Sau kỳ nghỉ Tết, giá thép được điều chỉnh lên mức cao nhất 710.000 đồng/tấn 

Chủ nhật, 30/01/2023-17:01
Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép đồng loạt tăng giá thép xây dựng cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300. Đã có đơn vị điều chỉnh tăng giá lên mức cao nhất là 710.000 đồng/tấn.

Là một ngành công nghiệp nền tảng của Việt Nam và có độ phục thuộc cao vào trạng thái của nền kinh tế, ngành thép đã trải qua năm 2021 đặc biệt thuận lợi cho việc sản xuất. Tuy nhiên tới năm 2022 lại chứng kiến các biến động vĩ mô một cách dồn dập như xung đột giữa Nga - Ukraine, suy thoái kinh tế hậu Covid - 19 và gần đây là lạm phát… đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực lên ngành này và dư âm kéo dài sang năm 2023.

Cùng với đó, thị trường bất động sản trong nước trầm lắng hay việc tín dụng của ngành này bị siết chặt cũng là nguyên nhân khiến tiêu thụ thép trên thị trường trong nước sụt giảm đáng kể. 

Doanh nghiệp thép ghi nhận 2 quý liên tiếp thua lỗ

Nửa cuối năm 2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp ngành thép rơi vào khó khăn khi nhu cầu tiêu thụ rất yếu, giá bán thấp, lãi suất và tỷ giá đều biến động bất lợi. 

Đơn cử như doanh nghiệp thép lớn nhất Việt Nam - Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) tuy chưa công bố báo cáo tài chính nhưng cho biết lỗ sau thuế trong quý IV/2022 ước tính khoảng 2.000 tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2022, tập đoàn lãi sau thuế hơn 8.400 tỷ đồng, giảm 76% so với năm trước đó. 


Nửa cuối năm 2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp ngành thép rơi vào khó khăn
Nửa cuối năm 2022 là thời điểm nhiều doanh nghiệp ngành thép rơi vào khó khăn

Ở quý I và quý II/2022, Hòa Phát ghi nhận lãi hàng nghìn tỷ đồng, cao nhất trong tất cả các doanh nghiệp thép trên thị trường chứng khoán gộp lại. Nhưng tới quý III và IV, các khoản lỗ của tập đoàn này cũng lớn nhất ngành. 

Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) cũng từng chứng kiến khoản lỗ ròng 887 tỷ đồng vào quý III/2022 (tức quý IV theo niên độ tài chính Hoa Sen). Nhưng tới quý cuối năm 2022 thì số lỗ đã giảm còn 680 tỷ đồng. 

Tương tự với Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel – Mã: TVN) ghi nhận khoản lỗ từ 567 tỷ đồng đã giảm còn 410 tỷ đồng. Công ty cổ phần Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng cho biết khoản lỗ 419 tỷ đồng đã giảm còn 356 tỷ đồng. Tiếp đó, CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco – Mã: TIS) đã giảm khoản lỗ từ 25 tỷ đồng trong quý III/2022 còn 17 tỷ đồng vào quý IV/2022. 

Một trong các nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp thép đồng loạt thua lỗ vào quý cuối năm ngoái là do doanh thu giảm sút. Theo Tập đoàn Hòa Phát, doanh thu trong quý vừa qua của họ đạt gần 26.000 tỷ đồng, giảm tới 42% so với cùng kỳ năm 2021. Các doanh nghiệp Hoa Sen, Nam Kim hay VNSteel cũng rơi vào tình trạng như vậy. 

Sản lượng tiêu thụ thép yếu kém, cùng với việc giá bán liên tục giảm là nguyên do khiến nguồn thu của doanh nghiệp thép không còn được như trước đây. 

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho thấy, tổng tiêu thụ sản phẩm thép trong năm 2022 đạt 27,3 triệu tấn, giảm 7,2% so với năm trước đó. Tổng xuất khẩu đạt 6,28 triệu tấn, giảm gần 20% so với cùng kỳ. 

Thép xây dựng là mặt hàng duy nhất có sản lượng tăng khoảng 3%. Cụ thể, tôn mạ giảm 22% chủ yếu vì thị trường xuất khẩu yếu đi khoảng 38%. Các sản phẩm hạ nguồn như ống thép, tôn mạ ghi nhận tình hình bán hàng ảm đạm, điều này khiến sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) đã giảm hơn 13%. 

Có thể thấy, sự suy giảm về sản lượng sẽ không gây thay đổi thứ tự về thị phần quá rõ rệt. Tập đoàn Hòa Phát gia tăng thị phần đối với mảng thép xây dựng và ống thép, lần lượt là 34,8% và 28,5%, vẫn duy trì vị trí đứng đầu toàn ngành.

Thép đồng loạt tăng giá, mức cao nhất là 710.000 đồng/tấn

Ngày 30/1, một số doanh nghiệp sản xuất thép thông báo điều chỉnh tăng giá lên 160.000 – 710.000 đồng/tấn đối với các sản phẩm thép xây dựng. Theo số liệu của Steel Online, giá thép xây dựng hiện tại từ khoảng 14,9 – 16,3 triệu đồng/tấn. 

Ở đợt điều chỉnh này, thép Việt Nhật đã tăng mạnh nhất là 710.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính. Như vậy, thép cuộn CB240 và thép thanh vằn D10 CB300 hiện nay đang có giá gần 15,6 triệu đồng/tấn. 

Đối với thép Việt Mỹ, thép cuộn CB240 hiện có giá là 15,3 triệu đồng/tấn, tăng 510.000 đồng/tấn; Thép thanh vằn D10 CB300 tăng 200.000 đồng/tấn, lên mức 15,07 triệu đồng/tấn.


Thép Việt Nhật đã tăng mạnh nhất là 710.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính
Thép Việt Nhật đã tăng mạnh nhất là 710.000 đồng/tấn đối với cả hai dòng thép xây dựng chính

Bên cạnh đó, thương hiệu thép Hòa Phát điều chỉnh tăng 300.000 đồng/tấn đối với thép cây và thép cuộn xây dựng. Như vậy, giá hai loại mặt hàng này sau khi điều chỉnh đang ở mức trên 15 triệu đồng/tấn. Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 30/1/2023.

Còn với thép Việt Ý, hai dòng thép cuộn CB240 và D10 CB300 cũng tăng 200.000 đồng/tấn, hiện có giá bán lần lượt là 15,1 triệu đồng/tấn và 15,2 triệu đồng/tấn. Giá thép cuộn CB240 và D10 CB300 thương hiệu Việt Đức cũng tăng mức 200.000 nghìn đồng/tấn, hiện đang có giá lần lượt là 14,9 triệu đồng/tấn và 15,1 triệu đồng/tấn.

Thương hiệu thép Pomina điều chỉnh tăng thêm 160.000 đồng/tấn đối với thép cuộn CB240, lên mức 16,2 triệu đồng/tấn; Thép thanh vằn D10 CB300 đã tăng 210.000 đồng/tấn, hiện tại có giá bán gần 16,3 triệu đồng/tấn. 

Thép miền Nam đã tăng thêm 200.000 đồng/tấn cho thép cuộn CB240 và tăng thêm 310.000 đồng/tấn cho thép thanh vằn D10 CB300. Như vậy, hai mặt hàng này đang được bán với giá lần lượt là 15,7 triệu đồng/tấn và 15,9 triệu đồng/tấn.

Theo nhận định của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đầu năm 2023, giá thép xây dựng trong nước vẫn có sự phục hồi theo xu hướng chung của toàn cầu nhờ vào yếu tố chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao. 

Theo đó, vào ngày 6/1/2023, giá quặng sắt loại (62% Fe) giao dịch ở mức 116,95 - 117,45 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân, Trung Quốc, tăng gần 6,5 USD/tấn so với đợt đầu tháng 12/2022. 


Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Pomina, Formosa sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công
Các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Pomina, Formosa sẽ hưởng lợi từ các dự án đầu tư công

Vào những ngày đầu tháng 1/2023, giá thép phế có xu hướng tăng cao. Giá loại thép phế liệu khi giao dịch trong ngày 6/1/2023 tại cảng Đông Á giao động ở mức 402 - 405 USD/tấn.

Tương tự, tại cảng Australia vào ngày 6/1/2023, giá than mỡ luyện cốc (Hard coking coal) xuất khẩu giao dịch ở mức gần 282,5 USD/tấn FOB, tăng tới 52,25 USD/tấn so với đầu tháng 12 năm ngoái. Giá bán than cốc cao nhất là vào đợt cuối quý I/2022 và có xu hướng tăng trở lại bắt đầu từ tháng 11/2022. 

Theo dự kiến, thị trường than điện cực graphite sẽ chứng kiến các xu hướng tăng trưởng giao động trong dài hạn, khi những mối lo ngại về lạm phát cùng chuỗi cung ứng dự kiến tiếp tục tăng trong năm nay. 

VSA nhận định: “Thị trường đang ấm dần lên, nhất là giá phế và giá phôi đã tăng sớm hơn một nhịp trước khi giá thép thành phẩm cũng tăng. Các nhà máy xem xét điều chỉnh một phần giá bán, nhất là với thép cây có mác CB4, CB5… đặc biệt trước quyết định nới lỏng chính sách Zero-COVID của Trung Quốc”. 

Bên cạnh động lực về giá nguyên liệu theo phân tích của VSA, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, thị trường thép xây dựng trong năm 2023 sẽ nhận được sự hỗ trợ từ đầu tư công. 

Cụ thể, với kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn kế hoạch đầu tư công từ năm 2021 - 2025 đạt 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 43,5% so với kế hoạch từ năm 2016 - 2020. Kể từ quý IV/2022, giải ngân đầu tư công tăng tốc dần lên.

Những dự án giao thông có tỷ trọng lớn trong khi tổng chi là 507.400 tỷ đồng, chiếm 47% kế hoạch phân bổ vốn đầu tư trung hạn từ nguồn ngân sách trung ương. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng như Hòa Phát, Pomina, Formosa,... sẽ được hưởng lợi lớn. 

Tuy nhiên, VSA cũng nhận định về những khó khăn trong năm 2023: “Kinh tế - xã hội Việt Nam trong vòng 10 tháng đầu năm 2022 khá ổn định, các cân đối vĩ mô đưa ra triển vọng, duy trì lạm phát trong tầm kiểm soát. Nhưng tình hình thực tế về hoạt động sản xuất kinh doanh của các ngành, nhất là ngành thép nội địa sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều khả năng sẽ kéo dài tới quý II/2023”. 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

8 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

8 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

8 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

9 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

9 giờ trước