Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất (Bài 9): Đâu là hướng giải quyết?

Thứ ba, 29/03/2023-13:03
Theo ông Ngô Lê Đình Quốc Chương – chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, mỗi người hãy tiết kiệm và trích quỹ dự phòng khẩn cấp bằng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt; xác định cho mình một mức sống tối thiểu để tránh những rủi ro về tài chính.

LTS:

Tích cóp nhiều năm để mua được một căn nhà trả góp, nhưng gánh nặng trả nợ kéo dài sau đó mới thực sự là nỗi ám ảnh. Những tưởng, cuộc sống sẽ ổn định, mỗi tháng bóp mồm, bóp miệng một chút là có được căn nhà Hà Nội. Nhưng không... Khi khó khăn kinh tế leo thang, lãi suất tăng vọt thì giấc mơ đã trở thành một gánh lo đè nặng.

Bán hàng online, chạy thêm grab, làm thêm đủ thứ việc để có tiền trả lãi ngân hàng hàng tháng. Nhiều người đã chọn cách này để “nuôi” tiếp giấc mơ an cư. Nhưng không phải ai cũng nghị lực như vậy. Nhất là khi kinh tế suy thoái, khủng hoảng kinh tế, thu nhập giảm sút, lãi suất ngân hàng tăng cao. Một số người đã phải bán nhà, bán tài sản để trả nợ vì không thể gồng nổi lãi suất đang thả nổi như hiện nay.

Bán nhà, bán tài sản để trút gánh nợ ngân hàng, chấm dứt những nỗi ám ảnh về tiền trả góp hàng tháng cũng đồng nghĩa với việc họ chấp nhận quay trở về điểm xuất phát. Đó thật sự không phải là một lựa chọn dễ dàng, nhưng có lẽ trong điều kiện hiện tại, nhiều trong số họ không có sự lựa chọn nào khác.

Những câu chuyện, những mảnh đời mà chúng tôi ghi lại trong tuyến bài: “Người mua trả góp quay cuồng trong cơn bão lãi suất”, như tiếng lòng của rất nhiều gia đình trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, mong muốn tìm ra giải pháp tháo gỡ, hỗ trợ thiết thực hơn từ Cơ quan quản lý Nhà nước, các ngân hàng cho những gia đình quá khó khăn với câu chuyện mua nhà trả góp.

Thời gian gần đây, lãi suất cho vay của các ngân hàng liên tục tăng cao đẩy nhiều người vào tình trạng nợ nần chồng chất. Vì mất khả năng trả nợ nên nhiều người phải chi tiêu “thắt lưng buộc bụng”, chạy ngược xuôi tìm việc làm, bán tháo tài sản, thậm chí phải đi vay tín dụng đen để gồng gánh nợ. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ mang tính chất tạm thời, không giải quyết triệt để vấn đề.

Để có những giải pháp hữu ích cho những người đang điêu đứng trong “cơn bão lãi suất”, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Lê Đình Quốc Chương – Chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân để có những giải pháp hữu ích cho những người đang gồng gánh, mất khả năng trả nợ.


Ông Ngô Lê Đình Quốc Chương – Chuyên gia tài chính cá nhân
Ông Ngô Lê Đình Quốc Chương – Chuyên gia tài chính cá nhân

PV: Là một chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân, ông nghĩ gì về chuyện hiện nay có rất nhiều người thế chấp tài sản đi vay nợ ngân hàng, thậm chí là tín dụng đen?

Theo tôi, thế chấp tài sản đi vay vốn là một nhu cầu hết sức bình thường của mỗi cá nhân. Việc làm này nhằm phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như: mua nhà, mua xe, mở rộng cơ sở kinh doanh, mua sắm đồ đạc, tiện nghi trong gia đình, tiêu dùng cá nhân,...

Đời sống xã hội ngày càng cao, cộng với nỗ lực quảng cáo của các doanh nghiệp để bán hàng khiến nhu cầu tiêu dùng của con người ngày càng lớn. Vay tiền để tiêu dùng trước, trả sau là một việc làm phổ biến ở Việt Nam, cũng như ở các nước phát triển. Điều này hoàn toàn tốt vì có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế thông qua việc tăng tiêu dùng cá nhân.

Tuy nhiên, điều mà tôi quan tâm ở đây là mức độ hiểu và nhận thức về các khoản vay của các cá nhân. Mức độ hiểu về tài chính của mỗi người mỗi khác, dẫn đến cách họ tìm đến các nguồn vay khác nhau, trong đó có những nguồn vay “độc hại” như tín dụng đen.

Bên cạnh đó, có nhiều người khi đi vay chưa nghĩ đến phương án trả nợ nên đã xảy ra rất nhiều vấn đề bất cập trong thời gian gần đây. Cụ thể, sau dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế gần đây đã đẩy rất nhiều người vào tình cảnh nợ nần chồng chất vì đã vay tiền một cách bất chấp mà không tính đến rủi ro và phương án trả nợ.

PV: Trong thực tế có nhiều món nợ tích cực đã trở thành tiêu cực. Ví dụ như nhiều người ban đầu chỉ thế chấp tài sản vay vài chục triệu đồng để tiêu dùng nhưng sau đó lại trở thành nợ xấu. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

Theo tôi, không có món nợ nào là món nợ tích cực cả, đã đi vay tiền thì đồng nghĩa với việc mang gánh nặng trả nợ trên vai. Áp lực này diễn ra trong thời gian dài, chúng ta chỉ có thể thoải mái khi trả hết nợ mà thôi.

