Chứng khoán Mỹ xanh rực sau hai phiên giảm, Nasdaq tăng 2,6%

Thứ sáu, 30/12/2022-10:12
Thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên giao dịch ngày 29/12 tăng điểm mạnh, sau khi số liệu việc làm cho thấy các đợt tăng lãi suất của Fed có thể đã bắt đầu gây sứt mẻ thị trường lao động.

Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh, thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 29/12 diễn biến khả quan khi số người xin trợ cấp thất nghiệp ở mức cao hơn dự kiến. Một nhà đầu tư kỳ vọng rằng Fed sẽ giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ nếu nhận thất thị trường việc làm đang dần suy yếu.

Theo đó, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones tăng 345 điểm, tương đương 1,05%, lên gần 33.221 điểm. Trong phiên trước đó, chỉ số gồm 30 cổ phiếu bluechip này đã đánh mất 366 điểm. Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite cũng đi lên tích cực với tỷ lệ lần lượt là 1,75% và 2,59%. So với đầu tuần, hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones đang tăng nhẹ, trong đó, Nasdaq thấp hơn khoảng 0,2%.


Dow Jones hiện nay kém 8,6% so với mức đầu năm 2022
Dow Jones hiện nay kém 8,6% so với mức đầu năm 2022

Toàn bộ 11 nhóm cổ phiếu ngành chính trong chỉ số S&P 500 cùng tăng điểm, trong đó nhóm dịch vụ truyền thông và công nghệ tăng mạnh nhất, với mức tăng gần 3%.

Cụ thể, cổ phiếu Apple bật tăng 2,83% sau 4 phiên liên tục suy giảm. "Ông lớn" sản xuất iPhone này hiện đang có vốn hóa 2.061 tỷ USD, lớn nhất thị trường chứng khoán Mỹ. Các doanh nghiệp khác đều có giá trị thị trường dưới 2.000 USD.


 
 

Ông Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Navellier & Associates gọi phiên tăng điểm ngày 29/12 là "phiên bản rút gọn một ngày của đợt tăng giá dịp giáng sinh". Đồng thời ông dự báo, thị trường trong năm mới sẽ còn biến động mạnh hơn khi có nhiều bất trắc về khả năng hạ cánh mềm và liệu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cứng rắn đến đâu để không chuyển hướng chính sách nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái sâu.

Còn nhà quản lý danh mục Keith Buchanan của Globalt Investments nhận định với hãng tin Reuters rằng, phiên giao dịch tăng này mang tính chất giải tỏa. Sức ép bán tháo đã áp đảo trên thị trường trong những phiên gần đây và các nhà đầu tư đang có một khoảng thời gian để nghỉ ngơi. Điều này cho phép giá cổ phiếu tăng lên và việc khối lượng giao dịch giảm xuống mức thấp cũng góp phần mang lại một phiên giao dịch tốt đẹp.

Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng điểm từ mở đầu phiên sáng 29/12 sau khi Bộ Lao động Mỹ cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua tăng lên. Nhà đầu tư cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Fed đã đạt thêm một bước tiến trong cuộc chiến chống lạm phát. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng thị trường việc làm của Mỹ vẫn còn thắt chặt, chứng tỏ Fed sẽ còn phải tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023.

Fed có 2 nhiệm vụ chính là ổn định giá cả và tối đa hóa việc làm. Trong trường hợp thị trường lao động suy yếu đáng kể, có thể Fed sẽ phải giảm nhịp độ thắt chặt tiền tệ trong chiến dịch chống lạm phát của mình để chuyển hướng sang ưu tiên thị trường việc làm.

Phiên giao dịch ngày thứ Sáu sẽ là phiên cuối cùng của của năm nay. Những đợt tăng lãi suất liên tiếp và quyết liệt của Fed cộng thêm việc lạm phát cao dai dẳng và tình trạng thị trường đầu cơ giá xuống đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ điêu đứng suốt cả năm. Trong đó, S&P 500 đã giảm 19,3% từ đầu năm, Nasdaq “bốc hơi” 33%, và Dow Jones giảm 8,58%.

Các cổ phiếu công nghệ, tiêu dùng không thiết yếu và dịch vụ truyền thông là những nhóm cổ phiếu tăng trưởng cao đều giảm từ 29-40% trong năm 2022, trở thành những nhóm "đỏ" nhất trong số các nhóm cổ phiếu ngành của chỉ số S&P 500.


Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều kết phiên 29/12 trong sắc xanh
Tất cả 11 nhóm ngành thuộc S&P 500 đều kết phiên 29/12 trong sắc xanh

Đây cũng là năm giảm mạnh nhất của chứng khoán Mỹ kể từ năm 2008, qua đó chấm dứt chuỗi 3 năm tăng liên tiếp.

Dẫu vậy, quý 4 vẫn là một quý khởi sắc của thị trường, với Dow Jones tăng 15,65% từ đầu quý và tiến tới chấm dứt chuỗi 3 quý giảm liên tiếp. S&P 500 tăng 7,35% trong quý, sau 3 quý liên tiếp giảm. Trong khi, Nasdaq giảm 0,92% từ đầu quý, tiến tới hoàn tất chuỗi 4 quý giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2001.

Những tờ lịch cuối cùng của năm 2022 đang rơi xuống, một số nhà đầu tư cho rằng, những khó khăn mà thị trường chứng khoán Mỹ phải trải qua trong năm nay sẽ không sớm chấm dứt. Có thể tình trạng "thị trường gấu" sẽ duy trì cho đến khi Fed xoay trục chính sách tiền tệ.

“Chưa có yếu tố nền tảng nào thay đổi cả. Chẳng qua giá cổ phiếu đã giảm sâu, và bật tăng lại mà thôi”, CEO Adam Sarhan của 50 Park Investments cho hay.

Dầu thô tụt giá vì mối lo về Trung Quốc

Trên thị trường năng lượng, giá dần đã ghi nhận phiên giảm thứ 2 liên tiếp. Triển vọng về nhu cầu tiêu thụ của dầu trở nên bấp bênh hơn vì có thêm nhiều quốc gia cân nhắc áp hạn chế đối với việc cho người Trung Quốc nhập cảnh, trong khi dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh ở quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới sau khi Bắc Kinh nới lỏng các hạn chế chống dịch.

Cụ thể, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn ở mức 82,26 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York giảm 1,13 USD/thùng, tương đương với mức giảm 0,7%, còn 78,4 USD/thùng.

Nước Anh đang cân nhắc về việc áp hạn chế đối với người nhập cảnh từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Đài Loan cũng đã áp quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh đến từ Trung Quốc.

Nhà phân tích Craig Erlam của OANDA cho biết, đang có nhiều yếu tố cùng lúc tác động lên giá dầu, bao đồm tình hình Covid ở Trung Quốc, biến động tỷ giá đồng USD, chiến tranh giữa Nga và Ukraine, khả năng sẽ có những động thái bất ngờ từ phía OPEC+ và cả các số liệu kinh tế.

“Với quá nhiều yếu tố ảnh hưởng, tôi không cho rằng ai có thể đưa ra một dự báo chắc chắn nào về giá dầu”, ông Erlam nói.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật