Giá cước vận tải "đổi chiều" giảm mạnh, doanh nghiệp logistics vẫn gặp khó

Thứ năm, 20/10/2022-22:10
Mặc dù giá cước vận tải biển đã "đổi chiều" giảm so với 2 năm đại dịch Covid-19, tuy nhiên chi phí kho bãi cao cộng thêm sự thiếu hụt về nhân sự... khiến cho các doanh nghiệp logistics kêu vẫn gặp khó.

Giá cước vận tải hạ nhiệt

Chia sẻ tại diễn đàn sáng ngày 19/10 mới đây, các doanh nghiệp logistics cho biết, kể từ tháng 8, giá cước vận tải biển đã "đổi chiều" so với thời điểm 2 năm đại dịch Covid-19. Cuối năm 2021, giá cước vận chuyển một container hàng tuyến xa như từ Việt Nam đi Canada, Mỹ sẽ khoảng 18.000-26.000 USD. Tuy nhiên, chi phí này hiện đã giảm xuống còn 2.000-5.000 USD. Tương tự giá cước Việt Nam - Trung Quốc cũng giảm 30-50 triệu đồng một container còn khoảng 8-15 triệu đồng. Giá cước các tuyến nội địa cũng giảm về sát mức thông thường.

Với mức giá này, các doanh nghiệp có thể tiết giảm chi phí thêm đơn hàng. Tuy nhiên, ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) cho rằng, chi phí lưu kho bãi trên thị trường logistic của Việt Nam vẫn cao trong khi nguồn cung chưa đủ đáp ứng, nguồn nhân lực thiếu hụt.

Cùng quan điểm, bà Lê Thị Ngọc Diệp, Giám đốc thương mại Công ty SLP Việt Nam cho biết, chi phí kho bãi tại Việt Nam đang bị đẩy giá vận chuyển tăng cao, dẫn đến khó cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực. Cùng với đó, quy hoạch về cảng biển, kho bãi của Việt Nam cũng chưa được quy chuẩn và còn phân tán.


Từ tháng 8, cước vận tải biển đã "đổi chiều" so với 2 năm đại dịch Covid-19
Từ tháng 8, cước vận tải biển đã "đổi chiều" so với 2 năm đại dịch Covid-19

Trên thực tế, hệ thống kho bãi được quy hoạch chủ yếu tại miền Nam và chỉ có 30% ở miền Bắc khiến việc vận chuyển hàng hóa trên cả nước gặp khó khăn cũng như ảnh hưởng đến toàn bộ việc quản trị chuỗi cung ứng nội địa và quốc tế.

Cũng theo bà Diệp, thị trường logistics Việt Nam hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp, nhưng đa phần là các doanh nghiệp hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ và chưa tiếp cận được sâu vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, các doanh nghiệp mới chỉ tham gia với vai trò thầu phụ cho các doanh nghiệp logistics ngoại.

Do đó, để thay đổi, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ 4.0 để có thể đẩy mạnh hơn năng lực. Trong đó, ngoài việc tự xây dựng, các doanh nghiệp còn có thể cùng liên kết trong chuỗi giá trị, dịch vụ để đáp ứng mọi nhu cầu vận chuyển chuyên sâu của các khách hàng.

Liên kết giữa các doanh nghiệp và địa phương

Đưa ra hàng loạt giải pháp cho ngành logistics, ông Đào Trọng Khoa, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, để phát triển được chuỗi cung ứng hiện đại cần có sự tham gia của cộng đồng cũng như sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng.

Hiện nay, các hiệp hội và liên đoàn là những đơn vị phù hợp nhất có thể đứng ra xây dựng các sàn giao dịch nhằm hỗ trợ đặt chỗ và quản lý các lô hàng một cách tự động và hiệu quả nhất. Cùng với đó, về phía chính quyền cũng cần xây dựng cảng thông minh bởi đây là mắt xích lớn của nhiều chuỗi cung ứng. Khi các cảng được quản lý vận hành thông minh sẽ giúp giải quyết tốt bài toán luân chuyển cũng như kế hoạch vận hành cho nhiều bên như nhà sản xuất, xuất nhập khẩu, hãng tài, cùng các bên liên quan khác. Ông Khoa cho biết, thế giới đang phát triển hệ thống nền tảng mở cho các bên kết nối và phân phối thực hiện các nghiệp vụ nêm hoạt động logistics rất thuận lợi và giảm bớt nhiều chi phí phát sinh.


Để phát triển chuỗi cung ứng hiện đại cần có sự tham gia của cộng đồng và sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng
Để phát triển chuỗi cung ứng hiện đại cần có sự tham gia của cộng đồng và sự hỗ trợ và hợp tác của các cơ quan chức năng liên quan trong chuỗi cung ứng

Bên cạnh đó, Phó chủ tịch thường trực VLA cũng đề xuất hàng loạt các chính sách để hỗ trợ ngành dịch vụ logistics phát triển. Trong đó, ông kỳ vọng Chính phủ cần tiếp tục phát triển các chương trình hành động quốc gia về logistics. Thêm vào đó, chú trọng các biện pháp vĩ mô như quy hoạch tổng thể phát triển ngành để có thể tạo nền tảng phát triển dài hạn. Ngoài ra, nhà quản lỹ cũng cần có các chương trình xúc tiến thương mại dựa trên giải pháp logistics hiệu quả; nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng, đào tạo và chuyển giao các công nghệ mới.

Thêm vào đó, Chính phủ cũng cần hỗ trợ nguồn vốn cho phát triển lĩnh vực công nghệ logistics, trong đó, việc tiếp cận với nguồn vốn và giải ngân phải theo quy định có tài sản đảm bảo nhưng vẫn dựa trên tính khả thi và hiệu quả kinh doanh do ứng dụng công nghệ, đúng theo tinh thần của quỹ; các địa phương cũng cần chủ động đưa ra mức ngân sách hay quỹ hỗ trợ của địa phương, đặc biệt là hoạt động khởi nghiệp - đổi mới sáng tạo...

Trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kinh ngạch đạt 557,93 tỷ USD, xuất khẩu đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập khẩu đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%; đặc biệt, xuất siêu đạt 6,77 tỷ USD. Các chuyên gia cho rằng, nếu so sánh với một số quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Philippines… thì năng lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào xuất nhập khẩu là rất lớn.

Theo bảng xếp hạng của Agility năm 2022, thị trường Logistics Việt Nam đứng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2022 – 2027 được dự báo đạt mức 5,5%, song song cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của toàn nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.


Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển, logistics cùng chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam vươn lên trở thành một trong những thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Đặc biệt với sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam với hàng loạt "ông lớn" như Shopee, Lazada hay Tiki… đã trở thành một cơ hội đầy tiềm năng để các tập đoàn đầu tư cũng như phát triển cơ sở hạ tầng kho vận hiện đại đồng hành với các doanh nghiệp trong việc phát triển chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp logistics của Việt Nam cũng đang từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng công nghệ mới... nhằm gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chia sẻ:

Cùng chủ đề

Tại sao thị trường chứng khoán phản ứng tiêu cực trong 2 phiên đầu tuần?

ĐHĐCĐ Techcombank: Mục tiêu lợi nhuận năm 2024 đạt hơn 27.000 tỷ đồng

Cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp vẫn duy trì sức hút

Giải bài toán “đại chúng hóa” sản phẩm đầu tư

Những xu hướng mạng xã hội nào sẽ “định hình” doanh nghiệp trong năm 2024

Trải nghiệm mua căn nhà đầu tiên: Người vay nợ trả dần, người trả đứt luôn 4,2 tỷ đồng

Phát triển mô hình Fintech tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Kinh tế kỹ thuật số Đông Nam Á được dự đoán đạt 300 tỷ USD vào năm 2025