Kim loại giảm giá mạnh nhất kể từ năm 2008

Chủ nhật, 03/07/2022-00:07
Thị trường kim loại cơ bản vừa trải qua quý giảm giá nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tính đến ngày 30/06/2022, chỉ số sàn giao dịch kim loại London đã giảm 25% so với cuối tháng 3. Thiếc là kim loại giảm giá mạnh nhất trong quý 2 với mức giảm sâu 38%, giá nhôm và đồng cũng giảm, lần lượt là gần 33% và 20%. Với mức giảm nghiêm trọng như vậy, thị trường kim loại cơ bản bị xoá sạch mọi thành quả tăng giá kể từ sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra.


Thị trường kim loại cơ bản đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất từ năm 2008
Thị trường kim loại cơ bản đang chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ nhất từ năm 2008

Trong tháng 6, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất của Trung Quốc đã tăng trưởng nhờ các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 được nới lỏng. Trên sàn giao dịch hàng hóa Thượng Hải, hợp đồng đồng giao tháng 7 kết thúc giao dịch ban ngày, tăng 0,7% lên 72.130 CNY (tương đương 10.803,56 USD)/tấn, trong phiên giao dịch trầm lắng do Sàn giao dịch kim loại London đóng cửa nghỉ lễ. Đây là lần tăng đầu tiên kể từ hồi tháng 02/2022 nhưng sự cải thiện cũng rất khiêm tốn. Ngoài đồng, các kim loại khác cũng có sự tăng nhẹ. Cụ thể, giá nhôm tăng 1,7%, giá kẽm tăng 0,8%, giá nikel tăng 2%.

Trong khi đó, sự suy thoái của thị trường bất động sản ở Trung Quốc tiếp tục kìm hãm nhu cầu kim loại. Bắc Kinh vẫn tiếp tục duy trì chính sách “zero-COVID”. Điều này đồng nghĩa với việc các thành phố của Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nguy cơ có thể bị phong toả trở lại nếu số ca nhiễm COVID-19 tăng lên. 

“Dưới tác động của chính sách ‘zero Covid’, sự suy thoái của thị trường bất động sản và niềm tin ở người tiêu dùng suy giảm, nhu cầu kim loại của Trung Quốc đã giảm mạnh trong 3 tháng vừa qua”, các nhà phân tích của Công ty BMO Capital Markets nói.


Chính sách "zero Covid" đã tác động mạnh tới thị trường
Chính sách "zero Covid" đã tác động mạnh tới thị trường

Ngoài ra, rủi ro suy thoái với nền kinh tế số 1 thế giới, thậm chí là nền kinh tế của toàn cầu tiếp tục phủ bóng đen lên thị trường kim loại. Dữ liệu gần đây cho thấy các hoạt động kinh doanh ở Đức đã suy yếu rõ rệt vào cuối quý 2.

Tại diễn đàn thường niên của Ngân hàng trung ương châu  u (ECB) diễn ra ở Bồ Đào Nha từ ngày 27 đến 29-6, ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang (Fed) và các chủ ngân hàng trung ương lớn khác đã cảnh báo, thế giới đang chuyển sang chu kỳ lạm phát cao hơn. Các nền kinh tế lớn ở thế giới phương Tây đang hướng tới cơn suy thoái tiềm tàng có thể làm giảm hoạt động xây dựng và đe dọa nhu cầu kim loại.

Trong một báo cáo được công bố vào tuần trước, các nhà phân tích của Ngân hàng Morgan Stanley nhận định, bức tranh kinh tế vĩ mô đang xấu dần đi với thị trường kim loại khi các ngân hàng trung ương quyết liệt chống các mức lạm phát leo thang. Trong khi đó, chính sách “zero-Covid” của Trung Quốc tiếp tục làm giảm nhu cầu kim loại đồng, loại kim loại quan trọng đối với ngành công nghiệp xe điện và năng lượng tái tạo.

Nhu cầu với kim loại đồng được giới kinh tế coi là thước đo sức khỏe của nền kinh tế vì kim loại này được sử dụng trong mọi ngành sản xuất, từ thiết bị gia dụng đến sản xuất xe điện. Trong phiên giao dịch sáng 30-6, giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,2%, về mức 8.254,25 đô la/tấn. Trong quý này, giá đồng giảm đến 19%, đánh dấu quý giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 3-2020.

Giá đồng giảm mạnh từ mức 10.400 đô la/ tấn vào đầu tháng do các nhà đầu tư lo ngại xu hướng tăng lãi suất nhanh chóng của các ngân hàng trung ương làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu kim loại. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cảm thấy triển vọng nhu cầu không chắc chắn do chính sách kiểm soát Covid-19 nghiêm ngặt của Trung Quốc.

“FED đang thắt chặt mạnh mẽ chính sách tiền tệ. Vì vậy, chi phí nắm giữ đồng ngày càng tốn kém”, Tom Price, nhà phân tích của Công ty Liberum, nói.

Phát biểu trước Ủy ban ngân hàng thuộc Thượng viện Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch FED Jay Powell thừa nhận kế hoạch tăng mạnh lãi suất trong trong năm nay có thể khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.


Nỗi lo trước tình hình lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng nhiều tới thị trường kim loại
Nỗi lo trước tình hình lãi suất tăng mạnh cũng ảnh hưởng nhiều tới thị trường kim loại

Thông điệp cảnh báo đó đã khiến thị trường kim loại chao đảo và giảm giá đồng loạt từ đồng cho đến nhôm.

Tom Price cho biết, nhiều nhà đầu tư mua đồng vì tin rằng đồng sẽ tăng giá trong dài hạn vì thiếu các dự án mỏ đồng mới và nhu cầu tăng cao từ ngành công nghiệp xe điện. Ông nói, dòng vốn đầu tư mạnh mẽ giúp giá đồng tăng mạnh sau cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 vào năm 2020 nhưng giờ đây, “mọi thứ đang thay đổi”.

Đà giảm giá của các kim loại cơ bản cũng lan sang lĩnh vực khai khoáng, với cổ phiếu của một số nhà sản xuất khai thác quặng sắt và đồng hàng đầu thế giới như Rio Tinto và Anglo American giảm mạnh trong tháng này.

Trước đó, sau quyết định tăng lãi suất của FED, giá của kim loại quý và kim loại cơ bản đồng loạt  lao dốc. Giá bạc sụt giảm 3,08% và đóng cửa ở mức 21,255 USD/ounce, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 1 tháng. Bạch kim có phiên giảm thứ 5 liên tiếp và lao dốc gần 4 % xuống còn mức 932,3 USD/ounce.

Kim loại quý vốn là những mặt hàng chịu ảnh hưởng mạnh nhất bởi những tác động của chính sách tiền tệ và rất nhạy cảm với sự thay đổi lãi suất, mức giảm sâu trong phiên giao dịch vừa qua không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích và đầu tư.

Có rất nhiều ý kiến cho rằng FED có thể ngay lập tức tăng mức lãi suất thêm 75 điểm cơ bản – mức tăng lớn nhất kể từ năm 1941. Tâm lý lo sợ của các nhà đầu tư đã khiến dòng tiền rút khỏi các thị trường rủi ro và thúc đẩy nhu cầu nắm giữ đồng USD có tính thanh khoản cao.

Không chỉ nhóm kim loại quý thất thế, kim loại cơ bản cũng đang chịu áp lực kép. Giá đồng COMEX đã có phiên giảm thứ 3 liên tiếp xuống mức 4,2 USD/pound. Bên cạnh đó, giá quặng sắt cũng lao dốc 3,66% và đóng cửa ở mức 134,58 USD/tấn trước áp lực về việc tăng lãi suất của Fed và những lo ngại về một đợt tái phong tỏa tại Trung Quốc.


 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025