Thép liên tục giảm, giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm 2022 - thị trường trong nước đang phải chịu áp lực mạnh từ nhiều yếu tố

Thứ tư, 06/07/2022-00:07
Trong tháng 5 năm 2022, giá trị xuất khẩu xi măng của Việt Nam giảm mạnh. Bên cạnh đó, ngành xi măng còn phải đối diện với chi phí đầu vào tăng như giá nguyên liệu sản xuất gồm than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu.

Giá xi măng tăng 3 lần trong nửa đầu năm

Theo Nhịp Sống Kinh Tế, từ giữa tháng 6, hàng loạt doanh nghiệp xi măng đều thông báo tăng giá bán. Vicem Hải Vân điều chỉnh thêm 50.000 đồng/tấn với các loại xi măng bao và rời, xi măng Wallcem từ ngày 22/6. Cùng với Tân Quang - VVMI và Vicem Hoàng Thạch, các doanh nghiệp này đều nằm trong nhóm có mức điều chỉnh giá thấp nhất đợt này.

Các đơn vị như Norcem, Cẩm Phả, Hạ Long, Quang Sơn... đều đặt bước giá 70.000-100.000 đồng/tấn cho đợt điều chỉnh lần này. Riêng Công Thanh miền Trung tăng giá lên 140.000 đồng/tấn với bao KPK 50KG PCB40 dân dụng và bao KPK 50KG PCB30.


Hàng loạt doanh nghiệp xi măng đều thông báo tăng giá bán từ giữa tháng 6
Hàng loạt doanh nghiệp xi măng đều thông báo tăng giá bán từ giữa tháng 6

Đây là lần thứ 3 trong năm có nhiều doanh nghiệp xi măng đồng loạt tăng giá bán. So với hai đợt trước, điều chỉnh gần đây nhiều hơn hẳn về số lượng doanh nghiệp với 15 doanh nghiệp. Vào hồi tháng 3, có khoảng 13 doanh nghiệp xi măng chọn tăng giá. Nửa cuối tháng 5, thị trường ghi nhận thấy khoảng 10 đơn vị tham gia điều chỉnh.

Tuy nhiên, biên độ tăng lần này thấp hơn so với đợt tháng 3. Ở thời điểm đó, các doanh nghiệp chủ yếu tăng giá xi măng lên khoảng 100.000 đồng/tấn, có đơn vị nâng giá đến 150.000 đồng/tấn. Còn so với mức tăng thêm từ 60.000-80.000 đồng/tấn vào hồi tháng 5, đợt điều chỉnh này có bước giá cao hơn.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2022, giá xi măng tăng 13,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 3% so với quý IV năm ngoái.

Tương tự, trong tháng 5, các loại vật liệu xây dựng khác như cát vàng tăng khoảng 20.000 đồng/m3; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; các loại đá xây dựng như đá đen, đá xanh, sỏi xây dựng tăng khoảng 10.000 đồng/m3. Giá các mặt hàng trang trí nội thất tăng lên khoảng 20% so với thời điểm đầu tháng 4.

Bộ Xây dựng nhận định rằng, dù đang chịu áp lực dư cung nhưng ngành xi măng đang phải đối mặt với chi phí giá nguyên liệu sản xuất đầu vào như than, điện, vỏ bao, đặc biệt là xăng dầu... đều tăng.

Thị trường nội địa phải chịu áp lực mạnh

Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, trong tháng 5, hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đều sụt giảm mạnh, tiêu biểu là Đài Loan, Malaysia và Bangladesh đã giảm mạnh cả về lượng và giá trị... Đặc biệt, sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Philippines trong tháng 5 giảm mạnh lần lượt là 83% và 45% so với tháng 4.


Sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines trong tháng 5 giảm mạnh. Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam
Sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam sang Trung Quốc và Philippines trong tháng 5 giảm mạnh. Nguồn: Hiệp hội xi măng Việt Nam

Dự báo xuất khẩu xi măng chịu áp lực lớn khi nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này tại Trung Quốc sụt giảm do dịch Covid-19. Được biết, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong năm 2021.

Với việc thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng, suy giảm nhu cầu xi măng khiến cho các doanh nghiệp xi măng chuyên xuất khẩu như Vissai Ninh Bình, Thành Thắng, Hoàng Mai... sẽ tập trung dồn lực vào thị trường trong nước và tạo ra áp lực lớn với các doanh nghiệp phụ thuộc chính vào thị trường nội địa.

Trong khi đó, Philippines vẫn đang tiếp tục phiên xử chống bán phá giá mặt hàng xi măng nhập từ Việt Nam. Bên cạnh đó, nhập khẩu vào thị trường này cũng bị ảnh hưởng do vận tải biển khó khăn và giá cước cao.

