Thị trường chứng khoán hôm nay 30/3: Hàng loạt cổ phiếu đầu cơ bị bán tháo

Thứ ba, 30/03/2022-17:03
Thị trường chứng khoán hôm nay ghi nhận hàng loạt cổ phiếu có tính đầu cơ đã bị bán mạnh, đã khiến chỉ số VN-Index giảm hơn 7 điểm trong phiên.

Sau nửa phiên giao dịch sáng khá bình yên, lực bán bắt đầu gia tăng ở nhiều mã có tính đầu cơ cao, tăng nóng trong thời gian qua, kéo nhiều mã giảm mạnh trở lại, trong đó có một số mã giảm sàn theo nhóm FLC như OCG, SJF, UDC, MCG.

Sắc đỏ bao trùm bảng điện tử, nhưng VN-Index chỉ giảm nhẹ khi nhận được sự nâng đỡ từ nhóm VN30, đặc biệt là nhóm ngân hàng, vốn đã đi ngang một thời gian dài.

Thị trường bước vào phiên chiều dần tiêu cực khi chỉ số chính bất ngờ giảm sâu. VN-Index có thời điểm lao dốc về 1.484 điểm (mất khoảng 14 điểm) khi lực bán xuất hiện trên diện rộng, hàng loạt cổ phiếu đầu cơ và bất động sản cũng lao dốc về giá sàn.

Chốt phiên, VN-Index giảm 7,25 điểm (-0,48%), xuống 1.490,51 điểm với 133 mã tăng (chỉ 7 mã trần), trong khi có tới 320 mã giảm (24 mã sàn). Tổng khối giao dịch 901,5 triệu đơn vị, giá trị 28.682,5 tỷ đồng, tăng 22% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,6 triệu đơn vị, giá trị 876,9 tỷ đồng.


Thị trường chứng khoán ngày 30/3. Nguồn VNDirect
Thị trường chứng khoán ngày 30/3. Nguồn VNDirect

Tại sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa giảm 10,05 điểm (-2,18%), xuống 451,19 điểm với chỉ 69 mã tăng (6 mã trần), trong khi có 184 mã giảm (12 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 147,8 triệu đơn vị, giá trị 4.652,3 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng 16% về giá trị giao dịch so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,7 triệu đơn vị, giá trị 844,3 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,41%), xuống 116,88 điểm với 156 mã tăng với 19 mã trần; 201 mã giảm, chỉ có 6 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 95,3 triệu đơn vị, giá trị 2.068 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp nửa triệu đơn vị, giá trị 15 tỷ đồng.

Sắc đỏ bao trùm toàn thị trường khi có tổng cộng 704 mã giảm giá (trong đó có 42 giảm sàn) và chỉ có 357 mã tăng giá.

Nhóm cổ phiếu FLC Group vẫn còn chất sàn hơn 200 triệu cổ phiếu

Cổ phiếu "họ FLC" không tránh được thảm cảnh sau khi ông Trịnh Văn Quyết bị bắt. 6 cổ phiếu trong hệ sinh thái FLC Group đều giảm hết biên độ phiên thứ 3 liên tiếp.

Hôm nay các mã FLC, ROS, ART, AMD, KLF và HAI cũng khớp lệnh được tổng cộng chưa đến 10 triệu cổ phiếu, trong khi tổng khối lượng đặt giá sàn chưa khớp vẫn còn hơn 200 triệu cổ phiếu.

Tâm điểm hôm nay là nhóm cổ phiếu đầu cơ, đặc biệt là bất động sản. Đáng kể như HQG của Địa ốc Hoàng Quân mất giá 7% về 9.350 đồng, đây là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất trên sàn với gần 47,5 triệu cổ phiếu được khớp lệnh và vẫn còn hơn 400.000 cổ phiếu khác chất bán sàn.

Hay nhóm cổ phiếu họ Louis như TGG và BII cũng lao về giá sàn. Nhóm cổ phiếu họ DNP Corp như HUT và VC9 giảm hết biên độ, DNP mất 3,9%. Cổ phiếu SJF của Đầu tư Sao Thái Dương giảm kịch sàn về 16.200 đồng, LDG giảm sàn còn 20.000 đồng.