Đa phần các khoản nợ trở thành nợ xấu là do người vay mất khả năng chi trả, điều này có thể đến từ một số lý do sau đây:

Thứ nhất là mất nguồn thu nhập. Khi có nguồn thu nhập bình thường, người vay sẽ trích một phần thu nhập ra để trả các khoản nợ mình đã vay. Tuy nhiên khi bị mất việc làm, bị giảm lương, giảm thu nhập thì người vay sẽ không còn khả năng trả nợ.

Thứ hai là không nắm rõ khoản vay, các yếu tố lãi suất, phương án trả nợ. Có rất nhiều người vay với lãi suất rất cao, lên đến 10% mỗi tháng hoặc hơn. Họ vay qua các ứng dụng được vận hành bởi các tổ chức tín dụng đen. Lúc đầu khoản vay nằm trong khả năng trả lãi, tuy nhiên càng về sau thì khoản vay đã vượt xa khả năng chi trả.

Thứ ba là do kiến thức tài chính của người dân còn hạn chế, chỉ biết lấy tiền thoả mãn nhu cầu trước mắt mà không lường hết các trở ngại, rủi ro sẽ gặp phải trong tương lai.

PV: Theo ông, một món nợ như thế nào thì vẫn được coi là ở ngưỡng an toàn?

Theo tôi, một món nợ được gọi là ngưỡng an toàn là khi bạn chủ động lường trước và hiểu khoản vay của mình một cách rõ ràng. Cụ thể: các khoản vay có lãi suất hợp lý, tùy theo mục đích vay mua nhà, kinh doanh hay tiêu dùng, lãi vay không vượt quá 20%/ năm.

Bên cạnh đó, một khoản vay an toàn khi người vay có kế hoạch trả nợ vay rõ ràng, chi phí trả nợ không quá 30% thu nhập hàng tháng. Bản thân và gia đình người vay cần có một khoản quỹ dự phòng khẩn cấp ở mức 3-12 tháng chi phí để đề phòng rủi ro như bị mất hay giảm thu nhập; có tài sản thanh lý để tất toán các khoản vay khi không còn khả năng trả nợ.

PV: Hiện nay, nhiều người đi vay để trả những khoản nợ sắp tới kỳ hạn thanh toán, theo chuyên gia đây có phải là giải pháp hiệu quả không?

Theo tôi, đây là biện pháp cần phải làm để xử lý các tình huống cấp bách, nó không phải là căn cơ để giải quyết vấn đề. Cách làm này chỉ đẩy nợ về tương lai và số nợ càng lúc phải trả càng lớn hơn mà thôi. Trong giai đoạn khó khăn này, tôi thấy rất nhiều người đang làm việc này.

PV: Vậy theo ông, mỗi người cần phải có một thái độ, cũng như kế hoạch quản lý tài chính cá nhân như thế nào khi đối diện với những món nợ vượt quá khả năng chi trả?

Theo tôi, khi một người đối diện với một khoản nợ quá khả năng chi trả thì sự việc đã ở mức rất nghiêm trọng rồi. Giữ được bình tĩnh trong giai đoạn này là điều quan trọng nhất. Xem tình trạng hiện tại là một thử thách và bắt đầu lên kế hoạch để xử lý những khoản nợ xấu này.

Liên quan đến việc lập kế hoạch tài chính cá nhân, xử lý nợ xấu, tôi có lời khuyên dành cho trường hợp này: Nên cắt giảm chi tiêu tối đa, đưa bản thân vào trạng thái cuộc sống tối giản; tăng cường làm thêm để gia tăng thu nhập.

Ngoài ra, những người đang gồng gánh nợ xấu có thể tìm sự tư vấn của chuyên gia tài chính có năng lực để cơ cấu và có phương án trả nợ phù hợp. Chuyên gia tài chính sẽ có nhiều kinh nghiệm trong việc hỗ trợ xử lý nợ hoặc chuyển các khoản nợ sang một nơi vay khác với lãi suất thấp hơn.

Kế hoạch quản lý tài chính là một kỹ năng rất quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Tuy nhiên ở Việt Nam rất ít người được học hành một cách bài bản, đa phần chỉ phản ứng dựa vào kinh nghiệm bản thân có được sau những lần vấp ngã. Còn ở các nước phát triển, tài chính cá nhân được dạy trong trường học để giúp học sinh tránh các vấn đề rủi ro về tài chính trong cuộc sống sau này. Cho nên, các cá nhân cần phải tham gia các lớp học kỹ năng quản lý tài chính để trang bị những kỹ năng căn bản, cần thiết cho bản thân.

PV: Ông có lời khuyên gì về vấn đề quản lý tài chính cá nhân trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn như hiện nay?

Tôi có lời khuyên dành cho những ai đang gặp khó khăn về tài chính trong thời điểm này là hãy tiết kiệm và trích quỹ dự phòng khẩn cấp bằng 3-6 tháng chi phí sinh hoạt của mình; xác định cho mình một mức sống tối thiểu để có thể thích nghi được khi có rủi ro về tài chính. Cuối cùng là tìm hiểu, nghiên cứu để tối ưu hóa 5 bước tài chính cá nhân: kiếm tiền; tiết kiệm, tích lũy; chi tiêu; bảo vệ, đầu tư.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.

Thiên Vân
Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

Cuộc chạy đua của thế hệ trẻ với AI

1 giờ trước

Thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đón nhận thêm thương vụ IPO tỷ USD

1 giờ trước

Chuyên gia: Nhà đầu tư nên tranh thủ lựa hàng khi thị trường ở đầu “chân sóng”

1 giờ trước

Kiến nghị cho phép hoạt động đòi nợ chuyên nghiệp nhằm giảm nguy cơ nợ xấu

6 giờ trước

Lãi suất tiết kiệm rục rịch tăng nhưng vẫn duy trì quanh vùng đáy

7 giờ trước