TS. Nguyễn Đình Cung: Động lực tạo tăng trưởng năm 2023 đang dần suy giảm

Thứ sáu, 07/01/2023-12:01
Phân tích về những bất lợi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế thế giới bùng nổ từ năm 2021, bắt đầu suy giảm vào năm 2022 và đến năm 2023 có thể suy giảm sâu. Điều này đồng nghĩa với việc, nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ giảm xuống. 

Theo Doanhnhan.vn, năm 2022 tăng trưởng GDP là 8,02% trong khi lạm phát chỉ tăng 3,15%. Các chuyên gia cho rằng, không nên quá lạc quan mà cần phải đánh giá một cách thận trọng và đúng với thực chất. Liên quan đến vấn đề này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đi theo xu hướng phục hồi và cũng đang phục hồi tương đối tốt. 

Điều đáng nói, việc Việt Nam tăng trưởng trong năm 2022 đạt 8,02% và trong quý 3 tăng gần 14% là điều hết sức bình thường bởi mức nền năm trước rất thấp. Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nước phát triển là gần 6%, trong khi tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,58%. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, là một quốc gia đang phát triển thì kể cả khi tăng trưởng GDP là 8% trong năm 2023 cũng là điều bình thường. 


Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nước phát triển là gần 6%, trong khi tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,58%
Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế toàn cầu và các nước phát triển là gần 6%, trong khi tại Việt Nam chỉ tăng trưởng 2,58%

Theo phân tích của vị chuyên gia này, có 2 yếu tố tạo nên sự bất thường trong tăng trưởng của năm 2022 và đặc biệt là trong quý 3. Yếu tố thứ nhất là do tăng trưởng của quý 3/2021 - thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp nhất - là vô cùng thấp, chỉ 6,3%. Yếu tố thứ hai, kể từ quý 4/2021, Việt Nam bắt đầu mở cửa nền kinh tế và bỏ hết những biện pháp giãn cách xã hội. Tiêu dùng nội địa bắt đầu bùng nổ kể từ quý 2/2022 sau khoảng thời gian dài bị đè nén, tạo nên động lực tăng trưởng mạnh mẽ. 

Điều đáng nói, hai yếu tố này chỉ là những yếu tố nhất thời trong 9 tháng đầu năm 2022 và không có tác động kể từ quý 4/2022 cho đến những năm tiếp theo. Trong khi đó, hàng loạt các yếu tố cả trong lẫn ngoài đang rình rập đến nền kinh tế năm 2023.  

Những yếu tố bất lợi bên ngoài

Phân tích về những bất lợi của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế thế giới bùng nổ từ năm 2021, bắt đầu suy giảm vào năm 2022 và đến năm 2023 có thể suy giảm sâu. Điều này đồng nghĩa với việc, nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ giảm xuống. 

Thời điểm hiện tại, có những doanh nghiệp đã ghi nhận lượng đơn hàng xuất khẩu giảm đến hơn 50%. Đơn hàng suy giảm buộc họ phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm giờ làm thậm chí phải sa thải lao động. Chưa kể, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá năng lượng tăng cao, khiến chi phí nhập khẩu nguyên liệu gia tăng. Hai yếu tố bất lợi kìm kẹp đã khiến lợi nhuận doanh nghiệp giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Nhiều tháng gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đã phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp khó khăn buộc nhiều dự án đầu tư phải dừng lại hoặc tiến hành chuyển đổi.  


TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế thế giới bùng nổ từ năm 2021, bắt đầu suy giảm vào năm 2022 và đến năm 2023 có thể suy giảm sâu; tức là nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ giảm xuống. Ảnh minh họa
TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, nền kinh tế thế giới bùng nổ từ năm 2021, bắt đầu suy giảm vào năm 2022 và đến năm 2023 có thể suy giảm sâu; tức là nhu cầu nhập khẩu nhiều loại hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ giảm xuống. Ảnh minh họa

Đối với thị trường trong nước, lạm phát đang ngày càng gia tăng và có nguy cơ vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Vì thế, Chính phủ đã phải áp dụng biện pháp thắt chặt tiền tệ, tài khóa. Một khi tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất sẽ tăng lên trong khi tín dụng suy giảm, gây khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp. Có những thời điểm, thị trường tài chính bị chao đảo, lung lay và có phần mất niềm tin. Trong bối cảnh như thế, hầu hết mọi người đều chọn cách dừng lại khiến thanh khoản thị trường suy giảm, dòng vốn cũng trở nên cạn kiệt.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, trong thời gian qua Thủ tướng đã làm việc tích cực với các địa phương. Tuy nhiên trong 11 tháng đầu năm 2022, con số giải ngân mới chỉ hơn 50%.  

Động lực tạo tăng trưởng 2023 đang dần suy giảm

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, những động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam đang dần suy giảm. Trong đó, động lực về xuất khẩu hiện đang suy giảm trong khi chính sách tiền tệ đang ưu tiên hàng đầu tại nhiều quốc gia là chống lạm phát, không thúc đẩy tăng trưởng; đầu tư công khó khăn cùng với nhu cầu trong nước giảm xuống do lạm phát cao và thu nhập giảm. 

Theo TS. Cung, năm 2023 sẽ khó khăn hơn, vì thế cần phải có những cải cách đột phá để tạo động lực mới. Nhìn lại kinh nghiệm của Việt Nam qua nhiều thời kỳ, ông Cung đánh giá rằng, một khi có khủng hoảng thì sẽ luôn có cải cách. Cụ thể, vị chuyên gia này cho biết: “Vào thời kỳ khó khăn năm 1997-2000, Luật Doanh nghiệp được ban hành tạo đã ra một luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh. Năm 2010-2012 có Chương trình tái cơ cấu tổng thể phục hồi tăng trưởng; năm 2014, chúng ta đã có những Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02. Thời điểm hiện tại cũng rất cần có sự cải cách, đột phá như thế”.

Ông Cung nhấn mạnh, điều quan trọng là đánh giá được tình hình thực tế năm 2022, từ đó có được sự cải cách theo hướng thị trường nhiều hơn, tránh việc lạc quan một cách thái quá khi nhìn vào những số liệu đã được “tô hồng” một phần như thế. TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2023 chính là đầu tư công. 

Yếu tố này nằm trong tầm tay của Chính phủ. Điều quan trọng là có được cách tiếp cận mới, chi phối đến từ việc xây dựng và điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; từ đó phân bố cũng như lựa chọn những dự án phù hợp, triển khai thực hiện để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mang đến hiệu quả cũng như tạo động lực đột phá cho nền kinh tế. Cách tiếp cận mới này chính là với những dự án quan trọng mang tầm quốc gia hoặc liên vùng như: Dự án Vành đai 3,4 TP Hà Nội, TP HCM, Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành, cao tốc Biên Hoà – Bà Rịa Vũng Tàu,… Những dự án này cần phải có cơ chế mới, lấy hiệu quả làm thước đo đánh giá.


Ông Cung nhấn mạnh, điều quan trọng là đánh giá được tình hình thực tế năm 2022, từ đó có được sự cải cách theo hướng thị trường nhiều hơn, tránh việc lạc quan một cách thái quá khi nhìn vào những số liệu đã được “tô hồng” một phần như thế
Ông Cung nhấn mạnh, điều quan trọng là đánh giá được tình hình thực tế năm 2022, từ đó có được sự cải cách theo hướng thị trường nhiều hơn, tránh việc lạc quan một cách thái quá khi nhìn vào những số liệu đã được “tô hồng” một phần như thế

Đã là những dự án “không thể không làm” như những dự án kể trên, cơ chế đột phá là điều không thể thiếu. Đồng thời, phải tập trung vốn và nguồn lực để triển khai thật nhanh, đặt hiệu quả lên hàng đầu. Nguyên nhân bởi, nếu triển khai chậm sẽ dẫn đến tình trạng đội vốn, gây lãng phí và kém hiệu quả. Đáng chú ý, các quy định, thủ tục cuối cùng với mục đích đảm bảo hiệu quả thì nên sử dụng cách tiếp cận khác, lấy hiệu quả là thước đo; đồng thời tập trung chỉ đạo, kiểm tra cũng như kiểm soát và phối hợp giữa Trung ương và địa phương cũng như giữa các địa phương với nhau.

Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công có tác động rất lớn đến toàn bộ nền kinh tế, từ thanh khoản cho đến các tổ chức tín dụng cũng như cách tiếp cận vốn của doanh nghiệp. TS. Cung tin tưởng rằng, nếu như tháo gỡ được đầu tư công, nền kinh tế sẽ phục hồi trở lại. Ông cũng cho rằng, chỉ tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023 là dưới 4,5%, đây là thách thức rất lớn và cần phải cân nhắc, bởi không nên thắt chặt quá mức cùng lúc cả chính sách tiền tệ cùng với chính sách tài khóa trong thời điểm hiện tại. Mặt khác, nếu thắt chặt tiền tệ thì cần phải nới lỏng chính sách tài khóa và miễn thuế nhiều hơn so với giá trị Chương trình phục hồi và phát triển mà Quốc hội đã thông qua.

Năm 2023, lạm phát sẽ chủ yếu là do chịu tác động từ cả các yếu tố bên trong, bao gồm: Lãi suất tăng, tỷ giá tăng gần 10% sẽ tác động trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, chi phí đẩy nhập khẩu từ bên ngoài sẽ tác động đến sản xuất kinh doanh. Vì thế, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, trong bối cảnh khó khăn thì chính sách tài khóa chính là phương án cứu trợ duy nhất dành cho các doanh nghiệp. 

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

5 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

5 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

5 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

5 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

6 giờ trước