Cổ phiếu ngân hàng là "công thần" giúp cân bằng lại một phần áp lực bán trên toàn thị trường. 6 cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index đều là cổ phiếu ngân hàng, đó là BID (tăng 2,71%), VIB (tăng 4,68%), SSB (tăng 4,25%), MBB (tăng 2,03%), VPB (tăng 1,1%), HDB (tăng 2,72%).

Một số cổ phiếu ngân hàng có cho vay nhóm FLC Group diễn biến trái chiều với ngành. Trong đó OCB mất 1,6% xuống 25.350 đồng, NVB giảm 1,9% còn 35.800 đồng và STB giảm nhẹ 0,2% về 32.250 đồng.


Những cổ phiếu tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect
Những cổ phiếu tác động lớn nhất lên VN-Index. Nguồn: VNDirect

Nhóm sản xuất cũng diễn biến khá bi đát khi sắc đỏ áp đảo sắc xanh, trong đó GVR giảm 1,88%, GEX giảm 2,43%, HSG giảm 3,33%, NKG giảm 3,53%, HT1 giảm 3,53%, DPM và DCM đồng loạt giảm kịch sàn... Sắc xanh hiện lên ở VNM với mức tăng 0,93%, DGC tăng 1,53%, VHC tăng 0,22%, DHC tăng kịch trần.

Đỏ cũng là màu chủ đạo ở nhóm năng lượng và hàng không: GAS, PLX, PGV, POW lần lượt giảm 1,61%, 2,48%, 1,4% và 1,85%; VJC và HVN lần lượt mất đi 1,68% và 0,8% giá trị.

Cổ phiếu bán lẻ và chứng khoán phân hóa: MWG giảm 1,43%, PNJ giảm 1,99% trong khi FRT đứng giá tham chiếu; SSI giảm 0,82%, VCI giảm 0,52% nhưng VND lại tăng 0,16%.

FPT tiếp tục phá đỉnh với mức tăng 1,05%.

Giao dịch khối ngoại là điểm sáng khi mua ròng trên HoSE 124 tỷ đồng

Phiên hôm nay khối ngoại vẫn giao dịch khá ổn định. Họ mua vào lượng cổ phiếu trị giá 1.560 tỷ và bán ra 1.436 tỷ, tương đương mua ròng 124 tỷ đồng trên HoSE.

Tâm điểm gom cổ phiếu của nước ngoài vẫn là mã DGC của Hóa chất Đức Giang với giá trị ròng 181 tỷ, tiếp đến là chứng chỉ quỹ FUEVFVND được mua ròng 75 tỷ. Ngược lại khối ngoại vẫn bán ròng VHM (-51 tỷ), VIC (-46 tỷ) hay HPG (-33 tỷ).

Trên thị trường phái sinh, VN30-Index thiếu chút may mắn nên đóng cửa giảm nhẹ 0,34 điểm (-0,02%), xuống 1.500,23 điểm. Trong các hợp đồng tương lai chỉ số này, chỉ duy nhất hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng nhẹ, còn lại đều giảm với mức giảm không đáng kể. Trong đó, giảm mạnh nhất là hợp đồng đáo hạn tháng 4 với mức giảm 3,6 điểm (-0,24%), xuống 1.489,8 điểm, thanh khoản 164.555 hợp đồng, khối lượng mở 30.478 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm thế áp đảo với mã giảm mạnh nhất là CVIC2110 do MBS phát hành giảm 33,3% xuống 40 đồng, thanh khoản hơn nửa triệu đơn vị. Ở chiều ngược lại, một chứng quyền khác với chứng khoán cơ sở cũng của VIC lại tăng mạnh nhất, đó là CVIC2107 do HSC phát hành tăng 33,3% lên 80 đồng, thanh khoản gần nửa triệu đơn vị. Về thanh khoản, hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều do HSC phát hành, đó là CHPG2203 với hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,7% xuống 1.460 đồng và CFPT2109 với 1,17 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 7,4% lên 1.300 đồng.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

2 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

2 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

2 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

3 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

3 giờ trước