Thị trường chứng khoán hôm nay 22/11: Hơn 128 triệu cổ phiếu được "giải cứu", NVL vẫn nằm sàn

Thứ ba, 22/11/2022-16:11
Sau pha khớp lệnh kỷ lục trong phiên sáng, cổ phiếu NVL của Novaland tiếp tục là tâm điểm trong suốt phiên chiều nay, tuy nhiên lượng bán ra mạnh trong khi thanh khoản ảm đạm trở lại đã khiến cổ phiếu này tiếp tục giảm sàn trắng bên mua.

VN-Index quay đầu giảm điểm

Theo Tin nhanh chứng khoán, sau 5 phiên hồi phục tích cực, nhiều mã cổ phiếu tăng trên dưới 30%, thậm chí có mã tăng hơn 40% (tính từ mức đỉnh phiên hôm nay), áp lực chốt lời đã diễn ra mạnh mẽ trên diện rộng, kéo theo hàng trăm mã hạ nhiệt hoặc quay đầu điều chỉnh, trong đó có nhiều mã bluechip, khiến VN-Index quay đầu giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HoSE ghi nhận 251 mã tăng và 182 mã giảm, VN-Index giảm 8,53 điểm (-0,89%), xuống 952,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,05 tỷ cổ phiếu, giá trị 16.672 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 71,3 triệu đơn vị, giá trị 1.374,5 tỷ đồng.


Diễn biến VN-Index phiên hôm nay 22/11. Nguồn Fireant
Diễn biến VN-Index phiên hôm nay 22/11. Nguồn Fireant

Đóng cửa, sàn HNX có 122 mã tăng (trong đó có 25 mã tăng trần), chỉ số HNX-Index tăng thêm 2,26 điểm (+1,18%), lên 194,66 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,1 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 1.082,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,79 triệu đơn vị, giá trị 44,3 tỷ đồng.

UpCoM-Index có thêm 0,76 điểm (+1,13%), lên 68,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 42 triệu đơn vị, giá trị 425 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 1,3 triệu đơn vị, giá trị 44,3 tỷ đồng.

NVL tiếp tục giảm sàn trắng bên mua

Tâm điểm phiên giao dịch hôm nay đổ dồn về mã NVL của Novaland với khối lượng khớp lệnh kỷ lục 128,5 triệu cổ phiếu, tương đương với 6,5% vốn công ty đồng thời chiếm gần 145 tổng lượng giao dịch trên sàn HoSE.

Phiên hôm nay, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu NVL cũng đạt xấp xỉ 3.300 tỷ đồng.


Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va được "giải cứu" với khối lượng hơn 128 triệu đơn vị
Cổ phiếu NVL của CTCP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va được "giải cứu" với khối lượng hơn 128 triệu đơn vị

Với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp giá sàn trong phiên, cổ đông Novaland tường chừng như được "giải cứu" sau chuỗi ngày mất thanh khoản. Tuy nhiên, áp lực bán trở lại trong phiên chiều đã đẩy mã cổ phiếu này trở lại giá sàn đồng thời vẫn còn dư bán hàng triệu cổ phiếu, đè nặng lên tâm lý nhà đầu tư đã mua ròng hôm nay.

Việc giải cứu bất thành khiến cổ phiếu NVL tiếp tục ghi nhận phiên giảm sàn thứ 14 liên tiếp, hiện đang cố định ở mức 25.350 đồng/đơn vị, tức mất 64% kể từ đầu tháng 11 đến nay. Giá trị vốn hóa theo đó cũng giảm về còn 49.400 tỷ đồng.

Diễn biến tương tự, cổ phiếu PDR của Bất động sản Phát Đạt cũng có tín hiệu tích cực trong phiên sáng khi khớp lệnh gần 35 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, khối lượng này vẫn quá ít so với áp lực bán quyết liệt của các nhà đầu tư. Hiện tại, cổ phiếu bất động sản này vẫn còn khối lượng cổ phiếu dư bán sàn hơn 80,5 triệu cổ phiếu và hơn 36 triệu cổ phiếu bán ATC chưa khớp lệnh.