Theo Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), trong tháng 5, sản lượng tiêu thụ xi măng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu ước tính đạt 9,27 triệu tấn, tăng khoảng 3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 5 tháng đầu năm, tổng lượng xuất khẩu đạt gần 16 triệu tấn, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá trị xuất khẩu, trong giai đoạn này cung đã có sự sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt hơn 48,8 triệu USD, so với tháng 4, giảm 57%.

Tương tự, theo báo cáo của CTCK Mirae Asset, các doanh nghiệp xi măng tiếp tục chịu áp lực từ phía thị trường xuất khẩu và suy giảm nhu cầu bất động sản.


Nguồn: CTCK Mirae Asset
Nguồn: CTCK Mirae Asset

CTCK Mirae Asset dự báo xuất khẩu gặp khó, nguyên nhân do Trung Quốc vẫn duy trì chính sách Zero Covid, kèm theo đó là thị trường bất động sản của nước này đang trong trạng thái suy giảm đã khiến sản lượng tiêu thụ xi măng tại Trung Quốc giảm mạnh trong thời gian vừa qua.

Theo đó, sản lượng xi măng tiêu thụ trong quý I/2022 của Trung Quốc đạt 387 triệu tấn, giảm 15%. Trong khi, thị trường Trung Quốc chiếm hơn 40% sản lượng xuất khẩu xi măng của Việt Nam trong năm 2021.

Tại Việt Nam, hơn 55% sản lượng xi măng phụ thuộc vào ngành bất động sản, việc thị trường bất động sản gặp khó sẽ gây áp lực mạnh cho sản lượng và lợi nhuận của toàn ngành.

Đối với các doanh nghiệp xi măng, 2022 sẽ là một năm khó khăn khi chi phí nguyên liệu tăng phi mã, giá bán dù đã tăng 3 lần trong những tháng gần đây nhưng vẫn chưa theo kịp mức tăng của chi phí đầu vào.

Theo Hiệp hội Xi măng (VNCA), than là nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất, thường chiếm khoảng từ 35-40% giá thành sản xuất xi măng. Trong khi đó, có đến gần 2/3 lượng than phải nhập khẩu, vì vậy, giá thành sản xuất xi măng tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào giá than trên thị trường quốc tế. Việc thiếu hụt nguồn cung than và đá vôi khiến cho các nhà sản xuất phải mua nguyên liệu ở mức giá cao từ các nhà nhập khẩu làm giảm đi biên lợi nhuận.


Giá than cốc tại Úc tăng mạnh trong năm 2022. Nguồn: CTCK Mirae Asset
Giá than cốc tại Úc tăng mạnh trong năm 2022. Nguồn: CTCK Mirae Asset

Các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga, khiến cho các công ty châu Á và châu Âu đổ xô đi tìm nhà cung cấp khác thay thế. Xung đột chính trị Nga - Ukraine đã tạo ra một cuộc khủng hoảng trên toàn cầu, làm trầm trọng thêm mối lo ngại về nguồn cung than giữa bối cảnh thị trường vốn đang rất thiếu nguồn cung, do sự gián đoạn ở các nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới là Australia và Indonesia, giữa lúc giá dầu và các mặt hàng khác cũng tăng mạnh lên mức cao nhất trong vòng nhiều năm qua.

Trong khi giá xi măng tăng, giá thép lại tiếp tục được điều chỉnh giảm xuống. Vào ngày 27/6, Hòa Phát, Việt Đức, Việt Ý... chính thức thông báo hạ giá thép xuống 300.000 đồng/tấn. Trong nửa đầu năm nay, giá thép đã hạ 7 lần với tổng mức giảm hơn 2,5 triệu đồng/tấn, tùy theo thương hiệu và chủng loại. Thép và xi măng có mối tương quan khi cả hai đều là đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.

Nếu đà giảm của thép xây dựng được kéo dài thì tiến độ của nhiều dự án có khả năng sôi động trở lại, giúp đẩy nhu cầu tiêu thụ xi măng lên cao.

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật

Sau những nhịp giảm sốc, chứng khoán bao giờ ngừng rơi?

2 giờ trước

Kỳ vọng có khung pháp lý phù hợp để quản lý tài sản ảo

3 giờ trước

ĐHĐCĐ Viettel Construction: Mục tiêu tổng doanh thu năm 2024 tăng 11%, đạt 11.653 tỷ đồng

4 giờ trước

ĐHĐCĐ Chứng khoán Tiên Phong (TPS): Kế hoạch lợi nhuận tăng trưởng 26%, phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ

6 giờ trước

Doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn, sử dụng công nghệ mới

8 giờ trước