Chứng khoán Mỹ xanh rực sau tín hiệu lãi suất từ Chủ tịch Fed

Thứ tư, 01/12/2022-11:12
Thị trường chứng khoán Mỹ phiên 30/11 tăng điểm mạnh sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell xác nhận rằng Ngân hàng Trung ương nước này chuẩn bị giảm tốc độ chiến dịch tăng lãi suất.

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch cuối tháng 11 tăng mạnh trên diện rộng sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết, nhiều khả năng nhịp độ tăng lãi suất trong tháng 12 sẽ chậm lại, giảm bớt áp lực cho thị trường.

Cụ thể, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đã vọt lên 737 điểm, tương đương 2,18% lên gần 34.590 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tăng 3,09% lên 4.080 điểm. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite khởi sắc nhất khi thêm 4,41% và đóng cửa ở 11.468 điểm.


Dow Jones chỉ còn kém mức đầu năm 2022 khoảng 4,8%, S&P 500 còn kém 14,4% và Nasdaq Composite là 26,7%
Dow Jones chỉ còn kém mức đầu năm 2022 khoảng 4,8%, S&P 500 còn kém 14,4% và Nasdaq Composite là 26,7%

Vào chiều ngày 30/11, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã có bài phát biểu tại Brookings Institution ở thủ đô Washington cho biết: “Chúng ta đã đạt đến mức độ hạn chế hoạt động kinh tế đủ để hạ nhiệt lạm phát, nên việc giảm tốc độ nâng lãi suất là hợp lý. Thời điểm giảm nhịp độ nâng lãi suất có thể đến sớm nhất vào cuộc họp tháng 12 sắp tới”.

Ngày 13 và 14/12 tới đây, Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – cơ quan hoạch định chính sách của Fed – sẽ họp phiên tiếp theo để quyết định lãi suất và cung tiền. Thị trường tiền tệ dự báo các quan chức Fed sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản thay vì 75 điểm cơ bản trong phiên họp vừa qua.

Dù vậy, ông Powell cũng cảnh báo có thể Fed vẫn phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, có nghĩa là giữ cho lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để chiến đấu với lạm phát.

Bài phát biểu của Chủ tịch Fed đã giúp nhà đầu tư thêm lạc quan về kịch bản Fed giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ, tránh gây áp lực quá lớn lên thị trường chứng khoán. Trong phiên vừa qua, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã giảm từ mức 3,75% xuống còn 3,616%.

Đà tăng của thị trường trong phiên cuối tháng 11 lan tỏa ra tất cả nhóm ngành, trong đó, cổ phiếu công nghệ và viễn thông tăng mạnh mẽ nhất.


Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên trong phiên 30/11
Tất cả 11 nhóm cổ phiếu thuộc chỉ số S&P 500 đều đi lên trong phiên 30/11

Diễn biến khả quan của phiên giao dịch vừa qua đã giúp cho kết quả của tháng 11 thêm phần khởi sắc. Tính chung cả tháng, chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã lần lượt tăng 5,7% và 5,4%, còn Nasdaq Composite thêm 4,4%.

Ông Ed Yardeni, Chủ tịch công ty nghiên cứu Yardeni Research tin rằng nền kinh tế Mỹ có thể trụ vững giữa các đợt tăng lãi suất của Fed trong cuộc chiến chống lạm phát, có nghĩa là nền kinh tế sẽ hạ cánh mềm.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng dự báo chỉ số S&P 500 có thể chạm mốc cao kỷ lục 4.800 điểm trong năm 2023, tương ứng với mức tăng 215 so với hiện tại và nhỉnh hơn đỉnh cũ 4.797 điểm thiết lập phiên 3/1/2022.

Ngược lại, ông Mike Wilson, Giám đốc đầu tư của Morgan Stanley lại có cái nhìn bi quan hơn về thị trường chứng khoán Mỹ khi dự báo S&P 500 có thể rơi xuống mức 3.000 – 3.300 điểm trong 4 tháng đầu năm 2023 do các doanh nghiệp công bố lợi nhuận giảm sút. 

So với mức 4.080 điểm của chốt phiên 30/11, dự báo của ông Wilson thấp hơn khoảng 19 – 26%. Vị Giám đốc của Morgan Stanley cho rằng, thị trường gấu vẫn chưa kết thúc và cho biết thêm nếu dự báo lợi nhuận là đúng thì thị trường sẽ còn giảm rất mạnh.


S&P 500 kết thúc tháng 11 ở trên mốc 4.000 điểm
S&P 500 kết thúc tháng 11 ở trên mốc 4.000 điểm

Giá dầu cũng tăng mạnh

Ở diễn biến khác, trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 2,4 USD/thùng, tương đương tăng 2,8%, chốt ở 85,43 USD/thùng. Còn giá dầu WTI giao sau tại New York cũng ghi nhận tăng 2,35 USD/thùng, tương đương tăng 3%, chốt ở 80,55 USD/thùng.

Những dấu hiệu về sự thắt chặt nguồn cung, đồng USD suy yếu cũng như lạc quan về phục hồi nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc là những động lực đưa giá "vàng đen" tăng trong phiên này.

Theo báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, tồn kho dầu thô của Mỹ đã giảm 13 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 25/11, mức giảm tuần mạnh nhất kể từ 2019.

Trao đổi với Reuters hôm thứ Ba tuần này, ông Fatih Birol, Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, dự báo đến cuối quý 1/2023, sản lượng dầu thô của Nga có thể giảm khoảng 2 triệu thùng/ngày do ảnh hưởng của những biện pháp trừng phạt bao gồm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) cũng như trần giá của nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố nước này sẽ không bán dầu cho những quốc gia áp trần lên dầu của Nga.

Về nhu cầu, giá dầu nhận được sự hỗ trợ nhờ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Ngày 30/11, Trung Quốc báo cáo số ca nhiễm mới Covid-19 giảm so với ngày trước đó. Thị trường cũng đồn đoán rằng quốc gia đông dân nhất thế giới này sắp nới lỏng một số hạn chế đi lại. Một số quận ở Quảng Châu đã bắt đầu nới hạn chế vào ngày 30/11.

Bên cạnh đó, giá dầu còn được hỗ trợ bởi dự giảm giá của đồng USD sau tín hiệu giảm tốc độ tăng lãi suất từ ông Powell.

Tuy nhiên, mức độ hỗ trợ giá dầu đã bị hạn chế phần nào bởi báo cáo của EIA cho thấy nhu cầu dầu sưởi của Mỹ đã giảm tuần thứ 3 liên tiếp mặc dù mùa đông đã bắt đầu. 

Chưa kể, một nguồn tin tiết lộ với Reuters nói rằng việc OPEC+ quyết định tổ chức cuộc họp sản lượng ngày 4/12 theo hình thức trực tuyến đã cho thấy ít có khả năng nhóm này sẽ đưa ra một thay đổi nào đó về sản lượng khai thác dầu.

Trước thềm cuộc họp của OPEC+ (liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh ngoài khối gồm Nga), gần đây có một số đồn đoán cho rằng nhóm này sẽ cắt giảm sản lượng để ngăn đà giảm giá của dầu, ngoài ra cũng có một số nhà phân tích cho rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng nhằm bù đắp cho khả năng giảm sản lượng dầu của Nga.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

1 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

1 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

1 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

1 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

2 giờ trước