Thị trường chứng khoán hôm nay 1/2: Xả hàng ồ ạt, VN-Index "bốc hơi" 35 điểm phiên đầu tháng 2

Thứ tư, 01/02/2023-17:02
Sau diễn biến tích cực trong hầu hết tháng 1, thị trường chứng khoán Việt Nam bắt đầu đối mặt với áp lực bán mạnh. Phiên hôm nay ghi nhận chỉ số VN-Index lao dốc không phanh, sắc đỏ chiếm áp đảo, nhiều mã thậm chí giảm xuống giá sàn.

Theo Tin nhanh chứng khoán, thị trường hôm nay biến động trong biên độ hẹp vào phiên sáng, nhưng VN-Index đóng cửa giảm nhẹ do lực bán chốt lời sớm diễn ra ở một số nhóm. Bước sang phiên chiều, thị trường vẫn bình lặng trong 50 phút giao dịch đầu tiên. Tuy nhiên, từ 13h50 trở đi, lực bắt đầu được tung mạnh vào thị trường, đẩy chỉ số quay đầu giảm xuống ngưỡng 1.100 điểm, sau đó được kéo trở lại lên trên ngưỡng này.

Nhưng ngay sau khi lực cầu bắt đáy bắt đầu hoạt động với kỳ vọng mua vào các mã giảm sâu thì lực cung lại ồ ạt được tung vào thị trường. Chỉ từ khoảng 14h15 đến 14h20, lực xả ồ ạt với mức giá mỗi lúc một thấp đã đẩy VN-Index mất hơn 30 điểm. Lực bán mạnh diễn ra ở nhóm chứng khoán, bất động sản sau đó lan ra khắp bảng điện tử khi tâm lý sợ hãi lấn át, kéo những cổ phiếu tăng tốt trong phiên sáng cũng quay đầu giảm. 

Sau đó, lực cầu bắt đáy đã giúp chặn đà giảm của thị trường trước khi bước vào đợt khớp lệnh giá đóng cửa (ATC). Tuy nhiên, lực bắt đáy không thấm vào đâu với lực cung bán ra bằng mọi giá đã khiến VN-Index bị đẩy trở lại và đóng cửa ở mức đáy của ngày, qua đó ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong hơn 1 tháng.

Cụ thể, VN-Index chốt phiên giảm 35,21 điểm (-3,17%), xuống 1.075,97 điểm với 89 mã tăng, trong khi có tới 351 mã giảm, trong đó 41 mã giảm kịch sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.030 triệu đơn vị, giá trị 17.623 tỷ đồng, trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,8 triệu đơn vị, giá trị 1.230 tỷ đồng.


VN-Index giảm hơn 35 điểm trong phiên đầu tháng 2. Nguồn FireAnt
VN-Index giảm hơn 35 điểm trong phiên đầu tháng 2. Nguồn FireAnt

Đóng cửa, HNX-Index giảm 6,42 điểm (-2,89%), xuống 216,01 điểm với 54 mã tăng và 123 mã giảm.Tổng khối lượng giao dịch đạt 131,8 triệu đơn vị, giá trị 1.957 tỷ đồng, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,7 triệu đơn vị, giá trị 88,8 tỷ đồng.

UPCoM-Index giảm 0,9 điểm (-1,19%), xuống 74,93 điểm với 113 mã tăng và 155 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 53,5 triệu đơn vị, giá trị 662,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,5 triệu đơn vị, giá trị 10,5 tỷ đồng.

Phiên hôm nay, cổ phiếu vốn hóa lớn là nhóm gây tác động tiêu cực nhất lên chỉ số chung. Trong đó, rổ VN30 giảm gần 37 điểm (-3,29%) với 23/30 mã chìm trong sắc đỏ. Trong khi đó, rổ chỉ số VNMID ghi nhận mức giảm 3,64% trong ngày và chỉ số đại diện nhóm vốn hóa nhỏ VNSML mất 2,89% giá trị.

Xét theo từng nhóm cổ phiếu, VCB của Vietcombank là mã tác động xấu nhất lên thị trường hôm nay khi giảm 3% về mức 89.100 đồng. Xếp ở vị trí tiếp theo là VHM của Vinhomes rơi 5,7%, xuống mức 48.000 đồng; BID của ngân hàng BIDV lao dốc 5,1%, xuống 42.800 đồng...


