một cổ phiếu ngân hàng
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên thị trường giảm mạnh, tập trung gom mạnh một cổ phiếu ngân hàng

Trên HNX, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 9 tỷ đồng. Trong đó, PVS bị bán 23 tỷ đồng. Các mã VCS, THD, ICG... cũng bị bán ròng vài trăm triệu trên sàn này. Ngược lại, TNG được khối ngoại mua ròng 7 tỷ đồng, ngoài ra dòng vốn ngoại còn tìm đến PVI, CEO,... với giá trị mua ròng từ vài tỷ đồng.

Trên UPCoM, khối ngoại mua ròng hơn 14 tỷ đồng. Cụ thể, QNS hôm nay được khối ngoại mua 9 tỷ đồng, tương tự, đồng loạt các mã BSR, VEA, BSR cũng được mua ròng mỗi cổ phiếu từ vài tỷ đồng. Ngược lại, TTD bị khối ngoại bán ròng khoảng vài trăm triệu đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại một số mã như HDM, CSI, PFL,...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều ghi nhận giảm điểm, trong đó VN30F2302 giảm 23,3 điểm (-2,1%) về mức 1.067,3 điểm, khớp lệnh 278.669 đơn vị, khối lượng mở 53.353 đơn vị.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật

Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất OMO

45 phút trước

Môi giới bất động sản “chốt” căn nhà gần 7 tỷ đồng trong vài tiếng đăng tin

1 giờ trước

Môi giới dùng chiêu trò làm “nóng ảo” đất nền dù giao dịch hạn chế: Nhà đầu tư cần thận trọng khi xuống tiền!

2 giờ trước

Biến đổi trong hoạt động kinh doanh của ngành chứng khoán

2 giờ trước

Tuổi Dần hợp hướng nào để cuộc sống thuận buồm xuôi gió, tài lộc đầy nhà?

2 giờ trước