Cổ phiếu điện “phát sáng” trong mùa nắng nóng

Thứ ba, 06/06/2023-14:06
Dự kiến, pha El Nino sẽ gây ra thời tiết nắng nóng hơn với những đợt hạn hán kéo dài. Do đó, điện than được cho là sẽ hưởng lợi hơn trong bối cảnh thủy điện suy yếu.

Theo Nhịp sống thị trường, mùa nắng nóng cao điểm, nhu cầu sử dụng điện của người dân cũng tăng vọt, theo đó kỳ vọng hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện. Nhóm cổ phiếu điện trên sàn chứng khoán cũng tranh thủ bứt tốc.

Thị trường chứng khoán phiên giao dịch đầu tuần chứng kiến sự trỗi dậy của cả dòng tiền và điểm số, thậm chí có thời điểm chỉ số VN-Index đã lấy lại mốc 1.100 điểm sau khoảng thời gian có phần “trầm lắng” từ đầu năm. Cổ phiếu ngành điện cũng trở thành điểm sáng với nhiều mã tăng điểm tích cực có thể kể đến như: PPC (+4,8%); QTP (+3,8%); HND (+3,3%); TV2 (+3,3%), TBC (+2,4%); BCG (+2,2%); NT2 (+2,1%); PGV (+2,2%);… Thậm chí, cổ phiếu TMP của Thủy điện Thác Mơ còn tăng kịch trần.


Cổ phiếu ngành điện cũng trở thành điểm sáng với những mã tăng điểm tích cực
Cổ phiếu ngành điện cũng trở thành điểm sáng với những mã tăng điểm tích cực

Trong khi đó, cổ phiếu của các của các doanh nghiệp có tỷ trọng nhiệt điện cao như POW, NT2, PGV, QTP, PPC, HND,... lại chứng kiến mức tăng điểm mạnh mẽ hơn. Đáng chú ý, hầu hết cổ phiếu nhiệt điện đều bật tăng từ gần 20% - 40% tính từ đầu năm và hiện đang giao dịch quanh vùng giá cao nhất trong 5 tháng, trong đó cổ phiếu NT2 phiên vừa qua đã một lần nữa phá đỉnh lịch sử và đóng cửa tại mức 33.600 đồng/cổ phiếu.


 
 

El Nino gây ra thời tiết nóng hơn, nhiệt điện được “hưởng lợi”

Tại Hội nghị phát động tiết kiệm điện toàn quốc năm 2023, do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 22/5, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tính đến ngày 21/5, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn tại khu vực miền Bắc có lưu lượng nước về hồ rất kém. 17/47 hồ thủy điện có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mực nước chết, tần suất nước về hồ thấp nhất trong vòng 100 năm qua.

Trước tình trạng này, các nhà máy nhiệt điện sẽ phải tăng cường huy động dù đây không phải nguồn phát được ưu tiên. Theo Chứng khoán VNDirect, nhiệt điện than nội tại miền Bắc sẽ được hưởng lợi nhờ giá đầu vào thấp hơn cũng như nhu cầu tăng cao tại khu vực này trong năm 2023. Trong giai đoạn 2023 - 2024, sản lượng điện than được kỳ vọng sẽ dần cải thiện từ 8 - 12% so với cùng kỳ từ mức huy động thấp năm 2022.

Các nhà máy chủ yếu sử dụng than nội địa sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn như QTP, HND và PPC do miền Bắc có mức tăng trưởng phụ tải cao nhất cả nước do tập trung nhiều trung tâm công nghiệp lớn và đang phát triển rất nhanh. Bên cạnh đó, Trung tâm Khí hậu Thủy văn Quốc gia cũng dự báo về một mùa hè nóng hơn mức nhiệt độ tăng thêm khoảng 0,5 độ C so với mức nhiệt trung bình nhiều năm, kéo theo nhu cầu đột biến trong mùa hè.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong khi đó, thủy điện đã chính thức kết thúc pha thời tiết thuận lợi từ tháng 3/2023, tạo ra dư địa huy động cho các nguồn điện khác. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết, pha El Nino có thể sẽ xuất hiện vào nửa cuối mùa Hè năm 2023 và duy trì đến năm 2023 với xác suất từ 70 - 80%. Hiện tượng El Nino trở lại kéo theo khô hạn được dự báo sẽ khiến thủy điện không còn thuận lợi, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện trong những tháng cao điểm mùa nắng nóng, vì vậy, sản lượng thủy điện kỳ vọng sẽ giảm từ mức nền cao năm 2022.

Xu hướng nào sẽ bền vững?

Đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu điện được củng cố sau thông tin Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) công bố sẽ tăng 3% giá bán điện bình quân. Tuy nhiên, Chứng khoán Mirae Asset cho rằng việc tăng giá bán điện chưa thể tác động đến nhóm doanh nghiệp điện một cách thực sự rõ nét. Nguyên nhân bởi các công ty ngành điện thực tế đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, công ty chứng khoán này đánh giá việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu của doanh nghiệp sản xuất.

Đối với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể sẽ tác động tích cực, do hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, theo đó nhiều khả năng lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng. Với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về các doanh nghiệp phân phối điện.

Không chỉ vậy, ngành điện còn đón nhận một thông tin tích cực khác từ việc Quy hoạch điện VIII đã chính thức được phê duyệt. Theo Chứng khoán VNDirect, Quy hoạch điện VIII sẽ đẩy mạnh phát triển các giải pháp xanh hơn với nỗ lực hoàn thành các thỏa thuận trong “Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng” (JETP) đã ký kết năm 2022. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII  có thể khó thực hiện hơn Quy hoạch điện 7 điều chỉnh, do tỷ trọng nhóm điện khí và điện gió lớn, trong khi các công nghệ nhiên liệu thay thế như hydro, amoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, chưa đạt hiệu quả để đưa ra thị trường.


 
 

Đối với điện khí, dự kiến đây sẽ là nguồn điện mũi nhọn trong giai đoạn 2021 - 2030 với tăng trưởng kép đạt 26% - mức cao nhất trong số các nguồn điện chính, đồng thời chiếm 27% tổng công suất nguồn điện. Trong giai đoạn 2030 - 2050, tăng trưởng kéo điện khí sẽ chậm lại đạt 4%, chiếm 15% tổng công suất. Đặc biệt, nhằm đẩy nhanh tiến độ giảm phát thải, điện khí cần phải chuyển đổi một phần nhiên liệu đầu vào sang đốt kèm hydro sau 20 năm đi vào hoạt động.

Đối với điện than, Quy hoạch điện VIII đã chính thức loại bỏ tổng cộng 13.220 MW điện than, qua đó đánh dấu hồi kết sớm cho nguồn điện này. Phương án phát triển nguồn hiện tại cũng đã tính đến trường hợp 6.800 MW được bổ sung quy hoạch, nhưng có rủi ro không thể triển khai do những khó khăn về thu xếp vốn, bù đắp bằng việc tiếp tục nâng cao tỷ trọng điện khí và điện gió.

Trong thời gian tới, những nhà máy điện than hoạt động trên 40 năm sẽ bị loại bỏ, các nhà máy khác sẽ phải nghiên cứu đốt kèm thêm amoniac sau 20 năm hoạt động. Công suất điện than dự kiến sẽ tăng 2% trong giai đoạn 2021 - 2030 và giảm 1% trong giai đoạn 2030 - 2050, tỷ trọng giảm từ 19% tổng công suất trong năm 2030 xuống còn 4% vào năm 2050.

Đối với thủy điện, dự kiến công suất thủy điện tăng trưởng kép 1% trong giai đoạn 2021 - 2050 do nguồn điện này về cơ bản đã gần hết tiềm năng khai thác, chỉ còn dư địa để phát triển các dự án thủy điện vừa và nhỏ. Ở góc độ khác, Quy hoạch điện 8 đã mạnh dạn đề cao hơn việc phát triển các nguồn điện linh hoạt khác như thủy điện tích năng, pin lưu trữ, hay các nguồn điện sinh khối. Chứng khoán VNDirect tin rằng sự bổ trợ của các nguồn điện mới này sẽ củng cố sự ổn định cho hệ thống điện Việt Nam trong dài hạn.

Đối với năng lượng tái tạo, việc phát triển điện gió dự kiến sẽ là mục tiêu quan trọng nhất trong cả ngắn hạn và dài hạn, đặc biệt khi Việt Nam có những động lực nhằm đạt được những tiêu chuẩn của JETP đề ra nỗ lực huy động được những nguồn vốn xanh và rẻ. Theo đó, điện gió sẽ tăng trưởng kép 25% trong giai đoạn 2021 - 2030 và 6% trong 2030 - 2050, lần lượt chiếm 13 và 14% tổng công suất trong 2 giai đoạn này.

Thêm vào đó, dự kiến Việt Nam sẽ đưa vào vận hành 6.000 MW điện gió ngoài khơi đầu tiên trong 2021 - 2030, sau đó sẽ bắt đầu phát triển mạnh hơn nguồn điện này với tăng trưởng kép đạt 15% trong giai đoạn 2030 - 2050, chiếm 16% tổng công suất nguồn điện.

 Mặt khác, sau giai đoạn 2020 - 2021 phát triển ồ ạt, tăng trưởng công suất điện mặt trời dự kiến sẽ chậm lại từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên, Quy hoạch điện VIII vẫn khuyến khích phát triển không giới hạn điện mặt trời với mục đích tự tiêu thụ. Theo đó, dự kiến công suất điện mặt trời sẽ tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn 2021 - 2030 và tăng trưởng mạnh trở lại 15% từ năm 2030 trở đi, và trong năm 2050 chiếm 33% tổng công suất nguồn điện.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch tới, Chứng khoán Yuanta cho rằng, VN-Index có thể điều chỉnh trong phiên kế tiếp và kiểm định lại vùng hỗ trợ 1.090 - 1.095 điểm, đây cũng là vùng khoảng trống tăng giá được hình thành trong phiên 5/6 vừa qua. Nhóm phân tích đánh giá áp lực điều chỉnh có thể gia tăng ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ nên nhà đầu tư hạn chế mua vào hai nhóm cổ phiếu này ở vùng giá hiện tại.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

45 phút trước

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

1 giờ trước

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Mục tiêu tổng doanh thu năm 2024 tăng 11%, đạt 11.653 tỷ đồng

2 giờ trước

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 26%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

4 giờ trước

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng công nghệ mới

5 giờ trước