Cũng giống như NVL, việc giải cứu bất thành đã đánh dấu phiên giảm sàn thứ 13 liên tiếp của cổ phiếu PDR, đồng thời đây cũng là phiên giảm thứ 25 liên tiếp. Thị giá cổ phiếu này chỉ còn giao dịch ở mức 15.950 đồng/đơn vị, mất 68% sau hơn một tháng.

Đối với thị trường chung, giao dịch sôi động ở các cổ phiếu bất động sản trên cũng giúp thanh khoản thị trường tăng cao đột biến, đạt 18.293 tỷ đồng. Trong đó, thanh khoản sàn HoSE tăng 90% so với hôm qua, đạt 16.672 tỷ.

Thị trường chung diễn biến phân hóa với nhiều cổ phiếu tiếp tục tăng hoa lên mức giá trần, ngược lại nhiều cổ phiếu lại giảm khá sâu, gây tác động xấu lên chỉ số.

Theo đó, VN-Index biến động mạnh trong phiên theo xu hướng dẫn dắt của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Chỉ số giảm mạnh khi mở cửa, tăng cao vào thời điểm NVL và PDR được giải cứu nhưng rồi lại kết phiên trong sắc đỏ.

Thị trường bị kéo xuống nhiều nhất do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Trong đó mã VIC của Vingroup giảm sâu 4,7%, xuống 61.000 đồng/cổ phiếu, qua đó trở thành mã tác động tiêu cực nhất lên chỉ số. Tiếp đến là mã VHM của Vinhomes giảm 3,5%; VCB của Vietcombank mất 2%; MSN của Masan giảm 3,5% hay nhóm bất động sản có NVL, PDR, BCM.

Diễn biến ngược lại, lực kéo giúp thị trường không giảm quá sâu đến từ sự đóng góp quan trọng của mã BID (BIDV) với mức tăng mạnh 2,7%, lên 36.450 đồng/cổ phiếu, phiên hôm nay EIB của Eximbank dư mua giá trần, VNM của Vinamilk tăng 2,1% hay PLX của Petrolimex tăng mạnh 3,6%.


VN-Index "quay xe" từ +20 điểm và kết phiên trong sắc đỏ. Nguồn: Vietstock
VN-Index "quay xe" từ +20 điểm và kết phiên trong sắc đỏ. Nguồn: Vietstock

Về diễn biến dòng tiền, khối tự doanh chứng khoán vẫn diễn biến tiêu cực khi bán ròng 218 tỷ đồng trên HoSE. 

Trong khi đó, giao dịch khối ngoại tiếp tục là điểm sáng khi họ mua ròng trên cả 3 sàn với tổng giá trị 284 tỷ đồng. 

Trên HoSE, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng giá trị xấp xỉ 256 tỷ đồng. Trong đó, VNM được mua ròng nhiều nhất với 74 tỷ đồng, SSI và MBB cũng được mua ròng mạnh 67 tỷ đồng và 63 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong danh sách mua ròng còn có FUEVFVND và MBB với giá trị lần lượt 47 tỷ đồng và 39 tỷ đồng.

Ngược lại, GC và E1VFVN30 chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với giá trị lần lượt là 68 tỷ đồng và 34 tỷ đồng. Tiếp đến là NVL (30 tỷ đồng), GEX (25 tỷ đồng) và VCB (22 tỷ đồng).

Trên HNX, khối ngoại mua ròng với giá trị 16 tỷ đồng. PVS phiên hôm nay được mua ròng mạnh với 6,8 tỷ đồng, dòng vốn ngoại còn tìm tới TNG , DTD và CEO, PVI với giá trị từ 1,3-4,6 tỷ đồng. Ngược lại, các mã IDC, MBG, NTP, IVS... bị bán ròng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng trên HNX.

Trên sàn UPCoM, nhà đầu tư ngoại mua ròng gần 12 tỷ đồng. Trong đó, cổ phiếu VEA được mua ròng gần 4,5 tỷ đồng, tương tự, MCH, ACV cũng đồng loạt được mua ròng mỗi cổ phiếu 2,3 và 1,5 tỷ đồng. Trong khi BSR bị khối ngoại bán ròng khoảng 0,2 tỷ đồng; ngoài ra họ cũng bán ròng tại SBS, DDV, MPC, ABI,..

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật