Nhiều khó khăn đang chờ đợi các doanh nghiệp thép Việt

Thứ sáu, 17/12/2022-19:12
Hiện tại, dù hầu hết các doanh nghiệp thép chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp cũng có thể thấy được những khó khăn của ngành này.

Thời gian qua, thị trường bất động sản nhà ở giao dịch chậm lại đã kéo theo nhu cầu thép trong nước giảm sút. Bên cạnh đó, lãi suất tăng cao cũng gây áp lực lên chi phí lãi vay của các doanh nghiệp ngành thép. Theo giới phân tích, những khó khăn này khiến lợi nhuận doanh nghiệp thép trong quý cuối năm nay chưa thể hồi phục.

Nhiều tín hiệu tiêu cực

Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho biết, kể từ quý 2 năm nay, thị trường bất động sản nhà ở tại Việt Nam đã hạ nhiệt đáng kể. Nguyên nhân bởi, một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản lớn đã bị bắt giữ vì vi phạm quy định phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chưa kể, lãi suất mua nhà tăng cùng với room tín dụng hạn chế cũng ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường.


Giá nguyên liệu đầu vào như than cốc và thép phế tăng cao chóng mặt trong khi nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm đã khiến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt càng thêm khó khăn. Ảnh minh họa
Giá nguyên liệu đầu vào như than cốc và thép phế tăng cao chóng mặt trong khi nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm đã khiến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt càng thêm khó khăn. Ảnh minh họa

Đáng chú ý, giá nguyên liệu đầu vào như than cốc và thép phế tăng cao chóng mặt trong khi nhu cầu thép trên toàn cầu sụt giảm đã khiến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp thép Việt càng thêm khó khăn. Kể từ cuối tháng 9 năm nay, không ít doanh nghiệp trong ngành đã phải công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng lớn như: CTCP Thép Pomina (mã chứng khoán: POM) đã thông báo đóng cửa lò cao - POM 2 kể từ ngày 25/9/2022; Công ty TNHH Thép Miền Nam cũng cho nhân viên nghỉ luân phiên theo kế hoạch ngừng sản xuất trong quý 4/2022. Đặc biệt, ông lớn ngành thép là CTCP Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) cũng đã thông báo đóng cửa 2 lò cao (trong 3 lò) tại nhà máy Hải Dương cùng với 2 lò cao (trong 4 lò) tại Khu liên hợp gang thép Dung Quất vào tháng 11 vừa qua.

Trong tháng cuối cùng của năm, nếu nhu cầu thép tiếp tục suy yếu, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long sẽ xem xét về việc đóng cửa thêm một lò cao nữa vào tháng này. Với việc đóng cửa 5/7 số lò cao tại 2 khu liên hiệp sản xuất thép, đây sẽ là một thông điệp vô cùng tiêu cực của ban lãnh đạo doanh nghiệp đối với nhu cầu thép trong ngắn hạn.  

Đáng chú ý, lãi suất tăng cao cũng đang đè nặng lên chi phí lãi vay. Tính đến cuối quý 3/2022, hầu hết các công ty thép trong nước đều đang trong tình trạng nợ vay ròng, điều này đồng nghĩa với việc chi phí lãi vay sẽ tăng trong môi trường lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ vay ròng và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp thép khi so sánh với giai đoạn 2010-2019 vẫn tốt hơn đáng kể. 

Cụ thể, tính đến thời điểm cuối quý 3 năm nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đang có nợ vay ròng cao nhất toàn ngành lên đến 26.589 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ vay ròng và vốn chủ sở hữu của công ty lại ở mức thấp nhất, chỉ 0,27 lần.


Tính đến thời điểm cuối quý 3 năm nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đang có nợ vay ròng cao nhất toàn ngành lên đến 26.589 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ vay ròng và vốn chủ sở hữu của công ty lại ở mức thấp nhất, chỉ 0,27 lần
Tính đến thời điểm cuối quý 3 năm nay, CTCP Tập đoàn Hòa Phát đang có nợ vay ròng cao nhất toàn ngành lên đến 26.589 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nợ vay ròng và vốn chủ sở hữu của công ty lại ở mức thấp nhất, chỉ 0,27 lần

Trong thời gian qua, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG) cùng với Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) cũng đang tích cực giảm các khoản nợ vay. Điều đáng nói, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp này đang nằm trong khoảng 0,35-0,75 lần tính tại thời điểm cuối quý 3/2022. Được biết, phần lớn các khoản vay của các công ty thép là ngắn hạn với mục đích phục vụ tài trợ vốn lưu động.

Liên quan đến tình hình “sức khỏe” của ngành thép, Thạc sĩ Luật Kinh tế Lê Sơn Tùng nhận định: "Diễn biến trên thị trường thế giới (bao gồm việc đứt gãy chuỗi cung ứng, nguyên vật liệu tăng giá mạnh...) đang tạo áp lực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp thép nói riêng, nhất là khi tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine chưa thấy điểm kết thúc, chính sách Zero Covid của Trung Quốc cũng sẽ khiến ngành thép có thể mất nhiều tháng, thậm chí vài năm để phục hồi”. 

Những điểm sáng trong dài hạn

Trong một diễn biến khác, Chứng khoán VNDirect nhận thấy có một số tín hiệu có thể trở thành tiền đề giúp ngành thép cải thiện trong thời gian tới. Đó chính là việc than cốc được dự báo sẽ giảm từ mức 420 USD/tấn trong năm 2022 lần lượt xuống mức 258 và 220 USD/tấn trong các năm 2023 và 2024 khi các mỏ khai thác than cốc được hoạt động bình thường trở lại.

Ngoài ra, giá quặng sắt cũng được dự báo sẽ giảm dần trong dài hạn, từ mức trung bình là 110 USD/tấn trong năm nay xuống lần lượt còn 90 và 70 USD/tấn trong hai năm 2023 và 2024. Việc Trung Quốc dỡ bỏ giãn cách xã hội cũng là yếu tố kích thích nhu cầu thép trên toàn cầu cũng như đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại Việt Nam. Điều này sẽ phần nào bù đắp cho sự trì trệ của thị trường bất động sản trong thời gian qua. 

Đáng chú ý, việc nhu cầu tăng trưởng yếu cùng với nguồn cung tăng cao sẽ khiến giá quặng sắt giảm dần cho đến năm 2024. Vào cuối tháng 11 vừa qua, giá quặng sắt đang được giao dịch ở mức 80 USD/tấn, so với vùng đỉnh được thiết lập vào tháng 4 năm nay đã giảm 45%. Cộng thêm lo ngại về suy thoái toàn cầu ngày càng tăng cũng như đợt bùng phát Covid-19 mới và sự suy yếu của lĩnh vực bất động sản Trung Quốc khiến nhu cầu thép và quặng sắt toàn cầu suy yếu trong những tháng gần đây.


Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những chính sách này vẫn chưa thể hỗ trợ hoàn toàn cho ngành bất động sản Trung Quốc vốn đang vô cùng yếu ớt. Ảnh minh họa
Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những chính sách này vẫn chưa thể hỗ trợ hoàn toàn cho ngành bất động sản Trung Quốc vốn đang vô cùng yếu ớt. Ảnh minh họa

Vì thế, việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng mới cộng với những điều kiện tín dụng nới lỏng tại Trung Quốc được kỳ vọng sẽ hỗ trợ phần nào đối với nhu cầu của quặng sắt và giá cả của loại nguyên liệu này. Thế nhưng cho đến thời điểm hiện tại, những chính sách này vẫn chưa thể hỗ trợ hoàn toàn cho ngành bất động sản Trung Quốc vốn đang vô cùng yếu ớt. 

Cụ thể, việc khởi công xây dựng mới cùng với doanh số bán hàng tại quốc gia này tiếp tục sụt giảm. Được biết, xây dựng bất động sản chính là ngành tiêu thụ thép lớn nhất nước này, chưa kể ngành bất động sản đang chiếm đến 30% GDP của Trung Quốc. Nếu như lĩnh vực này không sớm ổn định và phục hồi trong thời gian tới, nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Dự báo đến năm 2027, giá quặng sắt vẫn sẽ giảm xuống mức thấp hơn. Cũng theo dự báo, sự sụt giảm này đến từ mức tăng trưởng khiêm tốn của sản xuất thép lò cao khi so sánh với thập kỷ trước đến từ các nhà sản xuất lớn như Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc trong bối cảnh xu hướng toàn cầu chuyển sang trạng thái cắt giảm phát thải. Nguồn cung ngày càng tăng đến từ Australia, Brazil và châu Phi càng khiến mức cầu tăng chậm lại, dự kiến giá quặng sắt vẫn tiếp tục giảm cho đến năm 2024. 

Liên quan đến tình trạng này, Bộ Công nghiệp, Khoa học, Năng lượng và Tài nguyên Australia (DISR) cho biết, giá quặng sắt năm 2022 được dự báo trung bình đạt 110 USD/tấn, so với năm trước đã giảm 29,5% trước khi giảm xuống dưới 90 và 70 USD/tấn trong hai năm 2023 và 2024. Trong thời gian tới, giá than cốc dùng để luyện thép cũng dự kiến sẽ giảm dần. Thực tế cho thấy, giá than cốc đã giảm mạnh trong khoảng thời gian từ tháng 5 cho đến tháng 7, trước khi phục hồi nhẹ. Ngoài ra, tình hình lũ lụt ở Australia cùng với những hiện tượng thời tiết cực đoan khác cũng khiến cho nguồn cung than cốc có thể sẽ tiếp tục gián đoạn. 

Trong khi đó, giá năng lượng trên toàn cầu ngày càng tăng cao đã hạn chế hoạt động sản xuất thép, đặc biệt là ở Trung Quốc và châu  u khi tình trạng thiếu khí đốt đang ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Theo như dự báo của DISR, trung bình giá than cốc sẽ giảm dần từ mức 420 USD/tấn trong năm 2022 khi nguồn cung được dần quay trở lại bình thường. Đến năm 2024, giá than cốc sẽ chỉ còn 220 USD/tấn.


Trong quý cuối năm nay, dự báo thị trường thép trong nước vẫn tiếp tục giảm do phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa
Trong quý cuối năm nay, dự báo thị trường thép trong nước vẫn tiếp tục giảm do phải đối mặt với nhiều khó khăn. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc giá quặng sắt cùng với giá than cốc giảm chỉ là góc nhìn dài hạn. Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp thép vẫn đang phải đối mặt với khó khăn lớn nhất đến từ nhu cầu tiêu thụ suy yếu. Hiện nay, dù hầu hết các doanh nghiệp thép chưa báo cáo kết quả kinh doanh quý 4/2022, nhưng nhìn vào kết quả kinh doanh quý 3 của doanh nghiệp cũng có thể thấy được những khó khăn của ngành này.

Đặc biệt, doanh thu của 3 “ông lớn” ngành thép trên sàn chứng khoán là CTCP Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Tập đoàn Hoa Sen cùng với CTCP Thép Nam Kim đã giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời giảm 18% so với quý trước đó trong bối cảnh nhu cầu thép và giá bán đều giảm rõ rệt. Chưa kể, thêm nhiều doanh nghiệp khác cũng báo lỗ ròng trong quý 3 năm nay vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, lãi suất tăng và đồng VNĐ ngày càng suy yếu. Trong quý 3/2022, Hòa Phát báo lỗ ròng  1.776 tỷ đồng, đây là khoản lỗ đầu tiên của công ty kể từ quý 4/2008.

Trong quý cuối năm nay, dự báo thị trường thép trong nước vẫn tiếp tục giảm do phải đối mặt với nhiều khó khăn đến từ hoạt động xuất khẩu kém lạc quan, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất cùng với những chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất tăng và tỷ giá leo thang. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, tình hình thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh các ngành đặc biệt là ngành thép trong nước thời gian tới sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn cùng với thách thức; nhiều khả năng sẽ kéo dài đến quý 2 năm sau.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

Điểm tin BĐS 16/4/2024: Dư nợ tín dụng bất động sản hơn 2,8 triệu tỷ đồng

2 giờ trước

Tín dụng chảy mạnh vào bất động sản nhưng cho vay nhà ở xã hội còn thấp

11 giờ trước

Khám phá 30+ mẫu nhà cấp 4 chữ L mái bằng đẹp mê - xu hướng mới 2024

11 giờ trước

Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng: Có phải giải pháp tốt ở thời điểm hiện tại?

12 giờ trước

PNJ đặt mục tiêu lợi nhuận kỷ lục hơn 2.000 tỷ đồng trong năm 2024

12 giờ trước