Những điều ít người biết về Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Cánh tay đắc lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Thứ ba, 17/05/2022-14:05
Mới đây, thông tin Vinhomes chính thức quy hoạch dự án nhà ở xã hội đã được ông Phạm Thiếu Hoa tiết lộ trong Đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp này vào ngày 12/5 vừa qua. Cũng từ đây, thông tin về nhà lãnh đạo kín tiếng này được nhiều người quan tâm.

Theo ông Phạm Thiếu Hoa, dự án nhà ở xã hội Happy Homes được giới thiệu là những dự án đô thị độc lập, tách biệt khỏi các dự án nhà ở thương mại của Vinhomes hoặc là các khu đất nhà ở xã hội trong các đại dự án của doanh nghiệp này. 

Theo đó, Happy Homes sẽ được quy hoạch thành 3 loại. Loại thứ nhất có giá bán gần 300 triệu đồng. Đây là những căn hộ trong các tòa nhà cao tối đa 7 tầng, diện tích sàn từ 24m2 và có 12m2 gác xép. Loại 2 là những căn hộ trong các tòa nhà cao 15-21 tầng có diện tích dao động từ 30 đến 50m2, mức giá từ 400 - 700 triệu đồng. 

Loại 3 là các căn nhà liền kề 3 tầng có diện tích từ 50 đến 70m2 với giá bán tối đa là 950 triệu đồng. Tuy nhiên, do Vinhomes ưu tiên cho việc xây dựng các căn hộ cao tầng để đáp ứng đông đảo nhu cầu của người dân nên loại hình 3 sẽ không nhiều. 

Những điều ít người biết về Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Cánh tay đắc lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - ảnh 1

Các căn nhà ở xã hội này đều được hưởng “full tiện ích” với đầy đủ trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi trẻ em, sân thể thao… Theo chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa, đơn vị đã nộp đơn xin xây dựng một số dự án nhà ở xã hội tại các quận huyện của Hà Nội và TP HCM; chuẩn bị xây dựng phần đất nhà ở xã hội trong các dự án hiện có. Được biết, dự án đầu tiên dự kiến được khởi công vào tháng 8 năm nay. Các tòa nhà đầu tiên sẽ được đưa vào sử dụng từ tháng 6/2023.

Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa là ai?

Ông Phạm Thiếu Hoa sinh ngày 6/11/1963 tại Hà Nam, đang thường trú tại Hà Nội. Ông có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Quản Trị Kinh doanh của trường Đại học Nam California.

Từ năm 1987 đến năm 2002: Ông Phạm Thiếu Hoa phụ trách công tác xuất nhập khẩu tại Công ty Leaprodexim Vietnam;

Từ năm 2003 đến năm 2005: Ông Hoa là Phó Giám đốc Kinh doanh Tập đoàn Technocom. Đây là công ty sản xuất mì gói mà ông Phạm Nhật Vượng gây dựng tại Ukraine - tiền thân của Tập đoàn Vingroup;

Từ tháng 12/2005: Ông Phạm Thiếu Hoa được bổ nhiệm giữ vị trí Giám đốc Phát triển dự án Công ty Cổ phần Vincom. Đồng thời, ông cũng là thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển địa ốc Thành phố Hoàng Gia, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây;

Những điều ít người biết về Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Cánh tay đắc lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - ảnh 2

Từ tháng 2/2015: Ông Phạm Thiếu Hoa được bầu làm thành viên HĐQT CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội; đồng thời là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng và thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc CTCP Phát triển đô thị Nam Hà Nội;

Tháng 2/2018: Vị doanh nhân 6x được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Phát triển dự án Vinhomes;

Ngày 18/5/2019: Ông Phạm Thiếu Hoa được bổ nhiệm ngồi “ghế nóng” Tổng Giám đốc Vinhomes.

Từ ngày 08/07/2020: Ông là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes;

Từ ngày 11/5/2022: Ông Phạm Thiếu Hoa được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinhomes.