Toàn thị trường ghi nhận 72 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Nguồn Vietstock
Toàn thị trường ghi nhận 72 mã chứng khoán giảm kịch sàn. Nguồn Vietstock

Cổ phiếu bất động sản và xây dựng bao trùm bởi xắc xanh giảm sàn. Đơn cử như mã DXG của Đất Xanh giảm sàn 7% về 13.900 đồng, DIG của DIC Corp giảm kịch biên độ về 16.300 đồng, cổ phiếu VCG của Vinaconex hay CTD của Coteccons cũng giao dịch trong tình trạng trắng bên bán...

Nhóm chứng khoán cũng không khá hơn với SSI giảm mạnh 6,7%, xuống 20.150 đồng. Các mã khác như HCM, VCI, VND, VIX, FTS, CTS, BSI đều bị bán tháo xuống mức thấp nhất trong phiên.

Tại nhóm ngân hàng, kết phiên có 18/29 mã giảm, trong đó 4 mã đứng giá tham chiếu và chỉ 5 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, LPB dẫn đầu đà lao dốc khi giảm sàn xuống 13.800 đồng/cp. Hàng loạt mã ngân hàng khác cũng giảm sâu trên 3% như VPB (-5,9%), STB (-5,4%), TPB (-5,2%), BID (-5,1%), CTG (-4,9%), TCB (-4,1%). Ở chiều ngược lại, HDB của HDBank tiếp tục thể hiện phong độ tích cực khi xanh 1,9%, dẫn đầu về mức tăng giá trong nhóm ngân hàng niêm yết trên HoSE và HNX cũng như đứng thứ 2 trong nhóm VN30. Với diễn biến tích cực trên, HDB đã ghi nhận 9 phiên tăng giá liên tiếp với tổng tỷ suất sinh lời gần 14,5%.

Bên cạnh đó, các nhóm ngành chịu áp lực bán mạnh về quanh mức giá sàn phiên hôm nay còn bao gồm phân bón, sắt thép, thủy sản, dầu khí, điện, đầu tư công, bán lẻ, thực phẩm...

Trong phiên hôm nay, thị trường vẫn có những mã đi ngược xu hướng chung, thậm chí là tăng trần. Đáng kể nhất phải kể đến nhóm cổ phiếu sản xuất đường như KTS của Đường Kon Tum, LSS của Đường Lam Sơn, SBT của TTC Sugar tăng trần hôm nay với khối lượng giao dịch lớn.

Ngoài ra, sắc tím còn ghi nhận với các mã CA của Thép Vicasa; ASP của Dầu khí Alpha... Tương tự, KHG của Khải Hoàn Land bứt phá 6,5%, đạt mức 5.270 đồng; SVC của Savico tiến sát giá trần tại 53.800 đồng; hay DAG của Nhựa Đông Á tăng thêm 4,7%, đạt 35.750 đồng.

Tuy nhiên, đây chỉ là những điểm sáng hiếm hoi, nhìn chung, thị trường vẫn chịu áp lực bán tháo quyết liệt. Toàn thị trường có đến 629 mã giảm (trong đó có 72 mã giảm sàn) và 256 mã tăng, còn lại là cổ phiếu đứng giá tham chiếu.


Khối ngoại "quay xe" mua ròng trong phiên thị trường giảm mạnh, tập trung gom HPG
Khối ngoại "quay xe" mua ròng trong phiên thị trường giảm mạnh, tập trung gom HPG

Về giao dịch khối ngoại, sau phiên quay đầu bán ròng, nhà đầu tư nước ngoài đã trở lại mua ròng với tổng giá trị là 125 tỷ đồng trên toàn thị trường.

Trong đó, khối ngoại mua ròng với giá trị xấp xỉ 93 tỷ đồng trên HoSE. Tập trung ở các mã HPG với giá trị 201 tỷ đồng); HCM (48 tỷ đồng); HDB và STB với giá trị lần lượt 44 tỷ và 39 tỷ đồng. Ngược lại, VNM chịu áp lực bán ròng với giá trị 103 tỷ đồng; theo sau DGC, VNM bị bán khoảng 42 và 39 tỷ đồng mỗi mã.

Trong khi đó, trên HNX, khối ngoại mua ròng 39 tỷ đồng, còn trên UPCoM, khối ngoại bán ròng hơn 7 tỷ đồng.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật