Giá thực phẩm năm 2022: Tăng “phi mã” theo giá xăng, người dân trở tay không kịp

Chủ nhật, 03/07/2022-00:07
Sau nhiều lần điều chỉnh tăng giá, chỉ trong nửa năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã vượt ngưỡng 32.800 đồng/lít khiến giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng “ăn theo” giá xăng. Điều này khiến người tiêu dùng phải điều chỉnh chi tiêu, đặc biệt là những người lao động có thu nhập thấp.

Giá cả tăng “phi mã”

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu đã có tới 13 lần điều chỉnh. Xăng RON95 tăng 10 lần ước tính tăng khoảng 10.169 đồng/lít, 3 lần giảm tương đương giảm 2.507 đồng/lít. Sau chu kỳ 13 lần tăng, giảm giá, giá xăng RON 95 tăng hơn 7.662 đồng/lít.


Từ đầu năm đến giờ, giá xăng dầu đã có tới 13 lần điều chỉnh
Từ đầu năm đến giờ, giá xăng dầu đã có tới 13 lần điều chỉnh

Với xăng sinh học E5 RON92, Bộ Tài chính đã có 10 lần điều chỉnh giá, tăng gần 9.700 đồng/lít, 3 lần giảm giá tương ứng số tiền giảm hơn 2.514 đồng/lít, sau 13 lần điều chỉnh, xăng E5 RON 92 tăng gần 7.200 đồng/lít, có mức tăng thấp hơn so với xăng khoáng RON 95 khoảng 500 đồng/lít.

Áp lực từ chi phí nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển khiến nhiều nhóm mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đồng loạt tăng chóng mặt, đặc biệt  nhiều hàng hóa trong rổ tính CPI đang tăng theo giá xăng dầu, vì phụ thuộc vào xăng dầu như ngành dịch vụ vận tải, lương thực thực phẩm, thức ăn chăn nuôi.... Áp lực này ảnh hưởng trực tiếp tới các đại lý phân phối và người tiêu dùng.

"Chi phí xăng dầu là chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất nên nó sẽ làm tăng giá cả nhiều mặt hàng khác, vì thế khi tính toán lạm phát đừng chỉ nhìn vào chi tiêu trực tiếp cho xăng dầu tăng mà cần tính tới độ lan tỏa của tăng giá xăng dầu đối với tăng giá nhiều mặt hàng khác, thực tế này cùng giá nguyên vật liệu đầu vào đang tăng đẩy giá tiêu dùng tăng cao", PGS.TS Phạm Thế Anh, trưởng bộ môn kinh tế vĩ mô thuộc Trường đại học Kinh tế quốc dân, cho hay.


Xăng tăng giá khiến các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng tăng "phi mã"
Xăng tăng giá khiến các mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm cũng tăng "phi mã"

Theo khảo sát với các chủ cửa hàng tạp hoá, hầu hết bánh kẹo, đường sữa, mắm muối, mì tôm… đều tăng giá. Mỗi vỉ sữa tươi tăng trên dưới 1 nghìn đồng, 1 hộp sữa ông Thọ trước khoảng 18 nghìn, giờ tại đại lý đã tăng lên hơn 21 nghìn đồng,...”

Ở nhóm hàng thực phẩm thiết yếu, dầu ăn tăng giá cao nhất. Trung bình mỗi lít tăng từ 10- 20 nghìn đồng. Cụ thể như, dầu Merzan trước đây 28- 30 nghìn đồng/ lít giờ tăng lên 48-50 nghìn đồng; dầu Simply trước khoảng 45-46 nghìn đồng/lít giờ ở mức khoảng 65 nghìn đồng; dầu Neptuyn từ 40-42 nghìn đồng/lít tăng lên 60 nghìn đồng; dầu Gạo lứt từ 60 nghìn đồng/lít tăng lên 70 nghìn đồng...

Tại những chợ truyền thống, cà chua tăng 5 nghìn đồng/kg; rau muống tăng 2 nghìn đồng/mớ; trứng gà, trứng vịt tăng từ 3- 5 nghìn đồng/chục quả, đậu phụ miếng tăng 500 đồng. Riêng thịt lợn tăng không đáng kể nhưng giá các loại gia cầm lại tăng cao. 

Giá gà ta (tùy loại) trước đây dao động từ 60-120 nghìn đồng /kg thì nay lên 80- 150 nghìn đồng; vịt thịt sẵn từ 65- 70 nghìn đồng/kg giờ tăng lên 85- 90 nghìn đồng; vịt quay từ 140- 150 nghìn đồng/con tăng lên 180- 190 nghìn đồng. Ngoài ra, các loại tôm, cá nước ngọt cũng tăng nhẹ.

Chi tiêu thời “bão giá”

Cắt giảm chi tiêu chính là cách người tiêu dùng đang thực hiện giữa thời điểm lạm phát, mặt hàng nào tăng giá. Chị Hoàng Thị Ngọc chia sẻ: “Gia đình có 4 người, bình thường tôi sử dụng 1 bình gas khoảng gần 2 tháng, chủ yếu là phục vụ nhu cầu nấu ăn. Hôm trước, hết gas, như thói quen tôi gọi điện giao gas thì cửa hàng quen báo tăng lên 45.000 đồng/bình so với những lần trước tôi vẫn hay mua. Tôi có thắc mắc tại sao tăng giá ghê thế thì nhận được câu trả lời là xăng tăng, kéo theo gas cũng tăng và mối nhập của cửa hàng cũng tăng thì họ cũng buộc phải tăng giá chứ nếu không thì lỗ.

Như vậy, tính ra mỗi tháng chi phí nguyên tiền gas của gia đình tôi là 260.000 đồng. Chưa kể, ngay cả cốc cháo dinh dưỡng tôi mua cho con trai 5 tuổi ăn mỗi sáng cũng tăng từ 10 nghìn lên 14 nghìn cốc. Tôi lại hỏi vì sao tăng giá thì họ nói giá gas tăng, xăng tăng nên chi phí làm nên thành phẩm cũng tăng, buộc phải bán tăng giá”.


Các gia đình phải cắt giảm chi tiêu
Các gia đình phải cắt giảm chi tiêu

Gia đình chị Ngọc ở tỉnh, hằng ngày chị nhận đồ thủ công về làm, chồng làm thợ xây trong làng. Bình thường, mỗi tháng, chồng chị sẽ đưa 3 triệu để trang trải chi phí sinh hoạt gia đình nhưng trước cơn “bão giá” nên chỉ khoảng 20 ngày đã hết số tiền ấy.

“Mỗi lần đi chợ nào là thức ăn hàng ngày trước kia mua khoảng 70 nghìn là ăn trong 1 ngày nhưng hiện tại giá thịt, cá đều tăng nên tôi phải mua đến 100 nghìn tiền thức ăn và rau. Trong khi đó chưa tính tiền nước mắm, mì chính, gas, tiền xăng xe đi lại..2 tháng nay cứ khoảng 20 ngày là tôi tiêu hết 3 triệu, bảo chồng đưa thêm tiền thì lúc nào anh cũng gắt gỏng hỏi tiêu gì mà nhanh thế”, chị Ngọc chia sẻ.

Không chỉ các gia đình ở thành phố mà cả các gia đình ở nông thôn cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Hằng (Nam Định) cho biết có thể ở nông thôn có thể sản xuất được một số thứ như gạo, trồng được rau và nuôi được gà, cá. Nhưng một lứa gà cũng mất nửa năm mới được ăn, cũng mất tiền mua giống, tiền cám.

“Những nhu yếu phẩm cần thiết trong gia đình như nước mắm, dầu ăn, thực phẩm ăn hàng ngày thì vẫn phải mua và hiện nay thì cái gì cũng tăng. Bình thường tôi mua mì gói cũng tăng từ 32.000 đồng lên 35.000 đồng/chục. Lượng tăng mỗi món không nhiều nhưng nếu gộp lại thì mỗi chuyến đi chợ ít nhiều tăng thêm 20.000-50.000 đồng mới giật mình.

Ăn cơm mãi cũng chán thi thoảng muốn đổi món sang bún bò thì trước 8 nghìn/cân bún nay tăng 12 nghìn/cân rồi thịt bò cũng là 30.000/lạng thay vì 25.000 như trước”, chị Hằng nói.

Anh Minh Long (Yên Bái), nhân viên lắp trần thạch cao, cũng cho biết kể từ sau Tết đến giờ giá hàng hóa, thực phẩm, hàng tiêu dùng… liên tục tăng không ngừng nghỉ khiến cả gia đình anh Long đau đầu trong việc tính toán chi tiêu sao cho hợp lý.

Hai vợ chồng anh tổng thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng nhưng chi tiêu ăn uống, sinh hoạt đã mất 5 triệu và 2 triệu cho các con đi học, chưa kể bố mẹ ốm đau liên miên cũng tốn kém.

“Tiền tiêu pha sinh hoạt, ăn uống của cả nhà tiết kiệm hết mức cũng phải 5 triệu/tháng, tăng gấp rưỡi so với hồi trước chứ vợ tôi cũng “bóp miệng” chẳng dám tiêu pha thêm gì”, anh Long nói

Nói về việc để giảm chi phí sinh hoạt anh Long cho rằng giá xăng dầu nên hạ thấp hơn thì các mặt hàng cũng sẽ giảm vì có tiết kiệm hết mức thì cũng phải ăn uống để người lớn có sức đi làm, trẻ con phát triển được thể chất và trí não.
 

Theo: Reatimes.vn
Copy link
Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025

Tin mới cập nhật

Chuyên gia World Bank: Cải cách cơ cấu đóng vai trò thiết yếu để duy trì triển vọng tăng trưởng trong dài hạn

37 phút trước

Đầu tư vào AI giúp cổ phiếu SoftBank phá đỉnh lịch sử

1 giờ trước

Quý I/2024, doanh số bán lẻ trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử tăng trưởng “đột phá”

1 giờ trước

Cần tiếp cận rộng rãi và tổng thể hơn với Fintech?

1 giờ trước

FPT bắt tay Nvidia xây nhà máy AI 200 triệu USD tại Việt Nam

1 giờ trước