Dù mới đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Vinhomes vài ngày ngắn ngủi nhưng ông Phạm Thiếu Hoa đã có những bước đột phá đầu tiên, chưa từng có tiền lệ cho doanh nghiệp BĐS này. Dù là một nhân vật khá kín tiếng trong dàn lãnh đạo của Tập đoàn Vingroup nhưng ông Phạm Thiếu Hoa là người nắm vị trí chủ chốt, giúp VinHomes phát triển thành công quỹ đất lên đến 165 triệu m2. Theo các chuyên gia nhận định, đây là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp ‘cỗ máy in tiền’ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng không bị gián đoạn.

Đóng góp doanh thu khổng lồ cho Vingroup

Công ty Cổ phần Vinhomes có tiền thân là Công ty Cổ phần Đô thị BIDV-PP. Công ty được thành lập năm 2008, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng và hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển và kinh doanh bất động sản nhà ở và văn phòng cũng như các hạng mục liên quan; cho thuê máy móc, thiết bị công trình; kinh doanh dịch vụ khách sạn, nhà hàng, dịch vụ vui chơi giải trí; chuẩn bị mặt bằng và lắp đặt trang thiết bị, hoàn thiện công trình xây dựng…

Đến 2009, công ty đổi tên thành CTCP Phát triển Đô thị Nam Hà Nội. Một năm sau đó, vốn điều lệ của công ty tăng lên mức 2000 tỷ đồng. Cũng từ đây, Vinhomes trở thành “gà đẻ trứng vàng”, đóng vai trò cốt lõi trong hệ sinh thái doanh nghiệp của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Những điều ít người biết về Chủ tịch Vinhomes Phạm Thiếu Hoa: Cánh tay đắc lực của tỷ phú Phạm Nhật Vượng - ảnh 3

Năm 2018, cổ phiếu của Vinhomes là VHM chính thức giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE). Là công ty con trực thuộc Tập đoàn Vingroup, VHM có nhiều thuận lợi trong việc tham gia cũng như triển khai các dự án bất động sản. Đồng thời, công ty cũng có nhiều mối quan hệ chặt chẽ với những đối tác kinh doanh BĐS của công ty mẹ và được hưởng nhiều quyền lợi từ hệ sinh thái của Vingroup. Từ khi thành lập, Vinhomes đã mang về nguồn doanh thu khổng lồ cho Tập đoàn Vingroup.

Năm 2020, dù lĩnh vực BĐS gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh bùng phát nhưng Vinhomes lại ghi nhận nhiều kết quả khả quan. Doanh thu của công ty đạt trên 71.500 tỷ đồng doanh thu; lãi ròng là hơn 28.200 tỷ lãi ròng, ghi nhận mức tăng lần lượt 39% và 16% so với năm trước. 

Năm 2021, Vinhomes đặt mục tiêu doanh thu lên tới 90.000 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2020. Dự kiến, lợi nhuận sau thuế đạt 35.000 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước. Được biết, đây là mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục của Vinhomes kể từ khi thành lập. 

Đáng chú ý, Vinhomes là công ty dẫn đầu thị trường bất động sản Việt Nam với quỹ đất lên tới 165 triệu m2. Dù đã triển khai liên tiếp nhiều dự án với quy mô lớn nhưng doanh nghiệp này Vinhomes mới chỉ sử dụng khoảng 10-15% quỹ đất của mình. Phần lớn quỹ đất của Vinhomes vẫn đang chờ để khai phá. Dự kiến, quỹ đất này đủ để công ty sử dụng cũng như phát triển dự án trong 10 đến 15 năm tới.

Thời điểm hiện tại, Vinhomes đang quản lý 23 khu đô thị tại 7 tỉnh thành, tỷ lệ hấp thụ trung bình là 95%. Trong quý đầu năm nay, công ty đã cho ra mắt 1.500 căn hộ tại hai tòa P1 và P3 thuộc dự án Vinhomes Ocean Park với tỷ lệ hấp thụ 80%. Chỉ sau một tuần, công ty đã bán hết 74 căn biệt thự thương mại dịch vụ thấp tầng tại dự án Vinhomes Grand Park.

Theo: toquoc.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật