Tiền Phong và Bình Minh - 2 ông lớn ngành nhựa xây dựng Việt Nam hiện làm ăn ra sao?

Thứ sáu, 13/08/2022-15:08
Có thể thấy, cùng là doanh nghiệp Nhà nước được cổ phần hóa, trong khi Bình Minh hiện đã về tay của SCG (Thái Lan) thì Tiền Phong vẫn đang bàn bạc về chuyện thoái vốn Nhà nước.

Nhiều năm nay, khi nhắc đến 2 cái tên đứng đầu trong ngành nhựa xây dựng tại Việt Nam chắc chắn không thể bỏ qua Tiền Phong và Bình Minh. Nhiều người truyền nhau câu nói rằng "bắc Tiền Phong, nam Bình Minh", nếu như Nhựa Tiền Phong thống trị thị trường phía Bắc thì Nhựa Bình Minh lại làm mưa làm gió ở khu vực phía Nam. Hai "ông lớn" ngành nhựa này đã lấy đi khoảng 60% thị phần ngành nhựa xây dựng trên phạm vi cả nước, bên cạnh nhiều tên tuổi đáng gờm khác như Hoa Sen, Tân Á Đại Thành, Đệ Nhất, Đạt Hòa...

Chia nhau thống trị thị trường miền Bắc và miền Nam

Năm 1960, Nhựa Tiền Phong chính thức ra đời, ban đầu chuyên sản xuất các mặt hàng phục vụ cho thiếu niên nhi đồng. Đến năm 1990, Nhựa Tiền Phong chuyển hướng sang sản xuất ống nhựa PVC. Đến tận ngày hôm nay, cái tên Tiền Phong vẫn khiến nhiều người thổn thức bởi gắn liền với một thương hiệu đã trải qua nhiều thăng trầm của nền kinh tế Việt Nam.


Chia nhau thống trị thị trường miền Bắc và miền Nam
Chia nhau thống trị thị trường miền Bắc và miền Nam

Năm 2004, Nhựa Tiền Phong tiến hành cổ phần hóa, trở thành Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền phong. Hai năm sau đó, công ty chính thức niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán HNX với mã cổ phiếu là NTP. Tính đến thời điểm ngày 31/12/2021, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đại diện cho phần vốn của Nhà nước vẫn nắm giữ tới 37,1% cổ phần của Nhựa Tiền Phong. Trước đó, vào ngày 19/10/2021, Bộ Tài Chính đã có công văn gửi tới SCIC, đề nghị việc triển khai thoái vốn tại 3 doanh nghiệp là Tập đoàn Bảo Việt, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh và Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong. Sau đó, đại diện Nhựa Tiền Phong trả lời phỏng vấn và cho biết, tiến độ thoái vốn của doanh nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào SCIC.

Khác với Nhựa Tiền Phong, Nhựa Bình Minh ra đời muộn hơn gần hai thập kỷ. Năm 1977, Nhựa Bình Minh chính thức ra đời với tiền thân là nhà máy công ty hợp doanh nhựa Bình Minh, trực thuộc Tổng Công ty Công nghệ phẩm – Bộ Công nghiệp nhẹ. Thời điểm đó, Nhựa Bình Minh chuyên sản xuất các loại sản phẩm nhựa dân dụng cùng với một số sản phẩm ống kèm phụ kiện ống nhựa.

Năm 2004, Nhựa Bình Minh cũng tiến hành cổ phần hóa, chính thức hoạt động dưới tên gọi Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh. Hai năm sau, công ty cũng niêm yết trên sàn HOSE với mã cổ phiếu là BMP. Đầu tháng 3/2018, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã tiến hành bán đấu giá toàn bộ 24,16 triệu cổ phiếu của Nhựa Bình Minh, tương đương 29,51% vốn tại công ty này. Thời điểm đó, Tập đoàn SCG - đại gia vật liệu Thái Lan đã không giấu tham vọng của mình, sẵn sàng nâng tỷ lệ sở hữu tại Nhựa Bình Minh lên trên 50% để có thể nắm quyền kiểm soát. Tuy nhiên, thương vụ này đã không thành do một nhà đầu tư khác đã "nẫng tay trên". Tuy nhiên, SCG vẫn không bỏ cuộc và nhanh chóng đạt được mục đích của mình thông qua việc mua lại các cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán.

Tháng 4/2018, ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn SCG đưa ra thông báo, Công ty TNHH Nawaplastic Industries (công ty con của SCG) đã hoàn tất việc nâng sở hữu vốn tại Nhựa Bình Minh lên 50,9%, thâu tóm thành công doanh nghiệp nhựa này.

Đi cùng những thăng trầm của nền kinh tế đất nước, Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh nhanh chóng trở thành thương hiệu ống cùng với phụ kiện ống nhựa hàng đầu Việt Nam. Cả hai là đối thủ trực tiếp, cạnh tranh khốc liệt về việc tranh giành thị phần và chia nhau thống trị thị trường Bắc - Nam. Báo cáo phân tích cổ phiếu NTP trong quý 3/2021 của MB Securities cho thấy, Nhựa Tiền Phong đang chiếm khoảng 60% thị phần miền Bắc và 30% thị phần cả nước. Nhựa Bình Minh thì chiếm lĩnh 50% thị phần phía Nam và 30% thị phần cả nước.

Theo như tự bạch của tập đoàn SCG, Nhựa Bình Minh năm 2021 chiếm khoảng 43% thị phần ống nhựa và phụ tùng khu vực miền Nam, khoảng 5% thị phần ống nhựa và phụ tùng khu vực miền Bắc và khoảng 28% thị phần ống nhựa trong cả nước.

Cuộc chiến giữ thị phần với những kẻ "đến sau"

Theo số liệu của Nhựa Tiền Phong thi thời điểm hiện tại, trên khắp cả nước đang có khoảng 3.000 doanh nghiệp nhựa đang hoạt động. Trong đó, có tới 24% doanh nghiệp nhựa xây dựng (tương đương 720 doanh nghiệp). 

Nếu không tính những công ty có quy mô sản xuất nhỏ, sản xuất thủ công, vẫn có nhiều cái tên dù đến sau nhưng vô cùng đáng gờm như Hoa Sen hay Tân Á Đại Thành. Những doanh nghiệp này đều chú trọng vào mảng ống nhựa dân dụng như ống uPVC và ống PPR với chi phí đầu tư cho công nghệ và máy móc thấp hơn.

Với mức giá thấp hơn, chính sách chiết khấu hấp dẫn hơn cho các đại lý, những doanh nghiệp này đang cạnh tranh trực tiếp với Nhựa Tiền Phong và Bình Minh. Ví dụ, với sản phẩm ống nhựa phổ thông uPVC, Hoa Sen sẽ áp dụng tỷ lệ chiết khấu cho đại lý 35-40%, trong khi đó Nhựa Bình Minh và Tiền Phong chỉ 14-18%. Với sản phẩm ống nhựa dân dụng cao cấp PPR, tỷ lệ chiết khấu của Hoa Sen cho các đại lý là 67-69% trong khi Tiền Phong và Bình Minh 50-55%. Những chính sách này đã giúp sản lượng tiêu thụ của Hoa Sen tăng trưởng mạnh, kìm hãm đà tăng trưởng của 2 “ông lớn” ngành nhựa là Tiền Phong và Bình Minh. 

Kể từ năm 2017, sản lượng tiêu thụ của 2 “ông lớn” này đã dần chững lại, trong khi từ năm 2013 đến 2016, sản lượng tiêu thụ cả 2 doanh nghiệp tăng trưởng mạnh trên 10%/năm. Đáng chú ý, giai đoạn năm 2016-2017 cũng là thời điểm mà Nhựa Hoa Sen mở rộng địa bàn và rốt ráo chiếm thị trường.

Tháng 9/2016, Nhựa Hoa Sen chính thức Bắc Tiến, phủ tới hàng trăm đại lý phân phối, bán lẻ chỉ trong vài tháng. Trước đó, Hoa Sen cũng đã thành công trong việc giành thị phần ống nhựa miền Nam. Năm 2016, doanh thu về ống nhựa của Hoa Sen là khoảng 1.200 tỷ đồng, điều này giúp Hoa Sen trở thành doanh nghiệp sản xuất ống nhựa lớn thứ 2 ở miền Nam.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Ngỡ ngàng với cách Starbucks biến mình thành công ty Fintech

Vợ chồng Gen Z bật mí kinh nghiệm để mua được nhà 3 tỷ đồng ở Hà Nội

Tin mới cập nhật

ĐHĐCĐ Đất Xanh: Mục tiêu 3.900 tỷ đồng doanh thu thuần và 226 tỷ đồng lãi ròng năm 2024

9 giờ trước

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét và cho ý kiến 18 nội dung quan trọng

9 giờ trước

Sôi động thị trường chuyển nhượng chung cư

9 giờ trước

Quý I/2024, vốn tài trợ cho các công ty Fintech Đông Nam Á giảm 13%

10 giờ trước

ĐHĐCĐ MB: Tăng trưởng lợi nhuận từ 6-8%, dự kiến chia cổ tức 20%

10 giờ trước